26/04/2013
6879

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

Bài 24 – TỔ CHỨC HỘI THÁNH

“CÁC KITÔ HỮU: PHẨM TRẬT, GIÁO DÂN,

ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN”

GLHTCG: 871-945; BTY: 177-193

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng; thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” . (Rm 12,4-5).

1. Mở Đầu

a. Phút thánh hóa

- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Bài hát: HÃY CHIẾU SOI

ĐK: Hãy chiếu soi lửa hồng vào đêm tối sâu thẳm hồn con. Lửa tình yêu, lửa huyền siêu Ngôi Ba Thiên Chúa ban nhiều thánh ân.

PK: Xin đưa bước con về tìm chân lý hừng đông chiếu soi. Tìm bóng mát trong tình thương bát ngát, tìm an vui trong bàn tay hiền từ Chúa dìu đưa. (trở lại ĐK)

b. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần giải quyết

- Ôn bài cũ - Giới thiệu chủ đề bài mới:

Một tuần lễ đã qua, hôm nay chúng ta lại gặp nhau, hy vọng rằng nội dung giáo lý đã hướng dẫn cho các em trong tuần trước các em vẫn còn nhớ, và nhất là bài học giáo lý mà các em gặt hái được, cũng như những quyết tâm sống từ bài giáo lý trước, các em đã và đang thực hành đúng không? Vậy các em có thể nhắc lại xem, hoặc em nào có thể xung phong diễn giải lại bốn đặc tính của Hội thánh Công giáo mà các em đã được học là gì? (các em giơ tay trả lời, Giáo Lý Viên nhắc lại vắn gọn nội dung bài cũ nhằm giúp cho các em ôn lại bài)

Bốn đặc tính của Hội thánh Công giáo là: Duy Nhất (chỉ có một đức tin, một phép rửa, một Hội thánh, một tình yêu, một cử hành); Thánh Thiện (sự thánh thiện của Hội thánh là do bởi nguồn gốc Hội thánh xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng Thánh); Công Giáo (Hội thánh nhận được lệnh truyền là rao giảng Tin Mừng cho muôn người và làm phép rửa cho họ, bởi vì tất cả mọi người đều cần đến ơn cứu độ của Chúa); Tông Truyền (Hội thánh được xây dựng trên nền tảng các tông đồ cũng như quyền tha tội được Chúa trao cho các tông đồ. Những phương tiện cứu độ này, được các tông đồ tiếp tục truyền lại cho những người kế vị là các giám mục)

Các em đã được tìm hiểu khá kỹ về những đặc tính của Hội thánh, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn nữa về Hội thánh, mà cụ thể là CÁCH THỨC TỔ CHỨC CỦA HỘI THÁNH cũng như CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA trong Hội thánh. Để các em có thể hiểu được những nội dung giáo lý này, các em hãy thành tâm để cho tâm trí mình được Lời Chúa soi sáng.

          - Lắng nghe Lời Chúa: Lời Chúa trong thư gởi tín hữu Rôma (Rm 12,4-8)

(GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)

Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể. Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toạ, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm.

Các em vừa nghe đoạn Lời Chúa, trong đó Thánh Phaolô dùng hình ảnh thân thể sống động của một con người để mô tả những thành phần trong Giáo hội, cũng như cách thức tổ chức vận hành mọi thành phần này thành một khối thống nhất và ăn khớp với nhau. Các em cố gắng nhớ lại xem (nếu không nhớ các em có thể lấy Kinh Thánh ra để dò lại) Thánh Phaolô đã nói đến những chi thể gắng với việc làm riêng biệt (ơn gọi) của từng chi thể này như thế nào? Tại sao các chi thể không thể thay thế được cho nhau? (các em suy nghĩ và trả lời)

Trả lời và giải thích cho câu hỏi vừa đặt ra: Những chi thể gắn với việc làm riêng biệt gồm có: 1. Ơn được làm ngôn sứ, 2. Ơn được phục vụ, 3. Ơn làm thầy dạy, 4. Ơn khuyên răn, 5. Ơn phân phát, 6. Ơn chủ tọa, 7. Ơn làm việc bác ái. Các em thấy có 7 hoạt động khác nhau tương ứng với 7 bộ phận được bố trí trên thân thể một con người, gồm có: Đầu, mắt, mũi, lỗ tai, miệng, đôi tay, đôi chân.

Điều này cho thấy sự đa dạng của các chi thể, được bố trí ở những vị trí với vai trò và chức năng khác nhau. Đó cũng chính là sự đa dạng của các thành phần dân Chúa. Những chi thể này không thể thay thế được cho nhau là bởi vì mỗi chi thể có việc làm riêng, có vai trò, vị trí cũng như ơn gọi riêng… không thay thế được. Ví dụ: đôi mắt để nhìn, đôi mắt không thể làm công việc nghe của đôi tay được, và ngược lại cũng thế. Tất cả đều bổ túc cho nhau trong một thân thể con người duy nhất.

- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý: Qua đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, cho chúng ta thấy: Hội thánh có nhiều chi thể, (mỗi chi thể có những đặc sủng – ơn gọi khác nhau) nhưng tất cả đều thống nhất trong một thân thể duy nhất, dựa trên nguyên lý cũng như nền tảng đức tin vào Chúa Kitô, phụng vụ, cầu nguyện và đời sống luân lý.

- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu: Hội thánh có nhiều chi thể và thống nhất với nhau trong một thân thể. Điều này có liên quan thế nào tới cơ cấu phẩm trật (bề trên bề dưới, người lớn người nhỏ) trong Hội thánh và tại sao lại như vậy? Hội thánh có cơ cấu phẩm trật (lớn nhỏ, trên dưới) vậy làm sao lại thống nhất, hòa hợp với nhau được?

- Tất cả mọi người trong Hội thánh từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân bình thường đều là chi thể trong thân mình Đức Kitô. Vậy đã là chi thể sao còn phân biệt Đức Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và người Giáo dân?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

a. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Hội thánh có nhiều chi thể và thống nhất với nhau trong một thân thể là Giáo hội. Điều này có liên quan thế nào tới cơ cấu phẩm trật (bề trên bề dưới, người lớn người nhỏ) trong Hội thánh và tại sao lại như vậy? Hội thánh có cơ cấu phẩm trật (lớn nhỏ, trên dưới) vậy làm sao lại thống nhất, hòa hợp với nhau được?

Các em thử suy nghĩ một sự việc luôn xảy ra hằng ngày như thế này: Mỗi khi làm giấy khai sanh cho một em bé mới sinh ra, người ta sẽ hỏi ba mẹ lấy họ gì cho em bé (họ theo cha, họ theo mẹ, hoặc theo một họ nào khác…). Vậy em thử nói xem: em đang mang họ của ai? Cha em mang họ của ai? Ông nội em mang họ ai? Ông cố em mang họ ai?… Và càng lui về quá khứ thì chức danh và vai vế của những người này lớn hay nhỏ? (các em thử chia sẻ và nói lên suy nghĩ của mình)

Đúc kết phần thảo luận của các em: Thông thường ở Việt Nam là theo họ cha. Em theo họ cha. Cha em theo họ ông nội. Ông nội theo họ ông cố. Ông cố theo họ ông cố nội… Và càng lui về quá khứ thì chức danh và vai vế của những người này càng lớn. Và nếu cứ lui mãi theo gia phả, thì chắc chắn phải lùi đến người đầu tiên mang họ đầu tiên (ví dụ họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê…) họ đó ngày hôm nay được truyền đến em.

Sở dĩ Hội thánh có cơ cấu phẩm trật là bởi vì người đầu tiên, lớn nhất, đứng đầu trong Hội thánh đó chính là Chúa Giêsu Kitô, với chức vụ của Chúa là linh mục đời đời, trong đó có ba việc làm chính của Chúa Giêsu linh mục là: Tư Tế (tế lễ), Tiên Tri (rao giảng Tin Mừng), Vương Đế (quản trị, tổ chức cộng đoàn).

Nhờ Chúa Thánh Thần mà chức vụ linh mục cũng như việc làm của Chúa được truyền lại cho thế hệ thứ nhất là các tông đồ, các tông đồ lại tiếp tục truyền lại cho nhiều thế hệ sau nữa là các giám mục. Giám mục cần người cộng tác với mình nên đặt tay truyền chức thánh cho các linh mục và phó tế. Còn người giáo dân không được đặt tay truyền chức thánh linh mục, nhưng lại tham dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu qua Bí tích Rửa Tội.

Cho nên Giáo hội có phẩm trật là bởi vì tất cả mọi người đều tham dự vào chức linh mục duy nhất của Chúa Giêsu nhờ vào quyền năng duy nhất của Chúa Thánh Thần (giống như tất cả đều có chung một họ vậy). Nhưng mà tùy theo mức độ tham dự mà sinh ra phẩm trật. Giám mục có chức thánh tràn đầy nhất, kế đến là linh mục, rồi phó tế và sau cùng là giáo dân.

Giáo hội được tổ chức theo cơ cấu phẩm trật (giáo sĩ, giáo dân, có lớn nhỏ, trên dưới) nhưng lại thống nhất, hiệp nhất và hòa hợp với nhau, là vì tất cả dù là giám mục, linh mục, giáo dân đều tham dự vào một chức vụ linh mục duy nhất của Chúa Giêsu nhờ bởi quyền phép duy nhất của Thánh Thần. Có thể nói vì cùng chia sẻ và dự phần vào sứ vụ LINH MỤC của Chúa Giêsu nên cần phải có sự thống nhất, hiệp nhất và hòa hợp với nhau. Để hiểu rõ hơn ý tưởng này, các em thử lắng nghe câu chuyện ngụ ngôn của Esop có tên là: CHẾT VÌ CHIA RẺ.

Một chú gà mái đẻ được 10 quả trứng, sau một thời gian ấp ủ, 10 quả trứng nở ra 10 chú gà trống thật đẹp và xinh xắn. Theo thời gian 10 chú gà con giờ đã trở thành 10 chú gà trống oai vệ. Có một con cáo muốn bắt những chú gà trống này để ăn thịt, nhưng vì những chú gà trống này luôn đoàn kết với nhau. Cho nên cứ mỗi lần chú cáo xuất hiện, là ngay lập tức 10 chú gà trống cùng lúc vây lại, dùng tiếng gáy và đôi chân có cựa của mình để xua đuổi chú cáo. Vì thế chú cáo không thể làm gì được 10 chú gà trống.

Một hôm khác con cáo đến gặp riêng từng chú gà trống và nói: anh là chú gà trống oai vệ, anh phải ra riêng tự lập, tìm một vùng đất để anh làm bá chủ. Tôi thấy các anh oai vệ thật, nhưng lúc nào các anh cũng đi chung với nhau, cùng sống chung với nhau, cùng tìm thức ăn chung với nhau… vậy sao xứng danh là bậc anh hùng?

Nghe chú cáo nói như thế, 10 chú gà trống không còn đi chung với nhau nữa, cứ mỗi sáng thức dậy là chúng tách riêng ra, cao ngạo đứng trên những ngọn cây cao cất tiếng gáy oai vệ để khẳng định vùng lãnh thổ của mình. Nhưng từ khi những chú gà tách riêng ra, thì chú cáo lại có cơ hội để bắt từng chú gà trống một để ăn thịt. Ông chủ thấy đàn gà trống của mình cứ mỗi ngày mất dần. Ông mới quyết định bắt hết những chú gà trống còn lại nhốt chung với nhau. Nhưng than ôi, khi nhốt chung với nhau những chú gà trống này lại đá nhau dữ dội hơn vì ganh ghét và vì thời gian không gặp nhau nên chúng cứ tưởng là xa lạ.

Thấy như vậy ông chủ mới chạy đến và la lên: chúng mày có cùng một cha, cùng một mẹ mà sao cứ mãi đá nhau! Nghe như thế những chú gà trống mới chịu dừng lại, nhưng than ôi đã quá muộn, chú nào cũng mang thương tích đầy mình đang nằm thoi thóp như thể sắp chết vậy.

Các em thân mến. Tất cả chúng ta đều có có chung một người mẹ là Mẹ Giáo hội, có chung một người Cha là Chúa Cha, có chung một Thần Khí hướng dẫn là Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng làm chung một công việc là cùng tham dự vào chức linh mục của Chúa Kitô và có chung một người đứng đầu là Chúa Kitô. Cho nên chúng ta hiệp nhất, hòa hợp và thống nhất với nhau trong cùng một thân thể sống động là thân mình Chúa Kitô – là chính Hội thánh.

Nhưng có nhiều lúc vì ganh ghét, kiêu ngạo hoặc người khác tác động làm cho chúng ta mù mờ và quên đi nguồn gốc, cũng như những nguyên lý hợp nhất trong Giáo hội. Vì thế mà chúng ta đâm ra chia rẻ và gây thương tích cho nhau. Ý thức lại nguồn gốc, việc làm, cũng như vai trò vị trí của mình trong việc tham dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu, thì ngay lập tức chúng ta lại hiệp nhất với nhau.

b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Tất cả mọi người trong Hội thánh từ Đức Giáo Hoàng cho đến người giáo dân bình thường đều là chi thể trong thân mình Giáo hội của Đức Kitô. Vậy đã là chi thể sao còn phân biệt Đức Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế, Tu sĩ và người Giáo dân?

          Để các em có thể hiểu được vấn đề này, các em thử lắng nghe một câu chuyện ngụ ngôn có tên: CHÂN, TAY, TAI,  MẮT, MIỆNG

          Đang sống hòa thuận với nhau, bỗng một hôm cô mắt, cậu chân, cậu tay, bác tai chợt nhận ra rằng tất cả bọn họ phải quanh năm làm việc vất vả để cho bạn miệng chỉ việc ngồi không ăn bám. Họ rủ nhau kéo đến nhà bạn miệng để nói cho bạn biết: Từ nay trở đi, họ không làm cho bạn ăn nữa, bạn phải tự lo lấy thân.

          Sau đó tất cả bọn họ cùng đình công không làm gì cả, nhưng sau vài ba ngày ai cũng thấy mệt mỏi rã rời và sau một tuần thì cả bọn cùng kiệt sức không thể chịu được nữa. Họ lại họp bàn với nhau và nhận rõ sai lầm của mình: Nếu chúng ta không làm cho bạn miệng ăn thì chính chúng ta cũng sẽ bị tê liệt cả. Công việc của bạn miệng chính là nhai thức ăn, đâu phải bạn ăn không ngồi rồi. Bạn miệng có ăn thì chúng ta mới khỏe khoắn được.

          Thế là họ lại kéo tới nhà bạn miệng, chính bạn miệng lúc này cũng đang đói lả. Mọi người vội vả tìm thức ăn cho bạn miệng, bạn miệng tỉnh dần và mọi người cũng thấy khỏe dần lên. Từ đó mắt, chân, tay, tai miệng lại sống hòa thuận với nhau như trước.

          Qua câu chuyện này các em suy nghĩ điều gì? Các em có thể nói lên ý nghĩa câu chuyện theo cách hiểu và cảm nghiệm của em? (các em thử chia sẻ)

Đúc kết phần thảo luận của các em: Câu chuyện này muốn nói lên rằng: trong thân thể con người có nhiều chi thể khác nhau, mỗi chi thể có nhiệm vụ và việc làm riêng của mình, không ai có thể thay thế được cho ai, cũng không ai được phép phân bì hay so đo, tính toán hoặc coi thường nhau… Nhưng tất cả đều hỗ trợ, bổ túc cho nhau để cùng nhau làm cho thân thể được khỏe mạnh sống động.

          Thân mình Giáo hội cũng vậy. Có Chúa Giêsu là đầu thân mình. Đức Giáo Hoàng (là Tông đồ Trưởng để coi sóc, nâng đỡ các Tông đồ khác) có nhiệm vụ của ngài là thay mặt Chúa ở trần gian điều hành Giáo hội. Có các giám mục (là các Tông đồ của Chúa Giêsu), là vì các ngài tiếp tục việc làm của Chúa Giêsu ở trần gian (là đem Tin Mừng cứu độ và phép rửa tha tội) đến cho muôn dân. Có các linh mục là vì một mình giám mục không thể quán xuyến hết được công việc loan báo Tin Mừng cứu độ và làm phép rửa cho muôn dân theo lệnh truyền của Chúa. Vì thế, các linh mục là những cộng sự viên đắc lực với giám mục trong công việc của các ngài.

          Còn các phó tế cũng là những cộng sự viên của các giám mục và linh mục, nhưng lại chuyên tâm vào một số việc làm nhất định là phục vụ Lời Chúa và cổ võ công việc từ thiện bác ái. Còn các tu sĩ họ lại chọn đời sống phản ánh những đức tính sát với đời sống của Chúa Giêsu là vâng phục, khó nghèo và độc thân khiết tịnh. Còn riêng đối với người giáo dân, họ lại sống ơn gọi đặc biệt của mình là trở nên thánh thiện bằng đời sống giữa đời thường để làm chứng cho Tin Mừng của Chúa ở trần gian.

          Tất cả mọi chi thể trong thân mình Hội thánh đều cao quí, mỗi người sống ơn gọi riêng của mình, không ai thay thế được cho ai. Nhưng tất cả đều có một điểm chung duy nhất là làm cho thân mình Hội thánh của Chúa Kitô luôn được sống động và thánh thiện bằng chính đời sống thánh thiện của từng chi thể.

Đó là lý do tại sao có sự phân biệt ơn gọi trong Giáo hội. Phân biệt chứ không phải nhằm đến sự phân cấp cao thấp. Còn phẩm trật là muốn nói đến mức độ tham dự vào chức linh mục của Chúa Giêsu theo ơn gọi của từng người. Vì thế tất cả mọi chi thể, mọi ơn gọi trong Hội thánh đều nhằm đến mục đích chung là trở nên thánh thiện – nghĩa là phải trở nên giống Chúa Giêsu.

c. Cầu nguyện giữa giờ: tùy nghi thay đổi, linh động:...

Lời nguyện: Lạy Chúa, từ trước đến giờ con chưa hiểu được ý nghĩa tổ chức của Hội thánh. Tại sao lại có phẩm trật? Tại sao lại có Giáo Hoàng, Giám mục, Linh mục, Phó tế, Giáo dân? Con cứ nghĩ đó là những người có địa vị, chức quyền, còn giáo dân chỉ là công dân là cấp thấp nhất. Giờ con mới hiểu được tất cả đều là chi thể trong thân mình Hội thánh có Chúa Giêsu là người đứng đầu, còn tất cả mọi người đều phải trở nên thánh thiện qua những ơn gọi đặc biệt của từng chi thể. Xin Chúa cho con biết vui mừng sống ơn gọi của con sao cho thật lành thánh đạo đức. Amen

3. Một điểm thực hành

a. Sinh hoạt giáo lý

- Băng reo: EM YÊU CHÚA – EM YÊU HỘI THÁNH

          NĐK: Em yêu ai?

          CE: Em yêu Chúa Giêsu (đưa 2 tay lên bắt hình thánh giá)

          NĐK: Em yêu ai?

          CE: Em yêu Hội thánh của Chúa Giêsu (2 tay đưa lên khỏi đầu và bắt hình vòng cung trên đầu)

          NĐK: Vì sao em yêu Chúa, yêu Hội thánh?

          CE: Vì em là con Chúa – Vì em là chi thể trong Hội thánh. Amen (Kéo dài từ Amen và vỗ tay thật lớn sau đó cùng hát chung bài hát giáo lý: GIÊSU ÁNH SÁNG)

(tùy nghi thay đổi băng reo và hình thức cử điệu sao cho linh hoạt và phù hợp)

- Bài hát giáo lý: GIÊSU ÁNH SÁNG (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)

Giêsu ơi, Ngài là ánh sáng, xin cho con được tan cháy trong Ngài. Giêsu ơi, Ngài là đường đi, xin cho con đồng hành với Chúa, xin cho con với Chúa vào đời, để trần gian tràn ngập tiếng cười. Xin cho con với Chúa vào đời, để trần gian chan hòa niềm vui (lập lại bài hát 3 lần)

- Bài hát sinh hoạt: NỐI VÒNG TAY LỚN (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)

          1. Rừng núi giang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà. Mặt đất bao la anh em ta về gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam.

          ĐK: Cờ nối gió đêm vui nối ngày, giòng máu nối con tim đồng loại dựng tình người trong ngày mới. Thành phố nối thôn xa vời vợi, người chết nối linh thiêng vào đời và nụ cười nở trên môi.

          2. Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay, ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi. Vượt thác cheo leo tay ta vượt đèo từ quê nghèo lên phố lớn nắm tay nối liền biển xanh sông gấm nối liền một vòng từ sinh. (trở lại điệp khúc)

b. Bài học ghi nhớ

1.  Tín hữu Công giáo gồm những ai?

Tín hữu Công giáo gồm những người tin vào Đức Kitô, đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.  [177]

2.  Hội thánh Công giáo có những thành phần nào?

Hội thánh Công giáo gồm có hai thành phần là Giáo sĩ và Giáo dân. Trong hai thành phần này có những người sống đời thánh hiến gọi là tu sĩ. [178]

3.  Giáo sĩ gồm những ai?

Giáo sĩ gồm những người đã được lãnh nhận Bí tích Truyền Chức Thánh là giám mục, linh mục và phó tế. [179]

4.  Đức Giáo Hoàng là ai?

Đức Giáo Hoàng là Giám mục Rôma, kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng cho sự hợp nhất của Hội thánh. Ngài là vị đại diện Đức Kitô, thủ lãnh Giám mục đoàn, và là mục tử của toàn thể Hội thánh. [182]

5.  Giám mục là ai?

Giám mục là những đấng kế vị các Tông đồ, có sứ vụ giảng dạy, thánh hóa, cai quản Hội thánh địa phương và cùng với Đức Giáo Hoàng phục vụ Hội thánh toàn cầu. [183, 184, 186, 187]

6.  Linh mục là ai?

Linh mục là những người tham dự vào chức Tư tế của các Giám mục và chia sẻ sứ mạng của các ngài.

7.  Phó tế là ai?

Phó tế là những người được truyền chức thánh, để phục vụ dân Chúa qua việc cử hành phụng vụ, rao giảng Lời Chúa và thi hành các việc bác ái.

8.  Giáo dân là ai?

Giáo dân là các Kitô hữu được dự phần vào sứ vụ Tư tế, Tiên tri và Vương đế của Đức Kitô bằng việc nên thánh, làm chứng cho Đức Kitô và xây dựng Nước Trời theo ơn gọi riêng của mình. [189]

9.  Ơn gọi của giáo dân là gì?

Ơn gọi của giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa và dấn thân làm tông đồ giữa trần gian. [188]

10.  Người giáo dân tham gia vào sứ vụ tư tế của Đức Kitô thế nào?

Người giáo dân tham gia vào sứ vụ tư tế của Đức Kitô bằng việc dâng hiến toàn bộ cuộc sống riêng của họ, nhất là trong thánh lễ. [188]

11.  Người giáo dân tham gia vào sứ vụ tiên tri của Đức Kitô thế nào?

Người giáo dân tham gia vào sứ vụ tiên tri của Đức Kitô bằng việc đón nhận và loan báo Lời của Đức Kitô cho thế giới, qua chứng từ đời sống cũng như qua lời nói, hoạt động rao giảng Tin Mừng và huấn giáo. [190]

12.  Người giáo dân tham gia vào sứ vụ vương đế của Đức Kitô thế nào?

Người giáo dân tham gia vào sứ vụ vương đế của Đức Kitô bằng việc chiến thắng tội lỗi, qua sự từ bỏ bản thân và sống thánh thiện, cũng như bằng việc thực hiện những chức vụ khác nhau, để phục vụ cộng đoàn và làm cho các hoạt động trần thế thấm nhuần những giá trị luân lý. [191]

13.  Tu sĩ là ai?

Tu sĩ là những Kitô hữu muốn bước theo Chúa Giêsu cách triệt để hơn, qua việc giữ các lời khuyên Phúc Âm về khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục, trong một bậc sống bền vững được Hội thánh công nhận. [192]

14.  Các tu sĩ đóng góp gì cho sứ vụ của Hội thánh?

Các tu sĩ làm chứng cho niềm hy vọng về Nước Trời, qua việc tự hiến trọn vẹn cho Đức Kitô và anh chị em. [193]

4. CẦU NGUYỆN KẾT

a. Cảm nghiệm mới: Chúa ơi! Từ bấy lâu nay con cứ nghĩ rằng: Tổ chức trong Giáo hội, cũng giống như những tổ chức bình thường ở trần thế: Ai làm lớn, học cao, bằng cấp loại ưu, tay nghề chuyên môn và thực lực giỏi thì lãnh lương nhiều, được người khác trọng vọng. Con cứ nghĩ rằng: Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, những linh mục và phó tế, các tu sĩ… là những con người quyền uy, dùng quyền lực để lãnh đạo. Nay qua bài giáo lý này con mới nhận ra, hiểu biết nhiều hơn và xác tín cách chân thật rằng: tất cả mọi thành phần dân Chúa đều là chi thể của thân mình Chúa Kitô – là Giáo hội, trong đó Chúa Giêsu là người đứng đầu. Còn tất cả mọi người chúng con được mời tham dự vào chức linh mục của Chúa qua những ơn gọi riêng của mình, để nhờ đó chúng con có thể nên thánh cách dễ dàng hơn. Con thành thật xin lỗi Chúa và xin lỗi những người mà con đã có suy nghĩ chưa đúng về họ. (Một phút hồi tâm, các em quỳ gối đọc chung kinh Ăn Năn Tội, Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh)

b. Quyết tâm sống: Nay con quyết tâm cố gắng sống thật tốt với vai trò và vị trí của con. Con hứa với Chúa: nếu con đang là con cái trong gia đình con sẽ sống cho đúng mực người con. Nếu sau này con là cha mẹ trong gia đình, con sẽ sống gương mẫu trong ơn gọi gia đình của mình. Và nếu mai sau con là người dấn thân sống đời thánh hiến, con sẽ cố gắng trung thành với Giáo hội. Và cho dù cuộc sống con có thế nào đi chăng nữa, con luôn xác tín rằng: Chúa đang hướng dẫn con nên thánh qua ơn gọi mà Chúa ban cho con. LẠY CHÚA CON YÊU MẾN CHÚA. CON YÊU MẾN HỘI THÁNH. CON YÊU MẾN ĐỨC GIÁO HOÀNG, CÁC ĐỨC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ NAM NỮ VÀ YÊU MẾN TẤT CẢ MỌI NGƯỜI.

Ban Giáo lý Giáo phận