18/03/2013
8607

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

CHƯƠNG BA

TÔI TIN KÍNH ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

BÀI 20 – ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN

 

1. MỞ ĐẦU

a. Phút thánh hóa

- Làm dấu Thánh Giá;

- Hát kinh:

Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con, ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.

          Nguyện xin Chúa Ngôi Ba đoái nghe lời con thiết tha, tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thẳm xác hồn tràn lan ơn thiêng.

b. Giới thiệu chủ đề

Người Phi Châu thường kể câu chuyện như sau. Một ngày đó Chúa Thánh Thần du hành qua các đại lục mênh mông, khi lên cao khi xuống thấp. Và Ngài nhận thấy một bộ tộc đã đánh mất đức tin. Vì thế, Người hiện ra trong một cánh đồng nơi có bốn người làm việc, mỗi người một góc. Những người làm ruộng thấy Thiên Chúa đứng giữa cánh đồng, liền nhìn thật kỹ và rồi họ sấp mình thờ lạy Người.

Kế đó, Ngài biến mất nhưng vẫn theo dõi việc gì xảy ra sau đó. Bốn người nông dân chạy về ngôi làng của họ, tập họp dân làng và tuyên bố không còn nghi ngờ gì nữa: Thiên Chúa thật sự hiện hữu và chăm sóc họ khi Người ngự xuống viếng thăm họ. Vì vậy, tất cả mọi người phải bắt đầu thờ phụng Người một cách nghiêm chỉnh. Dân làng tiếp nhận tin tức với sự nồng nhiệt. Họ muốn biết những người ấy đã có thị kiến hay không, nên hỏi: “Thiên Chúa ăn mặc như thế nào?”.

“Người mặc một cái áo choàng đỏ”, người thứ nhất đáp.

“Không, Người mặc một cái áo choàng xanh lam”, người thứ hai đáp.

“Cả hai anh đều sai”, người thứ ba nói. “Đó là một áo choàng màu xanh lá cây”.

“Các anh điên rồi”, người thứ tư gào to. “Người mặc một cái áo choàng màu vàng”.

Và đến đây, họ bắt đầu cãi nhau. Hết cãi nhau lại đánh nhau. Sau cùng, họ khinh miệt nhau và thù ghét lẫn nhau, và phân chia ra thành bốn bè phái.

Sứ điệp mà câu chuyện muốn gởi đến cho chúng ta đó là: Để có một hình ảnh chính xác về Thiên Chúa là rất quan trọng. Nếu chúng ta có một hình ảnh sai lầm, mọi sự việc khác sẽ mù mờ. Làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện đúng đắn? Phụng thờ Thiên Chúa đúng đắn? Làm thế nào để diễn tả Đức tin đúng đắn nếu không có Chúa Thánh Thần giúp ta?

Bài này chúng ta sẽ tìm hiểu về Chúa Thánh Thần, Đấng ở trong lòng Hội Thánh, ngự trị nơi mỗi một người cách thâm sâu, Ngài biết rõ ta hơn ta biết ta. Ngược lại chúng ta tự mình lại không có khả năng để hiểu biết về Ngài. Những gì chúng ta biết được về Ngài là do Chúa Giêsu, Đấng duy nhất mạc khải Ngài cho chúng ta. Đó là ơn Chúa ban cho chúng ta để chúng ta mới có thể hiểu và giao tiếp với Ngài.

c. Vấn đề cần tìm hiểu

  - Trong bài giáo lý này chúng ta sẽ trình bày về Chúa Thánh Thần từ chính Chúa Giêsu dạy cho ta: Ngài là ai? Ngài có vài trò gì trong lịch sử cứu độ? Chúng ta nhận biết Ngài dưới những tên gọi và biểu tượng nào? Chúng ta nhận ra hoạt động của Ngài nơi Thánh Kinh và trong đời sống của Hội Thánh, nơi mỗi cá nhân chúng ta như thế nào?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

a.  Đặt vấn đề thảo luận để làm sáng tỏ “nguồn gốc” của Chúa Thánh Thần:

- Chúng ta thường nghe nhiều người nói đùa: theo đạo Cao Đài là chắc ăn, vì sau khi chết, lở không có Chúa cũng có ông Phật…( Đạo đa thần: thờ Chúa, thờ Phật, thờ thánh hiền…). Đạo chúng ta là Độc Thần hay Đa Thần? Trên thế giới này đạo nào là Độc thần, em thử kể ra?

- Vì sao Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta rằng: Ngài là Chúa Con, ngoài Ngài ra còn có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần mà đạo chúng ta vẫn là Độc Thần? (x.Mt 28,19: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; Ga 14,16: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. )

+ Đúc kết phần thảo luận của các em: Như chúng ta biết, có rất nhiều tôn giáo nhưng chỉ có một số ít đạo là Độc thần: Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo... Riêng với Kitô giáo được Chúa Giêsu cho biết rằng, Thiên Chúa Đấng Duy Nhất là một, nhưng không đơn độc. Một Thiên Chúa nhưng có 3 Ngôi vị với 3 vai trò khác nhau trong chương trình tạo dựng và cứu chuộc của Người.

Làm sao chúng ta nhận biết được Chúa Thánh Thần?

“Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thánh Thần của Thiên Chúa” (1Cr 2, 11). Thánh Thần mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa, biết Ðức Ki-tô là Ngôi Lời hằng sống, nhưng Thánh Thần lại không nói về mình. Thánh Thần đã “dùng các ngôn sứ mà phán dạy”, để giúp chúng ta nghe được lời của Chúa Cha. Nhưng còn chính Người, chúng ta lại không nghe tiếng Người, chúng ta chỉ nhận biết Người qua việc Người mặc khải và chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón nhận Ngôi Lời bằng đức tin. Thánh Thần Chân Lý “vén màn cho ta thấy” Ðức Ki-tô, nhưng “không nói điều gì về mình” (Ga 16, 13). Một kiểu xóa mình như vậy, đúng là phong cách của Thiên Chúa, giải thích tại sao, “thế gian không thể đón nhận Người, vì thế gian không thấy và không biết Người, còn những ai tin vào Ðức Ki-tô thì biết Người vì Người ở lại với họ (Ga 14, 17).

Vì là sự hiệp thông sống động trong đức tin các tông đồ do Hội Thánh lưu truyền, nên Hội Thánh là nơi chúng ta nhận biết Thánh Thần :

- trong Thánh Kinh được Người linh hứng;

- trong Thánh Truyền, mà các giáo phụ là những chứng nhân cho mọi thời đại.

- trong Huấn Quyền được Người trợ lực

- trong Phụng Vụ Bí Tích mà qua các lời nói và biểu tượng, Thánh Thần giúp chúng ta hiệp thông với Ðức Ki-tô.

- trong kinh nguyện, lúc Người chuyển cầu cho chúng ta.

- trong các đặc sủng và thừa tác vụ xây dựng Hội Thánh.

- trong các dấu chỉ của đời sống tông đồ và thừa sai.

- trong chứng từ của các thánh nơi Người biểu lộ sự thánh thiện của Người và tiếp tục công trình cứu độ.

b.  Đặt vấn đề thảo luận để làm sáng tỏ “Danh” hay “Tên Gọi” của Chúa Thánh Thần:

- Thường khi sinh hoạt vui chơi với chúng bạn, nếu em đặt thêm một tên mới cho người bạn nào đó (biệt danh), thì chúng ta dựa trên tiêu chuẩn nào? Theo em tên gọi có ý nghĩa gì đối với một người?

- Trong Thánh Kinh tên gọi của một người nói lên điều gì? Nêu những tên trong Thánh Kinh mà em biết để minh họa?

+ Đúc kết phần thảo luận của các em: Thường thì chúng ta dựa trên đặc tính, vai trò và công việc của một ai đó mà đặt tên cho họ, ví dụ: Thanh Lùn, Hoa Béo, Ti Cà Lăm…. Trong Thánh Kinh thì tên gọi còn ám chỉ đến nhiệm vụ và sứ mệnh của một người, ví dụ: Môsê (nghĩa là được vớt lên khỏi nước) có vai trò giải thoát dân Chúa, Phêrô (nghĩa là Đá) có vai trò trở nên nền móng để Chúa xây dựng tòa nhà Giáo Hội sau này.

Chúa Thánh Thần cũng vậy Ngài được gọi dưới rất nhiều danh xưng, mỗi một danh xưng nhắm đến sứ mệnh của Ngài trong chương trình tạo dựng và cứu chuộc loài người.

Trong Kinh Tin Kính gọi Ngài là Đấng Ban Sự Sống: Vì Thánh Kinh nói rõ Thiên Chúa hà hơi vào bùn đất để tạo ra con người (x.St 1), Khi Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ Ngài đã hà hơi ban Thánh Thần (x.Ga 20,19-23), chính vì vậy mà Ngài còn có danh xưng là Thần Khí (x.Ga 3,1-8).

Chúa Giêsu gọi Ngài là Thần Chân Lý: “…khi đến Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Ngài là Đấng Bảo Trợ: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu thầy không ra đi thì Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16, 7). Nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ chính là ủi an các môn đệ, chứng minh thế gian sai lầm, xét xử tội lỗi thế gian, tôn vinh Đấng Cứu Thế…(x.Ga 16,5-15).

c.  Đặt vấn đề để thảo luận làm sáng tỏ “biểu tượng” hay tác động của Chúa Thánh Thần:

- Thường một điều gì đó mà tên gọi không diễn tả được hết ý nghĩa bản chất của nó thì người ta sử dụng đến cách nào nữa? Ví dụ tình yêu là một giá trị mà tên gọi hoặc định nghĩa không bao giờ diễn tả hết được ý nghĩa thì người ta diễn tả bằng cách nào?

- Theo em ngoài những danh xưng về Chúa Thánh Thần, Thánh Kinh còn dùng những biểu tượng nào để diễn tả về Ngài?

+ Đúc kết phần thảo luận của các em: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết; chúng ta không bao giờ có thể hiểu biết hết về Ngài. Kiến thức của ta về Ngài tựa như giọt nước trong đại dương mênh mông. Nên Thánh Kinh đã dùng rất nhiều biểu tượng để có thể diễn tả về Ngài nhiều bao có thể. Những hình ảnh mà Thánh Kinh hay dùng đó là:

Nước : Ở đâu có nước thì nơi đó có sự sống, nước không thể thiếu trong đời sống con người, nước làm xanh tươi thế giới…Chúa Thánh Thần cũng vậy.

Dầu : Dầu làm tăng sức dẽo dai, chữa lành bệnh tật cho con người. Trong Thánh Kinh, những ai được Thiên Chúa tuyển chọn thì Người xức dầu cho họ. Xức dầu là dấu Thiên Chúa đóng ấn những kẻ thuộc về Người. Như thế Thánh Thần là “Dầu” của Thiên Chúa nhằm tăng sức mạnh cho con người.

Lửa : lửa nói lên sự biến đổi, tinh luyện, thanh tẩy những bờn nhơ tạp chất…Chúa Thánh Thần là Đấng có khả năng biến đổi lòng người, thánh hóa và làm loài người bất xứng, tội lỗi ngày một trở nên xứng đáng hơn trước mặt Thiên Chúa.

Mây : Nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa

Chim Bồ Câu : Sự bình an, ơn lành của Thiên Chúa ngự đến thế giới này.

d.  Đặt vấn đề thảo luận để làm sáng tỏ những “dấu chỉ” hiện diện của Chúa Thánh Thần:

- Ta vừa tìm hiểu vai trò, nhiệm vụ, sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Vậy Ngài hoạt động như thế nào trong thế giới này? Em có thấy gió không? Nhờ vào đâu em biết gió đang di chuyển…?

+ Đúc kết phần thảo luận của các em: Ta không thấy gió nhưng ta có thể biết được nó đang di chuyển hướng nào, mạnh nhẹ, lạnh mát hay nóng… là nhờ hiệu quả nó để lại (nhận biết nhờ dấu chỉ): cây rung, cảm nhận của bản thân trên da… tương tự như thế, ta không thể thấy được Chúa Thánh Thần trong thế giới này, nhưng Ngài ở rất gần với chúng ta.

Hiệu quả mà Người để lại là qua đời sống dấn thân loan truyền sứ điệp của Chúa nơi các Ngôn sứ (thời Cựu Ước), nơi Chúa Giêsu từ lúc Nhập Thể cho đến lúc Ngài Phục Sinh vinh hiển, nơi Gioan Tẩy Giả để ông hoàn thành sứ mệnh dọn đường cho dân đón Đấng Thiên Sai, nơi Đức Maria để Mẹ cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế, nơi các Tông Đồ trong ngày lễ ngũ tuần để các ngài mạnh mẽ lên đường làm chứng cho Chúa, nơi các thánh tử đạo, các thánh hiển tu vì không có Thánh Thần con người chẳng là gì hết.

Và Ngài còn ở mãi nơi Hội Thánh để xây dựng, ban sức sống, canh tân, đổi mới, thánh hóa Hội thánh là Hiền Thê tinh tuyền của Đức Kitô, cuối cùng Ngài ở bên các Kitô hữu để giúp họ biết cầu nguyện, giúp thoát khỏi mọi mưu chước satan bày ra, giúp họ khao khát Chúa, nổ lực không ngừng để nên giống Đức Kitô mỗi ngày.

e. Cầu nguyện giữa giờ

- Đọc chậm rãi Lời Chúa: (Ga 14,16-26) … “(14) Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó. (15) Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. (16)  Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. (17) Ðó là Thần Khí sự thật, Ðấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. (18) Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. (19) Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. (20) Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. (21) Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy". (22) Ông Giuđa, không phải Giuđa Ítcariốt, nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, tại sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?" (23) Ðức Giêsu đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. (24) Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. (25) Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em, (26) Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (27)”

- Tâm tình : Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến đổi mới cuộc đời chúng con để thuộc về Chúa mỗi ngày một nhiều hơn, xin cho con được khao khát Chúa, dám can đảm sống theo lời Chúa dạy cả những điều khó nhất: Yêu thương kẻ thù, tha thứ anh em mình đến bảy mươi lần bảy. Amen!

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

a. Sinh hoạt giáo lý : Kể Chuyện

    Các em thân mến, thi sĩ Lederer có kể câu chuyện như sau:

Vào một buổi sáng đẹp trời, hai cha con chú cá Măng rủ nhau bơi lội một vòng quanh bờ ao. Đang thơ thẩn bơi lội bên cha, chú cá Măng khám phá ra một miếng mồi thật hấp dẫn chập chờn dưới nước.

Chú cá Măng con thưa vói cha: Kìa bố thấy không, mồi chi mà hấp dẫn thế!

Cha chú đáp: Ừ mồi hấp dẫn thật. Nhưng con ơi, bố thấy miếng mồi gắn liền với sợi chỉ. Coi chừng đó con ơi! Con phải khôn ngoan thận trọng. Tốt nhất là tránh xa nó mới mong thoát khỏi cái ngạnh của lưỡi câu sắc bén.

Nhờ sự trợ giúp của người cha, chú cá Măng con mới thoát khỏi cạm bẫy. Cũng vậy, chúng ta không đơn độc trên đường tiến về quê Trời. Bên cạnh chúng ta có Chúa Thánh Thần là Đấng bảo vệ chúng ta như đoạn Lời Chúa chúng ta vừa mới nghe xong.

Sinh hoạt : khích lệ các em kể những câu chuyện (hát) liên quan đến Chúa Thánh Thần, hoặc nói lên cảm nghiệm của mình về câu chuyện trên (thực tế có rất nhiều bạn trẻ đã sa bẫy vì chủ trương sống theo tính xác thịt...)                                              

   b. Bài học ghi nhớ

1. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. [136]

2. Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh hiệu nào ?

Chúa Thánh Thần còn được gọi là Thần Chân Lý, Đấng An Ủi, Đấng ban sự sống và là Thánh Thần của Đức Kitô. [138]

3. Chúa Thánh Thần còn được diễn tả bằng những hình ảnh nào?

Chúa Thánh Thần còn được diễn tả bằng hình ảnh nước hằng sống, việc xức dầu, chim bồ câu, lửa, áng mây và việc đặt tay. [139]

4. Chúa Thánh Thần đã dùng các tiên tri chuẩn bị cho Chúa Con ra đời thế nào?

Chúa Thánh Thần linh hứng để họ nói nhân danh Thiên Chúa và chuẩn bị cho Dân Chúa đón nhận Đấng Cứu Thế. [140]

5. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi thánh Gioan Tẩy giả thế nào?

Chúa Thánh Thần tác động để thánh Gioan Tẩy giả chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa, và loan báo Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa ngự đến. [141]

6. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Đức Maria thế nào?

Chúa Thánh Thần tác động để Đức Maria trở thành Mẹ của Chúa Giêsu, Mẹ của các Kitô hữu và Mẹ của tòan thể nhân loại. [Youcat 117]

7. Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Chúa Giêsu thế nào?

Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn đời sống và hoạt động của Chúa Giêsu từ lúc nhập thể cho đến khi phục sinh. [143]

8. Điều gì đã xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần?

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Giêsu đã cử Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông đồ và thời kỳ của Hội Thánh đã bắt đầu. [144]

9. Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh thế nào?

Chúa Thánh Thần xây dựng, ban sức sống và thánh hóa Hội Thánh. [145]

10. Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào nơi các Kitô hữu?

Chúa Thánh Thần làm cho các Kitô hữu sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa, dạy họ cầu nguyện và giúp họ sống cho người khác. [Youcat 120].

4. CẦU NGUYỆN KẾT

a. Cảm nghiệm mới : - Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con nhận ra được sự hiện diện của Chúa qua Lời Kinh thánh. Chính Chúa tác động vào tâm hồn chúng con giúp chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, nhận ra chân lý của Chúa. Chân lý ấy là sự khôn ngoan biết chọn lựa con đường của sự sống thật; chân lý ấy là tình yêu vô bờ bến Chúa mà Chúa đã chịu chết để cứu độ chúng con. Và qua các nhà truyền giáo và những người dấn thân phục vụ trong Hội thánh của Chúa chúng con thấy được sức mạnh của Chúa. Sức mạnh có thể giúp con người đánh đổi tất cả cuộc sống mình mà phục vụ đồng loại.

Xin cho chúng con luôn luôn hướng tâm trí về Chúa để cuộc sống chúng con không bị thú vui hay của cải trần gian làm mờ đi con mắt đức tin mà không nhận ra sự soi sáng của Chúa, không nhận ra tình yêu của Chúa.

b. Quyết tâm sống: - Thánh Phaolô nói: “Còn hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22) Tôi quyết tâm để đời tôi nên dấu chỉ về hoạt động của Chúa Thánh Thần khi người ta thấy hoa trái từ đời sống nhân đức của tôi.

Ban Giáo lý Giáo phận