01/02/2013
10135

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

Bài 16:  CUỘC ĐỜI CÔNG KHAI CỦA CHÚA GIÊSU

"Đức Giêsu đi khắp miền Galilê giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn, tật nguyền của dân" (Mt 4,23).

1. MỞ ĐẦU

a. Phút thánh hóa

- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen

- Hát kinh: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa hoặc cầu xin Chúa Thánh Thần…

b. Giới thiệu chủ đề - nội dung bài giáo lý – những vấn đề cần giải quyế t

Ôn bài cũ: - Cuộc sống quanh ta cho thấy mầu nhiệm sự sống thế nào?

- Với thái độ sống nào, em có thể cảm nhận mầu nhiệm sự sống?

- Con đường mạc khải sự sống đích thực của Chúa Giêsu dạy ta điều gì? Chúa Giêsu tỏ lộ sự sống thần linh và chỉ cho Thấy Chúa Cha thế nào? Con đường mạc khải của Đấng ban sự sống đích thực thế nào? Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu dạy chúng ta điều gì?

Giới thiệu chủ đề cuộc đời công khai của Chúa Giêsu tỏ lộ Nước Trời

Câu chuyện minh họa: Trong giờ học địa lý lớp 7, cô giáo đem theo một trái địa cầu rất đẹp, cô hướng dẫn cho các em học sinh xem một số nước trên thế giới, và giới thiệu nền văn minh của các nước đó. Cô nói: Muốn sống trong một nước nào thì phải nhập quốc tịch nước đó, có quốc tịch thì người dân mới được hưởng quyền lợi và thi hành nghĩa vụ của người công dân nước đó.

Các em thân mến! Tất cả chúng ta là những người công dân nước Việt Nam, chúng ta có quốc tịch Việt Nam, chúng ta có quyền lợi và bổn phận của người công dân nước Việt Nam, điều này thật quý giá.

Đối với chúng ta là những người tin theo Chúa Kitô, không những là công dân của nước Việt Nam mà ta còn là công dân của Nước Trời hay Nước Thiên Chúa, một nước rộng lớn do Chúa Giêsu đã thiết lập.

Các em thân mến! Chúa Giêsu là người đã đến trần gian để khai mạc nước Thiên Chúa ngay tại cuộc sống này. Ngài đã sống một cuộc sống như con người chúng ta và tất cả hoạt động công khai của Ngài ở trần gian nhằm giới thiệu nước Thiên Chúa của Ngài.

Các em hãy cùng chia sẻ với nhau : Muốn là người con ngoan trò giỏi trong gia đình và nhà trường các em phải học hỏi và thực hiện những điều gì? Cũng vậy, để trở thành công dân tốt trong Nước Trời, chúng ta phải có thái độ sống và phải thực hiện những bổn phận nào? 

- Nội dung chính: Từ những dấu chỉ qua hành động của Chúa Giêsu, Ngài loan báo Nước Thiên Chúa đã bắt đầu. Qua cuộc đời hoạt động công khai, Ngài khai mở Nước Thiên Chúa và mời gọi mọi người gia nhập Nước này.

- Đưa ra những vấn đề cần giải quyết

1. Việc khai mở Nước Thiên Chúa của Đức Giêsu thể hiện thế nào? Cuộc đời hoạt động công khai nhằm giới thiệu Đức Giêsu là ai? được bắt đầu như thế nào?

2. Nước Chúa được Đức Giêsu loan báo thế nào? Chúng ta cần có những điều kiện nào để được vào nước Thiên Chúa? Những quyền hành mà Đức Giêsu trao cho các tông đồ để xây dựng nước trời?

3. Những dấu chỉ của Nước Trời được hiểu thế nào nơi Chúa Giêsu? Tại sao Đức Giê su dùng những phép lạ và dấu chỉ để biểu lộ nước trời?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ

a. Thảo luận làm sáng tỏ việc khai mở Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu

1) Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã làm gì?

- Chúa Giêsu đã đến sông Giođan xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa. Tại sao Ngài lại đến với Gioan? Ngài nói gì với Ông? (để chu toàn Lề Luật: Ông Gioan một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Ðức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã, Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. (Mt 3,14-15))

- Người không có tội có cần chịu phép rửa không? (Không, chỉ người có tội mới cần chịu phép rửa).

- Chúa Giêsu là Đấng Thánh không hề có tội, tại sao Ngài lại chịu phép rửa? (Vì Ngài muốn liên đới với người tội lỗi để cứu họ).

- Ai đã chứng giám việc Đức Giêsu chịu phép rửa? Phép rửa loan báo điều gì? (Loan báo cái chết và bí tích Rửa tội của chúng ta).

Giải thích việc Chúa Giêsu chịu phép rửa:

- Giêsu đã rời làng Nazareth bắt đầu cuộc đời công khai rao giảng năm 30 tuổi. Gioan làm phép rửa cho Ngài, điều này cho thấy:

+ Chúa Giêsu ý thức rõ tầm quan trọng phải thực hiện việc loan báo Tin Mừng trong bầu khí thánh thiện.

+ Ngài thật khiêm tốn trước sứ vụ cao cả mà Chúa Cha giao phó, tự nhận mình phải đứng trong hàng ngũ những người phải được thánh hiến.

- Sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, các em hãy nhớ lại xem điều gì đã xảy ra? (Có Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đậu trên đầu Chúa Giêsu và các tầng trời mở ra, có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”).

Đúc kết: Việc Chúa Giêsu chịu phép rửa là việc Ngài chọn con đường hạ mình qua sám hối và sống theo lẽ công chính để khai mở con đường cứu chúng ta. Con đường ấy chính là làm hài lòng theo ý của Chúa Cha. Hơn nữa, Ngài thánh hoá dòng nước và sẽ ban Thánh Thần để thực hiện cuộc hoán cải đi vào sự sáng tạo mới, loan báo bí tích rửa tội Ngài sẽ thiết lập, để ta được trở nên con cái Thiên Chúa.

2) Việc Chúa Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ

- Ai dẫn Đức Giêsu vào hoang địa? (Thần khí Thiên Chúa)

- Khi bị ma quỉ cám dỗ, Chúa Giêsu thua hay thắng? (Thắng)

- Các em có hay bị cám dỗ không? (Có). Những cám dỗ ngày nay tóm lại về những điều gì? Về cái bụng (thức ăn)?  Về niềm tin? Về quyền lực và địa vị? Về mục tiêu của đời sống?

- Các em hãy chia sẻ sự chiến thắng cám dỗ của mình? Em đã dựa vào đâu? Em có thấy mình mở được con đường tự do nào không?

Bàn luận về sự kiện cám dỗ:

Vì sao việc cám dỗ lại có liên hệ với việc khai mở Nước Thiên Chúa? Vì Thiên Chúa không dung túng Con của Ngài mà lại đặt Con Ngài trong thử thách để khai mở con đường vào cuộc sống của Thiên Chúa. Cuộc sống ấy là một cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi để thuần phục ý Chúa Cha.

Một điểm quan trọng trong việc khai mở Nước Thiên Chúa, là phải giới thiệu Nước ấy bằng cách nào? Có phải Thiên Chúa sẽ dùng thức ăn để dụ người ta vào Nước Ngài hay dùng Lời Chúa? Có phải Ngài sẽ dùng uy lực ma thuật để quảng bá Nước của Ngài hay dùng Đức tin? Có phải Ngài sẽ dùng quyền cao và địa vị để mọi người phải thần phục và bái lạy Ngài hay Ngài dùng Đức thờ phượng mà suy tôn Thiên Chúa?

Phân tích bối cảnh: Sau khi chịu phép rửa tại sông Gio-đan, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy vào trong hoang địa, ở đó 40 ngày, ăn chay cầu nguyện và chịu ma quỷ cám đỗ (x. Mc 1, 12- 13; Mt 4,1-11).  Chúa Giêsu được giới thiệu như một Is-ra-en mới: chịu cám dỗ phải thử thách Thiên Chúa và chiến thắng nhờ vâng phục của Đức tin; và như Môsê mới: bảo vệ “Lời” hay (Lề luật) và dùng “Lời” để chiến thắng. Ngài bị cám dỗ ra khỏi sứ mạng của Thiên Chúa mời gọi để đi tìm chính mình (quyền phép và vinh quang)! Nhưng Ngài đã ở lại nơi “Lời” Thiên Chúa để chiến thắng và một mực chỉ tìm vinh quang cho Nước Chúa.

Đúc kết:  việc Đức Giê-su chịu cám dỗ cho thấy:

+ Ngài đã cảm nghiệm một cuộc chiến nội tâm giữa “chính” và “tà” mà chúng ta cũng cảm nghiệm. Ngài chứng tỏ Ngài là con người thực sự như chúng ta.

+ Đức Giê-su đã phản ứng lại ma quỷ khác hẳn với cách của chúng ta.  Chưa có ai tỏ ra cứng rắn và dứt khoát trước cám dỗ như Đức Giêsu đã làm: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi “Lời” miệng Thiên Chúa phán ra”. “Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. “Sa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

+ Một điều gì đặc biệt nơi Ngài. Thuở xưa, Ađam và Evà đã bị ma quỷ cám dỗ và đã sa chước cám dỗ. Ngược lại Chúa Giêsu đã chiến thắng Sa-tan, đem lại niềm hy vọng và định hướng cho chúng ta. Ðức Giêsu là Ađam mới luôn trung thành trong khi Ađam cũ sa ngã. Ðức Giêsu hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của dân Is-ra-en trái với những người khiêu khích Thiên Chúa suốt 40 năm trong sa mạc. Ðức Giêsu là Ðấng chiến thắng ma quỷ trong sa mạc. Chiến thắng ấy báo trước chiến thắng cuộc tử nạn.

3) Biến cố hiển dung

- Em thấy mình đang là mãnh đất gì khi đối diện với Lời Chúa? (Vệ đường? Sỏi đá? Bụi gai? Đất tốt?)

- Em có thấy mình biến đổi khi tiếp xúc Lời Chúa? (cảm thấy mình phải tự vấn) Em phải tiếp xúc như thế nào để được biến đổi? (nghe Lời Chúa bằng cả con người, từ trí hiểu chân lý và để Chúa Thánh Thần đưa Lời Chúa điều khiển thất tình của mình: Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Cụ, Dục (Mừng, Giận, Yêu, Ghét, Buồn, Sợ và Muốn), thành những tình cảm tốt, giúp chúng ta cảm nghiệm trong trái tim hầu trở nên mãnh đất tốt)

Giải thích việc Chúa biến hình

Cuộc đời chúng ta có thể biến đổi không? Chỉ cần một hạt giống Lời Chúa rơi vào tâm hồn chúng ta, như rơi vào thửa đất màu mỡ, đời ta có thể thay đổi hoàn toàn. Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này: “Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.” Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.

Nhận định bối cảnh biến hình của Đức Giêsu: Đức Giêsu sắp bước vào cuộc khổ nạn. Ngài lên núi cầu nguyện, Ngài dẫn ba môn đệ cùng đi. Khung cảnh bên ngoài nói lên tầm quan trọng của biến cố: có Ba Ngôi Thiên Chúa hiện diện, có các nhân vật đại diện Cựu và Tân Ước. Đức Giêsu lắng nghe thánh ý Chúa Cha và đàm đạo với các nhân vật Mô-sê và Ê-li-a. Lúc ấy, toàn thể thân xác Đức Giêsu tỏa sáng lạ lùng. Có tiếng Chúa Cha phán: “Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”.

Đúc kết: Việc biến hình đi trước cuộc tử nạn, điều đó cho biết “để đi vào vinh quang” (Lc 24,26), Người phải qua thập giá tử nạn ở Giêrusalem. Việc biến hình chứng tỏ cho chúng ta rằng: phải qua thập giá mới vào vinh quang Nước Chúa; và biến hình là hình ảnh vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Đấng sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,12).

4) Kết thúc cuộc đời công khai Đức Giêsu lên Giêrusalem

"Khi đã tới ngày Đức Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem" (Lc 9,51). Người tránh né tước vị vua trần thế mà người ta muốn trao tặng, nhưng Người lại long trọng bước vào thành của "Đavít tổ tiên Người" (Lc 1,37) và để cho người ta tung hô như là con vua Đavít, hoặc là "vua vinh quang" (Tv 24,7), cưỡi lừa (Dcr 9,9) tiến vào thành của mình.

Việc tiến vào Giêrusalem của Đức Giêsu tỏ rõ việc thành lập vương quốc Nước Trời mà vị Vua Cứu Thế sắp hoàn tất bằng cuộc Vượt Qua tử nạn và phục sinh.

b. Thảo luận làm sáng tỏ cốt yếu của lời rao giảng của Chúa Giêsu là loan báo Nước Thiên Chúa

Mời các em đứng lắng nghe Tin Mừng: “Sau khi ông Gioan bị bắt giam, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần rồi. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng.”(Mc 1,14-15)

- Thời kỳ đã mãn, vậy thời kỳ trước đây là gì? (tình trạng xa cách giữa Thiên Chúa và con người, và giữa người với nhau)

- Đoạn Tin Mừng các em vừa nghe là lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu. Ngài đã nhấn mạnh điều gì? (Thời gian đã đến. Bây giờ bắt đầu Nước Thiên Chúa).

- Như thế, qua lời rao giảng đầu tiên này của Chúa Giêsu thì Nước Thiên Chúa đã bắt đầu chưa? (Rồi)

- Ai là người khai mở Nước Thiên Chúa? (Chúa Giêsu).

- Theo lời rao giảng của Chúa Giêsu mà chúng ta vừa nghe, Nước Thiên Chúa đã bắt đầu là Tin Mừng hay tin buồn cho loài người? (Tin Mừng).

- Nước Thiên Chúa chỉ dành riêng cho người Do Thái hay cho hết mọi người? (Hết mọi người, tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi vào Nước Thiên Chúa.)

- Chúa Giêsu cho biết điều kiện gì để gia nhập Nước Thiên Chúa?

- Nước Thiên Chúa có giá trị thế nào? (là một ân huệ, quý giá như kho báu, như viên ngọc quý, phải dùng sức mạnh để chiếm cho bằng được.)

Phân tích và giải thích về lời rao giảng Nước Thiên Chúa

Thời kỳ trước đây là sự xa cách, có thể thấy trong câu chuyện: Sau khi người mẹ bỏ rơi người cha và đứa con bé bỏng. Người con ở lại sống với cha cho đến 20 tuổi. Biết bao nhiêu khổ cực, buồn tủi đứa con phải gánh chịu dù trong lòng có lúc vẫn mong gặp lại mẹ và ôm lấy mẹ. Đứa bé kia, giờ đây là một cô gái xinh đẹp, mẹ cô đang tìm cách bắt đem về sống chung với mình và tách rời tình cha con của cô, mà 20 năm cô đã gắn bó. Khi gặp mẹ, cô thấy có một bức tường vô hình giữa cô và mẹ. Cô không thể phá được bức tường ấy, để bỏ người cha già đau yếu và hàn gắn với mẹ nữa! Chính sự giàu sang đã lôi người mẹ đi xa và bằng mọi giá phải có cơ nghiệp đồ sộ, giờ đây là hố sâu ngăn cách vĩnh viễn giữa cô và mẹ. Hoàn cảnh này chúng ta thấy có cần một cách nào đó để giải quyết, hay một điều gì đó hé mở để con người trở lại với nhau không?

Thời kỳ đã mãn: Ba hình ảnh qua mô tả của Lu-ca về việc Đức Giê-su chịu phép rửa là: Trời mở ra, chim bồ câu đáp xuống và tiếng nói phát ra từ trời. Hình ảnh này loan báo  một “thời đại mới” hé mở.

Để hiểu việc trời mở ra, chúng ta cần biết người Do Thái thời xưa đã nhìn vũ trụ như thế nào. Họ coi vũ trụ như là ba thế giới xếp chồng lên nhau. Bên trên là thế giới của Thiên Chúa. Ở giữa là thế giới của người sống và dưới cùng là thế giới của người đã chết. Ranh giới ngăn cách thế giới của Thiên Chúa và thế giới người sống là bầu trời.

Sau khi A-đam phạm tội, thế giới của người sống đã trở nên mỗi ngày một xấu xa thêm. Những người thánh thiện cầu xin Thiên Chúa “xóa bỏ” ranh giới ngăn cách với thế giới của Ngài và làm một điều gì đó cho thế giới xấu xa của họ. Thí dụ, ngôn sứ I-sai-a đã cầu nguyện: “Ước gì Ngài xé trời mà xuống” (Is 63:19).  Tác giả Thánh Vịnh kêu cầu: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy xé trời ra mà ngự xuống” (Tv 144:5).

Hình ảnh trời mở ra có nghĩa là Thiên Chúa đã quyết định đi vào thế giới của chúng ta và làm một điều gì đó đối với tình trạng tội lỗi trong thế giới ấy. Một “thời đại mới” trong lịch sử nhân loại đang khởi đầu. Thời đại “ Nước” của Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa là gì? Chúa Giêsu rao giảng nước Thiên Chúa đã gần đến. Người chỉ dùng hình ảnh để diễn tả: Nước Thiên Chúa giống như cánh đồng lúa mọc lẫn cỏ lùng, hạt cải, men, của báu, ngọc quí, lưới cá... (x. Mt 13). Những hình ảnh đó cho thấy Nước Thiên Chúa không phải là ảo tưởng mà có thực, rất quý giá và đang đến.

Dấu hiệu Nước Thiên Chúa đang đến đã được Chúa Giêsu tiết lộ: Xua đuổi ma quỷ và chữa lành bệnh nhân (x. Mc 1,54). Như thế nước Thiên Chúa là một Vương quốc mới do Thiên Chúa cai quản, và chúng ta được chung chia vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Người gia nhập Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu thường chú tâm đến kẻ nghèo hèn, bé mọn và tội lỗi:

+ "... để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn" (Lc 4,18).

+ "... Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái... nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn" (Mt 11,25).

+ "Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi" (Mc 2,17).

Tất cả mọi người được kêu gọi gia nhập Nước Chúa. “Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu độ”.

Điều kiện gia nhập Nước Thiên Chúa: phải dứt khoát với tội lỗi (Mt 4, 17), trở nên như trẻ nhỏ (Mt 18, 1- 4), có tâm hồn nghèo khó (Mt 5, 3). Tức là phải sám hối và tin vào Tin Mừng.

+ Sám hối là hối hận về các điều sai trái đã làm và quyết không tái phạm nữa. Ở đây sám hối là bỏ cách sống trước đó không phù hợp với giáo lý Đạo Chúa.

+ Tin vào Tin mừng là tin vào những điều Chúa Giêsu dạy; là tin vào chính Đức Giêsu, vì Chúa Giêsu là Tin mừng to lớn nhất, mà Thiên Thần đã báo cho các mục đồng đêm Giáng sinh.

Đúc kết: Lời rao giảng của Đức Giêsu là cơ hội đưa mọi người trở về sống trong nước Chúa, cơ hội để chúng ta tìm kiếm chân lý và sống theo lý tưởng, sống có mục đích, làm cho cuộc đời của mình có ý nghĩa.

c. Thảo luận làm sáng tỏ dấu chỉ về Nước Trời

Các em nghe câu chuyện: Nhạc sĩ dương cầm Marta-Korwin Rhodes có mặt tại Warsaw khi quân đội Đức quốc xã chiếm thành phố. Thay vì chạy trốn, bà đã ở lại để giúp đỡ những người bị thương. Tối kia bà trông thấy một người lính bị thương rúc đầu xuống một cái gối. Anh ta rên rỉ và kêu khóc. Bà muốn giúp anh ta nhưng không biết làm thế nào.  Rồi một ý tưởng ngộ nghĩnh chợt đến. “Nếu tôi có thể chuyển hòa âm qua những phím đàn thì tại sao tôi không thể chuyển qua những ngón tay của tôi?” Với những ý tưởng ấy, bà lấy tay nâng đầu anh lính lên. Bà cầu xin sự hài hòa của vũ trụ hãy chuyển qua những ngón tay của bà để đi vào đầu anh lính và giúp anh ta dịu cơn đau đớn. Lập tức anh ta ngừng khóc và ngủ thiếp đi.

Đức Giê-su thường dùng lời cầu nguyện để chữa lành: Thí dụ, một ngày kia có người đem tới cho Ngài một người bị câm điếc. Đức Giê-su “đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh; rồi Người ngước mắt lên trời, kêu một tiếng và nói: “Ep-pha-tha,” nghĩa là:  hãy mở ra!” (Mc 7:33-34). Lập tức người ấy được chữa lành.

Chúa Giêsu đã khấn nguyện điều gì? Và lòng của Chúa ước mong gì?  Phép lạ mang một ý nghĩa gì? mang đến một dấu chỉ nói về điều gì?

Tìm hiểu thêm về phép lạ trong Thánh Kinh:

- Kinh Thánh Tân Ước dùng ba từ ngữ để chỉ về những phép lạ của Đức Giê-su: teras, dynamis, và semeion. Mỗi từ Hy-lạp này đều cho chúng ta một ý nghĩa khác nhau về phép lạ:

+ Teras nghĩa là “một sự kinh ngạc.” Ám chỉ một điều lạ làm cho chúng ta kinh ngạc. Nó khiến chúng ta sững sờ. Chúng ta không biết làm sao lại xảy ra như vậy.

+ Dynamis nghĩa là “một quyền lực.” Lấy nghĩa gốc từ danh từ chất nổ (dynamite), ám chỉ một điều lạ làm một cái gì nổ tung và đầy uy lực. Như thính giác được phục hồi cho một người điếc và họ cảm nhận một âm thanh nổ vào tai và nghe được rõ ràng.

 + Semeion nghĩa là “một dấu chỉ.” Nói về sự lạ giống như một cái đèn hiệu. Điều quan trọng không phải là nó phát ra ánh sáng, nhưng là ý nghĩa của nó. Cũng thế, điều quan trọng về phép lạ của Đức Giê-su là những ý nghĩa phép lạ ấy nói lên.

- Đức Giê-su đã làm phép lạ mang ý nghĩa về cả hai phương diện: Phép lạ của Ngài là một điều lạ làm kinh ngạc, một uy lực vượt trên những điều tự nhiên; và phép lạ của Ngài muốn nói về các dấu chỉ:

Trước hết Đức Giê-su đã muốn những phép lạ Ngài làm phải là những dấu chỉ cho thấy rằng:

*  Ngài là Đấng Cứu Thế Thiên Chúa hứa ban.

*  Ngài đã khai mạc Triều Đại Thiên Chúa.

Tiếp đến, Đức Giê-su đã muốn những phép lạ Ngài làm trở thành những lời mời gọi người ta

*  hãy tin vào Ngài.

*  hãy trở nên những phần tử của Nước Thiên Chúa.

Đúc kết về phép lạ: dấu chỉ Nước Trời

Đức Giêsu muốn làm cho những người khác nhận ra những dấu hiệu của mầu nhiệm. Qua những cử chỉ, dấu lạ và lời nói của Người, Người đã tỏ ra rằng "nơi Người, tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể" (Cl 2,9). Đức Giêsu làm nhiều dấu lạ điềm thiêng (x. Cv 2,22) kèm theo lời giảng của Người để làm chứng Người là Đấng Cứu Thế đã được báo trước, và cũng chứng tỏ Người được Chúa Cha sai đến, và chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa hiện diện nơi Người. Đức Giêsu đã tỏ lộ Triều Đại Thiên Chúa đã đến.

Những dấu chỉ đó mời gọi con người tin vào Người, tăng cường niềm tin vào Đấng thi hành công việc của Cha. Mục đích của Người không phải đến để tiêu diệt con người tạo ra sự dữ, mà là giải phóng con người khỏi nô lệ sự dữ, làm cho họ trở nên phần tử của Nước Trời. Chính Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ và sai các ông đi để tiếp nối sứ mạng mở mang Nước Chúa.

d. Cầu nguyện giữa giờ: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến trần gian để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, làm mọi người nhận ra chân lý của sự sống. Chúa mời gọi tất cả mọi người hãy đón nhận và sống theo lời Ngài để gia nhập vào Nước Chúa. Xin cho chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, thực hành theo Lời Chúa dạy, để Nước Chúa hiện diện ở giữa chúng con ngay từ bây giờ, hầu được sống bình an tươi vui trong hiện tại và hạnh phúc mãi mãi sau này với Chúa. Chúng con cầu xin vì Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH

a. Sinh hoạt giáo lý - Trò chơi Thánh Kinh:

Hướng dẫn : Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chọn gọi các tông đồ, làm cho các ông trở thành những kẻ đánh cá người.

- Chia thành hai nhóm bằng nhau, và xếp thành hàng một. Vẽ một vòng tròn, cách khoảng một mét, trước các nhóm, bên trong có đặt một quả bóng tennis hoặc bóng đá; vẽ thêm vòng tròn thứ hai cách đó khoảng 5-10 mét.

- Nghe hiệu còi, người đầu tiên của mỗi nhóm cầm sợi giây thừng và chạy về phía vòng tròn, dùng sợi dây thừng để đưa bóng sang vòng tròn thứ hai.

- Sau đó về chỗ cũ, đứng vào hàng, trao sợi dây thừng cho đồng đội để người này đưa bóng về chỗ cũ (tức vòng tròn thứ nhất), và cứ thế, trò chơi tiếp tục. Nhóm nào kết thúc trước là thắng cuộc.

-Trong khi chơi, các đội hãy hô lớn cổ võ: Trở về với Chúa (khi đưa bóng vào vòng I), bước vào Nước Trời (khi đưa bóng vào vòng II).

b. Bài học ghi nhớ

1. Tại sao Chúa Giêsu chịu phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả?

Chúa Giêsu chịu phép Rửa của ông Gioan Tẩy Giả, để báo trước cái chết của Ngài và Bí tích Rửa tội của chúng ta. [105]

2. Việc Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ và chiến thắng nói lên điều gì?

Chúa Giêsu chịu ma quỉ cám dỗ để chia sẻ thân phận yếu đuối của loài người và đã chiến thắng để tỏ lòng vâng phục tuyệt đối với Chúa Cha. [106]

3. Khi rao giảng, Chúa Giêsu loan báo điều gì?

Khi rao giảng, Chúa Giêsu loan báo và mời gọi mọi người gia nhập Nước Thiên Chúa (Mc 1,15). [107]

4. Chúng ta phải làm gì để được vào Nước Thiên Chúa?

Chúng ta phải sám hối, tin vào Tin Mừng và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha với tâm hồn khiêm tốn. [107]

5. Vì sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ?

Chúa Giêsu biểu lộ Nước Trời bằng các dấu chỉ và phép lạ vì những ý này:

-một là để chứng tỏ Nước Trời đang hiện diện nơi Ngài, là Đấng Mêsia;

-hai là giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi;

-ba là báo trước Thập giá của Ngài sẽ chiến thắng “thủ lãnh thế gian” (Ga 12,31). [108]

6. Chúa Giêsu đã trao cho các Tông đồ quyền hành nào để xây dựng Nước Trời?

Chúa Giêsu đã cho các Tông đồ tham dự vào sứ vụ và quyền hành của Ngài để dạy dỗ, tha tội, xây dựng và điều khiển Giáo hội. Ngài đặt ông Phêrô làm thủ lãnh có sứ mạng gìn giữ và củng cố đức tin cho anh em mình. [109]

7. Việc Chúa Giêsu hiển dung có ý nghĩa gì?

Việc Chúa Giêsu hiển dung tỏ cho ta thấy Ngài phải đi qua Thập giá rồi mới đến vinh quang, đồng thời báo trước cuộc phục sinh và trở lại của Ngài. [110]

8. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để làm gì?

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để tỏ mình là Vua-Kitô, chịu khổ nạn, chịu chết và sống lại. [111]

4. CẦU NGUYỆN KẾT

a. Cảm nghiệm mới: - Đức Giêsu là Con Thiên Chúa khai mở Nước Chúa bằng tự hạ, tìm kiếm sự sám hối và lẽ công chính để thánh hóa con người qua phép rửa. Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta cần sống theo thái độ nào để làm danh Chúa Cha cả sáng và Nước Cha trị đến?

- Chúa Giêsu chịu cám dỗ là để cảm thông với thân phận yếu đuối của loài người chúng ta hay sa chước cám dỗ. Ngài chấp nhận chịu thử thách và đã ngay thẳng dùng Lời Thiên Chúa và Đức tin để chiến thắng ma quỷ cám dỗ. Ngài chọn đúng con đường theo ý Chúa Cha để khai mở Nước Chúa, không chiều theo cám dỗ để tìm chính mình. Nếu chúng ta cũng là con Thiên Chúa, chúng ta sẽ có thái độ nào trước cám dỗ?

- Chúa Giêsu khởi đầu cho việc hoàn tất ý định của Chúa Cha bằng việc tiếp xúc trực tiếp với Lời Thiên Chúa. Ngài cầu nguyện và đàm đạo với các nhân vật Cựu Ước về con đường thập giá. Qua sự tiếp xúc ấy, Ngài biến đổi thành sáng láng và tỏ lộ một chút vinh quang Nước Chúa. Chúng con hiểu rằng biết bao lần chúng con bỏ quên Lời Chúa, làm tâm hồn chúng con hoen ố, nhưng khi chúng con biết bắt chước như Têrêsa Hài Đồng Giêsu để lòng mình đón lấy lời này: “Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.” Chúng con sẽ nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.

b. Quyết tâm sống: Trở nên như trẻ thơ sống phúc thật 8 mối là bước dẫn vào cõi sống: “Ai làm cho người hòa thuận ấy là phúc thật vì chưng họ sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời”. Tuần này các em hãy cố gắng nói tốt về người khác để tạo sự hòa thuận với nhau.

c. Lời nguyện kết: Lạy Thiên Chúa  toàn năng, chúng con cảm ơn Chúa, đã ban cho chúng con kết thúc một buổi học tốt đẹp trong tình thương của Chúa. Giờ đây chúng con ra về, xin Chúa thương giúp mỗi người chúng con thực hành điều mà chúng con quyết tâm. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Ban Giáo lý Giáo phận