GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
Bài 14:
MẸ MARIA TRONG KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA
GLHTCG: 484-511; BTY: 94-100
“Vâng, này tôi là nữ tì của Chúa, xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói”
(Lc 1,38).
1. MỞ ĐẦU
a. Phút thánh hóa:
- Làm dấu Thánh Giá
- Hát: Cầu xin Chúa Thánh Thần.
b. Giới thiệu chủ đề:
Ôn bài cũ:
Các em thân mến, trong bài học trước, chúng ta đã tìm hiểu về việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Ai có thể nhắc lại lý do tại sao Con Chúa làm người? Khởi đầu cho công việc này Thiên Chúa đã phải nhờ đến ai?
Trong Mầu nhiệm Nhập Thể, chúng ta thấy xuất hiện một nhân vật đặc biệt quan trọng, đã sẵn lòng vâng theo thánh ý Chúa, chấp nhận cộng tác với Chúa để thực hiện kế hoạch cứu độ. Đó chính là Đức Mẹ Maria.
Giới thiệu chủ đề Kế Hoạch Cứu Độ Của Thiên Chúa Nơi Một Người Mẹ
- Đối với con cái thì ai là người quan trọng nhất? Cha / Mẹ. Đối với em, ai là người quan trọng nhất? Tỉ lệ đa số cho là người mẹ quan trọng nhất. Tại sao?
“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”
… Lòng mẹ chính là tình mẫu tử. Trong đời sống của mỗi con người có rất nhiều mối quan hệ tình cảm hết sức cao đẹp như tình cảm với ông bà, tình cảm anh chị em, tình bạn, tình yêu, tình cảm với quê hương đất nước… nhưng tình cảm cao quý nhất, có vị trí đặc biệt, thiêng liêng và sâu nặng nhất, có lẽ với hầu hết mọi người là tình mẫu tử. Vì đó là tình cảm đầu tiên của mỗi người khi sinh ra và sẽ gắn bó trong suốt cuộc đời. Người Mẹ luôn yêu thương, quan tâm chăm lo cho con cái của mình.
- Tình yêu của một người mẹ thật là cao cả, chính vì thế mà cả Thiên Chúa cũng phải nhờ một người mẹ để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài.
Câu chuyện phép lạ: TÉ BỂ SỌ ĐƯỢC ĐỨC MẸ CHỮA LÀNH
Ngày 25 tháng 5 năm 1932, cha Phượng và cha Mục sau khi cấm phòng tại Dòng Xitô Phước Sơn về, hai cha đến Lavang kính viếng Đức Mẹ. Cha Phượng leo lên tháp chuông coi, mới lên được tầng dưới cao 5 thước, cha bị xẩy chân té xuống nền Xi-măng, một đầu gối bị dập, ống chân bị bẻ quặt lại, hộp sọ đầu bị bể, máu chảy đầm đìa lai láng. Cha Phượng bị ngất bất tỉnh.
Ở nhà Cha Phượng, người ta chạy đến nhà thương Quảng Trị mời bác sĩ Hy, đến 8 giờ tối bỗng nghe có tiếng xe chạy tới trước cửa nhà xứ. Cha phó ngỡ là người đón bác sĩ trở về, nhưng không, đó là xe của bác sĩ Hoslé, Quản Đốc Bệnh Viện Huế đi săn bắn, tình cờ đi ngang qua. Ông liền đưa nạn nhân lên xe chở về nhà thương, rồi đánh điện mời bác sĩ Hy trở về. Hai bác sĩ lo săn sóc cho nạn nhân nhưng cả hai đều nói rằng: “Chỉ trông nhờ phép lạ của Đức Mẹ thì Cha mới qua khỏi mà thôi”.
Quả thực phép lạ đã xảy ra trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chỉ sau 10 ngày cha Phượng đã khỏi hết mọi vết thương từ đầu đến tay chân. Bác sĩ tuyên bố: “Đó là ơn thiêng từ trời ban cho cha. Một phép lạ Đức Mẹ ban cho Cha, chứ không có tài nghệ nào chữa lành mau như thế được”.
(Phép lạ này đã được tường thuật trong Tạp Chí Hội Truyền Giáo, xuất bản tại Balê tháng 4 năm 1932).
Tóm lại:
Mẹ Maria là như vậy đó, Mẹ luôn ban ơn, che chở phù giúp con cái mình. Sở dĩ Mẹ có quyền phép cao cả như thế là do Mẹ có vai trò hết sức đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài Giáo lý hôm nay.
c. Những vấn đề cần tìm hiểu:
- Những đặc ân Chúa ban cho Đức Maria là gì? Vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa và Hồn xác lên trời.
- Cách cộng tác của Đức Maria vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa ra sao?
- Tâm tình và thái độ của chúng ta đối với Mẹ Maria cần phải như thế nào?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
a. Những đặc ân Chúa ban cho Đức Maria:
Thảo luận làm sáng tỏ lý do tại sao Thiên Chúa ban cho Đức Maria nhiều ân sủng đặc biệt:
- Sau khi tuyên phạt Nguyên tổ, Chúa đã phán một lời đầy hy vọng cứu độ. Chúa phán thế nào?
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”
(St 3,15).
- Người đàn bà mà Chúa nói đến trong lời hứa cứu độ đó là ai?
Đức Maria. Lời hứa này của Thiên Chúa là bằng chứng nói lên vai trò “Người Mẹ Mới của Chúng Sinh” sẽ chiến thắng ma quỷ và tội lỗi. Từ đời đời, Đức Maria đã được nâng lên một địa vị cao vượt mọi loài, không ai sánh bằng kể cả các tổ phụ, các thánh, các tiên tri, vua chúa… Vì Đức Maria là thọ tạo duy nhất được Chúa chọn và mời gọi cộng tác với Chúa trong việc Cứu Chuộc, nên Đức Maria mới trở nên một người “đầy ơn phúc”, một người hết sức đặc biệt.
- Trước khi một em bé được sinh ra đời thì người cha và người mẹ cần chuẩn bị trước cho con mình những gì?
Cha mẹ chuẩn bị trước cho em bé phòng ngủ, giường, quần áo, tả, khăn… Nói chung là chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể cho con mình có điều kiện tốt lành, nơi ở xứng đáng để sinh ra và lớn lên.
Đúc kết:
Thiên Chúa Cha cũng vậy, muốn cho Chúa Con xuống thế, được sinh ra làm người thì Ngài cũng chuẩn bị trước cho Con mình một người mẹ xứng đáng, bằng cách chọn (tiền định) và ban nhiều ân sủng cho một người phụ nữ để người phụ nữ đó xứng đáng làm Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Đó chính là lý do mà Thiên Chúa đã dành riêng Đức Maria và ban nhiều đặc ân để Đức Maria xứng đáng làm Mẹ của Chúa Cứu Thế. Các đặc ân đó là gì?
- Vô nhiễm nguyên tội, - Trọn đời đồng trinh, - Mẹ Thiên Chúa, - Hồn xác lên trời.
1) Đức Maria vô nhiễm nguyên tội
“Vô nhiễm”:
Để hiểu từ này, ví dụ trong nhà chúng ta có một người bị bệnh di truyền, bệnh hay lây (như ho lao, đau mắt), khiến cho những thành viên khác trong gia đình cũng bị lây bệnh luôn. Như thế là bị lây nhiễm bệnh. Còn nếu ai không bị lây thì nôm na có thể được gọi là “miễn nhiễm” hay “vô nhiễm”. Vậy “vô nhiễm” tức là không bị lây nhiễm. Ơn vô nhiễm này là do Đức Mẹ được hưởng trước công nghiệp cứu độ của Chúa Giêsu, con của Mẹ.
“Nguyên tội”
tức là tội của Ông Bà nguyên tổ Ađam-Evà, còn gọi là Tội tổ tông. Tội này truyền lại cho ai? Cho tất cả loài người.
Đức Maria cũng là người, theo lẽ tất nhiên thì thế nào? Đức Maria cũng mắc tội tổ tông? Nhưng không, Mẹ không bị lây nhiễm tội do tổ tông truyền lại. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thiên Chúa đã gìn giữ Đức Maria khỏi mọi tì ố do nguyên tội gây nên. Mẹ hoàn toàn trong sạch, hoàn toàn đẹp lòng Chúa, nhằm xứng đáng trở nên cung điện cho Ngôi Hai giáng trần.
2) Đức Maria trọn đời đồng trinh
Trong bài giáo lý vừa rồi chúng ta đều biết, Đức Maria mang thai Chúa Giêsu là do bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần dùng quyền năng của Ngài mà lấy chính máu thịt của Đức Maria để làm nên một hài nhi trong lòng Đức Maria chứ không cần một sự quan hệ vợ chồng nào từ người đàn ông. (Cho nên thánh Giuse chỉ là cha nuôi của Chúa Giêsu).
Vì lẽ đó, với niềm tin vào ân sủng cao cả mà Thiên Chúa tặng ban cho Đức Maria, Giáo hội tuyên xưng Mẹ là Đấng đồng trinh trọn đời, trước khi sinh Chúa Giêsu, trong khi mang thai Chúa Giêsu và sau khi sinh ra Chúa Giêsu. Giáo hội muốn khẳng định rằng cả đời của mẹ không có mối quan hệ vợ chồng nào với người khác phái. Sự trinh trắng ấy là một hồng ân đặc biệt, và cũng là hình ảnh của Giáo hội thánh thiện tốt lành của Chúa.
3) Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”
Khi Đức Maria sinh hạ Chúa Ngôi Hai thì từ đó Giáo hội tôn vinh Mẹ với danh hiệu “Mẹ Thiên Chúa”. Thật ra, “Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa”. (Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, số 61).
Với danh hiệu này, nhiều người luôn nghĩ rằng Đức Maria là người sinh ra Thiên Chúa. Nhưng không phải như thế. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa không có nghĩa là tự bản thân Đức Maria có trước Thiên Chúa và sinh ra Thiên Chúa. Nhưng Giáo hội muốn tuyên xưng rằng Đấng mà Đức Maria sinh ra, Đấng ấy là Thiên Chúa thật.
Do đó, khi nói đến đặc ân này của Đức Maria, thì chúng ta hiểu rằng đặc ân ấy chủ yếu là giúp chúng ta nhớ rằng, Đức Giêsu, Đấng mà Đức Maria sinh ra đích thực là Thiên Chúa.
4) Đức Maria hồn xác lên trời
Đức Maria còn có được một ân huệ đặc biệt nữa ở cuối đời của Mẹ, là sau khi chết Mẹ được Chúa rước lên trời cả hồn và xác của Mẹ. Cả con người trọn vẹn của Mẹ với linh hồn và thân xác đều được Chúa ban thưởng trên Thiên đàng chính là hình ảnh con người được phục sinh ở đời sau mà đức tin Công giáo chúng ta tuyên xưng và trông đợi: Tôi tin xác sống lại và sự sống đời sau.
b. Thái độ cộng tác của Đức Maria:
- Vào dịp lễ Giáng Sinh, các em có xem những hoạt cảnh đúng không nào? Vậy hoạt cảnh nào diễn tả việc Đức Maria được mời gọi cộng tác với Chúa nè?
Đó là hoạt cảnh về việc Thiên Thần truyền tin cho Đức Maria.
- Như chúng ta biết, Chúa đã yêu thương chọn Mẹ Maria để cộng tác vào chương trình của Chúa, nên từ đầu, Ngài đã ban cho Đức Mẹ ơn vô nhiễm nguyên tội nhằm chuẩn bị cho Mẹ trở thành cung điện hoàn hảo cho Ngôi Hai giáng trần. Tuy là Chúa có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn, nhưng vì tôn trọng tự do của con người, Chúa vẫn hỏi ý kiến người mà Ngài muốn mời gọi cộng tác. Bởi vậy trước khi thực hiện ý định cứu chuộc loài người, Chúa sai Thiên Thần đến báo tin và mời gọi Đức Maria. Lúc đó, các em thấy Mẹ đã có thái độ như thế nào nè?
Sau cuộc trao đổi với thiên thần, Đức Maria đã khiêm tốn thưa “xin vâng”, sẵn sàng cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu độ. “Này tôi là tôi tớ Chúa, xin Chúa cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền”. Rất khiêm tốn và đầy tinh thần phó thác, đó chính là những gì mà chúng ta thấy trong câu trả lời của Mẹ với sứ thần. Và cũng chính từ đó, Mẹ đã gắn kết mật thiết với Con Thiên Chúa, gắn kết không những bằng tinh thần mà còn bằng chính máu thịt của mình để Chúa Ngôi Hai trở nên con người giữa nhân loại. Rồi trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, Mẹ luôn luôn dõi theo Con của Mẹ cho đến khi đau đớn bên cạnh thập giá của Chúa Giêsu để hiệp thông với Con mà tạo nên công phúc cho nhân loại chúng ta.
Tóm lại, Mẹ đã đón nhận Con Thiên Chúa trong đức tin với thái độ vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa.
c. Thái độ của chúng ta đối với Đức Maria:
Thảo luận:
Tại sao Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta? Tại sao Mẹ Maria có vai trò quan trọng trong đời sống người Kitô hữu mà khi cầu nguyện xin ơn, ngoài cầu nguyện với Chúa, chúng ta thường tin tưởng cầu nguyện với Mẹ Maria?
Đúc kết: Lời dạy của Công Đồng Vaticano II:
“Từ muôn đời, Ðức Nữ Trinh đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa. Và theo chương trình của Chúa Quan Phòng, trên trần gian Ngài đã trở nên Mẹ cao trọng của Ðấng Cứu Chuộc thần linh, và cách đặc biệt hơn mọi người khác, Ngài là cộng sự viên quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa. Vì đã cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa Kitô, đã dâng Chúa Kitô lên Chúa Cha trong đền thánh và cùng đau khổ với Con mình chết trên thập giá, Ðức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Ðấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta” (Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, số 61).
Giáo hội dạy chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria khi nói: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, số 66).
Chính vì Mẹ đã được ơn làm Mẹ của Đức Giêsu Kitô, mà Đức Giêsu chính là Chúa của chúng ta, là Thầy dạy của chúng ta và là Đấng làm Đầu Hội thánh, còn chúng ta là những thành phần trong Hội thánh đó, nên Đức Maria cũng là Mẹ của chúng ta. Quả thật, chính Chúa Giêsu khi hấp hối trên Thánh Giá đã trối Đức Maria lại làm mẹ của thánh Gioan và ngược lại: “Này là Mẹ của anh”, “Này là con bà”. Thánh Gioan là đại diện cho cả nhân loại, như vậy Đức Maria là Mẹ của chúng ta và tất cả chúng ta là con của Mẹ.
Chúng ta tôn vinh Mẹ bởi vì Mẹ là con người đầu tiên được đầy ân sủng. Chúng ta tôn kính Mẹ vì Mẹ trở nên mẫu gương thánh thiện cho đời sống của chúng ta.
Nếu các em coi tivi, các em thấy có những trương trình tôn vinh thần tượng, ví dụ như chương trình Việt Nam Idol, thì anh (chị) có thể nói với các em rằng, Đức Mẹ Maria chính là “Idol” của mỗi người tín hữu chúng ta đấy.
Dĩ nhiên Đức Mẹ cũng là một tạo vật như chúng ta, nhưng theo chương trình của Thiên Chúa, Đức Mẹ đã được Chúa dùng để giúp chúng ta trên con đường cứu độ bằng việc chuyển cầu cách thần thế cho chúng ta. Mọi quyền phép Đức Mẹ có là do Thiên Chúa trao ban. Cũng như chúng ta phải biết ơn, tôn kính cha mẹ của mình, không phải vì tự các ngài có quyền phép gì độc lập, nhưng Thiên Chúa đã dùng các ngài trong kế hoạch của Chúa để tác thành chúng ta, sinh chúng ta vào đời.
Tóm lại:
Đức Trinh Nữ Maria có một vai trò đặc biệt trong công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, và Đức Mẹ phải được chúng ta tôn vinh và sùng kính đặc biệt.
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH
a. Sinh hoạt giáo lý:
Bài hát: XIN VÂNG
(Nhạc và Lời: Mi Trầm)
1. Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây dó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.
ÐK. Xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm qua hôm nay và ngày mai xin vâng. Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Hôm nay tương lai và suốt đời.
2. Mẹ ơi! Mẹ tin nơi Chúa an bài. Mẹ nên phúc ân muôn loài, nơi Mẹ đoàn con tuôn đến nương thân. Mẹ ơi! niềm tin bên Mẹ rạng rỡ. Lòng con sao còn bỡ ngỡ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng.
b. Bài học ghi nhớ:
1. “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai” có ý nghĩa gì?
Nghĩa là Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai Con Thiên Chúa bởi phép Chúa Thánh Thần, mà không có sự cộng tác của người nam (Lc 1,35).
2. Tại sao Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa”?
Vì Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, mà Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
3. Đức Maria “Vô nhiễm nguyên tội” nghĩa là gì?
Nghĩa là Đức Maria được Thiên Chúa gìn giữ khỏi tội nguyên tổ ngay từ lúc được thụ thai.
4. “Đức Maria trọn đời đồng trinh” nghĩa là gì?
Thưa nghĩa là Đức Maria vẫn còn đồng trinh khi thụ thai, trong khi sinh và sau khi sinh.
5. Đức Maria đã cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa thế nào?
Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria đã cộng tác vào công trình cứu độ bằng sự vâng phục của đức tin và tự hiến hoàn toàn cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
6. Tại sao Đức Maria cũng là Mẹ chúng ta?
Vì Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu Đấng cứu độ mọi người, nên Mẹ cũng là Mẹ chúng ta.
4. CẦU NGUYỆN KẾT
a. Lời nguyện:
Lạy Chúa, Chúa yêu thương chúng con và luôn tôn trọng tự do của mỗi người chúng con. Con cảm tạ Chúa vì điều đó và mọi điều mà Chúa dành cho chúng con. Hôm nay chúng con đã học hỏi về Đức Maria, người nữ tì khiêm tốn của Chúa và là Mẹ của chúng con, mẫu gương sống kết hợp với Chúa của chúng con. Vì lời Mẹ chuyển cầu, xin Chúa thương ban cho chúng con những đức tính giống như Mẹ, để chúng con cũng biết bắt chước Mẹ cộng tác với Chúa trong đời sống đạo của chúng con mà mời gọi nhiều anh chị em khác đến làm con cái Chúa. Amen.
b. Thực hành:
Việc thực hành trong tuần này, mỗi ngày chúng ta cùng dâng lên Đức Mẹ 10 kinh Kính Mừng để ca tụng tôn vinh Mẹ và xin Mẹ cầu bầu ban những ơn lành cần thiết cho chúng ta nhé.
Ban Giáo lý Giáo phận