GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin
2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn
3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn
4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin
“BỞI PHÉP ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN MÀ NGƯỜI XUỐNG THAI,
SINH BỞI BÀ MARIA ĐỒNG TRINH”
BÀI 13: CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI
GLHTCG: 456-571; BTY: 85-93
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
1. MỞ ĐẦU
a. Phút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
- Hát kinh: CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN (tùy nghi thay đổi)
Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con, ban xuống cho con hồng ân chan chứa, trau dồi cho đáng ngôi thánh đường. Nguyện xin Chúa Ngôi Ba đoái nghe lời con thiết tha, tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thắm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
b. Giới thiệu chủ đề:
Ôn bài cũ:
Việc tìm hiểu và xác quyết Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, là Đấng Kitô – Con Thiên Chúa hằng sống như Simon Phêrô đã tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,15-16), giúp chúng ta khám phá tình yêu thương của Thiên Chúa Cha cho con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
(Ga 3,16)
Giới thiệu chủ đề: Con Thiên Chúa làm người:
Người Ấn Ðộ thường kể câu chuyện ngụ ngôn về việc sáng tạo con người như sau:
Một hôm Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người, nghĩa là làm một tạo vật đẹp nhất giữa các tạo vật. Khi Thiên Chúa vừa công bố quyết định, các Thiên Thần đã tỏ ra không mấy hồ hởi, một phần vì ganh tị, một phần vì không thể chấp nhận được một ý tưởng xem ra quá kỳ cục ấy. Làm sao tưởng tượng được một thụ tạo vừa thuộc về hạ giới, lại vừa tham dự vào đời sống thần linh. Làm sao có được một loài vừa là một mảnh của thời gian, lại vừa mang tính vĩnh cửu? Làm sao chấp nhận được giữa vật chất và tinh thần?
Các Thiên Thần không thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể tạo dựng được một tạo vật như thế. Các vị e ngại rằng ý tưởng ấy sẽ hạ giảm quyền năng và sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa.
Ðể ngăn chặn từ trong ý định của Ngài, các Thiên Thần mới bầu ra một ủy ban. Sau nhiều ngày ráo riết làm việc, ủy ban đã soạn xong một kiến nghị đệ trình lên Chúa gồm những điểm như sau: tinh thần không thể kết hợp với vật chất, bản tính thiên thần không thể kết hợp với bản tính thú vật, cái có hạn không thể hòa hợp với cái vô hạn, cái chóng qua không thể đi đôi với điều vĩnh hằng, do đó yêu cầu Thiên Chúa hãy từ bỏ ý định của Ngài.
Sau khi đọc kỹ bản kiến nghị, Thiên Chúa đưa ra phán quyết như sau: "Tất cả những góp ý của các người đều hợp lý. Nhưng điều ta sắp thực hiện không phải là một vấn đề triết học". Các Thiên Thần đều nhao nhao hỏi: "Vậy thì vấn đề đó là gì?". Sau một hồi thinh lặng, Thiên Chúa chậm rãi phán quyết: "Con người là vấn đề của Niềm Tin"
. (Sưu tầm)
Câu chuyện ngụ ý rằng: con người là tạo vật rất huyền nhiệm, nó mang trong mình quá nhiều điều kỳ diệu vượt ra khỏi tầm kiểm soát của lý trí. Dùng lý trí để hiểu về con người thì giống như mò kim đáy biển. Trong tính cách đó chúng ta cũng có thể suy diễn về sự kiện: “Con Thiên Chúa làm Người” nó còn vượt xa hơn nhiều những gì chúng ta suy tưởng về con người.
Ngược lại nếu dùng đức tin để suy nghĩ, đức tin sẽ cho thấy điều gì và hành động ra sao?
Trong Thánh Kinh kể lại việc Phaolô rao giảng những chân lý về con người Đức Giêsu, thì đối với người Do Thái đó là một sự sỉ nhục Thiên Chúa của họ, còn đối với người Hy Lạp đại diện cho trí khôn nhân loại, thì quả là những điều điên rồ (x.1Cr 1,17-25).
Còn chúng ta, chúng ta sẽ hiểu thế nào và chấp nhận ra sao để đưa ra hành động?
c. Vấn đề giải quyết
Hội Thánh đã định tín về mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, theo cái nhìn của đức tin, của lòng mến, hầu xác định:
- Vì mục đích nào Thiên Chúa Đấng Cực Thánh, quyền năng, cao cả lại phải hạ mình mang thân phận con người mỏng dòn, yếu đuối?
- Mầu nhiệm Nhập Thể nghĩa là gì? Ngài đã làm người theo cách thế nào?
- Đức Giêsu có thể vừa là người thật nhưng đồng thời cũng là Thiên Chúa thật không?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ
a. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?
Thảo luận làm sáng tỏ vì mục đích nào Thiên Chúa xuống thế làm người:
- Theo em một người con trong gia đình bị hư hỏng, bỏ nhà đi lang thang, cuối cùng bị rơi vào tình thế hiểm nghèo như bị bệnh Sida, ngồi tù… được biết tình trạng của con mình, cha mẹ của người đó sẽ cảm thấy thế nào nơi chính mình? Cha mẹ sẽ nhận thấy được điều gì mà con mình sẽ phải chịu?
- Cha mẹ sẽ hy vọng điều gì nơi con của mình? Nếu cha mẹ bất chấp tất cả để tiếp tục cưu mang đứa con hư hỏng như ngày nào thì họ chứng tỏ được điều gì?
- Ta thường nghe nói: Thiên Chúa yêu thương con người đến mức bất chấp tất cả để xuống thế làm người, hầu cứu con người thoát cảnh hư hỏng, em nghĩ có giống với trường hợp chúng ta vừa nêu trên không? Có người bảo: Ngài có đủ quyền phép để cứu con người, cần gì phải làm người như vậy? Mục đích của Ngài ra sao?
Đúc kết:
Khi nói đến thế giới con người thì ai cũng chấp nhận sự thật là con người đang ngụp lặn trong đau khổ. Đau khổ bệnh tật, hoạn nạn, chết chóc, nhưng trên hết vẫn là đau khổ của tinh thần, do con người thiếu quan tâm nhau, sống ích kỷ, ghen ghét, hận thù. Những loại trừ, xâu xé lẫn nhau càng đẩy con người đến hiện trạng bị cô đơn, bị chết dần chết mòn trong sự đói khát về tình thương và ý nghĩa sống.
Hậu quả này do tội lỗi con người gây ra (như ở bài 11 trình bày), nhưng dầu vậy tội lỗi vẫn không thể nào hủy đi kế hoạnh yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Dựng nên con người là để con người được hạnh phúc, Thiên Chúa luôn trung thành với ý định này. Ngài là Cha, là Mẹ đúng nghĩa, nên Việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người không chỉ là kế hoạnh khôn ngoan để giải thoát con người khỏi tội lỗi mà còn là cách thế tốt nhất Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho con người.
Mục đích Ngôi Lời làm người: là để trong Người nhân loại tản mác khắp nơi được qui tụ lại cùng một mối. Ngài trở nên Đầu, Trưởng Tử để trong Người nhân loại được làm con Thiên Chúa. Và Con Thiên Chúa làm người cũng trở nên khuôn mẫu cho mọi thế hệ bắt chước, học lấy và qui hướng về. Chúng ta tin rằng: Thiên Chúa có đủ quyền phép để làm nhiều cách thức khác, nhưng cách mà Ngôi Lời Nhập Thể làm người là con đường của tình yêu, cách xem ra có vẻ yếu đuối, nhưng lại là hữu hiệu và khôn ngoan nhất.
b. Mầu Nhiệm Nhập Thể:
Thảo luận làm sáng tỏ Mầu nhiệm Nhập Thể nghĩa là gì?
- Có người bảo: làm sao sinh con mà không cần đến người nam, thật là phi lý trái tự nhiên. Tự nhiên theo họ là con cá phải sống dưới nước, con heo thì sống trên bờ, nếu ngược lại là không thể được. Nhưng tại sao chúng ta không thể thấy mục đích Thiên Chúa hạ mình là Người để con người có thể làm con Thiên Chúa? Điều đó có trái với tình yêu thương không? Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Chúa Thánh Thần mà làm cho Đức Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế mà không cần đến người nam được không?
- Việc Đức Maria hạ sinh Đấng Cứu Thế mà vẫn còn trinh tiết, mầu nhiệm này được nhắc tới ở trong Cựu Ước, em có thể tìm ra hình ảnh đó và giải thích được không? Em nghĩ gì về việc Ông Môsê nhìn thấy bụi gai bóc cháy mà vẫn không tàn lụi?
Đúc kết:
Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật tuân theo một trật tự nhất định dựa trên lẽ khôn ngoan của Ngài, và ta gọi đó là trật tự tự nhiên. Nhưng ngay từ đầu Ngài tạo dựng con người có tự do để có thể chấp nhận thuận theo kế hoạch yêu thương của Ngài. Từ một người (Đức Maria) dám thưa tiếng “xin vâng” Thiên Chúa chứng tỏ nơi con người có khả năng thông hiệp với Ngài, cộng tác với ngài để cải tạo thế giới, từ đó có thể chia sẻ vinh quang và hạnh phúc thật. Thật vậy khi con người biết đáp trả kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, con người trở nên cao quý và tái thể hiện hình ảnh Thiên Chúa nơi mình. Chúng ta xác tín rằng: việc Ngôi Lời Nhập Thể làm người theo cách thế không tự nhiên, là trường hợp duy nhất trong lịch sử loài người, là việc của Thiên Chúa. Từ việc thụ thai đến việc sinh hạ hoàn toàn do quyền năng của Chúa Thánh Thần trực tiếp can thiệp vào: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1, 35.37)
Quyền năng của Thánh Thần không chỉ làm cho Con Một Thiên Chúa thụ thai trong cung lòng Trinh Nữ Maria, Ngài còn sửa soạn cho Trinh Nữ xứng đáng đón nhận ơn ban cao cả này bằng việc gìn giữ Mẹ Thiên Chúa trong tương lai luôn ở trong tình nghĩa với Chúa. Nên Trinh Nữ Maria được ân ban rất nhiều đặc ân, một trong những đặc ân liên quan đến Ngôi Lời nhập thể đó là Maria được vô nhiễm nguyên tội, sinh con mà vẫn đồng trinh. Theo truyền thống thần học By-dăng-tin thì đặc ân này được tiên báo ở Sáng Thế Ký về việc Chúa làm cho bụi cây cháy bừng nhưng không hề bị tàn lụi (x. St 3, 2-3) để áp dụng cho Đức Maria vừa làm Mẹ Ngôi Lời nhưng tâm hồn và thân xác vẫn tinh tuyền của một thiếu nữ.
c. Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật:
Thảo luận làm sáng tỏ Con Thiên Chúa làm người theo cách thế nào?
- Như đã trình bày ở trên: cách thế Con Thiên Chúa Nhập thể làm người không theo lẽ tự nhiên, vậy thân xác mà Ngài được cưu mang trong cung lòng Trinh Nữ Maria có gì khác với thân xác loài người chúng ta không?
- Có phái lạc giáo cho rằng: thân xác mà Con Thiên Chúa nhập thể như cái áo Ngài mặc (không có linh hồn, không có ý chí, tri thức nhân loại…), rồi cũng có phái cho rằng Đức Giêsu đó chỉ hoàn toàn là người nhưng được Thiên Chúa yêu thương và nâng lên cao hơn chúng ta mà thôi. Vậy tại sao Hội thánh ngay từ đầu cương quyết khẳng định rằng: Chúa Giêsu vừa là người thật đồng thời là Thiên Chúa thật?
- Áp dụng một hình ảnh cụ thể để ta trả lời cho đề tài trên: Có một hoàng tử muốn chia sẻ cuộc sống với dân nghèo cùng khổ hầu tìm cách cứu vớt họ ra khỏi tình trạng bi đát này. Nhưng vị hoàng tử này đến không dám ăn thức ăn người nghèo dọn ra, không dám ở trong ngôi nhà bẩn thỉu của họ, vậy ý định của vị hoàng tử này có thực hiện được không? Còn trường hợp thứ hai, vị hoàng tử này chia sẻ được cuộc sống với dân nghèo, nhưng thực chất ông ta không phải là hoàng tử thật, vậy liệu việc giúp dân có thể thực hiện được không nếu ông không có quyền hạn của một hoàng tử?
Đúc kết:
Khi Ngôi Lời quyết định làm người thì dù cách thế không theo lẽ tự nhiên nhưng Ngài đã mang thân phận con người thật, Ngài có bản tính của con người. Ngài suy nghĩ bằng khối óc, yêu thương bằng trái tim và lao động bằng đôi tay con người. Ngài cũng mang lấy ý chí, linh hồn nhân loại, cũng biết khổ đau, buồn vui nóng giận…
Cho dù là người thật nhưng không vì vậy mà bản tính Thiên Chúa của Ngài bị suy giảm, mất mát đi. Ngài là Thiên Chúa Thật và cũng là con người thật cả hai bản tính kết hợp nên một trong con người Đức Giêsu Kitô.
Là người thật để Ngài có thể chia sẻ trọn vẹn kiếp sống của con người hầu diễn tả tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa dành cho con người, là Thiên Chúa thật Ngài mới có đủ thẩm quyền làm cho toàn thể nhân loại nhờ Ngài và qua Ngài được nâng lên hàng con cái Chúa, được chia sẻ sự sống thần linh, không còn phải chết đời đời, và có thể chấp nhận đau khổ nhưng chiến thắng kiếp nô lệ tội lỗi. Vì là Chúa và cũng là con người thật nên Ngài muôn đời trở nên Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Nhờ Ngài và qua Ngài, Thiên Chúa Đấng vô hình và cao vời vượt xa con người trở nên hữu hình, và sờ chạm tới được (x. 1Ga 1,1-3).
Cầu nguyện giữa giờ
- Đọc chậm rãi Lời Chúa: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Com mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4, 4-7)
- Tâm tình: Lạy Chúa, Ngài yêu thương con biết là chừng nào. Càng nghĩ con càng cảm thấy mình bất xứng, đã bao lần xúc phạm đến tình yêu của Ngài khi con buông mình theo những đam mê dục vọng yếu hèn. Xin cho con đừng quên mất thân xác của con đã thuộc về Đức Kitô, là chi thể của Ngài, nhờ đó mà con trở nên con cái Thiên Chúa. Lạy Chúa xin gia tăng sức mạnh để con đứng thẳng, ngẩng cao đầu trong đời làm con Thiên Chúa cách xứng đáng. Amen!
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH
a. Sinh hoạt giáo lý:
BÀI HÁT: Vinh quang cho Ngài
BĂNG REO:
NĐK: Đức Kitô
TC: Là Thiên Chúa thật (1. Tay đưa thẳng lên trời; 2. Tay đưa xuống cầu vai; 3. Tay làm hình thánh giá trước mặt: theo dịp từng chữ)
NĐK: Đức Kitô
TC: Là Con người thật (hai cái vỗ tay và úp tay vào ngực: theo dịp từng chữ)
NĐK: Đức Kitô
TC: Là Đầu, Trưởng Tử chúng ta - Ah! (đưa tay lên đầu rồi đưa thẳng tay như sắp hàng, úp vào ngực và cuối cùng bung mạnh lên trời: theo dịp từng chữ)
b. Bài học ghi nhớ
1. Vì sao Con Thiên Chúa đã làm người?
Con Thiên Chúa làm người vì bốn lẽ này:
- một là để cứu chuộc ta khỏi tội lỗi,
- hai là để tỏ cho ta biết tình yêu của Thiên Chúa,
- ba là để làm mẫu mực cho ta sống thánh thiện,
- bốn là để ta được kết hợp với Người mà trở nên con cái Ngài.
2. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người thế nào?
Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần, mà cho Ngôi Hai nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria.
3. Mầu nhiệm nhập thể nghĩa là gì?
Là mầu nhiệm của sự kết hợp tuyệt vời giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính loài người, trong cùng một ngôi vị duy nhất là Ngôi Hai Thiên Chúa, nên Ngài vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật.
4. Con Thiên Chúa làm người có linh hồn với tri thức nhân loại không?
Chúa Giêsu có một linh hồn với tri thức nhân loại như chúng ta qua học hỏi kinh nghiệm. Ngài hiểu biết thâm sâu và trực tiếp về Thiên Chúa Cha; nhìn thấu tư tưởng thầm kín của con người và hiểu biết đầy đủ ý định cứu độ mà tỏ lộ cho ta.
5. Hai ý muốn nơi Ngôi Lời Nhập Thể hợp tác với nhau thế nào?
Ý muốn của Chúa Giêsu theo nhân tính có cùng ý muốn với Thiên Chúa về ơn cứu độ chúng ta. Ý muốn nhân loại của Ngài luôn phục tùng theo ý muốn thần linh, không miễn cưỡng, không đối kháng.
6. Đức Kitô có thân xác con người thật không?
Đức Kitô đã đảm nhận một thân xác thực sự của con người để Thiên Chúa vô hình trở nên hữu hình. Vì thế, Ngài có thể được trình bày và tôn kính qua ảnh tượng thánh.
7. Trái tim Chúa Giêsu nói lên điều gì?
Chúa Giêsu yêu thương cứu độ chúng ta, hình ảnh trái tim bị đâm thâu, là biểu tượng cho tình yêu vô biên của Ngài đối với Chúa Cha và toàn thể nhân loại.
4. CẦU NGUYỆN KẾT
a. Hát lại bài:
“Vinh Quang Cho Ngài”
b. Thực hành:
Quyết tâm nên giống Đức Kitô vì Ngài là Thiên Chúa quyền uy cao cả nhưng đã không ngần ngại chia sẻ kiếp người với tôi, nên từ nay tôi cũng không từ nan đến với người nghèo, đến với những bạn kém may mắn hơn tôi để sống bác ái yêu thương.
Ban Giáo lý Giáo phận