26/06/2013
9777

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

Bài 31 –  PHỤNG VỤ

GLHTCG : 1066-1112 ; BTY : 218-220

"Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 15,16).

1. MỞ ĐẦU

a. Phút thánh hóa

- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

Giáo Lý Viên gợi ý vắn tắt vài lời (tùy nghi thay đổi): Các em thân mến, trải qua ba mươi bài giáo lý mà các em đã được hướng dẫn học tập, tìm hiểu. Tất cả những nội dung giáo lý đó nói đến những vấn đề liên quan đến đức tin như: Một Chúa Ba Ngôi, các thánh thông công, Đức Mẹ đồng trinh, thiên đàng, hỏa ngục, phán xét… Để sống và diễn tả đức tin phải cần đến nhiều cách thức khác nhau. Cách thức phổ biến và hữu hiệu nhất đó chính là Phụng Vụ - Phụng Vụ là những cử hành chính thức của Hội Thánh nhằm mục đích tôn thờ Thiên Chúa và nhờ đó Chúa ban ơn thánh hóa con người.

- Đọc Kinh Chúa Thánh Thần: Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng, chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến  Đức Chúa Trời trong lòng chúng con. Chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống, sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.

          Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời, xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các Thánh Tông Đồ, thì rày chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thánh Thần lại xuống, an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành. Vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.

b. Ôn bài cũ, giới thiệu chủ đề, nội dung bài giáo lý, những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết

- Ôn bài cũ: Trước khi tìm hiểu nội dung bài giáo lý hôm nay, và để nhắc lại bài học giáo lý của tuần trước. Các em thử trả lời câu hỏi sau: Vì lý do gì có cuộc phán xét chung dành cho con người? (Các em suy nghĩ giơ tay trả lời, hoặc GLV cho các em trả lời bằng cách viết trên giấy 15 phút đầu giờ lớp)

- Giáo lý viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài giáo lý tuần trước: Có cuộc phán xét chung là vì: Bất kỳ thụ tạo nào cũng đều có thời gian khởi đầu và kết thúc. Trái đất và vũ trụ có thời gian khởi đầu là do Chúa sáng tạo, cho nên cũng có thời điểm phải kết thúc. Kết thúc để tất cả mọi người được Thiên Chúa phán xét và tách biệt giữa người tốt và kẻ xấu, đồng thời thưởng công hoặc luận phạt công minh cho con người. Từ đó trời mới đất mới sẽ được hình thành.

- Giáo lý viên giới thiệu chủ đề bài mới: Đức tin là ơn Chúa ban giúp cho con người tin vào Thiên Chúa. Có lẽ khi các em nghe hai từ “Đức tin” các em cảm thấy điều gì đó trừu tượng (vô hình, khó tưởng tượng). Chính vì đức tin trong tâm trí, trong cõi lòng con người là vô hình. Cho nên cần đến những cử hành (những dấu chỉ bên ngoài) để diễn tả đức tin sâu kín bên trong. Những cử hành này được gọi là Phụng Vụ.

Phụng vụ là gì? Phụng vụ mang lại ích lợi gì cho tương quan giữa con người với Thiên Chúa (gọi là đời sống tâm linh tinh thần của con người)? Và ai là tác nhân chính trong những cử hành phụng vụ? Để giờ giáo lý mang lại ích lợi thiêng liêng cho chúng ta. Mời các em lắng nghe lời Chúa.

- Lắng nghe lời Chúa: Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Rôma (Rm 10,9-11; 15,16) (GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)

Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, mà lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Kinh Thánh nói: mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng. Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người phục vụ Đức Giêsu giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa. (Đó là Lời Chúa / Tạ ơn Chúa)

Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe được trích trong thư của Thánh Phaolô gởi cho các tín hữu ở thành Rôma (Thánh Phaolô là một người ngoại – người lương dân, trước đây ngài bắt các Kitô hữu, nhưng sau khi ngã ngựa trên đường lùng bắt các tín hữu, ngài đã mù mắt và từ đó cảm nghiệm về Chúa. Sau đó ngài viết bức thư gởi cho các tín hữu ở thành Rôma – Thủ đô của Nước Tòa Thánh, Giáo hội Công giáo ngày nay.)

Sau khi nghe đoạn thư này, các em thử cho biết: Nếu tin Chúa nhưng chỉ để trong lòng, thì đức tin đó có sinh ra ích lợi gì không? Và khi đức tin được biểu lộ ra bên ngoài qua những hành động tế tự thì việc tế tự đó có ý nghĩa như thế nào? (các em suy nghĩ, Giáo lý viên gợi ý cho các em, các em phát biểu trả lời)

Trả lời và giải thích cho các em:

+ Đức tin nếu chôn giấu trong lòng, thì không mang lại ích lợi gì cho đời sống người Kitô hữu. Bởi vì đức tin phải có hành động, phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng những việc làm cụ thể.

+ Khi đức tin được biểu lộ ra bên ngoài bằng những việc tế tự, thì chính việc làm tế tự này góp phần làm biến đổi (thánh hóa, thần hóa) con người trở nên tốt đẹp hơn.

- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý: Đức tin không phải để chúng ta nói với người khác là tôi tin, chúng tôi tin. Nhưng đức tin cần phải thể hiện ra bên ngoài bằng các hình thức khác nhau nữa (những cử hành tế tự) những hình thức thể hiện đó người ta gọi là phụng vụ của Hội thánh. Nhờ đức tin được tuyên xưng qua những cử hành, chúng ta được cứu độ. Nghĩa là hiến tế thập giá cứu chuộc của Chúa Kitô tiếp tục được kéo dài (hiện tại hóa) để tuôn đổ ơn ích cho phần rỗi linh hồn chúng ta.

- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu: Tại sao những cử hành phụng vụ lại sinh lợi ích cho đời sống tâm linh của người Kitô hữu? Ai là tác nhân chính trong những cử hành phụng vụ? Có phải là linh mục? Hay những thừa tác viên? Những nội dung trên, sẽ được phân tích, giải thích giúp các em hiểu rõ hơn về những cử hành phụng vụ của Hội thánh trong giờ giáo lý hôm nay.

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

a. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Tại sao những cử hành phụng vụ lại sinh lợi ích cho đời sống tâm linh của người Kitô hữu? (cho tương quan giữa con người với Thiên Chúa?)

Có một linh mục đi thăm những người nguội lạnh trong xứ đạo cha kể lại rằng: Khi cha vừa được thuyên chuyển đến một giáo xứ mới. Người ta nói cho cha biết trong giáo xứ có một người rất nguội lạnh, hơn 30 năm không hề đến nhà thờ, xưng tội rước lễ. Thế là cha ghé vào thăm hỏi, cha chưa đề cập gì đến chuyện lễ lạc thì anh liền nói. Thưa cha con là đạo dòng, con thấy lương tâm không có gì nên không cần phải đi lễ. Vả lại con đâu có lấy vợ ai, đâu phạm tội gì mà  phải đi xưng tội?

Qua câu chuyện trên, các bạn thử nói lên suy nghĩ của mình về người đàn ông nguội lạnh trong câu chuyện: Anh ta xác tín điều gì? Và cuộc sống của anh như vậy có thể làm chứng cho Đạo của Chúa Giêsu trong cuộc sống này hay không? (Các em tập suy nghĩ, nhận xét, lượng giá và trả lời)

Đúc kết phần nhận định, lượng giá của các em: Người đàn ông nguội lạnh, anh ta đã xác tín: anh là người Công giáo, nhưng anh lại sống theo lương tâm, và anh thấy không phạm tội gì trong 30 năm qua nên anh không cần thiết phải đến nhà thờ đi lễ, lãnh nhận các bí tích…

Xác tín này của anh là hoàn toàn sai lầm. Sai lầm ở chỗ: Anh là người Công giáo (người đã lãnh nhận bí tích khai tâm Kitô giáo: Rửa Tội, Thánh Thể và Thêm Sức). Vậy không có lý do gì anh sống theo lương tâm tự nhiên, đúng ra anh phải sống theo lương tâm đã được Đạo của Chúa dạy anh. Vì anh không sống theo Đạo Chúa dạy cho nên vô tình không thực hành Đạo và anh đã chối bỏ đức tin của mình, do không tham dự và lãnh nhận các bí tích. Vì các cử hành phụng vụ là cử hành của đức tin. Gồm có: Thánh Lễ, Các bí tích, Phụng vụ giờ Kinh, và các á bí tích.

Những cử hành phung vụ là hành vi xứng hợp để con người nói lên tâm tình tạ ơn dành cho Thiên Chúa, và cũng là hành vi giúp cho con người gần gũi, lắng nghe Lời Chúa, đụng chạm vào Thiên Chúa. Con người mới có thể suy nghĩ như Chúa, ước muốn như Chúa, nói năng và hành động như Chúa; Nhờ đó con người được sự thánh thiện của Chúa biến đổi (thần hóa, thánh hóa).

Như thế, những cử hành phụng vụ sinh ích lợi cho đời sống tâm linh người tín hữu là vì: Cử hành phụng vụ làm cho con người được sống trong bầu khí thánh thiêng của Chúa, được Chúa an ủi, chỉ cho thấy con đường của sự sống thật, được kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. (Bầu khí này, như hai người bạn ngồi kề bên nhau, được sống những giây phút thân tình, được chia sẻ, thông hiểu nhau, và giúp nhau làm cho đời sống của nhau nên cao thượng hơn – xem kỹ năng sống bên dưới bài học). Chính nhờ đó, con người kín múc sức thiêng liêng của Chúa và nhận lãnh được ơn ban của Chúa, để làm cho đời sống con người biến đổi. Đồng thời những cử hành phụng vụ giúp con người diễn tả và sống đức tin của mình vào Thiên Chúa.

b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Ai là tác nhân chính trong những cử hành phụng vụ? Có phải là linh mục? Hay những thừa tác viên?

Để có thể hiểu rõ được vấn đề này, các em thử phân tích một hiện tượng sau (Giáo lý viên có thể chuẩn bị sẵn dụng cụ để làm thí nghiệm này cho các em):

Lấy một cái ly nhựa màu đen và cho nước đá vào đầy ly sau đó đậy kín miệng ly lại (không còn nhìn thấy nước đá trong ly). Sau đó để ly trên dĩa và đặt dĩa có ly nước đá trên bàn. Ngồi quan sát khoảng năm phút. Các em thấy có hiện tượng gì? Các em có thể giải thích được hiện tượng đó không? (để cho các em mô tả và nhận xét)

Giải thích và đúc kết phần nhận định, lượng giá của các em: Hiện tượng vật lý xảy ra, đó là: Nước sẽ bám đầy ở phía ngoài thành ly và chảy xuống dĩa rất nhiều. Chúng ta có cảm giác như nước đá trong ly chảy ra vậy. Sở dĩ xảy ra hiện tượng vật lý trên là bởi vì: Nước đá trong ly làm cho nhiệt độ của thành ly thấp hơn so với nhiệt độ trong không khí. Chính vì nhiệt độ thành ly thấp cho nên hơi nước ở xung quanh thành ly sẽ đọng lại thành giọt nước, làm cho chúng ta có cảm giác như nước ở trong ly thấm qua thành ly chảy ra ngoài.

Nguyên nhân (tác nhân) chính yếu nhất làm cho hiện tượng vật lý này được xảy ra là gì? Đó chính là nước đá ở trong ly mà chúng ta không nhìn thấy – nước đá trong ly làm cho ly lạnh từ đó làm cho hơi nước ở thành ly đọng lại thành giọt nước.

Hiện tượng vật lý trên phần nào giải thích cho chúng ta hiểu được, tác nhân chính yếu (làm tăng trưởng đời sống tâm linh của các tín hữu) trong các cử hành phụng vụ là chính Chúa Giêsu tác động, mà chúng ta không hề nhìn thấy. Chúng ta chỉ nhìn thấy những hoạt động (những cử hành) được diễn ra, cũng giống như các em nhìn thấy hơi nước bám ở thành ly mà không hề thấy nước đá bên trong làm lạnh ly nước như thế nào.

Như thế, nguyên nhân chính yếu tạo nên sức sống thiêng liêng và sinh ơn ích làm biến đổi con người nên thánh, được sinh ra từ những cử hành phụng vụ là chính Chúa Giêsu hoạt động trong những cử hành này, mà chúng ta không thể nhìn thấy. Còn các linh mục hay những thừa tác viên, chỉ là công cụ để qua đó Chúa thông ban ơn của Chúa cho con người.

Linh mục và thừa tác viên cũng giống như vỏ ly nước, chỉ là công cụ, là phương tiện để cho hơi nước đọng lại thành giọt nước mà mọi người nhìn thấy. Còn tác nhân chính gây nên sự ngưng đọng này là nước đá bên trong thì chúng ta không thể nhìn thấy.

Kết luận: Trong các cử hành Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể (thánh lễ) và giờ kinh phụng vụ, Chúa Giêsu Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trong Hội Thánh cho đến ngày tận thế.

c. Phút cầu nguyện giữa giờ

Lạy Chúa, chúng con biết rằng chúng con rất bất xứng, không dám kêu cầu Danh Chúa, nhưng chúng con tin rằng qua việc cử hành phụng vụ cách nghiêm trang, ý thức của chúng con. Chúa sẽ rất vui lòng đón nhận và ban nhiều ơn ích thiêng liêng cho chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa đã chấp nhận những cố gắng nhỏ bé của chúng con. Amen.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

a. Sinh hoạt giáo lý

- Kỷ năng sống: HỌC CÁCH SỐNG CAO THƯỢNG (SỐNG HƯỚNG THƯỢNG)

Chấp nhận thiệt thòi và sẵn sàng tha thứ? Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ sống như vậy chưa? Hi sinh vì người khác mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì? Dường như trong cuộc sống ngày nay, rất khó để chúng ta tìm thấy một người sống theo lý tưởng mình vì mọi người. Nhưng liệu sống cao thượng có quá khó và đó có phải là “diễn suông” của một số người hay không? Mời bạn dành ít phút đọc những dòng chử này:

+ Sống cao thượng là gì?

Bạn có biết rằng, sống cao thượng là một trong những giá trị lớn mà con người hướng đến. Đừng bao giờ nghĩ rằng, sống cao thượng là sẵn sàng hi sinh vì người khác một cách mù quáng, không chút đắn đo suy nghĩ cho mình và cho những người xung quanh.

Cao thượng không phải là sống hết mình vì những người xung quanh mà là biết sống, biết tha thứ và chấp nhận lỗi lầm của những người xung quanh. Khi chúng ta cho người khác một cơ hội để chuộc lỗi lầm của họ, khi chúng ta cho người khác một cơ hội vươn lên từ đống tro tàn và giúp đỡ họ gây dựng lại cuộc đời của mình. Đó mới là sống cao thượng thật sự.

+ Tại sao phải sống cao thượng?

Sống cao thượng không chỉ là thuần phong mỹ tục mà còn là giá trị đạo đức cao cả trong lối sống cao thượng của ông cha ta. Ngày xưa, Lê Lợi, Nguyễn Trãi cấp cho quân Minh hàng ngàn cỗ xe ngựa, hàng chục tấn lương thực để họ quay về tổ quốc. Không chỉ vì thu phục lòng người mà còn thể hiện lối sống cao thượng, bao dung và sẵn sàng tha thứ của người Việt. Vậy nên, đừng cho rằng những người luôn giúp đỡ người khác, tha thứ cho người mắc lỗi là những kẻ “đạo đức giả”. Chỉ bởi vì họ tin rằng, sự cao thượng của tâm hồn con người, cứu rỗi linh hồn của những người sa ngã.

Sống cao thượng không chỉ giúp cho những người mắc sai lầm có cơ hội làm lại từ đầu và sửa chữa những sai lầm của mình. Mà còn giúp cho tâm hồn của chúng ta thanh thản. Nếu khư khư giữ sự thù hận trong lòng hay oán ghét một người nào đó, tìm mọi cách để ngăn cản họ thì chính bạn chứ không phải ai khác, cảm thấy mệt mỏi và day dứt trong cuộc sống. Vậy nên, hãy biết tha thứ cho người khác. Bạn sẽ sống hạnh phúc và thanh thản hơn rất nhiều đấy bạn ạ.

+ Thực tập sống cao thượng như thế nào?

Sống cao thượng có khó không? Nó không khó như bạn tưởng đâu. Không phải ép bản thân mình phải tha thứ cho người khác mà sự tha thứ phải đến từ trái tim của bạn. Như vậy mới là tha thứ thật sự. Bạn nói rằng bỏ qua lỗi lầm cho họ, nhưng bất cứ lúc nào bạn cảm thấy bực bội, bạn lại lôi những lỗi lầm ngày trước để bới móc, làm tổn thương lòng tự trọng của người kia. Như vậy không phải là tha thứ, mà bạn đang “sống diễn” với hai chữ cao thượng đấy.

Khi đã chấp nhận lỗi lầm của một ai đó và quyết định tha thứ cho họ, bạn hãy sống như những gì bạn nghĩ, đừng để cảm xúc lấn át lý trí để rồi vô tình đẩy người khác ra xa bạn. Chúng ta có những lúc không thể chấp nhận được nhau, không thể tha thứ cho nhau, vậy thì không nhất thiết phải tha thứ làm gì, chấp nhận làm gì. Hãy buông tay nhau ra, để đi về những hướng khác nhau, đó mới là sự cao thượng thật sự. Giải thoát cho người khác, cũng là một cách để bạn sống cao thượng và tốt đẹp hơn.

Bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể sống cao thượng, chỉ cần bạn tin vào những giá trị và chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, Bạn hãy cố gắng sống với những điều bạn tin tưởng. Hãy tha thứ và chấp nhận người khác, cũng như bao dung và rộng lương thật sự với những người xung quanh, cảm hóa họ bằng chính tấm lòng của mình.

- Bài hát giáo lý: LẮNG NGHE LỜI CHÚA

PK1: Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài gọi con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con lúc lẻ loi. Xin cho con cất tiếng lên trả lời vừa khi con nghe Chúa. Xin cho con biết thân thưa, lạy Ngài Ngài muốn con làm chi.

ĐK: Lời Ngài là sức sống của con, lời Ngài ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui. Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho trần ai.

- Bài hát sinh hoạt: GIÊ SU KI TÔ

ĐK: Giêsu Kitô con người tuyệt diệu, Giêsu Kitô người anh dấu yêu, Giêsu Kitô tương lai với Ngài. Vinh quang cho Ngài Giêsu Kitô.

PK1: Vinh quang cho Ngài cây thập giá, vinh quang cho Ngài vòng mão gai. Hy sinh suốt đời cho chúng ta. Vinh quang nơi Ngài chết là phục sinh (trở lại điệp khúc)

b. Bài học ghi nhớ

1.  Phụng vụ là gì?

Phụng vụ là việc Hội Thánh chính thức cử hành mầu nhiệm Đức Kitô, để thờ phượng Thiên Chúa và thánh hóa con người. [218]

2. Phụng vụ có vị trí nào trong Hội Thánh?

Phụng vụ là chóp đỉnh và là nguồn mạch các hoạt động của Hội Thánh, qua đó Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài. [219]

3. Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trong Hội Thánh thế nào?

Đức Kitô tiếp tục công trình cứu độ của Ngài trong Hội Thánh qua các bí tích được gọi là nhiệm cục bí tích. [GLHTCG 1076]

4. Nhiệm cục bí tích là gì?

Là sự chuyển thông ơn cứu độ của Chúa qua việc Hội thánh cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. [220]

4. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

a. Cảm nghiệm mới: Lạy Chúa Giêsu con cứ tưởng rằng những cử hành phụng vụ: Thánh Lễ, Bí tích, Giờ Kinh chỉ là những việc làm đạo đức bình thường, có khi con lại nghĩ đó là những nghi lễ bình thường của Hội thánh. Nay con học biết được rằng: Chính Chúa hoạt động và ban ơn cho chúng con qua những cử hành này, để nhờ ơn Chúa chúng con ngày một trở nên lành thánh, đạo đức tốt lành giống như Chúa.

b. Quyết tâm sống: Nay con quyết tâm sống đức tin và diễn tả đức tin của mình, qua việc tích cực tham dự những cử hành phụng vụ cách sốt sắng, nhất là mỗi khi tham dự Thánh Lễ.

Ban Giáo lý Giáo phận