GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 26 – ĐỨC MARIA: MẸ ĐỨC KITÔ, MẸ HỘI THÁNH
GLHTCG: 487-507;963-975; BTY: 196-199
"Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu" (Cv 1,14).
1. MỞ ĐẦU
a. Phút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
Giáo Lý Viên nói gợi ý vắn tắt vài lời (tùy nghi thay đổi): Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình. Để con người có thể dễ dàng nhận ra Thiên Chúa cách gần gũi qua nếp suy nghĩ, cách sống của con người. Thiên Chúa đã chọn một người thiếu nữ có tên là Maria, để Đức Maria trao tặng cho Ngôi Hai Thiên Chúa thân xác con người. Để từ đó Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình, Thiên Chúa xa cách trở nên gần gũi, Thiên Chúa cao sang quyền quý đã hạ mình trở nên người phàm giản dị, đơn sơ, khó nghèo… tất cả là nhờ vào việc Thiên Chúa chọn Đức Maria để Mẹ trao tặng cho Ngôi Hai Thiên Chúa hình hài con người. (thinh lặng trong giây lát)
- Bài hát: DÂNG MẸ
ĐK:
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh, đoàn con chung tiếng hát, chung tấm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh, Mẹ chính là Nữ Vương là Trạng Sư là Mẹ con.
PK:
Con dâng Mẹ đây tâm hồn, đây trí khôn. Cả dĩ vãng cả hiện tại với tương lai. Đức thiện toàn con cương quyết gắng đi tới. Hướng lên Mẹ là gương mẫu của đời con. (trở lại ĐK)
b. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần tìm hiểu, giải quyết
- Ôn bài cũ - Giới thiệu chủ đề bài mới:
Tuần trước các em đã được hướng dẫn tìm hiểu về “mầu nhiệm các thánh thông công” trong Hội thánh. Các em học và biết Hội thánh gồm các tín hữu còn sống trên trần gian, các linh hồn đang thanh luyện nơi luyện tội và các thánh trên thiên đàng. Vậy các em có thể nhắc lại: Người còn sống trông mong điều gì nơi các thánh? Các linh hồn trông chờ điều gì nơi người còn sống? Em nào có thể xung phong trả lời những câu hỏi vừa nêu lên không? (chỉ định một em trả lời, hoặc để các em xung phong trả lời, hoặc nêu câu hỏi và cho các em viết trên giấy 15 phút đầu giờ lớp)
Giáo lý viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài giáo lý tuần trước: “Mầu nhiệm các thánh thông công” diễn tả mối dây liên lạc giữa người còn sống với các linh hồn đang thanh luyện, và giữa người còn sống với các thánh trên trời. Các linh hồn đang thanh luyện trông chờ người còn sống làm việc lành phúc đức, xin lễ, dâng thánh lễ… cầu nguyện cho họ mau về hưởng Nhan Thánh Chúa. Người còn sống thì lại trông mong các thánh chuyển cầu những ước nguyện của họ lên Thiên Chúa, và ước mong Chúa nhậm lời. Đồng thời họ cũng cố gắng noi gương sống tốt lành đạo đức của các thánh, để ước mong trở nên tốt lành như các thánh trên trời. Đó là mầu nhiệm các thánh thông công.
Giáo lý viên giới thiệu chủ đề bài mới: Có ngàn ngàn, triệu triệu những vị thánh để người tín hữu noi gương bắt chước. Trong muôn vàn những vị thánh này, đặc biệt nhất là Mẹ Maria. Vì sao Mẹ lại là vị thánh đặc biệt: Mẹ Maria đặc biệt nhất giữa muôn vàn các thánh là bởi vì: Mẹ là Mẹ của đầu Hội thánh là Chúa Giêsu. Mẹ là vị thánh đặc biệt như thế nào? Các em sẽ được tìm hiểu qua bài giáo lý hôm nay: ĐỨC MARIA: MẸ ĐỨC KITÔ, MẸ HỘI THÁNH. Giờ đây các em lắng đọng tâm hồn chiêm ngắm Lời Chúa, để Lời Chúa soi chiếu vào tâm trí, tâm hồn mỗi người chúng ta trong giờ giáo lý này.
- Lắng nghe lời Chúa:Lời Chúa trong sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 1,12-14)
(GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)
Bấy giờ các ông từ núi gọi là núi Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.
(Đó là Lời Chúa / Tạ ơn Chúa)
Đoạn Lời Chúa các em vừa nghe đã nêu tên của mười một tông đồ (trừ tông đồ Giuđa Ítcariốt đã phản bội Chúa qua việc bán Chúa Giêsu với giá 30 đồng bạc. Sau khi phản bội Chúa, ông đã tuyệt vọng và đi thắt cổ tự tử, cho nên ông không còn được nêu tên trong số các tông đồ) họp nhau cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ thân tín với Chúa Giêsu, trong đó có Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu. Vậy các em thử suy nghĩ và nói xem: Mười một tông đồ cùng với Đức Maria và những người phụ nữ thân tín với Chúa Giêsu họp nhau cầu nguyện. Trong số những người này, ai là người có uy tín nhất, có tiếng nói và ảnh hưởng mạnh lên những người còn lại? (các em suy nghĩ, trao đổi… giơ tay trả lời)
Trả lời và giải thích cho các em
: Trong số những người họp nhau cầu nguyện, chắc chắn Mẹ Maria là người có tiếng nói và ảnh hưởng mạnh nhất lên những người còn lại. Bởi vì:
Thứ nhất:
Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là thầy dạy của các tông đồ (dạy đức tin, dạy đạo Chúa, dạy cách sống…). Cho nên tiếng nói của Mẹ Maria chắc chắn các tông đồ là học trò của Chúa Giêsu phải vâng nghe.
Thứ hai:
Mẹ Maria là người đạo đức thánh thiện hơn tất cả những người còn lại. Điều này được diễn tả qua cuộc đời của Mẹ, qua những đức tính nổi bậc nơi Mẹ như: Xin Vâng, Khiêm Nhường, Khó Nghèo, Trong Sạch, Thanh Khiết, Kính Chúa, Yêu Người… Vì Mẹ đạo đức nên tiếng nói cũng như ảnh hưởng của Mẹ là rất lớn trên mọi người.
Thứ ba:
trong các tông đồ họp nhau, có người tông đồ Chúa thương mến nhất là Gioan, mà Gioan được Thầy Giêsu trối lại làm con Đức Mẹ, trước khi Chúa chịu chết trên cây thập giá. Cho nên các tông đồ còn lại, chắc chắn phải đón nhận Mẹ như là mẹ của mình, vì Đức Mẹ là mẹ của Gioan, mà Gioan là anh em đồng môn với các tông đồ. Vì thế mà tiếng nói và ảnh hưởng của mẹ là rất lớn trên tất cả mọi người.
- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý: Đức Maria là Mẹ Đức Kitô, vì Đức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu ở trần thế này, Đức Mẹ là Mẹ Hội thánh, vì Đức Mẹ là mẹ của Đầu Hội thánh là Chúa Giêsu, cho nên Đức Mẹ là Mẹ của mọi chi thể còn lại. Đức Mẹ là Mẹ của Gioan mà Gioan là môn đệ của Chúa Giêsu. Cho nên Đức Mẹ cũng là Mẹ của tất cả chúng ta, vì chúng ta là môn đệ, là chi thể trong thân mình Hội thánh qua Bí tích Rửa Tội.
- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu: Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô (còn gọi theo một tước hiệu khác là Mẹ Thiên Chúa). Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Đấng Hằng Hữu (Thiên Chúa mạc khải với Môsê, Ngài là “Thiên Chúa hằng sống”, “Đấng Hiện Hữu”, “Đấng Hằng Hữu”. Thiên Chúa chí thánh luôn có mặt để cứu độ (Xh 3,14; Ga 8,28). (xem lại bài 06 câu 33) Nghĩa là Thiên Chúa tự mình mà có. Vậy khi gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải hiểu như thế nào?
Đức Mẹ là Mẹ Hội thánh vậy trong vai trò là người mẹ, Mẹ giúp gì cho Hội thánh (giúp gì cho những người tín hữu) đang còn ở trần thế? Giúp gì cho các linh hồn đang thanh luyện? Những vấn đề nêu ra, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu trong giờ giáo lý hôm nay.
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
a. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ
: Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô (còn gọi theo một tước hiệu khác là Mẹ Thiên Chúa). Mà Thiên Chúa là Đấng Tự Hữu, Đấng Hằng Hữu (Thiên Chúa mạc khải với Môsê, Ngài là “Thiên Chúa hằng sống”, “Đấng Hiện Hữu”, “Đấng Hằng Hữu”. Thiên Chúa chí thánh luôn có mặt để cứu độ. (xem lại bài 06 câu 33) Nghĩa là Thiên Chúa tự mình mà có. Vậy khi gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đức Kitô chúng ta phải hiểu như thế nào?
Để hiểu được việc Giáo Hội tin và tuyên xưng Đức Maria là Mẹ Đức Kitô là Mẹ Thiên Chúa, các em có thể hiểu vấn đề này qua câu chuyện có tên: VIÊN NGỌC TRAI – Một chú trai (trai là một loài sò sống ở dưới biển) trong lúc đi tìm thức ăn chẳng may để cho một hạt cát vướng vào da thịt của mình, chú tìm cách thải hạt cát này ra, nhưng không cách nào làm cho hạt cát rơi ra được. Chú đau đớn lắm, nhưng rồi chú tập sống chung với hạt cát này. Cứ mỗi lần tiêu thụ thức ăn để nuôi sống cơ thể, chú dành ra một ít chất vôi để bao hạt cát này lại, nhằm mục đích là làm cho hạt cát đừng gây thương tổn cơ thể. Trải qua một thời gian dài, hạt cát này trở thành viên ngọc trai sáng lấp lánh. Một người thợ lặn thấy chú trai to lớn thì bắt mang về, khi mổ chú trai ra anh thấy một viên ngọc to lớn và xinh đẹp. Anh thốt lên: Ô! Viên ngọc trai đẹp tuyệt trần. (sứ điệp của câu chuyện này muốn nói đến việc chấp nhận khiếm khuyết, đón nhận đau khổ… và biến vết thương, biến khiếm khuyết, biến đau khổ… thành lợi thế và ưu điểm cho mình và mang lại ích lợi cho người khác)
Ở đây không bàn đến sứ điệp của câu chuyện, nhưng muốn nói đến một vấn đề khác hơn. Vấn đề đó là Hạt cát. Các em thử nói xem: Hạt cát có phải do chú trai sinh ra không? Hạt ngọc được hình thành từ đâu và nếu không có hạt cát thì có được viên ngọc trai không? (để các em tranh luận, bàn thảo, góp ý với nhau)
Đúc kết phần thảo luận của các em
:
Hạt cát không do chú trai sinh ra, hạt cát từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chú trai. Còn hạt ngọc được hình thành là do sự kết hợp giữa chất vôi trong cơ thể chú trai sản xuất bao lấy hạt cát, từ đó hình thành nên viên ngọc trai. Nếu không có hạt cát thì không thể hình thành nên viên ngọc trai, và ngược lại nếu có hạt cát mà không có chất vôi của chú trai thì cũng không thể hình thành nên viên ngọc.
Nên viên ngọc trai là sự kết hợp giữa hạt cát từ bên ngoài vào cơ thể chú trai, với chất vôi được sinh ra từ bên trong cơ thể chú trai. Khi cát và vôi trở thành viên ngọc, không ai còn gọi là hạt cát, cũng chẳng ai gọi là cục vôi, nhưng người ta gọi là viên ngọc trai (ngọc của con trai).
Giải thích và đúc kết trên, phần nào giúp các em hiểu được tước hiệu cao quý mà Hội thánh gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Gọi là Mẹ Thiên Chúa là bởi vì Chúa Giêsu là Viên Ngọc được sinh ra từ cung lòng Đức Maria. Viên ngọc Giêsu là sự kết hợp giữa Thiên Chúa (Ngôi Hai Thiên Chúa) với con người; Thiên Chúa không do Đức Maria sinh ra. Ngôi Hai Thiên Chúa từ Trời (từ Chúa Cha) đi vào cung lòng Đức Maria. Rồi trong cung lòng Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa kết hợp với hình hài con người do Đức Maria sinh ra.
Nếu không có Ngôi Hai Thiên Chúa đi vào cung lòng Mẹ thì cũng không có Chúa Giêsu, và nếu Mẹ không chấp nhận xin vâng để trao tặng cho Ngôi Hai Thiên Chúa hình hài con người do chính Mẹ sinh ra, thì cũng không có Chúa Giêsu.
Vì thế sau một thời gian cưu mang, Mẹ sinh ra viên ngọc Giêsu, là sự kết hợp giữa Thiên Chúa với con người (cũng giống như sự kết hợp giữa hạt cát với vôi trở thành viên ngọc trai). Và lúc này người ta sẽ gọi Chúa Giêsu là con của Mẹ, và Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu – là Mẹ của Thiên Chúa.
b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ
: Đức Mẹ là Mẹ Hội thánh vậy trong vai trò là người mẹ, Mẹ giúp gì cho Hội thánh (giúp gì cho những người tín hữu) đang còn ở trần thế? Giúp gì cho các linh hồn đang thanh luyện?
Ở những bài trước, các em đã được học và biết: Hội thánh là một thân thể sống động, trong đó Chúa Giêsu là đầu, mọi người là chi thể. Hội thánh là cây nho, Chúa Giêsu là gốc nho - là thân cây nho, còn tất cả mọi người là cành nho. Hội thánh bao gồm tín hữu còn sống, linh hồn thanh luyện, và các thánh vinh hiển.
Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, là Mẹ của đầu thân thể, là người sinh ra thân cây nho là Chúa Giêsu. Cho nên Đức Maria là Mẹ Hội thánh, là Mẹ của các tín hữu còn sống, là Mẹ của các linh hồn thanh luyện và là Mẹ của các thánh trên trời. Trong vai trò là người Mẹ, Mẹ giúp gì cho Hội thánh? Để hiểu được vấn đề này, các em lắng nghe câu chuyện có tên: NGƯỜI MẸ VÀ NGỌN NÚI
Có hai bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Một sống ở vùng đồng bằng và một ở trên núi cao. Một hôm, những người ở núi cao đột ngột đổ xuống tấn công bộ lạc ở đồng bằng. Họ không chỉ cướp bóc của cải, lương thực mà còn bắt một đứa bé 3 tuổi mang về. Những người sống ở đồng bằng không biết cách vượt qua những ngọn núi cao để tìm ra nơi kẻ thù đang sống. Họ cũng không thể lần theo dấu vết của đối phương. Tuy nhiên, bộ lạc cũng cử một đội gồm những chiến binh xuất sắc nhất đi tìm đứa bé mang về. Những người đàn ông đã thử hết cách này đến cách khác, tìm hết lối đi này đến lối đi khác, nhưng sau nhiều ngày nỗ lực hết sức họ cũng chỉ leo lên được lưng chừng ngọn núi hiểm trở. Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, họ đành bỏ cuộc và quyết định quay về. Khi đang thu dọn đồ đạc, họ kinh ngạc thấy người mẹ trẻ mất con đang từ phía đỉnh núi cao băng xuống. Và họ như không tin vào mắt mình khi thấy đứa bé bị bắt cóc đang được người mẹ cõng trên lưng. Làm sao điều đó có thể xảy ra? Những chiến binh đón chào người mẹ trẻ và hỏi: “Dù đã cố hết sức chúng tôi vẫn không thể vượt lên được ngọn núi này. Làm cách nào mà cô làm được điều đó trong khi chúng tôi - những người đàn ông mạnh mẽ và có khả năng nhất của bộ tộc - đã không thể?”. Người mẹ trẻ nhún vai đáp: “Đứa bé không phải là con của các anh!”
Qua câu chuyện trên, các em suy nghĩ xem: Vì lý do gì mà người mẹ lại có một sức mạnh và nghị lực phi thường để vượt qua những ngọn núi cao và giải cứu đứa bé, trong khi những người đàn ông chỉ leo lên được đến lưng chừng núi? (các em suy nghĩ, trao đổi, thảo luận và trả lời)
Đúc kết phần thảo luận của các em
: Sở dĩ người mẹ đủ sức mạnh và nghị lực cùng với lòng kiên nhẫn… vượt qua được những ngọn núi cao hiểm trở để giải cứu đứa bé, là bởi vì SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG MẪU TỬ (MẸ CON) giúp bà làm được điều đó. Trong khi những người đàn ông tài năng, lực lưỡng, khỏe mạnh khác không làm được, là bởi vì họ không có sức mạnh tình thương mẫu tử.
Các em có thể liên tưởng 2 bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp với nhau đó là: Con người và ma quỷ, ma quỷ đến gây chiến và xúi dục con người gây chiến với nhau và với Thiên Chúa qua đời sống tội lỗi, để rồi từ cuộc chiến này nó nhân cơ hội bắt linh hồn con người. Đức Mẹ là Mẹ của chúng ta, Mẹ không thể đứng yên nhìn con mình bị ma quỷ bắt mất, SỨC MẠNH CỦA TÌNH THƯƠNG MẪU TỬ thúc giục Mẹ giải cứu cho các linh hồn nơi thanh luyện bằng đời sống cầu nguyện liên lĩ, và lời van nài của Mẹ dâng lên Thiên Chúa, để giải cứu cho các con của Mẹ bị giam giữ trong nơi thanh luyện.
Các thánh cũng hỗ trợ, cũng van nài Thiên Chúa, nhưng chắc chắn không bằng Mẹ, vì các thánh không phải là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nên lời cầu của Mẹ thật đáng được Chúa nhậm lời và luôn ban ơn cho con cái của Mẹ. Các thánh cũng giống như những người đàn ông lực lưỡng, nhiều khả năng trong câu chuyện. Các thánh chỉ giúp ở một mức độ nhất định nào đó. Các thánh là những tấm gương phản chiếu đời sống tốt lành thánh thiện cho các tín hữu; và dạy cho chúng ta con đường nên thánh mà các Ngài đã học biết nơi Mẹ và Con của Mẹ.
Những tín hữu còn sống ở trần gian (những đứa con của Mẹ đang chiến đấu), cần phải sống theo gương đức tin của Mẹ (tôi xin vâng như lời sứ thần truyền) và đời sống bác ái của Mẹ (Mẹ đi thăm viếng và giúp đỡ bà Elisabeth) giúp cho các tín hữu vững tin, và noi theo gương của Mẹ. Đồng thời tin chắc rằng: MẸ KHÔNG THỂ BỎ RƠI CON MẸ, VÌ MỖI NGƯỜI CHÚNG TA VỚI MẸ CÓ MỐI DÂY RÀNG BUỘC CỦA TÌNH THƯƠNG MẪU TỬ.
Nhìn lên Mẹ chúng ta thấy được một mầu nhiệm hiệp thông trong Hội thánh Chúa. Không ai trong các thành phần trong Hội thánh không được cứu giúp, bảo vệ và nâng đỡ. Tất cả cùng giúp nhau trong cuộc lữ hành đức tin trên con đường về với Chúa.
c. Cầu nguyện giữa giờ:
tùy nghi thay đổi, linh động:...
Lời nguyện:
Lạy Mẹ Maria, qua bài giáo lý này, con hiểu rõ hơn, xác tín mạnh mẽ hơn về tình mẫu tử giữa Mẹ đối với chúng con. Vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu, chúng con lại thuộc về gia đình Hội thánh của Chúa Giêsu. Nên chúng con hãnh diện vì được làm con Mẹ. Xin Mẹ thương giúp chúng con luôn làm chứng nhân cho tình thương mẫu tử của con với Mẹ, và tình thương huynh đệ giữa chúng con với Thầy Giêsu chí thánh.
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH
a. Sinh hoạt giáo lý
- Băng reo: MẸ MARIA
GLV:
Maria
CE
: Mẹ Chúa Giêsu (2 tay vòng cung qua đầu rồi đứng nghiêm)
GLV
: Maria
CE
: Mẹ Hội thánh (2 tay giơ lên rồi xoay một vòng)
GLV
: Maria
CE
: Mẹ chúng ta (2 tay bắt chéo trước ngực)
GLV
: tất cả chúng ta cùng thưa
CE
: Xin Vâng. Amen. Ave Maria (kéo dài từ Ave Maria)
(tùy nghi thay đổi băng reo và hình thức cử điệu sao cho linh hoạt và phù hợp)
- Bài hát giáo lý: AVE MARIA (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ. Khi tàn màu nắng chiều và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào Ave Maria. Con dâng lên Mẹ lời mừng Maria đầy phúc, Maria đầy ơn, Mẹ luôn có Chúa ở cùng. Maria Mẹ hiền từ, xinh hơn muôn phụ nữ, con dâng lên lời ca, Mẹ tươi hơn muôn ngàn hoa. Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ. Ave Maria, con dâng lời chào Mẹ. Khi tàn màu nắng chiều và khi sương đêm nặng gieo, con say sưa lời ca chào Ave Maria.
- Bài hát sinh hoạt: NÉT ĐẸP (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
Cuộc đời quanh ta có biết bao là nét đẹp. Là lòng bao dung, hy sinh là tình yêu thương. Nét đẹp quanh ta có lúc là một nụ cười. Một cái bắt tay một lời hỏi thăm. Bạn ơi xin hãy góp những nét đẹp cho đời. Và biết khám phá hết những nét đẹp trong đời (vừa hát vừa vỗ tay và lập lại 3 lần theo nhịp độ nhanh dần)
b. Bài học ghi nhớ
1. Tại sao gọi Đức Maria là Mẹ Hội thánh?
Vì Đức Maria đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu của Hội thánh, và vì trên Thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Maria làm Mẹ Hội thánh qua thánh Gioan tông đồ. [196]
2. Đức Maria trợ giúp Hội thánh thế nào?
Đức Maria đã trợ giúp Hội thánh bằng lời cầu nguyện, nêu gương cho mọi người về đức tin và đức ái. [197]
3. Chúng ta phải tôn kính Đức Maria thế nào?
Chúng ta phải đặc biệt tôn kính và mến yêu, bằng cách tham dự các ngày lễ kính Đức Mẹ, siêng năng cầu nguyện với Đức Mẹ qua các kinh nguyện, nhất là kinh Mân côi và noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ. [198]
4. Khi nhìn lên Đức Maria, chúng ta thấy được hình ảnh nào về Hội thánh?
Khi nhìn ngắm Đức Maria, chúng ta thấy hình ảnh mầu nhiệm của Hội thánh trong cuộc lữ hành trần gian và trong vinh quang Nước Trời. [199]
4. CẦU NGUYỆN KẾT
a. Cảm nghiệm mới:
Mẹ Maria kính yêu, sau bài giáo lý này, con nhận ra Mẹ là người Mẹ rất gần gũi, yêu thương, và luôn bênh vực cho con trước tòa Chúa. Mẹ thương con vì tình thương mẫu tử. Mẹ yêu con vì con là con của Mẹ. Mẹ giúp con vì con là bạn hữu, là huynh đệ của Con Chí Ái Mẹ là Thầy Giêsu chí thánh của con.
b. Quyết tâm sống:
Từ trước đến giờ con vẫn cứ nguội lạnh và thờ ơ trong những thánh lễ mừng kính Mẹ, con vẫn lạnh nhạt với kinh Kính Mừng và chuỗi mân côi. Nay con quyết tâm, làm vui lòng Mẹ qua việc chú ý tham dự thánh lễ mừng kính Mẹ, và nhất là mỗi ngày đọc Kinh Kính Mừng – lời kinh làm Mẹ vui thích nhất. Amen.
Ban Giáo lý Giáo phận