23/02/2013
8801

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

 

Bài 18: CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI

“ĐỨC GIÊSU KITÔ XUỐNG NGỤC TỔ TÔNG,

NGÀY THỨ BA BỞI TRONG KẺ CHẾT MÀ SỐNG LẠI”

GLHTCG: 638-658; BTY: 125-131

“Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người chỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu độ, hầu đem lại cho Israel ơn sám hối và ơn tha tội” (Cv 5,30-31).

 

1. MỞ ĐẦU:

a. Phút thánh hóa:

- Làm dấu Thánh Giá;

Lời nguyện: Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con tin Chúa đang hiện diện nơi đây với chúng con. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho mỗi người chúng con, gia tăng đức tin và soi sáng cho chúng con hiểu về Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Ước gì mỗi cố gắng nhỏ bé của Chúa con muốn học biết về Chúa được Chúa chúc lành. Amen.

b. Giới thiệu chủ đề: Chúa Giêsu Kitô sống lại – Mầu nhiệm Phục Sinh

- Ôn bài cũ: Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Ai có thể kể lại diễn tiến cuộc khổ nạn với các sự kiện và biến cố đặc biệt nào? (Tiệc ly: Rửa chân, Bí tích Thánh Thể; hấp hối tại vườn cây dầu; vác Thánh giá, chịu đóng đinh, mai táng trong mồ đá).

Ý nghĩa của cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu là gì? Chúa Giêsu bị tử hình như một tội nhân nhưng thật ra Ngài đã tự nguyện dâng hiến mình cho Chúa Cha để chu toàn ý định cứu độ. Chính vì thế, hy tế của Ngài trên thập giá xóa bỏ tội trần gian và giao hòa toàn thể nhân loại với Chúa Cha.

- Chuyện cười:Có hai vợ chồng đi hành hương bên Do Thái (Israel), đến Giêrusalem đột nhiên người chồng qua đời. Bà vợ hỏi han các thủ tục và chi phí mai táng. Được biết: chôn tại Giêrusalem chi phí khoảng 1.000 đôla, nếu đưa xác lên máy bay về nước chôn thì chi phí cao gấp 5 lần, lên đến khoảng 5.000 đôla. Nhưng bà vợ nhất quyết đưa chồng về quê nhà chôn cất với lý do: nghe nói rằng có một ông nào đó chết chôn ở đây, chưa đầy 3 ngày đã sống lại!

Đó là chuyện vui cười, còn sự thật trong cuộc sống, có bao giờ các em nghe kể có ai chết mà sống lại không? Nếu có người chết rồi mà sống lại và sống thêm được vài ngày, vài năm rồi cũng chết thật vĩnh viễn thì có nghĩa là trước đó họ chỉ chết “lâm sàng” – chết giả.

Có một người chết thật và sống lại thật, sống đời đời không bao giờ chết nữa. Đó là Chúa Giêsu Kitô mà chúng ta cùng tìm hiểu trong bài Giáo lý hôm nay. Chúa Giêsu sống lại sau khi chịu khổ nạn, chết trên thập giá và mai táng trong mồ.

- Ðọc Lời Chúa: NGÔI MỘ TRỐNG (Ga 20,1-9)

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu!” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

c. Thảo luận và đưa ra vấn đề cần tìm hiểu:

- Các em thử quan sát có 4 nhân vật: 3 người có mặt và 1 người vắng mặt, hoàn cảnh của họ ra sao? Hãy nhận xét tâm tình của từng người nhé!

- Bà Maria Mác-đa-la đã đi thăm mộ lúc trời còn tối. Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được, chỉ mong cho trời mau sáng để lên đường. Ai có thể hiểu được trái tim của bà? Tình yêu đã thúc đẩy bà ra mộ trước tiên, trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến... Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ. Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy. Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải, đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15). Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về. Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh, bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.

- Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ, những bước chân hối hả vội vàng. Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó, còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.

- Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng. Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra. Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất. Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Mácđala!

- Còn đối với chúng ta thì sao? Nếu như chúng ta cũng chạy đi tìm cái xác không hồn thì sao? Chúng ta có thường như vậy không? Làm sao chúng ta nghe Tin Mừng hay thấy “những biến cố trong cuộc sống” và có thể tin như Gioan? Đức Giêsu Phục Sinh có thực là biến cố lịch sử không? Tại sao biến cố ấy lại là nền tảng cho đức tin? Và nếu Đức Giêsu đã sống lại và lên trời, Ngài có còn liên hệ đến tôi trong cuộc sống hiện tại không?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ:

a. Bằng chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô:

Thảo luận: Tại sao sự Phục sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử - siêu việt?

- “Phục Sinh” là gì? Phục Sinh là người chết sống lại, hay là sự sống lại từ cõi chết (chứ không phải luân hồi hay đầu thai kiếp khác theo quan niệm Phật giáo). Bất kỳ điều gì thuộc về lịch sử thì đều có bằng chứng, vậy biến cố Chúa Giêsu phục sinh có bằng chứng nào?

Có những dấu chứng này: một là ngôi mộ trống, không còn xác Chúa; hai là Chúa đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ và các ngài đã mạnh dạn làm chứng nhân của Đấng Phục Sinh.

1) Ngôi mộ trống thực sự để lại nhiều lý do để làm “dấu chứng”.

Khi thấy mồ trống, vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng, các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa thấy. Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ, các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh. Trước tiên Chúa Phục sinh đã hiện ra với các phụ nữ, Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng, dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình (Mt 28, 8-15).

- Tại sao Chúa Giêsu lại chọn các phụ nữ để loan báo Tin Mừng Phục sinh từ ngôi mồ trống? Nơi họ có những lý do gì?(Ga 20, 11-18):

+ Maria Mácđala là con người yêu mến. Theo Tin Mừng Gioan, bà đã theo Thầy Giêsu đến tận Đồi Sọ. Hơn nữa, bà là nguời ra mộ sớm nhất vào ngày thứ nhất trong tuần, rồi bà chạy về báo tin cho các môn đệ về chuyện xác Thầy không còn đó (Ga 20, 1-2). Đoạn tiếp theo cho thấy bà lại có mặt ở ngoài mộ lần nữa (c. 11). Ngôi mộ như có sức giữ chân bà. Chỉ tình yêu mới giải thích được điều đó. Vì bà yêu nhiều nên Chúa đã cho bà thấy Chúa.

+ Maria là con người tìm kiếm. Đấng phục sinh hỏi bà: “Bà tìm ai?” (c.15). Bà chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là tìm lại được xác Chúa của bà. Bà đã nói với Phêrô: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu” (20, 2). Bà đã nói với vị thiên thần ngồi trong mộ điệp khúc tương tự: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu” (c. 13). Khi gặp Thầy Giêsu, bà tưởng là người làm vườn, nên cũng nói: “Nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về (c.15). Đối với Maria, mất xác Thầy là mất chính Thầy. Vì bà tìm Chúa nên bà thấy Chúa.

+ Maria là con người đau khổ. Bà đã khóc nhiều từ khi xác Thầy không còn đó. Cả thiên thần và Đức Giêsu đều hỏi bà cùng một câu hỏi: “Tại sao bà khóc?” Đức Giêsu phục sinh đến gặp bà dưới dạng một người làm vườn. Thậm chí bà nghi ngờ ông này có dính dáng đến chuyện mất xác Thầy. Đức Giêsu gọi tên bà với một cung giọng quen thuộc: “Maria”. Bây giờ bà mới nhận ra Thầy và reo lên: “Rabbouni!” Lời của Chúa Giêsu nói “Ai tìm thì sẽ thấy”, “Ai khóc lóc sẽ được vui cười”. Maria đã than khóc và bà đã gặp được niềm vui, đó là chính Thầy đang sống.

Như vậy, lý do Chúa Giêsu chọn các phụ nữ để loan báo Chúa Phục sinh là vì tính cách của họ. Với lòng yêu mến, lòng khao khát tìm kiếm và nỗi thương tiếc của họ mà Chúa đã hiện ra và tỏ cho họ biết Ngài đã phục sinh. Chúng ta thấy Chúa Phục Sinh là Chúa của những con người tin, yêu Chúa. Thấy mọi điều đó, Gioan là người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến đã tin rằng Thầy đã phục sinh. Thật vậy, chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm! Chúng ta có là số người có tính cách ấy để Chúa tỏ cho ta?

2) Dưới dáng dấp một người khách lạ, Chúa Giêsu phục sinh đến với hai môn đệ Emmau. (Lc 24,13-35)

Ngài đến đúng lúc, đúng lúc họ đang bỏ cuộc, quay quắt và ray rứt vì chuyện đã qua. Ngài đi cùng với họ, đi gần bên họ, khiêm tốn trở thành một người bạn đồng hành. Ngài gợi chuyện, hay đúng hơn, Ngài muốn tham dự vào câu chuyện dở dang của họ. Chúa Giêsu không nản lòng trước câu trả lời lạnh nhạt: “Chắc chỉ có ông mới không biết chuyện vừa xảy ra...” Ngài không cắt đứt cuộc đối thoại: “Chuyện gì vậy?” Ngài giả vờ không biết để họ nói cho vơi nỗi buồn. Chúa Giêsu kiên nhẫn lắng nghe lời họ tâm sự. “Trước đây, chúng tôi hy vọng rằng...” Như thế niềm hy vọng này chỉ còn là chuyện quá khứ. Cả niềm tin cũng trở nên chai lì, họ đâu có tin vào lời của các bà ra thăm mộ!

Khi lắng nghe, Chúa Giêsu nhận ra những câu hỏi mà họ không tìm ra lời giải đáp: Tại sao một người mà họ tin là Ðức Kitô, lại bị đóng đinh như một kẻ bị Thiên Chúa chúc dữ?

Chúa Giêsu vén mở ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Ðau khổ là nhịp cầu mà Ðức Kitô phải vượt qua để sang bờ bên kia là vinh quang bất diệt.

Lời của Chúa Giêsu là Tin Mừng khiến nỗi đau của họ dịu đi, lòng họ như ấm lại. Họ cố nài ép Ngài ở lại dùng bữa chiều. Và chính lúc Ngài cầm bánh bẻ ra trao cho họ thì họ nhận ra vị khách lạ chính là Thầy Giêsu.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta. Lúc ta tưởng Ngài vắng mặt, thì Ngài lại đang ở gần bên. Lúc ta nhận ra Ngài ở gần bên, thì Ngài lại biến mất rồi. Nhưng chính lúc Ngài biến mất, ta lại cảm nghiệm sâu hơn sự hiện diện của Ngài. Ngài đến lúc ta không ngờ. Ngài đi mà ta không giữ lại được. Ngài ở lại với ta cả khi ta không thấy Ngài nữa. Biết bao lần đã có người an ủi, chỉ bày và đồng hành với chúng ta, chúng ta có nhận ra Chúa không?

3) Các môn đệ là những chứng nhân xây dựng Giáo hội của Người.

Đức tin của cộng đồng tín hữu tiên khởi được căn cứ vào chứng từ của những con người cụ thể quen thuộc và hầu hết còn sống giữa họ… thế nhưng, có người cho rằng việc Phục Sinh là do sự “nhẹ dạ cả tin” của các Tông đồ mà ra, đây là một giả thuyết không có nền tảng. Trái lại, việc các Tông đồ tin tưởng biến cố Phục Sinh xảy ra là do các ngài được Chúa ban cho diễm phúc được nhìn thấy, đụng chạm, trò chuyện, cùng ăn uống với Chúa Giêsu phục sinh.

“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,39-41).

4) Phục Sinh là biến cố siêu việt:

Ngày nay người ta thường dùng từ “siêu”, ví dụ siêu sao, siêu mẫu, siêu nhân… để chỉ cấp độ cao, khác thường, hơn người.

Chúng ta biết Lazarô đã được Chúa Giêsu cho sống lại. Chúa phục hồi lại sự sống cho Lazarô để ông trở lại sống y như đã sống trước đó, để sống thêm một ít năm nữa. Nhưng rồi về sau Lazarô cũng chết, cũng mục nát. Nhưng với Đức Giêsu thì hoàn toàn khác. Chúa Giêsu phục sinh không phải để trở lại và kéo dài thêm đời sống trần thế 33 năm của Ngài. Người đã chỗi dậy, không phải để trở lại cuộc sống rồi sẽ mục nát, nhưng là bước vào sự sống Thiên Chúa, một đời sống hoàn toàn khác trước đây.

Phúc Âm cho ta thấy những hình ảnh về sự sống khác biệt của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh: Chúa không bị giới hạn bởi căn phòng đóng kín nơi các tông đồ tụ họp vì sợ người Do Thái. Ngài cũng có thể hiện diện mà các môn đệ dù thân tín cũng không nhận ra được, như ở Emmaus, rồi Ngài chợt đến và đi một cách thình lình.

Đúc kết: Chúa Giêsu Phục Sinh là một biến cố vừa lịch sử vừa siêu việt. Để hiểu sự phục sinh của Chúa Giêsu, cần phải dùng đức tin.

b. Ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc Phục Sinh:

Thảo luận:

- Chúng ta thử suy nghĩ và so sánh giữa các tôn giáo: Cái chết của Chúa Giêsu là Đấng chúng ta tôn thờ có gì khác so với cái chết của Đức Phật hay các vị thần thánh (Mohamet, Khổng Tử) mà các đạo khác tôn thờ? (Các vị thần, thánh, Phật đều chết mà không ai sống lại, chỉ có Chúa Giêsu là chết và sống lại).

- Tại sao Chúa Giêsu cần phải sống lại? Thử nghĩa xem một người nói được mà không làm được, hứa mà không làm thì có đáng tin không? Bởi vậy, nếu Chúa Giêsu không sống lại thì Chúa sẽ bị mang tiếng là “thùng rỗng kêu to”, không có uy tín, lường gạt.

Chúng ta cùng tìm hiểu để nhận ra tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu phục sinh:

1) Chúa Giêsu phục sinh để xác nhận tất cả những việc làm và giáo huấn của Người. Thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14). Cho nên Chúa Kitô Phục Sinh trước hết là để xác nhận tất cả những việc làm và giáo huấn của Người đều chân chính vì Ngài đã tỏ ra cho con người thấy dấu chứng tối hậu nơi quyền bính thần linh của Người, theo như lời Người hứa.

2) Chúa Giêsu phục sinh để ứng nghiệm các lời hứa của Cựu Ước và của chính Người“như Người đã nói” (Mt 28,6). Thành ngữ ‘như các Lời Thánh Kinh’ (Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicêa) cho thấy là việc Chúa Kitô Phục Sinh đã làm cho những lời hứa này được nên trọn”.

3) Chúa Giêsu phục sinh để tỏ ra chính thần tính của Người. Sự thật về thần tính của Chúa Giêsu đã được xác nhận bởi việc Người Phục Sinh. Người đã phán: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Việc Phục Sinh của Đấng chết trên thập giá chứng tỏ rằng Người thực sự là ‘Hiện Hữu’, là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa…

4) Chúa Giêsu phục sinh để chúng ta được công chính hóa. Bằng cái chết, Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi; và bằng việc Phục Sinh, Người đã mở ra cho chúng ta một con đường sống mới. Sự sống mới này trước hết là việc làm cho chúng ta sống trong chân lý sự thật, Người phục hồi sự sống của chúng ta trong ơn nghĩa Chúa, “cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6,4).

Chúa Kitô phục sinh sống trong lòng của người tín hữu, khi họ mong chờ điều ấy được nên trọn. Và đời sống của họ được Chúa Kitô thu hút vào ngay tâm điểm của sự sống thần linh, để họ có thể “không sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”. (2Cr 5,15)

5) Chúa Giêsu phục sinh để bảo đảm cho việc chúng ta phục sinh sau này.

“Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu… Như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,20-22). Từ đây, cuộc đời con người không còn phải là chu kỳ “sinh ra-sống-chết-mục nát”, nhưng là “sinh ra-sống-chết-phục sinh”. Do quyền năng của Chúa Giêsu Phục Sinh, Thiên Chúa Toàn năng sẽ làm cho chúng ta sống lại, cho thân xác chúng ta kết hiệp với linh hồn, cho ta sự sống bất diệt ở đời sau. Bởi vì Thiên Chúa đã đem cả thân xác nhân loại của Ngài vào Thiên quốc, thì chúng ta cũng tràn ngập hy vọng, hân hoan, chắc chắn sẽ được gặp và ở với Ngài trên Thiên quốc như Ngài đã hứa.

Đúc kết:

- Mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng, chân lý cao cả nhất của đức tin Kitô giáo.

- Tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu phục sinh có liên hệ hết sức mật thiết với các việc làm và giáo huấn của Người, với các lời hứa của Cựu Ước và của Người, với chính thần tính của Người, với việc chúng ta được công chính hóa, cũng như với nguyên lý và nguồn mạch của việc chúng ta phục sinh sau này.

c. Cầu nguyện giữa giờ:

Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala, nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan. Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố: ý nghĩa của cái chết bi đát trên Núi Sọ, ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng. Chúng ta cần có lòng tin để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng, trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời. Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải. Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn. Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất, trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11).

Lạy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã Phục Sinh, mang lại cho chúng con niềm tin và hy vọng vững chắc. Chúng con tự hào được làm người Kitô hữu, được làm người Công giáo, tự hào về Chúa – Đấng chúng con tin thờ là Đấng toàn năng và đầy tình thương.

Nhưng chúng con cũng xin lỗi Chúa vì biết bao lần chúng con yếu đuối, lỗi phạm, không dám tuyên xưng Chúa trước mặt người khác.

Xin sức sống của Chúa Phục Sinh gia tăng đức tin cho chúng con, để chúng con mạnh dạn làm chứng nhân loan báo tim mừng Chúa Phục Sinh, xứng đáng hưởng ơn cứu chuộc Chúa ban.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH:

a. Sinh hoạt giáo lý:

Băng reo:

Quản Trò (QT): Giêsu

Tất Cả (TC): Vinh quang (giơ cao tay phải lên)

QT: Giêsu

TC: Chiến thắng (giơ cao tay trái lên)

QT: Giêsu

TC: Khải hoàn (giơ cao 2 tay và dậm chân)

QT: Giêsu – vinh quang – chiến thắng – khải hoàn. Aleluia

TC: Giêsu – vinh quang – chiến thắng – khải hoàn. Aleluia

(hô to và làm cả 3 cử điệu như trên; Aleluia: nhảy lên)

Bài hát: Chúa Phục Sinh

b. Bài học ghi nhớ:

1. “Ngục tổ tông” là gì?

“Ngục tổ tông” là tình trạng của những người chết trước thời Chúa Giêsu, dù công chính hay tội lỗi.

2. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để làm gì?

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu xuống ngục tổ tông để giải thoát những người công chính đang mong chờ Đấng Cứu Chuộc, và mở cửa trời cho họ.

3. Cuộc phục sinh của Chúa Giêsu có vị trí nào trong đức tin của chúng ta?

Cuộc phục sinh là chân lý cao cả nhất của đức tin và là phần thiết yếu của mầu nhiệm Vượt qua.

4. Có những “dấu chỉ” nào cho biết Chúa Giêsu đã phục sinh?

Có những “dấu chỉ” này:

- một là ngôi mộ trống, không còn xác Chúa,

- hai là Ngài đã hiện ra nhiều lần với các môn đệ

5. Tại sao sự Phục sinh của Chúa Giêsu vừa là biến cố lịch sử vừa là biến cố siêu việt?

Sự Phục sinh của Chúa Giêsu là biến cố lịch sử, vì được xác định bởi các dấu chỉ và lời chứng; là biến cố siêu việt, vì giác quan không thể kiểm nhận được việc Ngài bước vào vinh quang của Thiên Chúa.

6. Sau khi phục sinh, thân xác của Chúa Giêsu thế nào?

Sau khi phục sinh, thân xác của Chúa Giêsu cũng chính là thân xác đã chịu đóng đinh, nhưng được tham dự vào đời sống thần linh với những đặc tính của một thân xác vinh hiển.

7.  Sự phục sinh là công trình của Ba Ngôi theo cách nào?

Cả Ba Ngôi cùng hoạt động chung theo tính cách riêng biệt của mỗi Ngôi:

- Chúa Cha bày tỏ quyền năng của mình;

- Chúa Con “lấy lại” sự sống mà Người đã tự do dâng hiến (Ga 10, 17);

- Chúa Thánh Thần làm cho nhân tính đã chết của Chúa Giêsu được sống lại và nâng lên tình trạng vinh hiển.

8. Cuộc Phục sinh có ý nghĩa và ảnh hưởng như thế nào đối với ơn cứu độ?

Cuộc Phục sinh có những ý nghĩa và ảnh hưởng này:

- Một là xác nhận thần tính của Chúa Giêsu cũng như những gì Người đã làm và đã giảng dạy.

- Hai là những lời hứa trong Kinh Thánh nay đã được thực hiện;

- Ba là nguyên lý cho việc công chính hóa và sự phục sinh của chúng ta.

9. Sự Phục sinh của Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta điều gì?

Sự Phục sinh của Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta ơn làm con Thiên Chúa và thân xác chúng ta được sống lại trong ngày sau hết.

4. Cầu nguyện kết:

a. Lời nguyện:

Lạy Chúa, điều mà chúng con khao khát và cầu xin hằng ngày là được yêu mến Chúa trên tất cả. Nhưng tình yêu mến đó mời gọi con phải có cái nhìn đức tin trong mọi sự, nhất là thấy được Chúa Phục sinh đang hiện trong mọi biến cố và trong từng anh chị em của chúng con.

Xin cho mỗi người chúng con biết chôn vùi hết những quá khứ của mình và của mọi người trong ngôi mộ của Chúa. Và từ đó Chúa làm cho cuộc đời của mỗi người chúng con được phục sinh với Chúa.

Ước gì Chúa giúp cho chúng con nhận ra và tin vào sự hiện diện Phục sinh của Chúa trong cuộc đời, để thấy Chúa đang sống trong bản thân chúng con và trong mọi anh chị em trong đời sống hằng ngày. Amen.

Hát lại: Chúa Phục sinh

b. Quyết tâm sống:

- Làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Phục Sinh bằng cách mạnh dạn nhìn nhận và tỏ ra mình là người Công giáo như làm Dấu Thánh giá, cầu nguyện công khai.

- Mang trong mình sức sống của Chúa Phục Sinh, thể hiện niềm vui, trao nụ cười cho những người mình gặp gỡ hàng ngày.

Ban Giáo lý Giáo phận