GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 22: HỘI THÁNH: DÂN THIÊN CHÚA, THÂN THỂ ĐỨC KITÔ,
ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN
“Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa”
(Ep 2, 19 – 22).
I. MỞ ĐẦU
A. Phút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
- Hát kinh: Chúa Thánh Thần
- Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban Đức Kitô để cứu chuộc chúng con. Qua Ngài, Chúa đã thiết lập Giáo hội để mỗi người chúng con được sống trong tình yêu và ân sủng. Xin cho mỗi người chúng con luôn cảm nghiệm hồng ân cao trọng đó để ý thức sống mỗi ngày tốt hơn; và giờ đây, xin ban Thánh Thần Chúa xuống trên chúng con, để nhờ ơn Chúa Thánh Thần, chúng con hiểu được những điều chúng con học trong giờ giáo lý này. Amen.
B. Giới thiệu chủ đề: HỘI THÁNH CỦA ĐỨC KITÔ
- Ôn bài cũ:
Em nào có thể phát biểu Hội thánh của chúng ta gọi là Hội thánh gì? Và Hội thánh ấy được đặt trong kế hoạch cứu độ của ai?
Hội thánh của chúng ta được gọi là Hội thánh Công giáo. Hội thánh ấy được đặt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chuẩn bị Hội thánh từ trong Cựu Ước với 12 chi tộc dân Israel và hình thành trong Tân Ước. Đó là dân mới của Thiên Chúa và được đặt nền móng trên 12 Tông Đồ. “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14-15). Và qua cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Kitô, Hội thánh được chính thức thành lập. Như vậy, Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ, làm thành cộng đoàn gồm những người, nhờ đức tin và Bí tích Rửa Tội, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.
- Giới thiệu chủ đề:
Chúng ta biết Chúa Thánh Thần đã khai sinh ra Hội thánh trong ngày Lễ Ngũ Tuần (hay còn gọi là Lễ Hiện Xuống). Hội thánh đã như thế nào cho đến ngày hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu đôi nét về lịch sử của Giáo hội Công giáo.
Trên phương diện con người, Giáo hội có một nguồn gốc thật hèn kém và đáng buồn khi so với tất cả mọi tổ chức của xã hội loài người. Giáo hội Công giáo được khởi đầu với nhóm 12 người ít học, nghèo nàn, nhút nhát và đố kỵ nhau; là đồ đệ của ông Giêsu đã bị kết án và xử tử đóng đinh trên thập giá như một tên tử tội; rao giảng một giáo thuyết xa lạ và khó hiểu, đòi buộc hy sinh mà không hứa hẹn bổng lộc của trần gian.
- Trong ba trăm năm đầu tiên, Giáo hội Công giáo này có mặt trong đế quốc rộng rãi bao la của Rôma, và ngay lúc đó đã bị các hoàng đế đầy giàu sang và uy quyền của đế quốc Rôma đè bẹp và tiêu diệt bằng mọi hình thức. Hòang đế Điôklêxianô đã tin chắc mình tiêu diệt được Giáo hội Công giáo nên đã ra lệnh cho toàn đế quốc ăn mừng. Và để kỷ niệm ngày tiêu diệt được Giáo hội Công giáo lúc bấy giờ, hoàng đế đã cho phát hành khắp nơi trong đế quốc một đồng tiền mang tên ba chữ la tinh “Christiano Nomine Deleto” (Danh hiệu Kitô hữu đã bị xoá sạch rồi). Nhưng than ôi! hoàng đế này đã chết, đế quốc vô địch Rôma đã tan, còn Giáo hội Công giáo, với hai bàn tay trắng, vẫn còn sống, sống mạnh và lan rộng cho đến ngày hôm nay.
- Đến Thời Trung Cổ, các quân man rợ từ bên đông cũng như bên tây nổi lên tàn phá Giáo hội Công giáo cũng hết sức khủng khiếp, nhưng kết quả là họ đã được Giáo hội Công giáo đưa vào Đạo để nghe Lời Chúa Giêsu.
- Trong thế kỷ thứ 16, quân Hồi giáo gây chiến với Giáo hội Công giáo, dùng mọi biện pháp khủng bố dã man để tiêu diệt Giáo hội Công giáo, nhưng Giáo hội Công giáo vẫn không bị tiêu diệt.
- Đến thế kỷ thứ 18, các cuộc chống Đạo, nghịch Đạo nổi lên khắp nơi, tàn phá Giáo hội Công giáo, tịch thu cơ sở và tài sản, bắt bớ các linh mục, tu sĩ, giáo dân nào trung thành với Giáo hội Công giáo. Dầu vậy, Giáo hội Công giáo vẫn không sụp đổ và vẫn lớn mạnh cho đến ngày hôm nay.
Có thể nhiều người nghĩ rằng Giáo hội Công giáo là một tổ chức mà thế nào thời gian cũng làm cho ra úa tàn, kiệt quệ và tiêu tan. Nhưng lạ lùng thay! Vì qua thời gian, kẻ khác thì tan, tổ chức khác thì tàn, còn Giáo hội Công giáo thì bất chấp sức tiêu diệt của thời gian. Càng lâu trong thời gian, Giáo hội Công giáo càng rực rỡ thêm mãi trong thời gian. Thời gian không làm cho Giáo hội Công giáo trở nên già cỗi, héo khô; trái lại, với thời gian, Giáo hội Công giáo càng sinh động, càng lột xác, càng có những Công Đồng như Công Đồng Vatican II để làm cho mình luôn ở mãi trong một mùa xuân tươi trẻ.
Làm sao Giáo hội lại đứng vững và luôn tươi trẻ được như vậy? Thưa, vì đó là Giáo hội của Đức Kitô nên luôn mãi trường tồn như một vị trong Thượng Hội Đồng Do Thái tên là Ga-ma-li-ên, phản đối việc bắt bớ và dọa nạt các Tông đồ, ông đã cảm nghiệm và khẳng định: “Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá hủy được” (Cv 5, 38 – 39).
Với ý nghĩa đó, đã thôi thúc chúng ta tìm hiểu mối dây liên kết và sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hội thánh Ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã cảm nghiệm và nói trong một cuộc gặp gỡ rất đông các tín hữu tại công trường Thánh Phêrô ở Rôma như sau: “Cha rất sung sướng và cảm động trước quang cảnh này. Đây là toàn thể Hội thánh đang có mặt, đây là đại gia đình của Chúa Kitô đang tập họp...” Đức Giáo Hoàng đã xem các tín hữu tụ họp tại công trường Thánh Phêrô hôm ấy là Gia Đình Chúa Kitô, là Hội thánh. Đúng như thế, tất cả những ai đã được Rửa Tội đều được gia nhập Hội thánh, thuộc gia đình của Chúa Kitô, gia đình con cái Thiên Chúa. Đây cũng là điều Thánh Phaolô muốn nói với chúng ta hôm nay, mời các em đứng lên lắng nghe lời Chúa.
C. Lời Chúa trong trong thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Ê-phê-sô (Ep 2, 19 - 22)
Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.
Đó là Lời Chúa – Tạ ơn Chúa.
D. Vấn đề cần thảo luận và tìm hiểu
- Tại sao gọi Hội thánh là Dân Thiên Chúa?
- Hội thánh là Thân Thể Đức Kitô nghĩa là gì?
- Gọi Hội thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần phải hiểu như thế nào?
II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
A. Tại sao gọi Hội thánh là Dân Thiên Chúa?
Tìm hiểu làm sáng tỏ ý nghĩa Dân Thiên Chúa là gì? Đặc tính và các chức năng của Dân ấy?
Ở bài trước, các em đã được học và tìm hiểu về Hội thánh là gì rồi phải không? Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ, làm thành cộng đoàn gồm những người, nhờ đức tin và Bí tích Rửa Tội, trở nên con cái Thiên Chúa, chi thể của Đức Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Vậy bây giờ đảo ngược lại câu hỏi, chắc chắn sẽ không khó để các em hiểu và trả lời, có phải vậy không? Chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
1. Dân Thiên Chúa là gì?
Từ ngữ ‘dân’ chắc không xa lạ với các em, có đúng vậy không? Vì khi đi học các em đã được học hỏi và tìm hiểu về các cụm từ như ‘dân tộc’, ‘dân chúng’ .v.v… Từ sự học hỏi đó, các em dễ dàng hiểu và định nghĩa về các từ ngữ; chẳng hạn về từ ngữ ‘dân tộc là gì?’ dân tộc chỉ là một khối người có chung một nguyên-tổ trong huyền-sử. Dân tộc Việt Nam là gì? là một khối người có chung một nguyên-tổ trong huyền-sử. Huyền-sử của Việt Nam.
Tương tự như thế, chúng ta có câu hỏi “Dân Thiên Chúa là gì?” Dân Thiên Chúa là Hội thánh, vì Hội thánh là dân được Thiên Chúa kêu gọi và quy tụ.
- Hội thánh theo nghĩa Kinh Thánh, được hiểu là người dân. Từ "Hội thánh" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “Ekklesia” từ đó được định nghĩa là "một hội đồng" hoặc "được gọi ra khỏi". Nghĩa gốc của "Hội thánh" không phải là toà nhà mà là người dân.
Từ Hội thánh (do động từ Hy Lạp Ekkalein) nghĩa là một cuộc hội họp. Nó chỉ những cuộc tập họp dân chúng, thường có tính cách tôn giáo. Ðây là từ ngữ thường được dùng chỉ cuộc tập họp dân tuyển chọn trước Thiên Chúa, cách riêng cuộc tập họp ở Xinai của dân Israel để nhận lề luật và được Thiên Chúa thiết lập như dân thánh của Người (x.Xh 19). Tự gọi mình là Hội thánh, cộng đoàn tiên khởi những người tin Chúa Kitô nhận biết mình thừa kế cuộc tập hợp đó. Trong Hội thánh, Thiên Chúa tập hợp Dân Người từ khắp cùng bờ cõi trái đất.
Trong ngôn ngữ Kitô giáo, từ Hội thánh chỉ: (1) Cuộc tập họp Phụng vụ (x.1 Cr 11,18); (2) Nhưng cũng là một cộng đồng địa phương. (3) Hay cũng là một cộng đồng các tín hữu toàn cầu.
Ba nghĩa này thực tế khó tách rời. Hội thánh chính là Dân Thiên Chúa được tập hợp trong toàn thế giới. Hội thánh có mặt tại những cộng đồng địa phương, và thể hiện như một tập hợp Phụng Vụ, đặc biệt khi cử hành Thánh Thể.
2. Đặc tính của Dân Thiên Chúa như thế nào?
Dân Thiên Chúa có những đặc tính rõ ràng, phân biệt họ với tất cả những tập thể tôn giáo, chủng tộc, chính trị hoặc văn hóa trong lịch sử.
- Họ là dân của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo cho mình một dân tộc từ những người trước kia không phải là một dân tộc: "một giống nòi được tuyển chọn, một hoàng tộc chuyên lo tế tự, một dân thánh" (1 Pr 2, 9).
- Người ta trở nên thành viên của Dân này, không phải do huyết thống nhưng "được sinh ra từ trên", "bởi nước và Thánh Thần" (Ga 3, 3-5); nghĩa là nhờ tin vào Ðức Ki-tô và nhờ Phép Rửa.
- Dân này có vị Thủ Lãnh (Ðầu) là Ðức Ki-tô (Ðấng đựơc xức dầu, Mê-si-a), vì cùng được xức dầu bởi một Chúa Thánh Thần, chảy từ đầu xuống thân, nên dân này là dân Mê-si-a.
- Thân phận dân này có phẩm giá của những người con tự do của Thiên Chúa: Chúa Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong một đền thờ.
- Luật của họ là giới răn mới: “Phải yêu thương nhau như chính Chúa Ki-tô đã yêu thương chúng ta" (x. Ga 13, 34). Ðó là luật "mới" của Chúa Thánh Thần (Rm 8, 2; Gl 5, 25).
- Sứ mạng của dân này là làm muối đất và ánh sáng thế gian (x. Mt 5, 13-16). Dân này là hạt giống tốt nhất giúp toàn nhân loại hiệp nhất, hy vọng và được cứu độ.
- Cuối cùng, cứu cánh của Dân là "Nước Thiên Chúa được khai nguyên trên trần gian và ngày càng lan rộng, cho đến khi được chính Người hoàn tất trong ngày thế mạt".
3. Các chức năng Dân Thiên Chúa thể hiện là gì?
Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần xức dầu và tấn phong Ðức Giêsu Ki-tô làm "Tư tế, Ngôn sứ và Vua". Toàn thể Dân Thiên Chúa tham dự ba chức năng đó của Ðức Ki-tô (RH 18, 21).
a. Ơn gọi tư tế:
Khi gia nhập Dân Thiên Chúa, bằng đức tin và phép rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy: ơn gọi tư tế . "Ðức Giê-su Ki-tô được cất nhắc làm thượng tế giữa loài người, đã làm cho Dân mới "thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Người". Thực vậy, những người đã lãnh phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành đền thờ thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh" (LG l0).
b. Chức năng ngôn sứ:
Dân thánh của Thiên Chúa tham dự chức năng ngôn sứ của Ðức Ki-tô: nhờ cảm thức siêu nhiên của đức tin của toàn thể Dân Chúa, của giáo dân cũng như của hàng giáo phẩm, khi gắn bó hoàn toàn với đức tin, khi tìm hiểu, đào sâu nội dung đức tin ấy, sẽ trở nên chứng nhân của Ðức Ki-tô giữa đời. (x. LG 12),
c. Tham dự vương quyền:
Dân Thiên Chúa còn tham dự vương quyền của Ðức Ki-tô. Ðức Ki-tô thi hành vương quyền bằng cách nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh mà thu hút mọi người đến với mình (x. Ga12, 32). Dù là Vua và Chúa muôn loài, Ðức Ki-tô đã tự hạ làm tôi tớ mọi người, vì "Người không đến để được hầu hạ mà để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người" (Mt 20, 28). Ðối với Ki-tô hữu, "muốn làm Vua với Ðức Ki-tô phải phục vụ Người" (LG 36), cách riêng "trong những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội thánh nhận ra hình ảnh của Ðấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình" (LG 8).
* ĐÚC KẾT:
Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu độ con người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý, và phụng sự Người trong thánh thiện. (LG 9).
Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mang trách nhiệm thừa sai và phục vụ, khơi nguồn từ ba chức năng đó.
B. Gọi Hội thánh là Thân Thể Đức Kitô nghĩa là gì?
Chúng ta cùng tìm hiểu để làm sáng tỏ ý nghĩa Nhiệm Thể Chúa Kitô
1. Thân thể là gì?
Các em có bao giờ suy nghĩ đến Thân thể (hay cơ thể) con người không? Chắc chắn là có, và hơn thế, khi học môn sinh vật, các em có dịp nghiên cứu và tìm hiểu về ‘cấu tạo của cơ thể con người’, có đúng vậy không? Chúng ta có thể phát biểu như sau cho câu hỏi ‘thân thể là gì?”:
Thân thể con người là phần có thể nhìn thấy được, bị biến đổi theo thời gian, có thể nghiên cứu bằng khoa học tự nhiên; và, theo phân tích hóa học, cơ thể con người được cấu tạo tương tự với thành phần của đất. Cơ thể người bao gồm đầu, thân và tứ chi. Hình dáng và thể trạng chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố như chế độ ăn và thể dục, hoạt động hàng ngày. Khi con người đạt đến tuổi trưởng thành, cơ thể có khoảng 100 ngàn tỉ tế bào. Mỗi tế bào là một phần của một cơ quan được sắp xếp để thực hiện các chức năng sống thiết yếu. Các hệ cơ quan của cơ thể bao gồm: hệ vận động, các hệ mạch (hệ tuần hoàn, hệ bạch huyết), hệ miễn dịch, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ bài tiết… được chi phối bởi hệ thần kinh.
Chúa Kitô và Hội thánh có một một mối dây liên kết mật thiết như các chi thể với Đầu trong một thân thể mầu nhiệm mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.
2. Thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô nói lên điều gì?
“Thân thể” là một hình ảnh biểu thị Giáo hội. Hình ảnh “Nhiệm thể” bắt nguồn từ Kinh Thánh:
Thánh Phaolô nói về “Thân thể Ðức Kitô.” Nói “thân thể” trước hết là ám chỉ đến thân xác của Ðức Giêsu sinh bởi Ðức Trinh nữ Maria và chết trên thập giá; kế đến là chỉ về Mình Thánh Chúa trong bí tích: “Này là Mình Ta” (Mc 14: 22; 1Cr 11: 24); và thánh Phaolô dùng từ ngữ “thân thể” với ý nghĩa ẩn dụ, khi ngài viết: “Những gian nan thử thách Ðức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Ngài là Hội thánh” (Cl 1: 24). Vì thế, thành ngữ “thân thể Ðức Kitô” nói lên ba điều: thân xác thể lý của Ðức Giêsu, Thánh Thể và Giáo hội.
-
Hội thánh ấy thể hiện sự hiệp thông với Ðức Giê-su
Ngay từ đầu, Chúa Giê-su đã cho các môn đệ dự phần vào đời sống của mình (x. Mc 1, 16-20; 3, 13-19). Người mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời (x. Mt 13, 10-17) và cho họ tham gia vào sứ mạng, chia sẻ niềm vui (x. Lc 10, 17-20) và khổ đau của Người (x. Lc 22, 28-30). Ðức Giê-su nói đến một sự hiệp thông mật thiết hơn giữa Người với những ai sau này sẽ theo Người: "Hãy lưu lại trong Thầy... như Thầy trong anh em... Thầy là cây nho, anh em là ngành" (Ga 15, 4-5). Người loan báo một sự hiệp thông thật sự và mầu nhiệm giữa thân thể Người và thân thể chúng ta: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì kết hợp với Ta và Ta với người ấy" (Ga 6, 56).
-
"Một Thân Thể duy nhất"
Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể Ðức Ki-tô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Người: "Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Ki-tô tràn lan trên các tín hữu. Nhờ các bí tích, các tín hữu được kết hợp thật sự và cách mầu nhiệm với Chúa Ki-tô đau khổ và hiển vinh" (LG 7).
Sự hiệp nhất trong Thân Thể không làm mất tính đa dạng của các chi thể: "Trong việc xây dựng Thân Thể của Chúa Ki-tô, cần có nhiều chi thể với những phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau, để làm ích cho Hội thánh theo sự sung mãn của Người và tùy nhu cầu của các công việc". Sự hiệp nhất của Nhiệm Thể làm phát sinh và thúc đẩy lòng bác ái giữa các tín hữu. "Nếu một chi thể nào đau đớn, thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự, thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui" (LG 7). Sau cùng, sự hiệp nhất của Nhiệm Thể vượt qua mọi chia rẽ của loài người: "Quả thế, được dìm vào nước Thánh Tẩy để nên một với Ðức Ki-tô, tất cả anh em được mặc lấy Ðức Ki-tô; không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; vì tất cả anh em chỉ là một nhờ được kết hợp với Ðức Ki-tô Giê-su" (Gl 3, 27-28).
-
Ðức Ki-tô là Ðầu của Thân Thể
Ðức Ki-tô là "Ðầu của Thân Thể, nghĩa là đầu của Hội thánh" (Cl 1, 18). Người là nguyên lý của công trình sáng tạo và cứu chuộc. Ðược cất nhắc vào trong vinh quang của Chúa Cha, "trong mọi sự Người đứng hàng đầu" (Cl 1, 18), nhất là trong Hội thánh, nhờ Hội thánh Người mở rộng vương triều của Người trên mọi sự.
3. Hiền thê nghĩa là gì?
Theo nghĩa của từ trong từ điển: ‘hiền’, có nghĩa là ‘hiền lành’; còn ‘thê’, có nghĩa là ‘người vợ’; vậy ‘hiền thê’, có nghĩa là ‘vợ hiền’.
Kinh Thánh không định nghĩa Giáo hội, nhưng dựa trên các hình ảnh và ẩn dụ, các tác giả đã cố gắng diễn tả về Giáo hội. Giáo hội được gọi là: “Nữ trinh,” hay “Hiền thê” v.v.
Hiền thê nói lên tương quan tình yêu giữa Chúa và Hội thánh
Ðề tài Ðức Ki-tô Phu Quân của Hội thánh đã dược các ngôn sứ chuẩn bị và Gio-an Tẩy Giả báo trước (x. Ga 3, 29). Chính Chúa Giê-su cũng tự xưng là "hôn phu" (Mc 2, 19) (x. Mt 22, 1-14; 25, -13). Thánh Phao-lô giới thiệu Hội thánh và mỗi tín hữu là chi thể của Thân Thể, như Hiền Thê "được đính hôn" với Ðức Ki-tô để nên cùng một Tinh Thần với Người (x. 1Cr 6, 15-17; 2Cr 11, 2). Hội thánh là Hiền Thê không tì vết của Con Chiên tinh tuyền (x. Kh 22, 17; Ep 1, 4; 5, 27), Hiền Thê mà Ðức Ki-tô yêu mến và hiến mạng sống để "thánh hoá" (Ep 5, 26). Người liên kết với Hội thánh bằng một giao ước vĩnh cửu, và không ngừng chăm sóc Hội thánh như chính Thân Thể mình (x. Ep 5, 29).
* ĐÚC KẾT:
- Hội thánh hiệp thông với Chúa Kitô: Từ ban đầu Ðức Giêsu cho các môn đệ tham dự cuộc sống của Ngài, mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời; cho tham dự sứ vụ, niềm vui và những thống khổ của Ngài.
- Hội thánh hiệp nhất giữa các phần thân thể nhờ hiệp nhất với Chúa Kitô. "Trong thân thể này sức sống của Chúa Kitô luôn tràn qua các tín hữu" (GH 7).
- Hội thánh là hiền thê của Chúa Kitô: Tương quan giữa Chúa Kitô và Hội thánh, tức đầu và các chi thể, luôn được diễn tả bằng hình ảnh bạn tình (phu quân và hiền thê) (x. 1Cr 6,15-16).
C. Gọi Hội thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần phải hiểu như thế nào?
Tìm hiểu làm sáng tỏ ý nghĩa Chúa Thánh Thần ở trong Hội thánh và trong tâm hồn các tín hữu, Ngài hướng dẫn Hội thánh đến toàn thể Chân Lý thế nào?
1. Đền thờ là gì?
Các em thân mến! danh từ ‘đền’ đối với các em chắc không xa lạ gì; nhưng có bao giờ các em đặt câu hỏi ‘đền là gì’ hay ‘đền thờ là gì’ chưa? Đền là nơi thờ thần thánh hoặc những nhân vật lịch sử được tôn sùng như thần thánh. Đền thờ là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố.
Vậy khi nói Hội thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, ta phải hiểu như thế nào ?
2. Hội thánh là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần nghĩa là gì?
Chính Thần Khí Chúa Kitô, như một nguyên lý ẩn giấu, đã nối kết mọi phần thân thể với nhau cũng như với đầu, vì Ngài hiện diện hoàn toàn nơi đầu, hoàn toàn nơi thân thể, cũng như hoàn toàn trong mọi chi thể. Chúa Thánh Thần làm cho Hội thánh trở thành “đền thờ sống động của Thiên Chúa” (2Cr 6,16) bởi Ngài hiện diện trong mỗi phần tử và trong toàn thân. Như một sự rõ nét, thánh Phaolô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1 Cor 3, 16).
Công đồng Vaticanô II dạy: Chúa Thánh Thần xây dựng ngôi Đền thờ Giáo hội bằng Lời Thiên Chúa và bằng đức Ái của Tin Mừng, canh tân và phát triển Giáo hội bằng các Bí Tích, bằng muôn vàn ơn phúc và các nhân đức, cũng như các đặc sủng giúp các tín hữu “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo hội.” (SLTG số 4).
Mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa, là nơi Thiên Chúa ngự. Không những chỉ linh hồn mà cả thân xác chúng ta cũng là Đền Thờ. Như thế, chúng ta không còn thuộc về mình nữa, vì chúng ta đã được mua bằng một giá đắt; cho nên hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác của mình (x.1 Cor 6:19-20). Vì thế chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn ngôi Đền Thờ này trong một Đức Tin tinh tuyền và một đời sống luân lý trong sạch.
Thánh Phaolô còn nói thêm như để khẳng định với chúng ta: “Vậy ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ của Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cor 3, 17).
Có nhiều cách để xúc phạm đến Đền Thờ của Thiên Chúa. Nhưng cách xúc phạm thông thường nhất là phạm đến Đền Thờ trong tâm hồn và thân xác của mỗi người và của tha nhân.
Phá thai cũng là một hình thức xúc phạm nặng nề đến Đền Thờ Thiên Chúa. Không những xúc phạm, mà còn phá hủy những Đền Thờ nhỏ bé của Thiên Chúa, tước quyền Thiên Chúa là Đấng đã dựng nên các thai nhi ấy theo hình ảnh của Ngài.
Nhân danh Thiên Chúa mà kéo bè, kéo phái, mà tranh chấp, cãi cọ, sỉ nhục nhau cũng là xúc phạm đến Đền Thờ Thiên Chúa (x. 1 Cor 3:3-4).
Linh hồn cũng là Đền Thờ Thiên Chúa. Chúng ta xúc phạm đến Đền Thờ này bằng cách xúi dục người khác phạm tội, làm dịp cho người khác phạm tội, làm gương mù cho người khác, nhất là trẻ em (x. Mt 18:6; Mc 9:42; Lc 17:2), hay làm lơ không nhắc nhở khi mình có trách nhiệm.
Ngoài ra, Thánh Phaolô cũng có ý nói đến những người rao truyền những lạc thuyết trong dân làm cho họ xa lìa những giáo huấn chân chính. Cho nên, những ai dạy Giáo Lý phải luôn luôn tâm niệm như Đức Kitô rằng: “Giáo huấn của Tôi không phải là của chính Tôi, nhưng là của Ðấng đã sai Tôi… Ai giảng dạy theo ý mình, thì tìm vinh quang cho chính mình. Nhưng ai tìm vinh quang cho Ðấng đã sai mình, người đó là người chân thật, và nơi người đó không có điều gì gian dối” (Ga 7:16-19).
* ĐÚC KẾT:
Chúng ta là Đền Thờ của Thiên Chúa. Từ Đền Thờ đó, Thiên Chúa cho chảy ra Nước Hằng Sống để tẩy rửa, chữa lành và nuôi sống thế gian làm cho nó nên trong sạch. Chúng ta chính là những dòng nước ấy. Sau mỗi lần đến Bàn Tiệc Thánh, Thiên Chúa không giữ chúng ta mãi ở trong Đền Thờ, nhưng sai chúng ta vào thế gian để làm những tác nhân của Ngài mà thánh hóa thế gian.
D. Cầu nguyện giữa giờ:
Lạy Thiên Chúa, chúng con tin thật Chúa đang ngự trong lòng chúng con, vì mỗi chúng con đây được đặt để làm Đền Thờ của Chúa. Hôm nay học bài giáo lý này, chúng con được dạy cho biết phải luôn nhớ và ý thức về con người của chúng con là Đền Thờ Thiên Chúa ngự. Xin cho chúng con luôn biết ý thức về lời nói và việc làm của mình, để không xúc phạm và phá hủy Đền Thờ là nơi Chúa ngự. Amen
III. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH:
A. Sinh hoạt giáo lý:
Băng reo: HỘI THÁNH CỦA CHÚA KITÔ
Quản Trò (QT): Hội thánh
Tất Cả (TC) : là Dân Thiên Chúa (hai tay giơ lên)
QT:
Hội thánh
TC:
là Thân Thể Đức Kitô (tay phải đặt lên đầu)
QT:
Hội thánh
TC:
là Đền Thờ Chúa Thánh Thần (hai tay để trên ngực)
QT:
Hội thánh Chúa Kitô
TC:
Alleluia! Alleluia! (Nhảy lên)
Trò chơi: Hiệp Nhất:
Luật chơi:
Mỗi đội có số người bằng nhau (khoảng 6 người). Tất cả đều dùng khăn quàng bịt mắt, trừ người đứng cuối đội. Mục tiêu là một cây cờ, cách xa vạch xuất phát khoảng 10m, ở khoảng giữa có nhiều chướng ngại vật nhân tạo (như: bàn, ghế, lều, trại…) hoặc tự nhiên (như: lạch nước, hàng rào, mô đất…). Nghe hiệu lệnh còi, đoàn tàu hỏa gồm “người mù mắt” hai tay đặt lên vai nhau đi tới theo sự hướng dẫn của “người sáng mắt” đứng cuối hàng làm tài xế. Tài xế muốn rẽ phải rẽ phải thì đập tay phải lên vai phải, rẽ trái thì đập tay trái lên vai trái, đi thẳng thì đập cả hai tay lên vai của người đứng áp chót. Cứ thế, người sau đập chuyền lên vai người trước cho tới người đầu tiên để biết định hướng mà đi, vượt qua các chướng ngại vật, đạt tới mục tiêu nhanh nhất thì thắng cuộc.
Mục đích:
Gây bầu không khí thân ái, đoàn kết trong đội và trong toàn đoàn.
Vật dụng:
Một cây gậy 1m 60 có treo cờ, mỗi người một khăn quàng và một số bàn ghế.
B. Bài học ghi nhớ:
1. Tại sao gọi Hội thánh là Dân Thiên Chúa?
Vì Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu độ mọi người không phải cách riêng rẽ, nhưng quy tụ họ thành một dân duy nhất. [153]
2. Dân Thiên Chúa có những đặc điểm nào?
Có những đặc điểm này: cội nguồn là Chúa Cha, thủ lãnh là Chúa Giêsu, địa vị phẩm giá và tự do của con cái Chúa, lề luật là yêu thương, sứ vụ là muối và ánh sáng cho thế giới, cùng đích là Nước Trời. [154]
3. Dân Thiên Chúa tham dự vào chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Đức Kitô thế nào?
Tham dự bằng cách thờ phượng Thiên Chúa, loan báo Tin Mừng và phục vụ mọi người. [155]
4. Tại sao gọi Hội thánh là Thân thể Đức Kitô?
Vì mọi người trong Hội thánh được Chúa Thánh Thần liên kết với Đức Kitô và với nhau, tạo thành một thân thể duy nhất mà Đức Kitô là Đầu. [156]
5. Tại sao gọi Hội thánh là Hôn thê của Đức Kitô?
Vì Đức Kitô ví mình như Hôn phu, Ngài đã yêu thương Hội thánh đến nỗi hiến mình vì Hội thánh, và làm cho Hội thánh trở thành người mẹ sinh ra tất cả con cái Thiên Chúa. [158]
6. Tại sao gọi Hội thánh là Đền thờ của Chúa Thánh Thần?
Vì Chúa Thánh Thần luôn ngự trong Hội thánh và xây dựng Hội thánh trong đức mến, nhờ Lời Chúa và các bí tích, nhờ các nhân đức và các đặc sủng của Ngài. [159]
7. Đặc sủng là gì?
Là những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, được ban cho một số người vì lợi ích của nhân loại, vì những nhu cầu của thế giới và để xây dựng Hội thánh. [160]
IV. CẦU NGUYỆN KẾT:
A. Lời nguyện:
Lạy Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng Hằng Hữu, chúng con thật hạnh phúc vì được gọi Chúa là Cha. Chúng con cũng muốn hết thảy mọi người được ‘phúc’ ấy, để toàn thể nhân loại trên khắp mặt đất này, ở mọi nơi và mọi thời được đón nhận hồng ân cứu độ của Chúa. Xin gìn giữ và thánh hóa chúng con, để chúng con luôn mãi là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa, luôn mãi diễn tả tình yêu của Chúa cho mọi người chúng con gặp trong cuộc đời mình. Amen
B. Quyết tâm sống:
Luôn suy nghĩ trước mỗi lời nói và việc làm để không mắc phải những sai phạm.
Ban Giáo lý Giáo phận