GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
BÀI 30: PHÁN XÉT CHUNG
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. (Mt 25,31-32)
1. MỞ ĐẦU
a. Phút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
Giáo Lý Viên gợi ý vắn tắt vài lời (tùy nghi thay đổi): Vũ trụ này rồi cũng sẽ qua đi, sự sống trên địa cầu cũng phải kết thúc. Khi thời gian kết thúc, đó là lúc Chúa quy tụ tất cả con người lại cả người sống lẫn người đã qua đời, để tùy theo mức độ làm lành lánh dữ của họ mà Chúa thưởng công xứng đáng. (thinh lặng trong giây lát)
- Đọc kinh Tin: Lạy Chúa, con tin thật có một Đức Chúa Trời là Đấng thưởng phạt vô cùng. Con lại tin thật Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi thứ Hai đã xuống thế làm người, chịu nạn chịu chết mà chuộc tội cho thiên hạ. Bấy nhiêu điều ấy cùng các điều Hội Thánh dạy, thì con tin vững vàng vì Chúa là Đấng thông minh và chân thật vô cùng đã phán truyền cho Hội Thánh. Amen.
b. Ôn bài cũ - giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết
- Ôn bài cũ:
Để kiểm tra kiến thức giáo lý bài trước mà các em đã học, Giáo lý viên cho các em trả lời câu hỏi trắc nghiệm sau đây bằng cách chọn đáp án đúng nhất. Và câu hỏi tự luận để các em tự trả lời.
Câu 1:
Đời sống vĩnh cửu là gì?
a. Đời sống kéo dài mãi mãi
b. Đời sống mà Chúa không để cho con người phải chết
c. Đời sống giống các thiên thần.
d. Đời sống không có kết thúc, được bắt đầu sau khi chết
Câu 2:
Thiên đàng là gì?
a. Là nơi có Chúa và các thánh
b. Là đời sống hạnh phúc triền miên mãi mãi
c. Là tình trạng hạnh phúc vĩnh viễn
d. Là môi trường sống trong lành, không có đau khổ
Câu 3
: Luyện ngục là gì ?
a. Là nơi các linh hồn phải đền tội
b. Là tình trạng những người chết trong ơn nghĩa Chúa
c. Linh hồn thanh luyện trước khi hưởng hạnh phúc thiên đàng
d. b và c
Đáp án : 1-d / 2 – c / 3 - d
Câu hỏi tự luận
: Phán xét riêng là gì ? Và hỏa ngục là gì ?
- Giáo lý viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài giáo lý tuần trước:
Tuần trước các em đã tìm hiểu nội dung bài giáo lý nói về đời sống vĩnh cửu. Đời sống vĩnh cửu là đời sống bắt đầu sau khi chết và không có kết thúc. Đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc mãi mãi gọi là thiêng đàng, hoặc đau khổ vĩnh viễn gọi là hỏa ngục. Trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu, linh hồn phải trải qua cuộc phán xét riêng – phán xét riêng là cuộc gặp gỡ riêng tư giữa linh hồn người chết với Chúa Giêsu để Người phân định, lượng giá cho những việc làm tốt xấu của con người khi còn sống, từ đó mà thưởng hoặc phạt, hoặc phải đền trả.
- Giáo lý viên giới thiệu chủ đề bài mới:
Phán xét riêng là cuộc gặp gỡ riêng tư giữa một linh hồn với Chúa Giêsu. Còn có một cuộc phán xét khác – gọi là PHÁN XÉT CHUNG: Phán xét chung là cuộc phán xét cuối cùng, chung cho tất cả mọi người sau khi trời đất này qua đi (gọi là ngày chung thẩm, ngày thẩm phán). Hình thức phán xét chung như thế nào? Phán xét về những điều gì? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu qua bài giáo lý hôm nay.
- Lắng nghe lời Chúa:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 25,31-46)
(GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)
Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ? Đức Vua sẽ đáp lại rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.
Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ? Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. (Đó là Lời Chúa / Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa)
Nội dung của đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng của thánh Matthêu tông đồ nói về thời gian, không gian (khung cảnh), đối tượng (những ai?) và nội dung Chúa phán xét trong ngày tận thế là gì? (các em đọc lại Lời Chúa nghiền gẫm, suy nghĩ, trao đổi … trả lời)
Trả lời và giải thích cho các em:
+ Thời gian diễn ra phán xét chúng là: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người” nghĩa là vào ngày tận thế.
+ Không gian diễn ra cuộc phán xét là: Chúa ngự trên ngai tòa vinh hiển, có các thiên thần hầu cận và các dân nước tập hợp trước mặt Chúa, Chúa sẽ tách biệt chiên và dê (người xấu và người tốt) tách riêng ra với nhau.
+ Nội dung Chúa phán xét (điều kiện để phân biệt người tốt và kẻ xấu): Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. (Ta ở đây chính là Chúa, Chúa hiện thân qua những người bé nhỏ, người bé nhỏ là người sống liêm chính ngay thẳng, người nghèo nhưng sống tốt, người thấp cổ bé miệng nhưng sống theo lương tâm ngay thẳng)
Nội dung Chúa phán xét là việc thực thi lòng yêu thương (đức ái) giữa người với người và đức mến (giữa con người với Thiên Chúa)
- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý:
Phán xét chung là cuộc phán xét chung một lần cho hết mọi người, được diễn ra vào ngày kết thúc sự sống trên trái đất này, Chính Chúa Giêsu sẽ ngự đến vinh hiển trên ngai tòa, Chúa sẽ tách biệt và phán xét người tốt và người xấu dựa trên đời sống bác ái yêu thương khi còn sống. Sống bác ái yêu thương là dấu chỉ người tốt (là chiên), còn sống thiếu bác ái yêu thương là dấu chỉ người xấu (là dê).
- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu:
Có cơ sở để tin có ngày tận thế hay không? Vì lý do gì phải có phán xét chung? Từ Amen khi kết thúc Kinh Tin Kính cũng như trong các kinh khác, hoặc là thưa đáp Amen trong Thánh Lễ có nghĩa là gì?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
a. Cơ sở nào để tin có ngày tận thế?
Ngày tận thế là ngày kết thúc (chấm dứt) sự sống trên trái đất cũng như trong vũ trụ này. Cơ sở hay dựa vào đâu để tin chắc chắn có ngày tận thế? (Nếu em nào biết, mời em thử nói cho các bạn nghe …)
Dựa vào cơ sở khoa học và cơ sở Thánh Kinh giúp ta tin chắc chắn phải có ngày tận thế. Ngày tận thế gần nhất mà con người còn ghi chép lại trong Thánh Kinh đó là Lụt Đại Hồng Thủy, trải qua lụt đại hồng thủy chỉ có gia đình ông Nôel được cứu sống, và rồi từ đó cho đến ngày hôm nay, loài người tiếp tục sinh sôi nảy nở đầy mặt đất. Hiện nay dân số thế giới là vào khoảng hơn 9 tỷ người, trong đó có hơn 1 tỷ người công giáo. Tất cả loài người đều tin chắc chắn có ngày kết thúc sự sống trên trái đất cũng như trong vũ trụ này.
- Cơ sở khoa học: Theo tự điển bách khoa Wikipedia mặt trời là ngôi sao tự phát sáng ở trung tâm Hệ Mặt Trời (tự phát sáng do va đập, va chạm giữa các nguyên tử Hyđrô với nhau tạo ra năng lượng, năng lượng chuyển hóa thành ánh sáng). Hệ Mặt Trời gồm có trái đất, các thiên thể, các hành tinh, tiểu hành tinh, thiên thạch, sao chổi và các bụi quay quanh mặt trời. Thời gian ánh sáng truyền từ mặt trời đến trái đất là 8 phút 19 giây (khoảng 149,6 triệu kilô mét). Mặt trời cháy sáng trong khoảng gần 5 tỷ năm nữa sẽ tắt lịm (hết năng lượng).
Vậy khi mặt trời không còn cháy sáng, nghĩa là trái đất không còn nhận ánh sáng từ mặt trời, lúc này trái đất sẽ chìm trong đêm tối và giá lạnh, cây xanh không có ánh sáng để quang hợp hút thán khí Cacbonic để nhả ra dưỡng khí Ôxi cho con người hít thở. Lúc này trái đất sẽ không còn sự sống, con người sẽ chết.
- Cơ sở Thánh Kinh: Trong Kinh Thánh nhiều lần nói đến ngày tận thế qua nhiều từ ngữ khác nhau như: Trời mới đất mới, Ngày Chúa Quang Lâm, Ngày Chung Thẩm, Ngày Chúa cất chiếc khăn tang bao trùm muôn dân … và nhất là Chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu đã nói về ngày tận thế, cụ thể là trong bài Tin Mừng các em vừa nghe lúc nảy.
Vậy từ cơ sở khoa học và cơ sở Thánh Kinh (cơ sở niềm tin, đức tin, cơ sở Chúa mạc khải) chúng ta tin chắc chắn rằng có ngày tận thế. Chỉ có điều không ai biết chính xác ngày nào, giờ nào, năm nào mà thôi. Ngày tận thế gần nhất là tận thế cuộc đời mỗi con người chúng ta, đó là khi chúng ta chết – nhắm mắt tắt thở lìa đời, linh hồn lìa ra khỏi thân xác.
b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ:
Vì lý do gì phải có phán xét chung?
Chắc các em sẽ trả lời là vì: Tận thế có nhiều người chết cùng lúc, nên Chúa phán xét chung cho tất cả mọi người. Trả lời như vậy không phải là sai, nhưng chưa thấy được sứ điệp và bài học Chúa muốn dạy chúng ta qua biến cố ngày chung thẩm. Để hiểu rõ vấn đề này các em liên tưởng đến ngày tết Nguyên Đán cổ truyền của người Việt Nam chúng ta.
Vào ngày tết, con cái tụ hợp về nhà tổ - nhà cha mẹ. Nếu cha mẹ còn sống, con cái sẽ mừng tuổi cha mẹ, sau đó cha mẹ sẽ nhắc nhỡ, dạy dỗ con cháu một vài điều tốt đẹp nào đó. Sau đó cả gia đình cùng ăn chung một buổi cơm mừng năm mới với nhau. Trong buổi tiệc đầu năm của gia đình, cha mẹ sẽ hỏi thăm con cái về sức khỏe, việc làm ăn, tình trạng gia đình (hạnh phúc, đau khổ hoặc đổ vỡ…) con cái sẽ kể cho cha mẹ biết, tùy theo tình trạng của mỗi đứa con mà cha mẹ khuyên bảo khác nhau.
Sau đó con cái ra về, trước khi ra về chắc chắn nếu con cái hiếu thảo sẽ tặng quà (lì xì) cho cha mẹ mình, và nếu cha mẹ có điều kiện cũng sẽ cho con cháu vài đồng, hay giúp con cái mình một điều gì đó (lời khuyên hoặc tài sản …). Năm sau tết đến cũng trở lại giống như vậy, nếu cha mẹ qua đời, con cái tụ hợp lại xin lễ, cầu nguyện, viếng mộ cha mẹ …
Đó là một vài nét văn hóa tết Nguyên Đán cổ truyền của người Việt Nam. Các em suy nghĩ xem: Lý do gì con cái tụ hợp về nhà cha mẹ dịp tết? Nếu trong năm cũ đứa con nào biết hiếu thảo với cha mẹ (quà cáp, thăm nom, giúp đỡ, nuôi dưỡng …) khi tết về cha mẹ có thương đứa con đó không, có thưởng cho đứa con đó không? Các em suy nghĩ, trao đổi, thảo luận với nhau và trả lời)
ü
Đúc kết phần thảo luận của các em:
Lý do con cái tụ hợp đầy đủ về nhà cha mẹ để cha mẹ và con cái gặp gỡ nhau là vì: Năm hết tết đến – Nghĩa là thời gian một năm kết thúc và năm mới bắt đầu. Nếu trong năm cũ đứa con nào hiếu thảo với cha mẹ, chắc chắn cha mẹ sẽ thương yêu đứa con đó nhiều, và sẽ có phần quà cho đứa con hiếu thảo với mình.
Lý do có ngày tận thế là vì: Thời gian đã đến hồi kết thúc, Thiên Chúa là Cha muốn quy tụ tất cả con cái của mình về để Chúa là Cha và tất cả mọi người là anh em là con cái Chúa được gặp gỡ nhau và gặp gỡ Chúa. Để cùng nhau bước vào thời gian mới với đời sống mới, môi trường mới và cùng dự tiệc vui muôn đời. Đời sống mới, tiệc vui muôn đời là con cái Chúa được thông phần vào sự sống thần linh của Chúa, được an cư lạc nghiệp trong một đất nước mới gọi là: Trời Mới Đất Mới.
Để bước vào đời sống mới, Mọi người phải trình bày cho Chúa biết tình trạng đời sống của mình (gọi là phán xét chung). Nội dung mọi người phải trình bày cho Chúa biết là họ đã sống đời yêu thương nhau như thế nào? Và hiếu thảo với Chúa (mến Chúa) ra sao khi còn sống. Tùy theo tình trạng mà Chúa khuyên nhủ bảo ban, sửa dạy.
Nếu khi sống tốt đẹp, bác ái yêu thương nhau, và hiếu thảo với Chúa (hiếu thảo với Chúa là sống và giữ những điều luật Chúa truyền dạy) thì Chúa sẽ có quà tặng cho con cái là hạnh phúc mãi mãi bên Chúa là Cha Mẹ của chúng ta. Còn nếu khi sống, có những thiếu sót và sai phạm, Chúa sẽ chỉ ra chỗ sai và đòi chúng ta phải sửa chữa khắc phục ở tình trạng đền bù nơi thanh luyện. Và nếu khi còn sống chúng ta đối xử với nhau tệ bạc, tình huynh đệ anh em đổ vỡ, thiếu bác ái yêu thương nhau và nhất là bất hiếu với Chúa (bất hiếu với Chúa là tình trạng sống lỗi luật nặng Chúa dạy), thì đứa con đó phải chịu cảnh đau khổ vì suốt đời phải xa cách Cha Mẹ mình, phải sống trong tình trạng hỏa ngục đời đời.
Chúa là Cha Mẹ không bao giờ Chúa muốn cho con cái mình phải đau khổ vì xa cách Chúa, nhưng vì Chúa ban cho con người có tự do: Tự do lựa chọn hạnh phúc, tự do sống hiếu thảo với Chúa và yêu thương đối với nhau. Hoặc là bất hiếu với Chúa, ghen tuông ganh ghét nhau và thiếu tình thương đối với nhau.
c. Giải thích từ “Amen” có nghĩa là gì?
Kết thúc Kinh Tin Kính cũng như tất cả các kinh khác khi đọc xong đều kết thúc bằng từ Amen. Trong Thánh Lễ rất nhiều nơi, nhiều lần, nhiều lúc chúng ta cũng đáp Amen. Vậy từ Amen có ý nghĩa gì?
+ Amen là lời tuyên xưng đức tin (khẳng định điều mình tin)
Giải thích:
Amen là chữ Do thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng chữ Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Chúa Kitô cũng đã sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện, mà còn cả trong lúc giảng dạy để nhấn mạnh, làm nổi bật chân lý Người nói: Thật - Ta bảo thật các ngươi...” đó chính là kiểu thưa Amen.
Kinh Tin Kính là lời kinh gồm tóm những điều phải tin và tuyên xưng ra trên môi miệng những điều Hội Thánh tin. Khi tuyên xưng những điều ấy, chúng ta không tin một cách máy móc, như đọc đúng một công thức toán học, mà chúng ta “thưa vâng” một cách đầy tin tưởng, trọn vẹn và đón nhận những tín điều đó muốn diễn tả. Vì thế khi kết thúc Kinh Tin Kính bằng từ Amen có nghĩa là: Tôi tin và tôi tuyên xưng những điều tôi vừa đọc là những lời Thiên Chúa dạy, những điều Thiên Chúa hứa và tôi hoàn toàn phó thác cuộc đời tôi vào những điều tôi tin – Nghĩa là tôi phó thác vào Chúa.
+ Amen là ước nguyện và xác nhận lời ước nguyện (tin và xin cho được như vậy)
Giải thích:
Các kinh khác thực chất là những lời cầu nguyện, nó cũng diễn tả một điểm nào đó của đức tin. Vì thế khi kết thúc Amen có nghĩa là: Tôi tin điều tôi xin sẽ được Chúa nhận lời, tôi đồng ý, tôi tuyên xưng điều tôi vừa đọc. Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa “Ước gì được như vậy”. Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen. Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố: “Mình Thánh Chúa Kitô” và tín hữu thưa “Amen”. Chữ Amen ở đây có nghĩa “Vâng” Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này”. Đó là một điều chắc chắn.
+ Amen là lời tung hô sự trung tín của Chúa
Giải thích:
Trong mỗi Thánh Lễ khi chúng ta thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng: Lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính chúng ta, và chúng ta muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình. Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ Do thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín. Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa.
d. Cầu nguyện giữa giờ:
tùy nghi thay đổi, linh động …
Lời nguyện:
Con tin có ngày tận thế, ngày kết thúc sự sống trên trái đất này, con tin nhưng con không biết ngày nào giờ nào sẽ xảy đến. Chúa không cho con biết ngày giờ nào là tận thế, để Chúa nhằm thức tỉnh con luôn phải sẵn sàng, vì không biết giờ nào Chúa sẽ đến gọi con về với Chúa. Xin Chúa cho con biết lo cho phần rỗi linh hồn của mình ngay khi còn sống ở trần gian này, bằng đời sống thắm đượm bác ái yêu thương nhau và tồn thờ kính yêu một mình Chúa duy nhất. Amen.
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH
a. Sinh hoạt giáo lý
- Kỹ năng sống: ĐỂ CÓ ĐƯỢC SỰ TỰ TIN TRONG CUỘC SỐNG
Có bao giờ bạn nhìn mình trong gương và ngượng nghịu trước hình ảnh của mình chưa? Nếu đó là thói quen của bạn thì tôi khuyên bạn nên từ bỏ nó. Nếu bạn không thích chính bản thân mình thì làm sao bạn có thể tự tin vào chính mình. Và nếu bạn thiếu sự tự tin nơi bản thân thì làm sao người ta có thể tin tưởng bạn? Nhiều người, dù già hay trẻ đều thiếu tự tin vào một thứ gì đó trong cuộc sống có thể là thiếu tự tin về ngoại hình, giọng nói, lối sống, thói quen, công việc hay thậm chí là gia đình
.
Khi đi phỏng vấn, sự tự tin sẽ giúp bạn xin được việc. Hãy tưởng tượng có 2 ứng viên được phỏng vấn, một người thì tự tin, quả quyết, còn người kia thì rất lo lắng. Dĩ nhiên người thứ nhất sẽ có ưu thế hơn. Không ai có được tự tin chỉ qua một đêm, mà đó là cả một quá trình, nhưng mọi người có thể đạt được nếu họ cố gắng. Những cách sau đây sẽ giúp bạn tự tin hơn:
+ Thích chính mình:
Bước đầu tiên để tự tin hơn là phải chấp nhận và yêu thích bản thân. Bạn nên liệt kê tất cả những đặc điểm tích cực và điểm mạnh của mình trên một tờ giấy hoặc quyển sổ. Bằng cách này, bạn sẽ tự nhắc nhở rằng mình cũng có rất nhiều tố chất đáng quý như những người khác. Từ đó, bạn sẽ yêu thích bản thân và cảm thấy tự tin hơn nhiều.
+ Tập giao tiếp:
Cách rất tốt để tăng thêm tự tin là bạn hãy mạnh dạn giao tiếp với mọi người, mà việc trước tiên là nở một nụ cười với họ. Tập lắng nghe và mở miệng trao đổi, quan sát những người giao tiếp với mình về cách họ gieo tiếp.
+ Động viên bản thân và không ngừng học hỏi:
Trong bất cứ việc gì, bạn hãy luôn tự nhủ: Tôi sẽ làm được. Hãy động viên bản thân mỗi ngày và bạn sẽ thấy sự tự tin của mình không ngừng tăng lên. Một cách khác là hàng ngày sau khi đi học hoặc đi làm về, bạn nên liệt kê ít nhất 4 việc mà bạn đã làm tốt trong ngày hôm đó. Đồng thời bạn cần nổ lực học tập, trao dồi thêm kiến thức xã hội, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, chính trị, kinh tế … kiến thức và hiểu biết rộng cũng giúp bạn tự tin.
+ Vượt qua nỗi sợ hãi:
Một số người lo sợ họ sẽ không thể thành công trong bất cứ việc gì. Điều đó sẽ là một bất lợi và làm mất sự tự tin của bạn vào chính mình, thậm chí cả những việc trong cuộc sống. Để từ bỏ cảm giác ấy, bạn hãy luôn nhắc nhở mình, sẽ không làm bất cứ việc gì một khi còn nỗi lo mình sẽ thất bại. Hãy tích cực và hãy làm việc hăng say.
+ Chấp nhận nghịch cảnh và thất bại:
Nếu bạn luôn luôn khóc lóc sau những thất bại, hoặc khi đối diện với những nghịch cảnh thì bạn sẽ chẳng thể nào tiến bộ được. Hãy nhớ rằng, những sai lầm và những thất bại đã qua không thể đảo ngược lại. Một người tự tin luôn tìm cách vượt lên nghịch cảnh, họ nhìn về quá khứ để sống cho hiện tại và hướng đến tương lai. Nếu bạn thất bại một lần, không sao cả, hãy lấy nó làm bài học cho mình
.
- Bài hát giáo lý: TRONG TRÁI TIM
(Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
PK: Trong trái tim Chúa yêu muôn đời, con xin được một chỗ nghỉ ngơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi như nước mưa tan trong biển khơi, nhỏ bé thôi, nhỏ bé thôi trái tim con trong trái tim Người. Nhỏ bé thôi nhỏ bé thôi là tình con trong khối tình Người.
ĐK: Trái tim hồng Thiên Chúa trái tim người Cha, mãi muôn đời yêu dấu chúng con gần xa. Tháng năm đời con sống chứa chan lời ca, có ân tình Thiên Chúa trái tim nở hoa.
- Bài hát sinh hoạt: TÔI CHỌN GIÊSU
(Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
Tôi chọn Giêsu là nắng, tôi chọn Giêsu là mưa, cho tháng năm thôi nỗi đìu hiu giá lạnh khô cằn, nắng về tôi chia anh nồng ấm, mưa về tôi trao anh mầu xanh, xanh ấm cho nhau hết buồn tênh hết phai tàn, cho trái tim xanh mãi thêm xanh, cho trái tim tươi mãi thêm tươi tôi chọn Giêsu. Bởi vì Giêsu thuở ấy, suốt ngàn năm qua vẫn còn đây, vẫn hát cho tôi khúc tình ca yêu là tất cả, tôi chọn Giêsu yêu là sống, tôi cùng Giêsu sống để yêu, cho mãi xôn sao những niềm vui giữa cuộc đời. Cho trái tim yêu biết yêu hơn, cho trái tim vui sẽ vui hơn tôi chọn Giêsu
b. Bài học ghi nhớ
1. Phán xét chung là gì?
Là sự phán quyết cuối cùng về hạnh phúc hay án phạt đời đời mà Chúa Giêsu công bố cho mọi người khi Ngài trở lại trong vinh quang. [214]
2. Khi nào cuộc phán xét chung sẽ xảy ra?
Cuộc phán xét chung sẽ xảy ra vào ngày tận thế và chỉ mình Thiên Chúa mới biết được. [215]
3. Hy vọng trời mới đất mới nghĩa là gì?
Là hy vọng vào ngày sau hết, vũ trụ sẽ được biến đổi và được thông phần vào vinh quang của Đức Kitô, làm nên trời mới đất mới. [216]
4. Tiếng AMEN kết thúc Kinh Tin Kính có nghĩa là gì?
Nghĩa là tôi tin những lời Thiên Chúa dạy, những điều Thiên Chúa hứa và tôi hoàn toàn phó thác nơi Ngài. [217]
4. CẦU NGUYỆN KẾT
a. Cảm nghiệm mới:
Lạy Chúa, con tin chắc chắn rằng: Trời đất vũ trụ này sẽ qua đi, mọi sự sẽ có ngày phải chấm dứt và kết thúc – Đó là ngày tận thế, ngày phán xét chung. Con tin, nhưng con lại không biết ngày giờ xảy ra, con chỉ biết rằng ngày tận thế gần nhất là kết thúc cuộc sống của con. Xin Chúa cho con giây phút này biết sống đời sống bác ái yêu thương đối với nhau và kính mến đối với Chúa. Đó là điều kiện để trong ngày phán xét, Chúa sẽ phân định con là người tốt hay là kẻ xấu. Amen.
b. Quyết tâm sống:
Nếu giây phút này, hay trong những ngày những tháng những năm qua, con đã thù hằn, ghen ghét ai điều gì, giờ đây con xin thay đổi đời sống và suy nghĩ của con. Con mạnh dạn đến xin lỗi và làm hòa với họ. Nếu con đã thường xuyên bỏ dự lễ ngày Chúa nhật, nay con quyết tâm đi lễ đều đặn hơn, vì đó là nghĩa cử con bày tỏ lòng hiếu thảo đối với Chúa.
Ban Giáo Lý Giáo phận