GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 23: CÁC ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH:
DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN
GLHTCG: 811-870; BTY: 161-176
“Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”
(Mt 16,18).
1. MỞ ĐẦU
a. Phút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
- Bài hát: BÀI CA HIỆP NHẤT
ĐK:
Xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa. Xin hiệp nhất chúng con như Ngài liên kết với Cha. Xin giải thoát chúng con xa điều bất hòa chia rẽ. Xin kết liên muôn người trong lòng mến Chúa Cha muôn đời.
PK:
Người người mọi dân nước cũng là con của Cha trên trời. Được Ngài thương cứu vớt, bởi một lần hy sinh khổ giá. Thì này nguyện xin Chúa hãy thương ban Thánh Linh của Ngài. Hiệp nhất chúng con trong Chúa. (trở lại ĐK)
b. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần giải quyết
- Ôn bài cũ - Giới thiệu chủ đề bài mới:
Các em thân mến! Tuần trước các em đã được học về Hội thánh. Hội thánh là gì? Các em còn nhớ không? (hỏi các em để các em trả lời). Hội thánh là dân của Thiên Chúa, không phân biệt màu da, hay ngôn ngữ, thói quen hay tập quán, già trẻ hay nghèo giàu… bất kỳ hễ tin vào Chúa Giêsu và được lãnh nhận Phép Rửa Tội thì trở thành dân Thiên Chúa.
Hội thánh còn là chi thể của Chúa Kitô. Nghĩa là Chúa Kitô là lớn nhất, đứng đầu trong gia đình là Hội thánh, là người hướng dẫn lãnh đạo, còn mỗi người chúng ta là những thành viên, cũng giống như Chúa Kitô là thân cây còn chúng ta là cành cây, lá cây, rễ cây, vỏ cây …
Hội thánh còn được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì các em biết chính Chúa Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần đã ngự xuống trên các tông đồ để từ đó hợp nhất mọi người lại với nhau trong một đức tin vào Chúa Giêsu, và từ đó khai sinh ra Hội thánh. Chính vì thế mà Chúa Thánh Thần luôn ngự trị cách mạnh mẽ nhất trong tâm hồn các Kitô hữu là những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội và nhất là khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Các em đã biết Hội thánh là gì? Hội thánh là ai? Hội thánh như thế nào? Hôm nay các em sẽ được tìm hiểu nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa, rộng hơn nữa về Hội thánh. Đó chính là những ĐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH. Trước khi giải thích cho các em hiểu biết về những đặc tính của Hội thánh, các em thinh lặng, lắng đọng tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa.
- Lắng nghe Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 16, 13-20)
(GLV đọc cho các em nghe, hoặc một em đại diện đọc, hoặc cả lớp cùng đọc chung)
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: "Người ta nói Con Người là ai?" Các ông thưa: "Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ." Đức Giê-su lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Si-môn Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống." Đức Giê-su nói với ông: "Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy." Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Lời Chúa các em vừa nghe, tường thuật lại những suy nghĩ của người dân thời Chúa Giêsu, họ nhận xét về Chúa Giêsu, họ coi Chúa Giêsu như là vị tiên tri, có người thì nói Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả sống lại. Sở dĩ họ nhận xét và để ý đến Chúa Giêsu và là lúc này Chúa rất nổi tiếng và Chúa làm nhiều việc mà người bình thường không thể làm được như: cho kẻ chết sống lại, chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ…
Các em có thể nhắc lại được không: Phêrô đã nói với Chúa như thế nào? Để rồi Chúa đã chọn Phêrô làm người đứng đầu để Chúa xây dựng, tổ chức Hội thánh của Chúa? Và các em có thể nói lên suy nghĩ của mình thử xem: tại sao Chúa lại chọn Phêrô trong khi ông là người dốt nát, ít học, không tài giỏi… trong khi có nhiều người khác tài giỏi hơn Phêrô? (các em suy nghĩ và trả lời)
Giải thích và trả lời cho những câu hỏi vừa đặt ra
: Sở dĩ Chúa chọn Phêrô là vì ông đã tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế (Đức tin duy nhất). Chúa Chọn Phêrô là vì ông yêu mến Chúa và vì sự trung thực của ông (ông nghĩ sao là ông nói ra như vậy, ông được Chúa mạc khải như thế nào là ông nói ra y như vậy) – Đó là sự thánh thiện của Chúa ban cho Phêrô – đó cũng là sự thánh thiện của Hội thánh (sự thánh thiện có nguồn gốc từ Chúa).
Chúa nói với Phêrô: Bắt đầu từ Phêrô, Chúa Giêsu sẽ xây dựng Hội thánh của Chúa thật vững chắc tỏa lan đến mọi người và mọi thời đại (Công giáo) và Chúa đã trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời, để rồi từ đó Phêrô cũng trao cho những người khác nữa (Tông truyền).
- Tóm lại nội dung chính của bài giáo lý:
Qua đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, cho chúng ta thấy: đặc tính của Hội thánh là: Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.
- Những vấn đề cần giải quyết và tìm hiểu:
Trong Hội thánh có rất nhiều thành phần với mức độ tin vào Chúa rất khác nhau, và những con người này cũng còn phạm tội rất khác nhau. Vậy sao gọi là Duy Nhất và Thánh Thiện được? Duy Nhất có phải là một không? Thánh Thiện có phải là không mắc tội?
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều tôn giáo khác nhau, vậy tại sao gọi đạo của Chúa Giêsu là Công giáo được? Hơn nữa có nhiều Giám mục, linh mục và tu sĩ ly khai (Không còn tùng phục Đức Giáo Hoàng nữa) vậy Tông Truyền được hiểu như thế nào?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
a. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ: Tại sao trong Hội thánh có nhiều thành phần với mức độ đức tin khác nhau, và cũng có nhiều người phạm những tội lỗi ở nhiều mức độ khác nhau. Vậy sao gọi là Duy Nhất và Thánh Thiện được?
Các em thử suy nghĩ một tình huống như thế này
: Một người phụ nữ Việt Nam có một người chồng Việt Nam, hai vợ chồng sinh được một người con trai, chẳng may người chồng qua đời. Người mẹ tiếp tục tái giá với một người đàn ông là người Mỹ. Họ cùng chung sống và sinh ra một đứa con thứ hai, đứa con này mang trong mình 2 dòng máu vừa Việt Nam vừa Mỹ. Rồi chẳng may người chồng lại gặp một tai nạn giao thông và đã qua đời. Người mẹ quyết định đi thêm bước nữa, người chồng thứ ba của chị là người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ lại tiếp tục chung sống và sinh ra một đứa con thứ ba, đứa con này lại mang trong người 2 dòng máu, vừa Việt Nam vừa Thổ. Sự chẳng may lại xảy đến, người chồng Thổ Nhĩ Kỳ này lại lâm bệnh nặng và chết. Người mẹ quyết định ở như vậy và nuôi ba đứa con. Vậy các em thử suy nghĩ và trả lời xem: cả ba người con cùng với người mẹ có điểm chung nào với nhau? Họ có thể chung sống được với nhau trong tình yêu thương không?
Đúc kết phần thảo luận của các em:
Cả ba người con cùng với người mẹ có điểm chung duy nhất đó là: họ có máu mũ với nhau, mặc dù màu da và trong người họ mang nhiều dòng máu khác nhau, và chắc chắn họ chung sống trong tình yêu thương được với nhau. Bởi vì họ có cùng có chung một người mẹ.
Sở dĩ Hội thánh được gọi là duy nhất, bởi vì Hội thánh có chung một dòng máu – dòng máu đức tin. Có chung một tình yêu – tình yêu con người và yêu mến Thiên Chúa. Có chung một vị sáng lập (như một người mẹ) - Người mẹ đó là Chúa Kitô, là Hội thánh. Và cùng sống chung và cùng ăn chung một loại thức ăn như nhau (cử hành và sống các bí tích). Và trên hết, mỗi một người là đền thờ của Chúa Thánh Thần, cho nên tất cả mọi người đều trở nên một đền thờ duy nhất trong Thánh Thần. Mặc dù đức tin có người mạnh người yếu, đức mến cũng vậy, lòng sùng đạo cũng có người nhiệt tâm người nguội lạnh… nhưng tất cả đều trở thành một khối thống nhất, là bởi vì tất cả đều có những điểm chung và mang trong mình dòng máu là con cái Thiên Chúa (đã được tái sinh trong Bí tích Rửa Tội).
Còn vấn đề Hội thánh là Thánh Thiện trong khi có nhiều người tội lỗi, thì giải thích thế nào?
Vấn đề này, các em có thể liên tưởng đến một sự kiện như thế này: Em là người Việt Nam, nếu em ra nước ngoài sinh sống, nước Mỹ chẳng hạn. Vậy người ta sẽ gọi em là người gì? Không ai gọi em là người Mỹ, trái lại họ gọi em là người Mỹ gốc Việt Nam. Nếu ở bên Mỹ chẳng may em phạm tội, hoặc em giàu có hoặc thành đạt, hoặc nghèo khổ, hoặc trở thành người nổi tiếng… người ta vẫn gọi em là người Mỹ gốc Việt Nam.
Hội thánh được gọi là Thánh Thiện, bởi vì không bao giờ Hội thánh mất được gốc của mình, cho dù những thành viên trong Hội thánh có phạm tội, có chối bỏ, có như thế nào đi chăng nữa, thì gốc gác của Hội thánh ngàn đời vẫn không xóa nhòa. Nguồn gốc của Hội thánh là do chính Chúa Cha là Đấng thánh đã cưu mang và chuẩn bị Hội thánh trong Giao Ước Cũ, Chúa Giêsu đã thiết lập và khai sinh Hội thánh bằng Giao Ước Mới, và Chúa Thánh Thần đã tỏ lộ Hội thánh ra cho mọi người trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Giêsu làm thủ lãnh và làm đầu của thân thể là Hội thánh, cho nên, căn gốc Hội thánh là căn gốc thánh thiện sẽ luôn vẫn còn mãi mãi.
b. Đặt vấn đề thảo luận làm sáng tỏ:
Tại sao trên thế giới có rất nhiều tôn giáo khác nhau, vậy tại sao gọi đạo của Chúa Giêsu là Công giáo được? Hơn nữa có nhiều Giám mục, linh mục và tu sĩ ly khai (Không còn tùng phục Đức Giáo Hoàng nữa). Vậy Tông Truyền được hiểu như thế nào?
Để các em có thể hiểu được vấn đề này, các em thử lắng nghe một câu chuyện như sau: Người Ả Rập họ truyền tụng nhau một câu chuyện có tên là: CÁNH CỬA CHẤT VẤN. Nội dung câu chuyện như sau:
Người ta kể rằng bất kỳ ai trước khi vào nước thiên đàng, đều phải đến đứng trước cánh cửa án ngữ phía trước cổng vào thiên đàng. Cánh cửa này có tên là Cánh Cửa Chất Vấn. Khi đứng trước cánh cửa này, cánh cửa sẽ lên tiếng hỏi, người đứng trước cánh cửa có nhiệm vụ phải trả lời những câu hỏi mà cánh cửa đưa ra. Nếu trả lời đúng thì cánh cửa sẽ mở ra và người ta sẽ đi qua cánh cửa và như thế họ đã vào được nước thiên đàng, còn nếu trả lời không đúng thì cánh cửa không mở ra và người ta sẽ không vào được nước thiên đàng.
Một người đàn ông đến đứng trước cánh cửa và hỏi: Anh là ai? Anh ta trả lời: Tôi là một người Hồi giáo thờ Đấng Allah. Cánh cửa bảo: Không đúng! Thế là nó không mở ra. Người đàn ông trở về suy nghĩ một lúc rồi anh ta trở lại. Cánh cửa lại hỏi: Anh là ai? Tôi là một bác sĩ, tôi là chồng của cô Shala. Cánh cửa đáp lại: Không đúng! Thế là nó vẫn không mở ra. Người đàn ông trở về, anh ta suy nghĩ: mình có nói dối điều gì với cánh cửa đâu, mình có sao mình nói vậy, tại sao nó lại không chịu mở ra nhỉ? Quái lạ! Nghĩ mãi một lúc, anh mới quyết định vác một chiếc búa thật to đến trước cánh cửa, nếu cánh cửa mà không chịu mở ra, anh sẽ dùng chiếc búa mà bổ vào cánh cửa để anh đi vào thiên đàng, không cần thiết cánh cửa có chịu mở ra hay không? Nghĩ xong là anh làm ngay. Anh vác chiếc búa đến đứng trước cánh cửa. Cánh cửa hỏi anh: Anh là ai? Anh tức quá, anh trả lời. Ta là một tội nhân, ta đang chuẩn bị phạm tội đây.
Kỳ lạ thay, anh vừa nói ta là một tội nhân, thì ngay tức thì cánh cửa đáp: Anh nói rất đúng, và ngay lập tức cánh cửa mở ra và anh bước vào mà không phải mất một giọt mồ hôi.
Câu chuyện này muốn nói lên rằng: là con người cho dù là ai đi chăng nữa, chức quyền và thành công đến đâu vẫn là một tội nhân trước mặt Chúa. Chính vì loài người (tất cả mọi người) là tội nhân cho nên cần đến ơn cứu độ của Chúa. Để có được ơn cứu độ của Chúa, đòi buộc họ phải đón nhận Phúc Âm, đón nhận Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng, và lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Rửa Tội.
Vì thế mà Hội thánh có tính Công Giáo là như vậy, Hội thánh đến với hết tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc màu da… bởi vì tất cả mọi người đều cần đến ơn cứu độ của Chúa. Vì mỗi người là một tội nhân trước mặt Chúa.
Vấn đề về đặc tính Tông Truyền của Hội thánh, các em có thể hiểu qua câu chuyện thứ hai như sau: Câu chuyện có tên VỊ SƯ CHÂN TRUYỀN CỦA PHÁI THIẾU LÂM (Chân truyền có nghĩa là người đệ tử được vị sư phụ truyền lại bí kiếp võ công cách chính thức trực tiếp). Câu chuyện như sau:
Tại một ngôi chùa cổ xưa lâu đời, tọa lạc trong một ngôi làng cổ kính, có lịch sử hình thành và tồn tại hàng trăm ngàn năm trên ngọn núi cao Tây Tạng ở Trung Quốc. Các vị sư trong chùa đều được sư phụ cao tăng nắm giữ bí kiếp võ công truyền lại cho các ông. Tất cả những võ học tinh hoa đều được vị sư phụ cao tăng này truyền lại cho các nhà sư trẻ. Tuy nhiên còn một chiêu thức bí truyền, vị cao tăng này vẫn còn giữ lại mà chưa truyền cho các đệ tử. Ông nói rằng: “trước khi qua đời ông mới truyền lại chiêu thức cuối cùng này.” Trong các đệ tử, có một nhà sư trẻ rắp tâm nổi loạn, muốn học ngay chiêu thức bí truyền của vị sư phụ cao tăng, với ý định sau khi học xong chiêu thức này sẽ truất phế quyền tối thượng của vị sư phụ cao tăng. Vì thế anh ta đã lén đánh cắp quyển sách bí kíp võ truyền để học cho được chiêu thức này. Sau khi đánh cắp xong, anh ta trốn lên rừng và tự mình học tập và rèn luyện chiêu thức bí truyền này.
Sau một thời gian luyện tập nghiên cứu, anh đã nắm vững được chiêu thức. Anh vội vã trở lại chùa để thách đấu nhằm mục đích là hạ bệ vị sư phụ cao tăng. Nhưng anh không biết rằng: trong lúc anh đánh cắp quyển bí kíp võ học và lên rừng luyện tập một mình, thì ở tại chùa vị sư cao tăng đã tận tình truyền lại chiêu thức bí truyền cho tất cả các đệ tử trong chùa.
Khi tiến vào sân chùa thách đấu, anh tin rằng mình sẽ thắng. Vị sư cao tăng chỉ định một đệ tử ra chiến đấu với anh. Anh vội xuất độc chiêu bí truyền, người đệ tử được chỉ định đấu với anh cũng ra chiêu bí truyền giống như anh. Nhưng lạ một điều là, cứ mỗi lần anh xuất chiêu thì đầu của anh lại chổng ngược xuống đất, hai chân đưa lên trời, còn vị đệ tử kia khi xuất chiêu thì cứ vẫn bình thường đứng trên mặt đất. Thế là anh không cách nào đánh thắng được những vị đệ tử ở trong chùa đã được đích thân vị sư cao tăng truyền lại tuyệt chiêu bí truyền.
Qua câu chuyện này các em suy nghĩ điều gì? Tại sao người đệ tử phản bội mặc dù luyện được tuyệt chiêu bí truyền, nhưng lại không thể thắng được những đệ tử trong chùa được đích thân vị sư phụ cao tăng truyền dạy? (các em thử chia sẻ)
Đúc kết phần thảo luận của các em:
Sở dĩ người đệ tử phản bội không thể thắng được, mặc dù anh ta cũng luyện tập chiêu thức giống như vậy, nhưng khác ở chỗ là anh ta tự mình luyện tập. Còn các đệ tử khác trong chùa là do đích thân vị sư phụ già truyền lại.
Tông truyền trong Hội thánh cũng phần nào giống như vậy. Đó là những điều gì phải tin, phải cử hành, phải sống và hành động… là do chính các Tông đồ truyền lại, được chính các Tông đồ lưu giữ, thừa kế chính thức từ Chúa Giêsu, cho nên không thể bị sai lạc.
Còn một số Giám mục, hay linh mục, phó tế, hoặc người giáo dân ly khai khỏi Hội thánh… nghĩa là họ đã tự mình tách ra, tự mình tập luyện, tự mình tin, tự mình hành động theo kiểu của họ. Mặc dù họ vẫn tin Chúa Giêsu, nhưng cách họ tin, điều họ cử hành, cũng như cách suy nghĩ và sống đức tin của họ không còn tính cách tông truyền, chính thống từ Hội thánh nữa.
c. Cầu nguyện giữa giờ:
tùy nghi thay đổi, linh động:... ở đây đề nghị cùng đọc chung lời nguyện:
Lời nguyện:
Lạy Chúa, sau khi tìm hiểu về những đặc tính của Hội thánh: là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền. Bây giờ con mới hiểu được nhiều điều trong Hội thánh, con nhận ra Hội thánh được xây dựng trên những con người mỏng dòn yếu đuối, nhưng Hội thánh là của Chúa Giêsu, luôn có Chúa cùng đồng hành với Hội thánh. Xin cho chúng con biết yêu mến đạo của mình, biết yêu mến Hội thánh, yêu thương mọi người và cùng giúp nhau thăng tiến, thay vì cứ chỉ trích, so sánh hơn thua, hay tìm hoặc bới móc những khiếm khuyết của những con người trong Hội thánh. Amen
3. Một điểm thực hành
a. Sinh hoạt giáo lý
- Băng reo:
HỘI THÁNH
NĐK: HỘI THÁNH
CE: Duy Nhất (mọi người cùng nắm tay nhau đưa lên cao)
NĐK: HỘI THÁNH
CE: Thánh Thiện (mọi người cùng chấp tay trước ngực và quỳ gối xuống đất)
NĐK: HỘI THÁNH
CE: Công Giáo (mọi người đứng lên và vỗ một tràng pháo tay thật dài)
NĐK: HỘI THÁNH
CE: Tông Truyền (mọi người cùng Amen thật lớn kéo dài và vung tay nhảy lên cao)
(tùy nghi thay đổi băng reo và hình thức cử điệu sao cho linh hoạt và phù hợp)
- Bài hát giáo lý:
NÀY CON LÀ ĐÁ (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
Này con là đá, trên viên đá này Cha xây Giáo hội muôn đời kiên trung. Này con là đá, Satan sức hùng mưu ma vẫy vùng không làm chuyển rung. Ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Chúa gìn giữ người tăng gấp sinh lực và ban cho người đời này hạnh phúc, đừng trao người cho ác tâm quân thù, đừng trao người cho ác tâm quân thù.
- Bài hát sinh hoạt: TÔI CHỌN GIÊSU (Tập cho các em cùng hát chung với nhau. Tùy nghi thay đổi bài hát cho phù hợp)
1. Tôi chọn Giêsu là nắng. Tôi chọn Giêsu là mưa. Cho tháng năm thôi nỗi đìu hiu giá lạnh khô cằn. Nắng về tôi chia em nồng ấm. Mưa về tôi trao anh mầm xanh. Xanh ấm cho nhau hết buồn tênh hết phai tàn. Cho trái tim xanh mãi thêm xanh. Cho trái tim tươi mãi thêm tươi. Tôi chọn Giêsu.
2. Bởi vì Giêsu thuở ấy. Suốt ngàn năm qua còn đây. Vẫn hát cho tôi khúc tình ca, yêu là tất cả. Tôi chọn Giêsu yêu là sống. Tôi cùng Giêsu sống để yêu. Cho mãi xôn xao những niềm vui giữa cuộc đời. Cho trái tim yêu biết yêu hơn. Cho trái tim vui sẽ vui hơn. Tôi chọn Giêsu.
b. Bài học ghi nhớ
1. Hội thánh Công giáo có những đặc tính nào?
Có bốn đặc tính này là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
2. Tại sao Hội thánh có đặc tính duy nhất?
Vì Hội thánh có nguồn gốc và khuôn mẫu là Chúa Ba Ngôi; có Đấng sáng lập là Đức Kitô; có Chúa Thánh Thần hợp nhất các tín hữu với Đức Kitô; có một đức tin, một đức cậy, một đức mến, một đời sống bí tích và có một sự kế nhiệm tông truyền duy nhất. [161]
*3. Phải nhìn nhận các Kitô hữu không thuộc Công giáo thế nào?
Phải nhìn nhận họ như là anh em, vì họ cũng được liên kết với Đức Kitô nhờ Bí tích Rửa Tội. [163]
4. Các Kitô hữu phải làm gì cho sự hợp nhất của Hội thánh?
Phải sám hối, cầu nguyện, đối thoại và hiểu biết nhau. [164]
5. Tại sao Hội thánh có đặc tính thánh thiện?
Vì Hội thánh bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh; được Đức Kitô thánh hóa và làm cho có khả năng thánh hóa; được Chúa Thánh Thần làm cho sống động và phát sinh nhiều hoa trái thánh thiện. [165]
6. Hội thánh là thánh thiện sao lại có tội nhân?
Vì các thành phần của Hội thánh chưa đạt tới sự thánh thiện trọn vẹn, cần phải thanh tẩy và nỗ lực sám hối, canh tân. [165]
7. Tại sao Hội thánh có đặc tính Công Giáo?
Hội thánh có đặc tính Công Giáo vì những lý do này:
- một là Hội thánh loan báo toàn bộ đức tin và đức tin toàn vẹn,
- hai là Hội thánh gìn giữ và quản lý đầy đủ các phương tiện cứu độ,
- ba là Hội thánh được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi thời đại. [166]
*8. Tại sao Giáo Hội địa phương có đặc tính Công Giáo?
Vì cùng hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích với Giám mục và Giáo Hội Rôma. [167]
9. Những ai thuộc về Hội thánh Công giáo?
Những người đã được rửa tội, dù hiệp thông trọn vẹn hay chưa trọn vẹn với Hội thánh đều thuộc về Hội thánh Công giáo. [168]
*10. Tại sao Hội thánh Công giáo có liên hệ với dân Do Thái?
Vì họ là dân được Thiên Chúa tuyển chọn trước, để đón nhận Lời Ngài; vì đức tin của họ là sự đáp trả cho mặc khải của Thiên Chúa trong Giao Ước Cũ, và vì Hội thánh tiếp tục hoàn tất những gì Thiên Chúa đã khởi sự nơi dân Do Thái xưa. [169]
*11. Hội thánh Công giáo có liên hệ với các tôn giáo ngoài Kitô giáo thế nào?
Hội thánh Công giáo nhìn nhận những điều tốt đẹp và chân thật trong các tôn giáo khác đều xuất phát từ Thiên Chúa, và có thể chuẩn bị cho việc đón nhận Tin Mừng, thúc đẩy sự hợp nhất nhân loại trong Hội thánh của Đức Kitô. [170]
12. “Ngoài Hội thánh không có ơn cứu độ” nghĩa là gì?
Nghĩa là những ai biết rằng Hội thánh được Đức Kitô thiết lập và cần thiết cho ơn cứu độ, mà không muốn gia nhập hay không kiên trì gắn bó với Hội thánh thì không thể được cứu độ. Tuy nhiên, những ai chân thành đi tìm Thiên Chúa, hoặc sống theo lương tâm ngay thẳng thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ muôn đời. [171]
13. Tại sao Hội thánh phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân?
Vì Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và chính Đức Kitô đã sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. [172]
14. Tại sao Hội thánh có đặc tính tông truyền?
Hội thánh có đặc tính tông truyền vì những lẽ này:
- một là vì Hội thánh được xây trên nền tảng các Tông đồ,
- hai là vì Hội thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn của các Tông đồ,
- ba là vì Hội thánh vẫn tiếp tục được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn bởi các đấng kế nhiệm các Tông đồ là các Giám mục hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. [174]
*15. Kế nhiệm tông truyền là gì?
Kế nhiệm tông truyền là sự chuyển giao sứ vụ và quyền hạn của các Tông đồ cho những người kế vị các ngài là các Giám mục, qua Bí tích Truyền Chức Thánh. [176]
4. CẦU NGUYỆN KẾT
a. Cảm nghiệm mới:
Lạy Chúa từ trước đến giờ, con được dạy Hội thánh thánh thiện, nhưng con lại cứ thắc mắc: Hội thánh thánh thiện vậy tại sao lại có nhiều người cũng sống sai trái, tội lỗi, thậm chí là xấu hơn cả người ngoại đạo.
Hôm nay sau khi học bài giáo lý này, con mới biết: Hội thánh thánh thiện là bởi vì có nguồn gốc từ Chúa là Đấng Thánh, có Chúa hiện diện hướng dẫn, nâng đỡ, nhằm giúp mọi người hướng đến sự thánh thiện của Chúa. Con cũng ý thức rằng: mỗi lần con không quyết tâm sống thánh thiện là con đã góp phần làm xấu đi bộ mặt thánh thiện của Hội thánh. Con thành tâm xin lỗi Chúa về những thiếu sót của con trong thời gian qua. (Một phút hồi tâm, các em quỳ gối đọc chung Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha)
b. Quyết tâm sống:
Nay con quyết tâm cố gắng sống tốt mỗi ngày để phần nào phản ánh được sự thánh thiện của Hội thánh. Nếu con còn bất hòa với ai, con cố gắng làm hòa với họ, để nói lên tình liên đới qua đặc tính Duy Nhất của Hội thánh. Nếu con còn nghi ngờ điều gì trong Hội thánh, con cũng quyết tâm bỏ những nghi ngờ này để góp phần làm cho người khác nhận ra đức tin con đang tin và đang giữ là đức tin được truyền lại từ các Tông Đồ. Và nếu con còn nhút nhát làm chứng cho Chúa bằng lời nói hay đời sống của con, con sẽ cố gắng làm cho người khác nhận ra Chúa từ lời nói, cách sống, cách cư xử của con… để con là sứ giả mang Tin Mừng của Chúa đến với mọi người.
Ban Giáo lý Giáo phận