16/05/2013
3832

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

Bài 27: ƠN THA TỘI – “TÔI TIN PHÉP THA TỘI”

GLHTCG: 976-987; BTY: 200-201

"Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).

1- Mở đầu:

a. Phút thánh hoá: dấu thánh giá, kinh… (hoặc hát)

b. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết.

- Giới thiệu chủ đề:

Các em thân mến, cách đây ít ngày anh (chị)  thấy gia đình gần nhà có chuyện ầm ĩ, hỏi ra mới biết là cha của một bạn trong gia đình ấy đang la mắng và đánh đòn bạn ấy về một chuyện gì đó mà anh (chị) nghĩ là khá quan trọng. Bởi vì anh (chị) nghe cha bạn ấy la rằng: “Tại sao mầy lại làm như vậy hả? có ai ở nhà này dạy mầy như vậy không? Bước ra đường phải cư xử sao cho đúng mực, có đâu lại ăn nói vô phép vô tắc như những đứa không được dạy dỗ vậy chứ?”

À, thì ra bạn ấy đang bị la mắng vì đã không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ trong cách cư xử với người khác, để cuối cùng phạm một sai lỗi gì đó nghiêm trọng nên mới bị đòn. Nhưng lát sau thì anh (chị) lại thấy mẹ bạn ấy đang chảy đầu cho bạn ấy (chắc là vừa gội đầu xong) tuy 2 mắt bạn ấy còn đỏ hoe vì vừa bị đòn, nhưng gương mặt thì hết sức dễ thương vì vừa có một quyết tâm mới, còn cử chỉ của mẹ bạn ấy thì rất ân cần và hình như bà đang nhỏ nhẹ khuyên dạy bạn ấy điều gì đó.

Rõ ràng, bạn ấy đã được tha thứ, và chắc chắn, trước khi được tha thứ vì lỗi lầm đã phạm, theo các em bạn ấy đã làm gì? À, chính xác, các em cũng có kinh nghiệm quá đấy thôi! Bạn ấy đã khoanh tay xin lỗi cha mẹ và hứa sẽ không làm như vậy nữa.

- Nội dung bài giáo lý:

Tại sao anh (chị) lại kể cho các em nghe câu chuyện này? Có lẽ các em cũng biết hôm nay chúng ta học bài gì rồi, nên anh (chị) mới kể câu chuyện ấy. “Ơn Tha Tội” là bài học giáo lý các em sẽ được tìm hiểu hôm nay.

- Những vấn đề cần tìm hiểu giải quyết:

Mình có tội, có lỗi với người khác mà được tha thứ thì đó là ơn của người đó làm cho mình. Ấy thế nhưng, trong cuộc sống của con người đối với Thiên Chúa thì thế nào, chắc chắn cũng có những lúc con người xúc phạm đến Chúa và khi được Ngài tha thứ thì đó chính là lúc mà con người nhận được ơn tha tội. Vậy ơn ấy được ban như thế nào. Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi.

2- Trình bày nội dung giáo lý:

+ Để được ơn tha tội, ta phải lãnh nhận những bí tích nào?

Chắc chắn rồi, đó là Bí tích Rửa Tội (Thánh Tẩy) và Bí tích Thống Hối (Giao Hoà hay Giải Tội).

Bí tích Rửa Tội là cửa ngõ để làm cho con người lãnh nhận những ân sủng khác của Chúa qua Giáo hội. Và bí tích ấy, Chúa Giêsu lập ra để tha tội nguyên tổ cho những ai tin Ngài.

- Ở những bài học đầu tiên chắc các em nhớ rằng, câu chuyện Kinh Thánh nói về việc tổ tông phạm tội cho ta thấy rằng tự bản chất, con người đã có những ước muốn ngoài ý Chúa. Ngày nào con người còn không đón nhận ý Chúa, ngày ấy con người vẫn tiếp tục ở trong tình trạng tội lỗi và có nguy cơ xa cách Chúa đời đời.

Bí tích Rửa Tội không phải chỉ là tha thứ tội, mà nó còn làm cho con người được trở nên công chính nhờ tin vào Chúa Giêsu và đón nhận giáo lý của Ngài. Nó là dấu chỉ để cho người ta biết rằng qua bí tích ấy người Kitô hữu thuộc về Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và luôn luôn được mời gọi thực thi ý Chúa.

Người tín hữu luôn được nhắc nhở phải để tự do của mình hành động theo Ý Chúa chứ không phải theo sở thích của cá nhân nữa. “Lãnh nhận phép rửa không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3, 21)

Như vậy, theo lời Tông Đồ Phêrô, Bí tích Rửa Tội được nhấn mạnh ở khía cạnh của sự cam kết sống công chính. Và như thế, sự tha thứ nói ở đây là tha thứ hành vi phạm tội (hành động) cũng như tình trạng hướng chiều về sự dữ (tư tưởng), đồng thời được ban cho quyền làm con Thiên Chúa; tha thứ thái độ sống và việc làm ngoài ý Chúa cùng với việc ban cho ơn sủng để cam kết luôn sống theo Thánh Ý Chúa.

+ Ấy thế nhưng con người luôn yếu đuối và dễ sa ngã. Các em có công nhận như vậy không?

(các em thử nói lên một trường hợp của bản thân mình, hoặc hoàn cảnh, hoặc sự việc… Khiến các em bị cám dỗ và thậm chí là sa ngã phạm tội)

Có những lầm lỡ mà các em quyết tâm chừa, nhưng đôi khi vì thế này hay thế khác các em lại phạm hết lần này tới lần khác. Và mỗi lần như vậy các em lại phải xin lỗi và quyết tâm chừa. Chúa dư biết chúng ta như thế, nên Chúa Giêsu đã lập một bí tích khác để tha thứ cho những lần sa ngã này (sa ngã phạm tội sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội). Bí tích đó gọi là Bí tích Thống Hối, Hoà Giải, hay Giải Tội, để tha thứ những tội lỗi cá nhân của chúng ta khi còn sống đã mắc phải. Tất cả những ơn này người ta phải lãnh nhận ở đâu? Vâng, chỉ có trong Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô.

+ Chúng ta đều biết và ghi nhớ rằng: tất cả mọi ơn đều xuất phát từ Thiên Chúa, và nếu không nhờ vào Chúa Giêsu thì ta chẳng lãnh nhận được bất cứ một ơn nào. Thế nhưng, trong thế giới hữu hình, thì Chúa cũng dùng một thực thể hữu hình để thông truyền ân sủng cho những người đón nhận. Thực thể ấy chính là Giáo hội mà Chúa Giêsu đã lập trên nền tảng các Tông Đồ. Qua các tông đồ, ơn tha thứ của Chúa đã được thông ban, khi chính Ngài đã khẳng định như thế khi hiện ra với các tông đồ sau khi Người từ cõi chết sống lại. “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha” (Ga 20,22-23).

Với quyền được giao phó, Giáo hội thể hiện dung mạo từ tâm và hay thương xót của Chúa để nhân loại luôn biết rằng cuộc sống của mình luôn luôn có niềm hy vọng được cứu thoát. Với Thiên Chúa, không ai trên trần gian này mà Ngài không muốn cứu thoát, chỉ có những kẻ phạm đến Thánh Thần, tức là những kẻ cố tình khước từ lòng thương xót của Chúa, mới là những kẻ bị loại trừ mà thôi.

Cầu nguyện giữa giờ: Lạy Chúa, con là người có tội. Khi con chào đời đã mang nơi mình thân phận tội lỗi. Nhưng vì Chúa quá thương con, Ngài đã dùng các bí tích là phương tiện ban ơn và tha tội cho con. Xin cho con luôn biết đặt trọn niềm tin, tình yêu vào lòng bao dung từ ái của Chúa. Amen

3- Một điểm thực hành:

Bài hát giáo lý: TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Với những gì vừa học, anh (chị) mời các em cùng đứng lên để ta cùng nhau cất tiếng hát ca ngợi lòng từ bi của Chúa chúng ta qua bài: “Tình Yêu Thiên Chúa” (tình yêu Thiên Chúa, như trăng như sao, đưa con lên cao ôi nào biết lấy chi báo đền…)

Bài học ghi nhớ:

1. Chúng ta được tha tội qua những bí tích nào?

Chúng ta được tha tội qua hai bí tích này:

- một là Bí tích Rửa Tội, tha tội tổ tông và các tội riêng;

- hai là Bí tích Thống Hối, tha các tội riêng ta đã phạm sau khi được rửa tội. [200]

2. Tại sao Hội Thánh có quyền tha tội?

Vì chính Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ quyền này, khi nói với các ông: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha» (Ga 20,22-23). [201]

4- Cầu nguyện kết:

Cảm nghiệm mới: Giờ đây, để kết thúc giờ học này, mời các em cùng nhau đứng lên cám ơn Chúa:

Lạy Thiên Chúa tình yêu, Chúa đã yêu thương cho chúng con được làm người và làm con Chúa, Chúa lại còn chuẩn bị mọi phương thế để chúng con luôn luôn là con cái Chúa. Chúng con xin hết lòng cảm tạ vì những gì mà Chúa ban cho chúng con. Xin Chúa thương ban thêm ơn trợ giúp để chúng con đừng xa lìa tình thương Chúa bao giờ. (xướng kinh cám ơn)

Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng…

Quyết tâm sống: Và để những gì chúng ta vừa học không phải chỉ là hiểu biết mà còn là điều mà chúng ta phải làm trong cuộc sống, anh (chị) đề nghị các em: tuần này các em hãy làm hoà với Chúa và anh chị em mình qua Bí tích Hoà Giải, đồng thời quyết tâm từ bỏ một tật xấu mà em xét thấy hôm nay, anh chị cho các em 5 phút để nghiệm lại và viết ra giấy nộp lại cho anh (chị) tật xấu ấy nhé.

Ban Giáo lý Giáo phận