15/12/2012
9297

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO

LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN

 

1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)

2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)

3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)

4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)

 

Bài 09: THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

GLHTCG: 302-314; BTY: 55-58

“Mọi âu lo, trút cả cho Người vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).

1. MỞ ĐẦU:

Ä Phút thánh hóa:

-  Làm dấu Thánh Giá

-  Hát: ĐỒNG CỎ TƯƠI

Đồng (là đồng) cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi.

Suối ngọt cỏ non xanh rì

Tôi đây còn thiếu thốn chi

Vui thay mà cũng phúc thay.

Ä Giới thiệu chủ đề: THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

-   Các em thân mến, khi học bài trước, chúng ta đã tìm hiểu một chút về Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ. Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta biết Thiên Chúa có Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Và Thiên Chúa Cha là Đấng quyền phép và là Đấng sáng tạo trời đất muôn vật. Có phải sau khi tạo dựng mọi loài, Chúa bỏ mặc muôn loài ra sao thì ra hay không?

-   Chúng con có thấy một người mẹ nào sau khi sinh con thì bỏ mặc nó muốn sống sao thì sống không?

-   Các em chia sẻ kinh nghiệm quan sát được về người mẹ chăm sóc con:

Ä Công việc chính hằng ngày của người mẹ sinh em bé là gì? Hằng ngày mẹ chỉ lo cho em bé, cho nó bú nè, dỗ nó ngủ nè, chút chút lại thay tả cho bé nè…

Ä Rồi khi em bé lớn lên một chút, công việc của mẹ là gì? Ừ! Cũng là ẵm em, đút từng muỗng bột muỗng cháo. Có nhiều lúc cả cha và mẹ đều phải thức suốt đêm vì bé bị bệnh.

-   Mãi cho đến khi em bé lớn như chúng con bây giờ, cha mẹ có còn chăm sóc cho tụi con không? Chắc chắn rồi! Không chăm sóc, không hướng dẫn thì làm sao chúng con có ăn có mặc, làm sao chúng con có thể đi học như lúc này được. Toàn bộ công việc đó gọi là sự chăm sóc của cha mẹ dành cho con cái.

Ä Tóm lại nội dung chính:

Đối với Thiên Chúa cũng vậy, Ngài luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn muôn loài mà Ngài đã dựng nên. Và từ ngữ để chỉ sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mọi loài là: QUAN PHÒNG.

Ä Vấn đề cần giải quyết:

-   Chúa quan phòng là Chúa làm gì?

-   Con người cần làm gì để cộng tác với Chúa?

-   Tại sao có sự dữ xảy ra trên đời?

2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ:

a. Chúa quan phòng là gì?

Ä Lời Chúa:

Tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng: Luca 12, 22-31 (Mt 6, 25 -34)

22 Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc;23 vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc.

24 Hãy nhìn những con quạ mà suy: chúng không gieo, không gặt, cũng không có kho có lẫm, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi chúng. Anh em còn quý giá hơn loài chim biết bao!25 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay?26 Vậy, việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì?27 Hãy nhìn hoa huệ mà suy: chúng không kéo sợi, không dệt vải, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.

28 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!29 Phần anh em, đừng tìm xem mình sẽ ăn gì, uống gì, và đừng bận tâm.30 Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm; nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó.31Vậy hãy lo tìm Nước của Người, còn các thứ kia, Người sẽ thêm cho.

32 Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em”.

Ä Thảo luận làm sáng tỏ Chúa Quan phòng:

-   Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh nào để nêu bật sự quan tâm, chăm sóc của Thiên Chúa dành cho muôn vật và con người?

-   Chúa dạy con người đừng quá bận tâm về điều gì? Tại sao?

-   Con người trước tiên cần lo tìm kiếm điều gì?

-   Con người cần có tâm tình, thái độ nào đối với tình thương quan phòng của Thiên Chúa?

Ä Đúc kết: Sự quan phòng của Chúa chính là việc Chúa chăm sóc và hướng dẫn mọi loài đi đến sự hoàn hảo của nó, đặc biệt là con người chúng ta.

Thiên Chúa tạo dựng vạn vật tốt lành nhưng vẫn còn là một tiến trình đi đến hoàn mỹ. Đường lối Ngài xếp đặt để đưa muôn vật tới hoàn mỹ gọi là Sự Quan Phòng của Thiên Chúa. Qua đó Ngài chăm sóc chúng ta, và cả những thụ tạo tầm thường nhất.

b. Con người cần phải cộng tác với Chúa

Ä Thảo luận: Nếu như từ nhỏ đến lớn, cha và mẹ các em luôn chăm sóc các em mà các em chẳng thèm quan tâm, chẳng thèm để ý, chẳng thèm đón nhận, thì liệu rằng các em có lớn lên, có nên người không?

Chắc chắn không thể như vậy rồi! Vì thế, để chúng ta lớn lên và nên người mỗi ngày thì các em phải biết để ý, phải biết quan tâm, phải biết đón nhận những điều cha mẹ làm cho mình. Tất cả những hành động đó gọi là cộng tác với sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ.

Chúa Giê-su đòi chúng ta phải hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Ngài. Trong chương trình của Ngài, Thiên Chúa kêu gọi con người phải cộng tác với Chúa qua hành động, kinh nguyện và bằng cả sự đau khổ chúng ta chịu.

- Vậy thế nào là cộng tác bằng việc làm hay hành động?

Các em thử nghĩ xem, các nhà mình đang ở làm bằng những vật liệu gì nè? Tường xây bằng gì? Cột làm bằng gì? Mái nhà làm bằng gì? Chính xác, ai cũng nhận ra. Thế nhưng gạch đó là từ chất gì? Đá để tạo ra bê-tông ở đâu ra? Cây để làm kèo, đòn tay đỡ máy nhà tôn kia lấy từ đâu?

Các em thấy đó, nếu chúa không tạo sẳn đất sét, lấy đâu ra chất để ta làm gạch? Nhưng nếu Chúa đã tạo ra đất sét mà chúng ta không chịu suy nghĩ để làm ra gạch thì lấy đâu mà làm thành một cái nhà chắc chắn? chính việc suy nghĩ để tạo ra thứ cần thiết cho mình từ những chất mà Chúa đã tạo ra từ đầu thì đấy là cộng tác với Chúa bằng hành động.

- Việc cộng tác bằng kinh nguyện là làm sao?

Kể chuyện: gương thánh Monica cầu nguyện liên lỉ cho con trai mình là Augustinô được ơn hoán cải.

Các em thấy đó, không phải Chúa không có khả năng để làm cho Augustinô nên tốt lành, mà là Chúa muốn có sự cộng tác của con người, ở đây chính là bà mẹ Mônica. Và điều đặc biệt nữa, đó chính là nhờ việc cầu nguyện của mình mà bà Mônica cũng trở nên thánh. -  Vậy còn việc cộng tác với Chúa bằng đau khổ là làm sao?

Đau khổ là những buồn phiền xảy ra trong đời người ta. Và lẽ thường, chẳng ai muốn đau khổ. Thế nhưng có một số đau khổ lại là cách để Chúa biến đổi con người và chỉ cần người ta chấp nhận nó như một cách để thay đổi con người mình.

Câu chuyện (có thật tại Giáo xứ Cồn Bà):

Có mấy anh em kia lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả, có đất đai vườn tược. Thế rồi từ ngày họ biết làm ăn họ hay tranh chấp nhau về của cải mà cha mẹ đã chia cho các con. Người cha phiền lòng và qua đời, còn người mẹ thì bị bệnh tâm thần từ ngày đó. Người con thứ 5 bỏ xứ đi làm ăn, còn người thứ 4 và thứ 6 ở lại, họ thường có lời qua tiếng lại vì những gì cha mẹ để lại. Cha Sở có lần lên tiếng khuyên nhủ cả hai, nhưng người con thứ 6 không chấp nhận và còn tỏ ý giận cha.

Thế rồi một ngày kia, người con thứ 6 đi khám bệnh và biết mình bệnh rất nhiều. Ông bắt đầu nghiệm ra điều gì đó từ lời khuyên của Cha Sở, ông mời hết anh chị em về để chia toàn bộ tài sản của cha mẹ để lại. Lúc này thì sự tranh chấp thay đổi khác đi, vài người trong anh chị em không muốn nhận nữa. Không ai muốn rằng mình là người chiếm lấy gia sản ruộng vườn của Cha mẹ, để rồi sẽ phải lãnh lấy hậu quả của bệnh hoạn!

Người con thứ 6 trở nên siêng năng đi lễ hằng tuần, luôn chuẩn bị tâm hồn và chẳng màng chi đến những thứ mà trước đây ông và các anh chị em tranh giành.

Các em thấy đó, bệnh nan y là một đau khổ mà nhiều người trong chúng ta chẳng bao giờ muốn nó xuất hiện trong đời của mình. Nhưng đối với người con thứ 6 trong câu chuyện trên thì quả thật, ông đã cộng tác với Chúa bằng chính sự đau khổ của mình để biến đổi con người ông và những người khác trong gia đình. Nếu như ông không cộng tác, ông chỉ lo tiếp tục tranh giành, ông không ăn năn mà quay lại trách Chúa về bệnh tật của mình, thì có lẽ ông đã chẳng bao giờ biến đổi mình và biến đổi người khác cho tốt lành hơn.

Ä Đúc kết: Đời sống con người chỉ có ý nghĩa khi ta có thể đóng góp và được tự do lựa chọn, cho nên Thiên Chúa để ta tự nguyện thi hành thánh ý Ngài, và dựng nên một thế giới chưa hoàn hảo để ta cùng Ngài xây dựng. Trong mọi sự, Thiên Chúa là nguyên nhân chính hướng đến kết quả tốt đẹp, còn hoạt động của chúng ta, là nguyên nhân phụ làm ra kết quả. Ta chỉ biết rõ chương trình của Ngài khi vào cõi đời đời.

Chúng ta phải sống tâm tình con thảo, luôn tin tưởng cộng tác với Chúa và với nhau, góp phần mình xây dựng và gìn giữ vũ trụ này bằng chính tự do, khả năng và ý chí, thể hiện qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ nữa.

c. Sự dữ

Vì thế gian đang trong một tiến trình đi đến hoàn hảo, nên khi vật này xuất hiện thì vật khác biến đi, có xây dựng thì cũng có tàn phá trong thiên nhiên, nên bao lâu mà cuộc tạo dựng chưa đạt mức hoàn hảo, thì cùng với điều tốt, cũng có sự dữ.

Vì con người có quyền tự do không vâng lời Thiên Chúa mà phạm tội, nên sự dữ luân lý xảy ra. Thiên Chúa cho phép nó xảy ra vì tôn trọng sự tự do của con người. Hơn nữa, Ngài có thể chiến thắng sự dữ bằng cách rút ra những sự tốt lành từ chúng, như Ngài đã dùng chính cái Chết của Chúa Giê-su để đem lại sự sống cho chúng ta.

Đau khổ và sự dữ nó gần giống nhau ở chỗ nó là những thứ mà con người chúng ta không thích và cũng không muốn. Trong đó cái chết là đau khổ và cũng là sự dữ mà con người không bao giờ muốn. Ấy vậy mà Con Thiên Chúa khi làm người lại để chính đau khổ hành hạ, Ngài phải chịu đóng đinh đến chết. Qua việc chấp nhận của Chúa, chúng ta hiểu rằng : tuy Chúa không tạo ra sự dữ, nhưng chính nhờ sự dữ mà chúng ta có thể làm cho mình trở nên thánh thiện, nên hoàn hảo.

Khi Chúa Giêsu sắp chịu tử nạn, trong vườn cây dầu Chúa đã hoảng sợ và gần như xin Chúa Cha đừng để mình chịu đau khổ thập giá. Thế nhưng, vì vâng Thánh Ý Chúa Cha mà Chúa Giêsu hoàn toàn đón nhận để qua cái chết và đau khổ ấy, Chúa Cha làm cho Chúa Giêsu phục sinh.

Ä Đúc kết: Nếu dám chấp nhận đau khổ vì Thánh Ý Chúa, thì dù có chết Chúa cũng sẽ cho chúng ta được phục sinh như Chúa Giêsu. Đấy cũng chính là điều tốt lành mà Chúa đã rút ra từ chính những sự dữ mà ta nhận thấy trong cuộc đời mình. Chỉ có một điều chúng ta cần nhớ, đó là chúng ta phải biết cộng tác với Chúa trong những điều đó.

Ä Cầu  nguyện giữa giờ:

-   Lạy Chúa chúng con cảm tạ Chúa về tất cả những gì mà Chúa đã thương yêu, lo lắng và chăm sóc chúng con. Chúa biết rõ mọi sự chúng con cần và luôn ban ơn lành cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tin tưởng, phó thác vào Chúa.

3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH :

Ä Sinh hoạt giáo lý:

-        Hát: Tạ ơn Chúa với Mẹ

ĐK : Chúng con xin tạ ơn Chúa uy quyền toàn năng, Tình yêu Chúa nào biết chi báo đền

Chúa muôn đời là Chúa, khắp vũ trụ trời đất, Ngàn vinh quang cao chiếu hiển trị đời đời.

1. Vì tình Chúa ôi miên man muôn tháng năm không tàn

Dâng triều sóng vỗ lớp lớp biển khơi vang rền

Lòng Chúa thương ôi huyền diệu, Quyền Chúa trên muôn thần lực

Nguồn an vui chan chứa thánh ân không ngơi.

Ä Bài học ghi nhớ:

52. H. Sự quan phòng của Thiên Chúa là gì?

T. Là việc Thiên Chúa chăm sóc và hướng dẫn các thụ tạo tiến đến sự hoàn hảo như Chúa muốn, với điều kiện là con người phải cộng tác thực hiện kế hoạch này.

53. H. Con người cộng tác với sự Quan phòng của Thiên Chúa thế nào?

T. Thiên Chúa ban cơ hội và đòi hỏi con người cộng tác với Ngài bằng chính tự do, khả năng và ý chí của họ, được thể hiện qua hành động, kinh nguyện và cả sự đau khổ nữa.

54. H. Nếu Thiên Chúa toàn năng và quan phòng, tại sao có sự dữ?

T. Thiên Chúa không tạo ra sự dữ. Sự dữ là một mầu nhiệm và Chúa Kitô làm sáng tỏ bằng chính cái chết và sự phục sinh của Ngài để chiến thắng sự dữ.

55. H. Ta phải hiểu thế nào về sự dữ ở trần gian này?

T. Niềm tin Kitô-giáo giúp ta hiểu rằng:

-   Một là Thiên Chúa không tạo nên sự dữ. Người sáng tạo vạn vật tốt lành nhưng chưa hoàn hảo.

-   Hai là con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, nên đã gây đau khổ.

-   Ba là Thiên Chúa có thể rút ra sự tốt lành từ chính điều dữ, theo những đường lối mà ta chỉ biết được cách đầy đủ trong cuộc sống đời sau.

4. Cầu nguyện kết:

Ä Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa tình yêu, Chúa đã yêu thương cho chúng con được làm người và làm con Chúa, Chúa lại còn lo lắng chăm sóc chúng con trong mọi phút giây của cuộc đời con. Chúng con cảm tạ Chúa. Xin Chúa nâng đỡ đời sống chúng con, để trong bất cứ hoàn cảnh nào con cũng cộng tác với Chúa để chúng con và mọi người xung quanh đạt tới Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

Ä Quyết tâm sống:

Thường xuyên nói “cám ơn” với người khác và với Chúa. Trong suốt tuần này, bất cứ khi nào các em nhận ra những gì tốt lành từ trong tự nhiên, từ việc làm của cha mẹ ông bà và thầy cô dành cho mình, các em hãy cám ơn người đó đồng thời dâng lên Chúa một lời cám ơn.

Ban Giáo lý Giáo Phận