GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 19:
“CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI, NGỰ BÊN HỮU ĐỨC CHÚA CHA
PHÉP TẮC VÔ CÙNG, NGÀY SAU BỞI TRỜI LẠI XUỐNG
PHÁN XÉT KẺ SỐNG VÀ KẺ CHẾT”
GLHTCG: 659-682; BTY: 132-135
“Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con”
(Mt 22,44; Cv 2,34).
I. MỞ ĐẦU:
a. Phút thánh hóa:
- Làm dấu Thánh Giá
- Hát Kinh Chúa Thánh Thần
- Lời nguyện:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa đang hiện diện với chúng con nơi đây, trong giờ giáo lý này. Xin thánh hóa, ban ơn để chúng con tin và cảm nghiệm được chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con: Ngài đã chết để chuộc tội chúng con, đã sống lại để phục hồi sự sống cho chúng con. Nay Người lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa và sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Chúng con tin sẽ được Chúa chúc lành và được hạnh phúc nước trời khi chúng con biết tìm Chúa trong mỗi ngày sống của chúng con. Amen
b. Giới thiệu chủ đề: Chúa Giêsu Lên Trời và ngày sau sẽ lại đến trong vinh quang
- Ôn bài cũ: Chúa Giêsu sống lại
Ai có thể kể những sự kiện mà căn cứ vào đó chúng ta nhận biết Chúa đã sống lại? (Ngôi mộ trống; lời xác quyết của sứ thần; những lần hiện ra của Chúa Giêsu; việc mục kích các dấu đinh của Tôma)
Ý nghĩa của việc Chúa sống lại là gì? Nhờ sự chết và sống lại, Chúa Giêsu đã giao hòa chúng ta với Thiên Chúa; qua đó phục hồi sự sống cho chúng ta, sự sống mà Ađam đã làm mất xưa kia. Ngài đã ban cho chúng ta sự sống mới, sống trong ân sủng Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh nhờ chính cái chết của mình, và việc Ngài sống lại đã củng cố đức tin của chúng ta như thánh Phaolô đã nói: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).
- Câu chuyện:Nơi chân trời và mặt đất giao nhau
Có hai nhà đạo sĩ kia, một hôm đọc thấy trong một cuốn sách khảo cổ cho biết: có một nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai nhà đạo sĩ bèn quyết định lên đường đi tìm cho được nơi chân trời và mặt đất giao nhau như trong sách đã cho biết. Hai ông còn thề nguyền sẽ không trở về bao lâu chưa tìm được nơi trời đất giao nhau đó. Bởi vì hai ông được biết ở nơi đó sẽ có một cánh cửa mở ra chân trời. Khi cửa mở ra, người ta sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Sau một cuộc hành trình lâu dài và gian khổ, hai nhà đạo sĩ đã tìm được nơi chân trời và mặt đất giao nhau. Hai ông cũng đã mở được cánh cửa trời… Nhưng đến lúc bước vào cửa trời, hai ông hết sức bỡ ngỡ, vì hai ông gặp lại chính căn phòng quen thuộc của mình… Lúc ấy hai ông mới hiểu: con đường lên trời bắt đầu từ mặt đất này, trong đời thường, nơi mình đang sống hằng ngày
.
Các em có bao giờ nghe và suy nghĩ về sự sống ngoài trái đất này không? Và rồi các em có bao giờ mơ ước mình sẽ được đến thế giới đó không? Chắc chắn là có! Vậy hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu một vấn đề rất quan trọng: điều quan trọng đó không phải là sự mơ tưởng trong truyện cổ tích hay đầy vẻ huyền bí như trong thần thoại do trí tưởng tượng nghĩ ra, mà điều quan trọng đó là một chân lý sống, thiên đàng – sự sống đời sau.
- Ðọc Lời Chúa:
THĂNG THIÊN (Cv 1, 6-11; x. Mc 16, 15-20)
Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không? Người đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”.
c. Thảo luận và đưa ra vấn đề cần tìm hiểu:
- Các em vừa mục kích quang cảnh Chúa Giêsu từ biệt các Tông đồ để lên trời. Tâm tình và tâm trạng của Thầy – trò lúc này như thế nào?
- Chúa Giêsu trên thánh giá đã trút hơi thở cuối cùng và nói: “mọi sự đã hoàn tất”. Ngài đã hoàn tất một cách tuyệt vời chương trình cứu độ mà Thiên Chúa Cha đã hứa từ ngàn xưa. Thời gian ở trần thế của Ngài đã hết; hay nói cách khác: sự hiện diện cách thể lý đã chấm dứt. Trong cuộc sống, sau khi kết thúc một việc gì, ta mong đợi điều chi?
- Chúa Giêsu về trời trong niềm rất thương mến các Tông đồ. Nếu như trước đây Ngài đã cầu nguyện với Thiên Chúa Cha rằng: “Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (Ga 17,12); thì giờ đây Ngài còn tha thiết hơn nữa khi trao cho họ sứ vụ rao giảng tin mừng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mt 16,15) “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chúa Giêsu hy vọng điều gì khi trao ban sứ vụ cho các tông đồ?
- Tâm tình tràn đầy yêu thương với sứ vụ thật cao cả của Chúa Giêsu trao gởi; nhưng tâm trạng các Tông đồ bàng hoàng, lo lắng, cảm thấy sợ hãi khi thiếu vắng Thầy mình, các ông như muốn kéo dài thời gian của cuộc từ biệt: “Đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi”(Cv 1,10); và Thiên sứ nhắc nhở: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Lời này nói lên điều gì với các tông đồ và với chúng ta?
- Sự hiện diện của Chúa Phục sinh có ý nghĩa gì với sứ vụ của chúng ta đã được Ngài trao ban? Ý nghĩa ấy được hiểu thế nào qua các việc Chúa Giêsu làm khi Ngài sống lại? Bốn mươi ngày sau phục sinh nói với chúng ta điều gì? Hoàn cảnh của chúng ta so với các tông đồ xưa có gì khác và tương tự không? Điều chúng ta cần, nhân loại cần và thế giới cần là gì?
- Ngài hiện diện thế nào để giúp chúng ta hoàn thành sứ vụ mà Ngài trao ban? Chúa lên trời mà vẫn hiện diện có ý nghĩa thế nào? Chúng ta làm sao thực hiện được sứ vụ của Chúa, vì thế cuộc từ biệt phải chăng không nên xảy ra? Ngài muốn nói với chúng ta điều gì khi Ngài về trời? Ngài mong muốn liên kết chúng ta lại thế nào để Ngài trở lại trần gian?
II. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ:
A. Sự hiện diện của Chúa Giêsu khi Ngài phục sinh:
Thảo luận
: Sau cái chết khổ nhục trên thập giá và được Thiên Chúa Cha phục hồi sự sống, Chúa Giêsu hiện diện trong một trạng thái mới. Điều này có ý nghĩa gì với chúng ta?
- Có nghĩa rằng lúc này Chúa Giêsu vẫn hiện diện với chúng ta cách vô hình. Vậy ta phải hiểu như thế nào về các cuộc gặp gỡ của Ngài với các Tông đồ và những công việc Ngài thực hiện?
1) Chúa Giêsu đã làm gì khi Ngài sống lại?
- Các em đã học sau khi sống lại Chúa Giêsu đã xuống ngục tổ tông đem các thánh lên trời, vì từ khi Adong phạm tội thì chẳng ai được lên đó. Rồi Ngài củng cố đức tin của các Tông đồ vì biết rằng các ông yếu đuối và sợ hãi. Chính vì thế mà Ngài đã không trực tiếp tỏ mình ra cho các Tông đồ, nhưng gián tiếp qua việc báo tin của Maria Mácđala với sự kiện “Ngôi mộ trống” (Mt 28,1-9). Sau đó Ngài mới trực tiếp tỏ lộ cho các ông nhằm củng cố đức tin, giúp các ông nhận ra và hiểu được những lời Ngài nói khi còn ở với các ông, ta có thể thấy nơi sự kiện Tôma tuyên xưng niềm tin (Ga 20, 27-29) và biến cố hai môn đệ trên đường Emau (Lc 24,13-35).
2) Bốn mươi ngày sau phục sinh nói với chúng ta điều gì?
Ngày phục sinh và ngày lên trời có một quảng thời gian, tuy Mầu Nhiệm Thăng Thiên theo nguyên tắc gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh, vì sau khi Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh nơi Chúa Cha ngay lập tức rồi. Nói cách khác, Chúa Giêsu Phục Sinh rồi lên trời ngay để ngự bên hữu Chúa Cha.
Tuy vậy, khoảng thời gian này trong thực tế ta thấy có một ý nghĩa đó là: nhờ khoảng thời gian đó Chúa Giêsu Phục Sinh nhiều lần hiện ra để tiếp tục ở gần các môn đệ như năm xưa để giúp các ông có một ý niệm và hiểu được thế giới mới: thế giới phục sinh – thực tại nước trời.
Ngoài ra, Ngài còn củng cố Giáo hội cách vững chắc và trao sứ vụ rao giảng (Cv 1,8).
Vậy: Ngài củng cố đức tin để trao một sứ mệnh, ta có thể thấy và hiểu qua các việc Ngài làm trong suốt 40 ngày sau khi sống lại và cuộc từ biệt để lên trời.
3) Hoàn cảnh của chúng ta có khác với các Tông đồ năm xưa không?
Hơn bao giờ hết chúng ta cần đón nhận một sự Phục Sinh mới trong hiện trạng xã hội ngày hôm nay.
Năm xưa các Tông đồ đã hoài nghi, yếu đuối, vấp ngã trước những cơn sóng cuộc đời; cần đến Chúa nâng đỡ và kiện cường.
Chúng ta cảm nhận sự gian nan trong cuộc sống nên thao thức và khao khát đón nhận Chúa Giêsu Phục Sinh để được trao ban sự sống mới. Hãy lắng nghe và đón nhận Lời Chúa, Lời có sức cứu độ chúng ta.
4) Điều chúng ta cần, nhân loại cần và thế giới cần:
Nhân loại cần Tin Mừng Tình yêu, cần sự nâng đỡ và tha thứ của Thiên Chúa. Nếu không đón nhận tình yêu thì các Tông đồ không nhận được sự Phục Sinh của Chúa. Nếu Chúa không tỏ lộ thì các ông không thể hiểu được những mầu nhiệm cao siêu. Nếu Chúa không tìm kiếm thì mãi mãi các ông lạc lối. Nhưng nếu sự tìm kiếm của Chúa mà không được con người đáp trả bằng cả tự do thì mãi mãi họ xa rời tình yêu đó.
Nhân loại cần tình yêu cứu độ của Chúa, nhưng trước hết hãy xin Chúa ơn biết đáp trả. Xin Thiên Chúa thánh hóa chúng ta.
Đúc kết:
Sự hiện diện của Chúa sau khi phục sinh là điều cần thiết. Nhờ sự hiện diện này, các Tông đồ được củng cố đức tin và nhận lãnh sứ mạng rao giảng.
B. Sự hiện diện của Chúa Giêsu lúc đã về trời:
Thảo luận
: Chúa Giêsu đã nói: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Vậy phải hiểu sao về sự hiện diện này khi Ngài đã lên trời?
1) Ý nghĩa biến cố Chúa lên trời
Thánh Kinh xác định rất rõ cho chúng ta nhiều ý nghĩa về việc lên trời của Chúa Giêsu:
- Đó là cuộc Thiên Chúa Cha tôn vinh Chúa Giêsu sau khi Ngài hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua cái chết nhục nhã để cứu độ nhân loại (Lc 24,26)
- Đó còn là việc trở lại tình trạng Con Thiên Chúa (như chúng ta thấy qua biến cố biến hình) mà đã bị việc Nhập thể che giấu (Ga 17,5)
- Việc lên trời gắn liền với việc trở lại trần gian để hoàn tất nơi mọi người ơn cứu chuộc (Cv 1,11). Chúa lên trời để dọn chỗ cho chúng ta qua việc cử Thánh Thần đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng được lên trời với Ngài.
- Cuối cùng, nơi thánh Phaolô ta đọc được một ý nghĩa khác của việc lên trời: Chúa Kitô ngự trị như là một vị Chúa Tể trên mọi loại hữu hình hay vô hình để ban ơn cứu độ và sinh lực cho tất cả (Ep 4,10).
2) Cuộc từ biệt phải chăng không nên xảy ra?
Khi yêu mến một ai, chúng ta không muốn xa người ấy, và cũng không muốn họ xa chúng ta. Những tình cảm đó thật quý và đáng trân trọng! Nhưng đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải từ biệt vì hoàn cảnh sống thay đổi: như khi còn nhỏ thì đi học, lớn lên đi làm việc theo ngành nghề mình chọn lựa… Con người lớn lên mỗi ngày, công việc thích nghi qua từng lứa tuổi khiến chúng ta phải tạm biệt những gì của ngày hôm qua: tạm biệt gia đình, bạn bè…
Chúa Giêsu sau khi hoàn tất sứ mệnh, Ngài từ biệt các Tông đồ để về trời ngự bên hữu Thiên Chúa; nhưng sự ra đi của Ngài mang một chiều kích khác: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em… Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).
Như vậy cuộc từ biệt của Chúa phải xảy đến để mang lại ý nghĩa tốt đẹp cho chúng ta. Ban cho chúng ta niềm hy vọng qua việc ban Chúa Thánh Thần xuống để thánh hóa, giúp chúng ta ăn ở xứng đáng và thực thi sứ vụ của Ngài, để cuối cùng chúng ta được hưởng hạnh phúc thiên đàng với Ngài.
3) Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì với việc lên trời ngự bên hữu Chúa Cha?
Tin Mừng Matthêu cho biết: “Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân con” (Mt 22,44; Cv 2,34).
Chúa muốn cho chúng ta hiểu Ngài đã chiến thắng tội lỗi và sự chết cùng làm Chúa Tể muôn loài. Kể từ nay, Chúa Giêsu chấm dứt sự hiện diện hữu hình ở trần gian để đi vào vương quốc vinh hiển của Chúa Cha, được Chúa Cha tôn vinh và đặt mọi sự dưới chân (Ep 1, 10).
Mầu nhiệm Thăng Thiên nhắc nhở chúng ta ít nhất hai điều:
- Chúa Giêsu về trời nhưng Ngài vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta.
- Chúng ta đang sống ở trần gian nhưng phải luôn hướng về Trời.
4) Sau khi lên trời, Chúa liên kết chúng ta như thế nào và Ngài còn trở lại trần gian nữa không?
Ngài đã ban Thánh Thần để liên kết và thánh hóa Giáo hội. Thánh Thần tình yêu sẽ đến canh tân và đổi mới. Qua Thánh Thần, Ngài hướng dẫn Giáo hội trong chân lý và sự thật. Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa và ở khắp mọi nơi, ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Theo lời hứa, Chúa Giêsu sẽ trở lại trần gian cách công khai như Công Vụ Tông Đồ mô tả: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1,11).
Ngài đến trong vinh quang để thưởng phạt kẻ sống và kẻ chết, thưởng phạt tùy theo việc họ làm.
Đúc kết:
Mầu Nhiệm Thăng Thiên vốn gắn liền với Mầu Nhiệm Phục Sinh là dấu chứng sự chiến thắng vinh hiển của Con Thiên Chúa; cũng diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa cho con người.
Nhờ vâng phục Thiên Chúa và qua cái chết của Chúa Giêsu – Con chí ái, chúng ta được cứu chuộc, được nhận lãnh sự sống mới, được phục sinh với Đức Giêsu, được kêu lên Abba – Cha ơi!
C. Cầu nguyện giữa giờ:
Lạy Chúa Giêsu, Chúng con đang phải sống trong thế giới và trong thời gian, với những yếu đuối và thao thức vươn lên, và chúng con biết rõ đó là một thử thách mà chúng con phải vượt qua trong gian nan, nhưng Chúa đã sống lại và về trời để chúng con biết quê hương thật và vĩnh cửu của chúng con. Chúa về trời và từ biệt chúng con nhưng không phải đi mất, mà là đi để dọn chỗ cho chúng con. Chúng con tin rằng Chúa vẫn hiện diện một cách linh thiêng để nâng đỡ an ủi chúng con qua Lời Chúa, các bí tích và Hội thánh của Chúa, và Chúa sẽ đến để đón chúng con về trời trong vinh quang. Xin cho chúng con trong cuộc sống, luôn hướng tâm hồn và các hành động của mình đến niềm hy vọng chắc chắn sẽ được vinh hiển như Chúa. Amen.
III. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH:
a. Sinh hoạt giáo lý:
Băng reo: CHÚA LÊN TRỜI VINH HIỂN
Quản Trò (QT):
Giêsu
Tất Cả (TC)
: Lên trời vinh hiển (hai tay giơ lên)
QT:
Giêsu
TC:
Ngự bên hữu Chúa Cha (tay phải để lên ngực)
QT:
Giêsu
TC:
Đến trong vinh quang (hai tay làm vòng tròn trên đầu)
QT:
GIÊSU CHÚA CHÚNG TA
TC:
Alleluia! Allelui (Nhảy lên)
b. Bài học ghi nhớ:
1. Sau khi phục sinh Chúa Giêsu làm gì?
Sau khi phục sinh Chúa Giêsu hiện ra dạy dỗ an ủi các môn đệ trong bốn mươi ngày, rồi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. [132]
2. Việc Chúa Giêsu lên trời có ý nghĩa gì?
Có những ý nghĩa này:
- một là Ngài được Chúa Cha tôn vinh và không ngừng chuyển cầu cho chúng ta,
- hai là Ngài cử Thánh Thần đến với chúng ta và ban cho chúng ta niềm hy vọng được lên trời với Ngài [132]
3. Ngày nay Chúa Giêsu hiển trị thế nào?
Ngày nay Chúa Giêsu vẫn hiện diện một cách mầu nhiệm trên trần gian như là Chúa của lịch sử, là Đầu của Hội thánh và sẽ lại đến trong vinh quang. [133]
4. Việc Chúa Giêsu lại đến trong vinh quang có nghĩa gì?
Đó là sự chiến thắng và là cuộc phán xét cuối cùng của Ngài đối với kẻ sống và kẻ chết. [134]
5. Chúa Giêsu sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết thế nào?
Ngài sẽ xét xử và thưởng phạt mỗi người tùy theo các công việc họ đã làm. [135]
IV. Cầu nguyện kết:
a. Lời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa, con yêu mến quê trời nơi Chúa ngự, xin làm cho chúng con biết sống liên kết với nhau khi thi hành các nhiệm vụ của chúng con, và biết sống trong yêu thương để có thể thừa hưởng nước trời.
b. Quyết tâm sống:
Học thuộc tám mối phúc thật, và tập sống một mối phúc để dần bước vào quê trời.
Ban Giáo lý Giáo phận