05/07/2013
3669

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

 

Bài 32 –  PHỤNG VỤ LÀ CÔNG TRÌNH CỦA BA NGÔI

“Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34)

1. MỞ ĐẦU

a. Phút thánh hóa

- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Giáo Lý Viên gợi ý vắn tắt vài lời (tùy nghi thay đổi): Để bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa của con người, cần phải có phụng vụ - là những cử hành chính thức của Hội Thánh, qua đó con người được Chúa thần hóa và ban ơn. Tác nhân chính trong những cử hành phụng vụ chính là Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế phụng vụ được gọi là công trình của Chúa Ba Ngôi.

- Hát: CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN: Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con, ban xuống cho con hồng ân chan chứa trau dồi cho đáng ngôi thánh đường. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba đoái nghe lời con thiết tha, tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thẳm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

b. Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung bài giáo lý, những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết

- Ôn bài cũ: Trước khi tìm hiểu bài giáo lý hôm nay, các em dành 15 phút ôn lại bài cũ bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây:

1.  Phụng vụ là gì? Và phụng vụ có vị trí nào trong Hội Thánh?

2. Em hãy kể những cử hành nào được gọi là phụng vụ?

- Giáo lý viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài giáo lý tuần trước: Phụng vụ là những cử hành chính thức của Hội thánh gồm có: Thánh Lễ, Bí tích – Á bí tích và phụng vụ giờ kinh. Những cử hành phụng vụ này dùng để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người.

- Giáo lý viên giới thiệu chủ đề bài mới: Bất kỳ một tác phẩm nào, dù lớn hay nhỏ, giá trị hay ít giá trị… đều phải có tác giả sáng tạo ra nó. Ví dụ một tòa nhà cao tầng hoặc túp lều đơn sơ nhỏ bé… tất cả đều phải có người đưa ra ý tưởng và hiện thực ý tưởng đó. Nhìn ở góc độ này, phụng vụ chính là tác phẩm của Thiên Chúa. Nói cách khác: Phụng vụ là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vì là công trình của Ba Ngôi, cho nên từng Ngôi một có vai trò vị trí đặc biệt khác nhau trong những cử hành. Qua bài giáo lý hôm nay, hy vọng các em sẽ hiểu rõ và nắm vững vàng hơn về hoạt động của Ba Ngôi trong phụng vụ.

- Lắng nghe lời Chúa: Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô (Ep 1,3) (GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)

Chúc tụng Thiên Chúa là Thân phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân cho ta được hưởng muôn vàn ân phúc của Thánh Thần. (Đó là Lời Chúa / tạ ơn Chúa)

Lời Chúa các em vừa nghe được trích trong thư của Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu ở Êphêsô, đã phần nào giúp chúng ta liên tưởng đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Sau khi nghe câu lời Chúa này, các em thử cho biết: Chúa nào? Ngôi thứ mấy được nhắc đến đầu tiên trong câu Kinh Thánh, kế đến là những Ngôi nào được nói đến? Và tại sao Lời Chúa phải nhắc đến thứ tự này? Sao lại không trưng dẫn theo một thứ tự khác? (các em suy nghĩ, Giáo lý viên gợi ý cho các em, các em phát biểu trả lời)

Trả lời và giải thích cho các em:

Ngôi Thứ Nhất là Chúa Cha được nhắc đến trước tiên trong câu Kinh Thánh, kế đến là Chúa Con, và sau cùng là Chúa Thánh Thần. Sở dĩ nhắc đến thứ tự này là vì: Chúa Cha là nguồn phát sinh mọi ân sủng (ơn Chúa). Chúa Con là trung gian chuyển tải ân sủng của Chúa Cha cho con người. Và sau cùng Chúa Thánh Thần giúp con người đón nhận được ân sủng (ơn Chúa) qua những cử hành phụng vụ.

- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý: Phụng vụ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì Chúa Cha đổ tràn phúc lành trong Đức Kitô và trao ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Trong phụng vụ: Chúa Thánh Thần chuẩn bị cộng đoàn gặp gỡ Đức Kitô, nhắc nhớ và bày tỏ mầu nhiệm Đức Kitô, làm cho mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong hiện tại và xây dựng tình hiệp thông trong Hội Thánh.

- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu: Phụng vụ là công trình của Ba Ngôi. Vậy Chúa Cha là nguồn mạch mọi ân sủng nghĩa là gì? Vì sao Chúa Con là trung gian chuyển tải ân sủng từ Chúa Cha đến con người? Và Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị cho con người cử hành phụng vụ và đón rước Đức Giêsu và ơn Chúa như thế nào?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

a. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Chúa Cha là nguồn mạch mọi ân sủng nghĩa là gì?

Để có thể hiểu được vấn đề này, chúng ta có thể dùng kiến thức về giải phẫu sinh lý người để làm sáng tỏ. Các em thử trả lời xem: Máu người (hồng cầu) được sinh ra từ đâu? (Các em tập suy nghĩ, nhận xét, lượng giá và trả lời)

Đúc kết phần nhận định, lượng giá của các em: Khi còn trong lòng mẹ, thì gan, lá lách và hạch là nơi sản sinh hồng cầu (thành phần chính làm thành máu người). Sau khi ra khỏi lòng mẹ, hồng cầu của con người chỉ được sản sinh từ tủy xương. Máu con người lưu chuyển khắp cơ thể, tuy nhiên chỉ có một nơi duy nhất sinh ra được máu là tủy xương.

Hình ảnh này phần giúp làm sáng tỏ điểm giáo lý: Chúa Cha là nguồn mạch mọi ân sủng. Ân sủng hay ơn phúc của Thiên Chúa ban cho con người phong phú và đa dạng như: Ơn được tha tội, ơn Thánh Thần, ơn phục vụ, ơn khôn ngoan, ơn làm con Chúa, ơn hoán cải… tất cả những ơn này xuất phát từ một nơi duy nhất là Chúa Cha. Cũng giống như máu có mặt khắp cơ thể, nhưng chỉ được sinh ra từ một nơi duy nhất là tủy xương của con người.

Các em cần nhớ lại nội dung đức tin căn bản của người Công giáo là đức tin Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế khi nói: Chúa Cha là nguồn mạch mọi ân sủng, chúng ta đừng nghĩ chỉ có một mình Chúa Cha, nhưng bao hàm nơi đó có cả Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế mà phụng vụ là công trình của Ba Ngôi là như vậy. Ở đây (trong phụng vụ) khi nói đến Chúa Cha, các em cần nhớ Ngài là nguồn mạch mọi ân sủng. Còn Chúa Con thì sao?

b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Vì sao Chúa Con là trung gian chuyển tải ân sủng từ Chúa Cha đến con người?

Các em thử suy nghĩ vấn đề sau : Để cho máu con người có mặt khắp cơ thể thì phải cần đến cơ quan nào trong thân thể con người ? (Các em tập suy nghĩ, nhận xét, lượng giá và trả lời)

Giải thích và đúc kết phần nhận định, lượng giá  của các em:

Để cho máu có mặt khắp cơ thể con người, phải cần có trái tim bơm và đẩy máu đi khắp cơ thể. Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha, là hiện thân của tình thương, tình yêu mà Chúa Cha gởi đến cho con người. Ân sủng lúc nào cũng tràn đầy nơi Chúa Cha. Tuy nhiên để ân sủng này đến được với con người (giống như máu được bơm đi khắp cơ thể, phải cần nhờ đến cơ quan là tim) phải cần đến Chúa Giêsu là trung gian, là trái tim, là nhịp cầu nối kết và ban ân sủng của Thiên Chúa cho con người, cũng giống như trái tim là nhịp cầu nối dẫn hồng cầu được sinh ra từ tủy đến khắp cơ thể con người.

Để hiểu rõ tính chắc chắn của nhịp cầu ân sủng duy nhất này, chúng ta cần nhắc lại: Con Thiên Chúa xuống thế làm Người, tên là Giêsu (nghĩa là Thiên Chúa Cứu Độ). Ngài còn được gọi là Đấng Kitô, nghĩa là được Thiên Chúa dùng Thánh Thần xức dầu tấn phong Ngài làm vua, tư tế và ngôn sứ. Ngài có một sứ vụ là cứu chuộc loài người và thiết lập Nước Thiên Chúa. Trong sứ vụ cao cả đó, Ngài mạc khải cho chúng ta thấy thần tính của Ngài qua các phép lạ Ngài làm, qua biến cố khổ nạn-phục sinh và lên trời vinh hiển của Ngài. Vì thế, chúng ta tin nhận Ngài có đầy đủ uy quyền tối cao và thần tính của Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta tin rằng: trong phụng vụ Ngài đã hoàn thành và biểu lộ một cách đầy đủ trọn vẹn mầu nhiệm Vượt qua, để trao ban ân sủng của Ngài cho chúng ta.

Chúng ta cần đến Chúa Giêsu là trung gian, bởi vì Chúa Con vừa là Chúa vừa là Người trong một Ngôi Hai duy nhất là Giêsu. Bản tính Thiên Chúa của Ngôi Hai giúp Chúa Con tiếp xúc và ở trong Chúa Cha, để từ đó nhận ân sủng từ Chúa Cha, sau đó ban phát lại cho con người qua hành động cụ thể trong phụng vụ (tái diễn lại cái chết trên thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu để ban ân sủng). Nói cách khác nơi Chúa Con, bản tính Thiên Chúa giúp Ngài ở trong Chúa Cha, còn bản tính nhân loại giúp Ngài đến với con người. Từ đó ơn Chúa Cha đổ tràn qua Chúa Con và đến với con người. Vì thế trong phụng vụ khi nói đến Chúa Con, các em cần nhớ: Chúa Con được Chúa Cha đổ tràn phúc lành, là trung gian chuyển tải ân sủng từ Chúa Cha đến với nhân loại. Còn Chúa Thánh Thần thì sao?

c. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Chúa Thánh Thần chuẩn bị tâm hồn, chuẩn bị cho con người cử hành phụng vụ và đón rước Đức Giêsu, đón nhận ơn Chúa như thế nào?

Để giải thích cho các em hiểu rõ vấn đề này, chúng ta trở lại với chức năng của một số bộ phận trong cơ thể con người. Tủy xương là nguồn gốc sinh ra hồng cầu (thành phần chính tạo nên máu). Tim có nhiệm vụ co bóp bơm máu đến để nuôi sống và duy trì hoạt động cho các bộ phận trong cơ thể. Phổi thì có nhiệm vụ lấy dưỡng khí ôxi, đồng thời đưa dưỡng khí này vào máu, vào não… đồng thời lấy khí độc (thán khí CO2 thải ra ngoài). Vậy tủy là nguồn gốc sinh ra hồng cầu (tế bào máu). Tim là trung gian chuyển máu đến các cơ quan trong cơ thể và Phổi cung cấp dưỡng khí để cho máu được vận chuyển cũng như những dưỡng chất được chuyển hóa (ví dụ: cơm, cá, rau, thịt…)

Cách chung vai trò của Chúa Thánh Thần trong phụng vụ giống như lá phổi trong cơ thể con người (cách riêng mỗi cử hành phụng vụ Chúa Thánh Thần có vai trò riêng, phần này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ qua từng bí tích). Nghĩa là Chúa Thánh Thần mang hơi thở, mang dưỡng khí vào trong tâm hồn con người, làm cho tâm hồn các Kitô hữu gặp được Chúa Kitô, bằng cách thúc đẩy con người mở lòng đón nhận ơn Chúa, giống như phổi lấy dưỡng khí để làm cho cơ thể con người thực hiện được khả năng trao đổi chất.

Chính vì khi phổi lấy dưỡng khí và lưu chuyển khắp cơ thể, vì thế phổi trở thành mối dây liên kết các cơ phận trong cơ thể con người lại với nhau qua dưỡng khí ôxi. Vì thế Chúa Thánh Thần còn giữ vai trò liên kết, xây dựng tình liên đới, sự hiệp thông trong Hội thánh và giữa các Kitô hữu với nhau.

Nói các khác, Chúa Thánh Thần chuẩn bị chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, nhắc nhớ và bày tỏ mầu nhiệm của Ngài và làm cho mầu nhiệm Đức Kitô (Nhập Thể, Vượt Qua, Hội Thánh và Nước Thiên Chúa) hiện diện trong hiện tại, làm cho chúng ta đụng chạm với ân sủng của Chúa Giêsu để được biến đổi.

d. Phút cầu nguyện giữa giờ

Cuộc đời của con tham dự nhiều cử hành phụng vụ: Thánh Lễ, bí tích, chầu Thánh Thể… con cứ ngỡ rằng đó chỉ là những cử hành bình thường, là những phương tiện thông thường mà Hội thánh cử hành để trao ban ơn Chúa cho con người. Giờ con hiểu được rằng bất kỳ một cử hành phụng vụ nào đều có sự hoạt động của Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Xin Chúa nhắc con biết ý thức mỗi khi tham dự một cử hành phụng vụ, xin cho con biết chú tâm, lắng động, tin tưởng và trang nghiêm. Qua đó ơn Chúa được tuôn đổ trong tâm hồn và trên cuộc đời chúng con. Amen.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

a. Sinh hoạt giáo lý

- Kỷ năng sống: MỘT VÀI CÁCH GIẢM CĂNG THẲNG

Theo thống kê của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế), trên thế giới có khoảng 20% dân số bị căng thẳng quá mức trong công việc, trong đó tỉ lệ đàn ông bị căng thẳng nhiều hơn phụ nữ.

Con người hiện nay có nhịp độ sống nhanh hơn và căng thẳng hơn, và theo đó là tình trạng khó tập trung, mệt mỏi, bệnh tật triền miên…

- Rối loạn tâm lý, căng thẳng do công việc

Hiện tượng rối loạn tâm lý phụ thuộc vào môi trường làm việc, tức do cách thức đối xử với người lao động và vào năng lực quản lý của lãnh đạo và cũng do “tâm lý cạnh tranh” của bản thân mỗi người. Một chuyên gia Pháp nhận định, ngày nay, người ta bị áp lực và mệt mỏi không chỉ do làm việc mà còn do sự gia tăng số lượng và cường độ công việc. Chuyên gia này cũng chỉ ra sự nghịch lí, là trong khi công việc đòi hỏi con người phải dấn thân nhiều hơn, thì cách thức tổ chức công việc lại không thay đổi.

Bên cạnh đó, bệnh căng thẳng quá mức trong công việc, hiện tượng rối loạn tâm lý còn là nguồn gốc của một số bệnh thể chất, như rối loạn cơ-xương hay các bệnh ngoài da. Bệnh căng thẳng trong công việc có thể dẫn đến việc nạn nhân lao vào sử dụng ma túy hay tìm đến rượu.

- Một số cách đơn giản giúp bớt căng thẳng

          Theo Science Daily, một số cách có thể giúp bạn giảm được sự căng thẳng như sau:

- Đi dạo ở những nơi yên tĩnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy 30 phút với cảnh vật xanh tươi và yên tĩnh sẽ giúp bạn dễ chịu hơn hẳn.

- Hãy nghe những bản nhạc dịu dàng hoặc những âm thanh của thiên nhiên để giảm huyết áp.

- Tạo các bài thể dục thư giãn: Bắt đầu từ chân trở lên, duỗi và thả lỏng cơ bắp ở từng phần cơ thể trong một thời gian ngắn.

- Gặp gỡ những người bạn yêu quý có thể giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ lo lắng và làm cho bạn vui vẻ hơn.

- Hãy giúp đỡ người khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy những việc làm tốt, dù nhỏ, chẳng hạn như quyên góp từ thiện… cũng giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

- Hãy bằng lòng với những gì bạn không thay đổi được. Không có lý do gì phải dằn vặt mãi quá khứ, hoặc suy nghĩ về những gì không thể thay đổi. Thay vào đó, bạn nên tập trung vào việc làm thế nào để có một tương lai tốt hơn.

- Hãy cười nhiều hơn. Không nên quan trọng hoá vấn đề, và hãy cố gắng cải thiện khả năng đối mặt với những tình huống căng thẳng bằng cách nhìn vào khía cạnh hài hước của mọi vấn đề.

- Hãy ngửi mùi hoa oải hương. Nghiên cứu cho thấy phần lớn mọi người đều cảm thấy mùi hoa oải hương rất dễ chịu và giúp ngủ ngon hơn.

- Hãy đến phòng tập thể dục vì tập thể dục giúp thúc đẩy sự hình thành chất endorphins, khiến bạn cảm thấy tự tin và dễ chịu hơn.

- Nếu trời đẹp thì hãy nằm dài ra bãi cỏ và ngước nhìn lên bầu trời, vì điều đó cho phép những hình ảnh và suy nghĩ tích cực xâm chiếm tâm trí.

- Bài hát giáo lý: GẶP GỠ ĐỨC KITÔ

          Gặp gỡ Đức Ki-tô biến đổi cuộc đời mình gặp gỡ Đức Ki-tô đón nhận ơn tái sinh. Gặp gỡ Đức Ki-tô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Ki-tô nảy sinh tình đệ huynh. Nguồn suối nếu bế tắc dòng sông mau cạn khô tình yêu không Ki-tô ôi tình yêu sao cằn cỗi, vì Chúa chính nguồn suối, nguồn yêu thương vô biên biển yêu thương nối liền các hoang đảo giữa đại dương.

          - Trò chơi : BAN NHẠC HÒA TẤU

Vòng tròn có thể được chia thành 4 nhóm:

+ Nhóm 1: Thực hiện tiếng trống “Thùng thình”“

+ Nhóm 2: Thực hiện tiếng mỏ “Tóc tóc”

+ Nhóm 3: Thực hiện tiếng đàn “Tùng tùng”

+ Nhóm 4: Thực hiện tiếng chuông “Keng keng”

Quản trò đưa tay về phía nhóm nào thì nhóm đó sẽ reo vang loại nhạc cụ mà mình được phân công

Để trò chơi thêm hứng thú, quản trò có thể điều khiển một lúc hai tay và khi đưa tay lên thì đồng loạt 4 nhạc cụ đều vang lên và ngân dài nhạc cụ của mình, quản trò chỉ tay dưới đất thì tất cả đều phát ra tiếng “Hùm hùm...” và trò chơi được tiếp tục.

b. Bài học ghi nhớ

1. Phụng vụ là công trình của ai?

Phụng vụ là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. [221]

2. Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của phụng vụ thế nào?

Chúa Cha đổ tràn phúc lành trong Đức Kitô và trao ban Chúa Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. [221]

3.  Đức Kitô thực hiện công trình nào trong phụng vụ?

Đức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua, để trao ban ân sủng của Ngài. [222]

4.  Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong phụng vụ?

Chúa Thánh Thần chuẩn bị cộng đoàn gặp gỡ Đức Kitô, nhắc nhớ và bày tỏ mầu nhiệm Đức Kitô, làm cho mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trong hiện tại và xây dựng tình hiệp thông trong Hội thánh. [223]

4. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

a. Cảm nghiệm mới: Qua bài giáo lý này, con cảm nghiệm và xác tín rằng: Bất kỳ một cử hành phụng vụ nào, đều có sự hiện diện hoạt động của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là Đấng đổ tràn ân sủng cho chúng con qua Con chí ái của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là Đấng khơi gợi, và chuẩn bị tâm hồn cho chúng con để đón nhận ơn ban của Chúa. Xin Chúa giúp con có một đời sống và một tâm hồn cao thượng, để xứng đáng cho ơn thánh Chúa đổ vào tâm hồn chúng con. Amen

b. Quyết tâm sống: Phụng vụ là cử hành thánh, trong đó con người gặp gỡ gắn bó với Thiên Chúa và Thiên Chúa thông ban ân sủng của Ngài cho từng người chúng ta. Vì thế chúng ta quyết tâm tham dự các cử hành phụng vụ thật nghiêm trang, sốt sắng sống, cụ thể qua cách ăn mặc và hành vi nghiêm trang của chúng ta.

Ban Giáo lý Giáo phận