28/12/2012
13822

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin

2. Trình bày nội dung giáo lý: Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn

3. Một điểm thực hành: Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn

4. Cầu nguyện kết: Cử hành Niềm Tin

 

Bài 11: SA NGÃ

GLHTCG: 385-421; BTY: 73-78

 

“Thiên Chúa hỏi người phụ nữ: Tại sao ngươi làm thế? Người phụ nữ thưa: Con rắn đã lừa dối tôi, nên tôi đã ăn” (St 1,26).

1. MỞ ĐẦU:

a. Phút thánh hóa:

- Làm dấu Thánh Giá

- Lời nguyện: Lạy Chúa là Cha của chúng con,

Chúng con cám ơn Cha vì hôm nay Cha quy tụ chúng con lại với nhau nơi đây để học hỏi Giáo Lý. Xin Cha gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con, để Người thánh hóa và hướng dẫn chúng con, giúp chúng con hiểu được Lời Chúa và giáo huấn của Chúa, được thấm nhuần tinh thần của Chúa, để chúng con sống tốt hơn như Chúa muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Chúa chúng con. Amen.

b. Giới thiệu chủ đề: Tổ tông loài người sa ngã

- Ôn bài cũ: Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Ngài một cách tự do.

Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, nghĩa là con người được mang lấy thể xác, có linh hồn, có lý trí và tự do. Nhất là được mang lấy trái tim biết yêu thương của Thiên Chúa.

Con người được dựng nên từ bụi đất, điều đó muốn diễn tả con người có một thân phận thật mong manh và yếu đuối. Vì yếu đuối và mỏng manh như vậy, nên con người cần phải khiêm tốn và trung tín với Thiên Chúa.

- Kể chuyện: Kể lại một cách sinh động câu truyện A-đam và E-và sa ngã, không vâng lời Thiên Chúa dựa vào chương 3 sách Sáng Thế.

- Ðọc Lời Chúa: lặp lại các câu Lời Chúa quan trọng

“Người đàn bà thấy trái cây đó ngon, trông đẹp mắt và đáng quí, vì làm cho mình được tinh khôn: bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn” (St 3,6).

“Thiên Chúa phán: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy, dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).

c. Thảo luận:

- Trong câu chuyện vừa nghe, có một con vật đã xúi giục con người không vâng lời Thiên Chúa. Con gì vậy?

Ðó là con rắn, nó tượng trưng cho quyền lực xấu xa, tội lỗi và là Xa-tan, ma quỷ.

- Có phải đúng là con người có được quyền năng như Thiên Chúa nếu ăn trái cấm?

Không! Ngược lại, vì ăn nó mà con người phải vất vả khốn khổ và phải chết.

- Các em có nghĩ rằng Thiên Chúa không cho con người ăn trái cấm là do Ngài sợ chúng ta ngang bằng Ngài?

Không. Tất cả những gì Thiên Chúa làm là điều tốt nhất cho con nguời. Chúa chỉ muốn dạy rằng: làm con cái của Chúa thì phải biết vâng lời Ngài làm điều đúng đắn, để từ đó được sống hạnh phúc với Ngài. Hạnh phúc ban đầu ấy bị mất đi khi Tổ tông phạm tội.

Vấn đề cần giải quyết:

- Tội Tổ Tông là gì?

- Tội Tổ Tông truyền lại cho ai? Tại sao?

- Sau khi Ađam - Evà sa ngã, Thiên Chúa có bỏ loài người không?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ:

a. Tội tổ tông:

Thảo luận: Hạnh phúc ban đầu là gì vậy?

- Kinh Thánh ghi lại: “Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Ðức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác.” (St, 2,8-9) Thử hỏi có phải con người chỉ ở đó hưởng dùng mà thôi?

- Kinh Thánh lại ghi: “Ðức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai. Ðức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” (St 2, 15-17) Như vậy, con người phải làm việc và canh giữ đất đai. Câu hỏi vẫn chưa được làm sáng tỏ, hạnh phúc ban đầu nằm ở chỗ nào?

-  Các em hãy cho biết khi nào Cha mẹ làm việc vất vả mà vẫn thấy mình hạnh phúc? Có phải chỉ ăn không ngồi rồi thì là hạnh phúc không?

- Có rất nhiều trường hợp ăn nhiều đến mức béo phì thì em có thấy như vậy là hạnh phúc? Có rất nhiều trường hợp em thấy: các nhà khoa học làm việc vất vả để phát minh ra những điều kỳ thú; các chiến sĩ săn bắt kẻ ác và nhiều cuộc đấu tranh chính nghĩa thật cam go có khi phải hy sinh cả tính mạng để cho cuộc sống an bình. Hay các em thấy thầy cô chân chính phải làm việc thế nào để đào tạo ra được những con người có tài có đức. Những con người đó có hạnh phúc khi lao động vất vả không? Em hãy cho biết khi nào em cảm thấy mình hạnh phúc?

Đúc kết: Hạnh phúc ban đầu có thể hiểu rằng: Thiên Chúa ban cho con người trí khôn và sức lực, ban cho con người vũ trụ này như mảnh đất để biết canh tác và gìn giữ. Trong đó có “trái cây biết lành biết dữ” là một thứ “thiện và ác”, con người cần biết sử dụng tất cả những gì Chúa ban để chọn lựa làm điều thiện mà vươn lên, từ đó có thể sống hạnh phúc.

- Sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa cho ở trong vườn địa đàng. “Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Eđen, khiến mọc lên từ đất đai đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon với cây trường sinh ở giữa vườn” (Kn 2,8-9). Đây là kiểu nói mô tả cuộc sống hạnh phúc ban đầu Chúa đã ban cho cuộc sống của con người. Ở tình trạng nguyên thủy này, loài người có trí khôn minh mẫn, ý chí hướng về điều lành, có thể sử dụng mọi điều Chúa dựng nên cách tốt đẹp, con người sẽ không phải đau khổ, không phải chết.

Thảo luận: Loài người sa ngã, phạm tội

- Có phải các nhà khoa học rất dễ dàng tìm ra điều kỳ diệu mà không gặp trở ngại nào? Có phải những bậc cha mẹ thành công trong cuộc sống mà không hề gặp khó khăn, thử thách? Có phải thầy cô giáo chân chính không gặp cản trở nào, khi đối diện với những học trò ngang bướng, để đạt được danh hiệu nhà giáo ưu tú?

Đúc kết: Thánh Kinh thuật lại rằng “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Như vậy, Thiên Chúa đã đặt nguyên tổ Ađam - Evà trong tình trạng thử thách, để ông bà có cơ hội dùng ý chí và tự do Chúa ban, mà tỏ lòng tuân phục Thiên Chúa, đồng thời biểu lộ thái độ hiếu thảo của con cái. Hình ảnh “con rắn và trái cấm” mô tả cách bình dân cuộc thử thách đó.

Ông bà đã biết sự thử thách ấy: Người đàn bà nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Đó là lệnh cấm nghiêm ngặt, nhưng vì Satan phỉnh gạt “không chết đâu: Thiên Chúa biết ngày nào ăn, ông bà sẽ được bằng Thiên Chúa”.

Ông bà tin lời ma quỷ và sa ngã. Căn bản tội phạm này là: “Tạo vật không tuân phục Đấng Tạo Hóa”. Tội kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa gây đảo lộn cuộc sống của ông bà và con cháu: Ông Bà bị đuổi khỏi vườn địa đàng, sống vất vả và sẽ phải chết.

Tổ tông Ađam và Evà đã lạm dụng tự do mà không vâng phục Thiên Chúa, từ chối tình yêu và sống đối nghịch với Người. Đó là Tội Tổ Tông.

b. Tội Tổ Tông truyền lại cho cả nhân loại:

- Tục ngữ Việt Nam có câu: “Mũi dại, lái chịu đòn”; “Cha ăn mặn, con khát nước”. Các em có biết hai câu này muốn diễn tả điều gì không?

Nếu Cha Mẹ mắc nợ mà trả không nổi thì đời con, đời cháu phải gánh lấy món nợ đó và tiếp tục trả cho đến khi dứt nợ.

Với Tội Nguyên tổ cũng vậy. Tội Tổ tông làm Ông Bà đánh mất đi một “ơn ban” và lãnh lấy hậu quả, và tất cả nhân loại chúng ta là con cháu bị truyền lại “hậu quả” này. Nó như là một hậu quả tất yếu sau khi phản nghịch với “vua trời”: Ông Bà bị đuổi khỏi vườn địa đàng, sống vất vả và sẽ phải chết. Hậu quả tai hại nhất là Ông Bà và con cháu mất tình thuận thảo với Thiên Chúa, đánh mất đời sống hạnh phúc được hiệp thông, chia sẻ sự sống của chính Đấng Tạo Hoá.

Đúc kết: “Tội Tổ tông” đã truyền lại cho loài người một bản tính nghiêng chiều về tội vì đã mất đi sự thánh thiện nguyên thủy. Cho nên, khi chúng ta sinh ra thì đã “mắc phải” một tình trạng sa ngã rồi, cả trước khi ta phạm tội bằng quyết định tự do của mình.

- Nếu như Ađam - Evà trung thành giữ luật Chúa, cả loài người được hạnh phúc. Nhưng, ông bà bất tuân lệnh Chúa, thì con cháu bị liên lụy, là điều hợp lý. Mặt khác, chính tội riêng của mỗi người làm tình trạng này trở nên bi đát hơn.

- Con người dù bị tổn thương nặng bởi tội Tổ tông, và có khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi; nhưng với ơn Chúa giúp, con người có thể sống tốt và làm điều tốt.

c. Lời hứa cứu độ

- Tục ngữ Việt Nam cũng có câu: “Hùm dữ không ăn thịt con”. Huống chi là Thiên Chúa nhân lành vô cùng… Chúa có bỏ mặc con người đang dần hủy hoại chính mình và bị thế gian vây bủa bởi những việc tội lỗi hay không? Chắc chắn là không.

- Do lòng Thiên Chúa xót thương vô bờ bến, nên sau khi tuyên phạt Ông Bà nguyên tổ, Chúa đã phán một lời đầy hy vọng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Lời này chỉ về người Con của Mẹ Maria là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà suốt thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã loan báo. Thiên Chúa hứa gửi đến cho nhân loại Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế và Đấng Chuộc tội, Đấng cứu chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi.

Tóm lại nội dung chính:

Tổ tông chúng ta đã không vâng lời Thiên Chúa mà sa ngã phạm tội. Nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương loài người và hứa ban một Ðấng Cứu Thế sẽ đến để chuộc tội cho loài người. Chúng ta xác tín Ðức Giêsu chính là Con Thiên Chúa làm người để thực hiện Lời Hứa Cứu Ðộ ấy.

Cầu nguyện giữa giờ:

Lạy Chúa, mỗi người chúng con biết mình sai phạm nhiều tội lỗi. Chúng con xin lỗi Chúa vì những tội lỗi của chính bản thân chúng con cùng biết bao tội lỗi của nhân loại. Chúng con cám ơn Chúa vì Ngài đã gửi Ðức Giêsu đến cứu độ, tha thứ mọi tội lỗi và cho chúng con được làm con cái của Thiên Chúa.

Và xin Chúa giúp chúng con sống khiêm tốn nhìn nhận mình yếu đuối, luôn biết ăn năn hối hận để được Chúa tha thứ và xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH :

a. Sinh hoạt giáo lý:

Trò chơi: Bệnh di truyền (Bệnh truyền nhiễm)

Ý nghĩa: Các bệnh di truyền (hoặc bệnh truyền nhiễm) bị lây truyền từ người này qua người khác khi có liên quan (tiếp xúc); cũng giống như Ông Bà nguyên tổ truyền lại Tội Tổ Tông cho tất các các con cháu.

Cách chơi:

- Người điều khiển giả làm người bệnh (bệnh cùi, què, mù, gù, câm, phong…) đi đến đâu đụng vào người nào thì lây qua người đó.

- Rồi Người Chơi này bị lây sẽ đi theo người điều khiển và có thể lây cho người khác (vừa đi, vừa làm động tác của người bị bệnh).

b. Bài học ghi nhớ:

1. Các thiên thần có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không?

Có một số thiên thần đã dứt khoát từ chối vương quyền của Thiên Chúa, và quyến rũ loài người chống lại Ngài. Đó là ma quỷ.

2. Loài người có sống mãi trong tình nghĩa với Thiên Chúa không?

Tổ tông loài người đã nghe ma quỷ cám dỗ, lạm dụng tự do mà không tin tưởng và tuân phục Thiên Chúa. Đó là tội tổ tông.

3.  Tội tổ tông gây nên những hậu quả nào?

Tội tổ tông làm cho loài người mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, mất sự hoà hợp với bản thân, với mọi người mọi vật, hướng chiều về tội lỗi, phải chịu đau khổ và phải chết.

4. Vì sao chỉ riêng tổ tông phạm tội mà cả dòng dõi loài người đều mắc tội?

Vì mọi người đều có chung một nguồn gốc duy nhất, nên tội này truyền lại cho loài người.

5. Sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa có bỏ loài người không?

Thiên Chúa không bỏ, mà lại hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc loài người.

4. Cầu nguyện kết:

a. Lời nguyện:

Lạy Chúa, vì không vâng lời Chúa, nghe theo lời xúi giục của ma quỷ, mà Tổ tông loài người đã phạm tội, đã đánh mất hạnh phúc thiên đàng, gây ra đau khổ và sự chết cho mình và cho con cháu.

Chúa ơi, con không dám trách cứ nguyên tổ nữa, vì chính tội lỗi con cũng đáng Chúa luận phạt rồi... Xin Chúa thương tha thứ mọi tội lỗi của con vì con vốn yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội. Và xin Chúa ban ơn sức mạnh giúp con dứt bỏ tội lỗi, tránh xa dịp tội, cho con biết cải thiện cuộc sống để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

b. Quyết tâm sống:

- Quyết tâm vâng theo ý Chúa, vâng phục bề trên: cha mẹ, ông bà, thầy cô.

- Mỗi tối trước khi ngủ, em nhớ lại những việc tốt đã vô tình không làm, những việc xấu đã cố tình làm, xin Chúa thứ tha và dốc lòng không tái phạm.

Ban Giáo lý Giáo phận