GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)
2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)
3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)
4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)
Bài 05: CON NGƯỜI ĐÁP LẠI LỜI THIÊN CHÚA
GLHTCG: 142-184; BTY: 25-29; YOUCAT: 20-21
"Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy"(Dt 11,1).
1. MỞ ĐẦU:
üPhút thánh hóa:
- Làm dấu Thánh Giá
- Hát: “Lạy Chúa con tin, con trông cậy hết lòng, vì nơi Chúa mới có Lời Hằng Sống.
Lạy Chúa con tin, con trông cậy hết lòng, con yêu Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn”.
- Ôn bài cũ: Trong các bài Giáo lý trước, chúng ta biết rằng: Thiên Chúa đến gặp con người và mặc khải cho con người. Nghĩa là Chúa chủ động trước, Chúa tỏ mình ra, Chúa muốn ta được nắm bắt được chân lý để sống hạnh phúc. Chúa đến với con người và mời gọi con người đến với Chúa.
üGiới thiệu chủ đề: Con người đáp lại Lời Thiên Chúa
Trong gia đình, em tin tưởng ai nhất? Vì sao vậy? Và khi tin thì em làm gì? Tin thế nào đây? Và tin vào người đó (Ba / Mẹ) nghĩa là sao?
Câu chuyện: Con tin, lạy Chúa, con tin!
Trước đại chiến thế giới năm 1914, có một người đã từng viết nhiều bài báo công kích và nhạo báng Đạo Công giáo. Ông tên là La-ve-dan.
Nhưng sau này, khi gặp nguy hiểm sắp chết, ông liền viết một bài cải chính lại tất cả những gì ông đã viết trước đây. Trong bài này, có đoạn ông viết rằng:
“Từ trước đến nay, tôi vẫn nhạo cười chế giễu người Công giáo, và tôi tin rằng mình khôn ngoan, giỏi giang, song thật ra, tôi đã lầm, và những ai đọc những tác phẩm và văn thơ của tôi cũng lầm nữa. Tất cả những gì tôi làm xưa nay, đều lầm lạc, say sưa và mơ hồ. Bỏ Thiên Chúa, tức là tự sát.
Không biết ngày mai tôi có còn sống nữa chăng, nên giờ đây, tôi phải nói cho mọi người biết điều này là: tôi không dám chết trước lúc chối Chúa. Hỡi linh hồn tôi, hãy vui mừng, và bây giờ tới lúc ngươi có thể quỳ gối xuống và xưng rằng: “Con tin, lạy Chúa, con tin!”.
ü Thảo luận:Câu chuyện này có ý nghĩa gì vậy các em? Cuộc đời ông La-ven-dan ra sao? Ông thấy gì trong đời ông? Ông ta bị mù quáng chỗ nào? Các em có kinh nghiệm nào giống như vậy không?
ü Đúc kết: Câu chuyện cho thấy Ông La-ven-dan cần “tin cho đúng”, nhất là tin vào Chúa, khi ông gần chết thì ông mới nhận ra phải tin vào Chúa trước và dầu có chết ông vẫn an lòng, và vui sướng.
Thế nhưng, tại sao con người lại mù quáng đến nỗi trở thành mê tín dị đoan? Các em có biết không, Người Việt Nam chúng ta có nhiều tín ngưỡng lắm. Người Việt Nam nói chung tin rất nhiều, tin đủ thứ: tin có ông trời, tin có ông Phật, ông thần, thần tài, thổ địa… mê tín là gì? Dẫn đến hậu quả nào các em? Như vậy cần tin thế nào đây?
üTóm lại nội dung chính:
Chúng ta tin có Chúa, tin vào Lời Chúa được ghi trong Thánh Kinh. Nhưng nhiều khi chúng ta không xác tín điều mình “đọc”. Chúng ta chưa thật sự đáp Lời Thiên Chúa. Làm sao THỂ HIỆN ĐỨC TIN, HẦU CÓ ĐƯỢC HẠNH PHÚC. Chúng ta cùng tìm hiểu phải đáp lại Lời Thiên Chúa thế nào, phải tin sao cho đúng và sống đức tin bằng cách nào.
üVấn đề cần giải quyết:
- Tin / đức tin nghĩa là gì? Có tấm gương đức tin nào để ta bắt chước?
- Đức tin có những đặc điểm nào? Đức tin có liên hệ với khoa học làm sao?
- Kinh Tin Kính là gì?
2. TRÌNH BÀY NỘI DUNG GIÁO LÝ:
a. Tin / Đức Tin nghĩa là gì?
Nói đến Đức Tin là nói đến một cái gì cao siêu và linh thiêng, điều mà tự con người không thể thấu hiểu được bằng lý trí và đạt tới được bằng ước muốn.
Nhiều người bảo rằng tin vẫn chưa đủ; họ muốn biết cách chắn chắn hơn. Chữ “tin” có hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau:
Khi một người nhảy dù hỏi một nhân viên ở sân bay: “Cái dù đã được xếp an toàn chưa?”, và người kia trả lời ngay: “Hmm, tôi tin là đã xong”. Việc tin này sẽ không đủ đối với người nhảy dù, anh ta sẽ muốn biết thật chắc chắn.
Nhưng nếu như người nhảy dù đó nhờ một người bạn xếp hộ chiếc dù, thì người bạn của anh ta sẽ trả lời: “Xong rồi, chính tôi đã làm điều đó. Bạn có thể tin vào tôi!” Và lúc đó người kia sẽ nói: “Vâng, tôi tin bạn.”
Ø Thảo luận:Ở trường hợp thứ nhất, người nhảy dù có dám nhảy không? Tại sao? Còn trường hợp thứ hai khi cái dù được chính bạn của anh ta xếp, anh ta dám nhảy không? Tại sao?
Ø Đúc kết:“Vâng, tôi tin bạn.” Niềm tin này có ý nghĩa nhiều hơn là hiểu biết, nó đồng nghĩa với sự an tâm. Và đó chính là niềm tin đã thúc đẩy Ab-ra-ham ra đi đến miền đất hứa, đó là niềm tin đã giúp các thánh tử đạo kiên trì cho đến chết, đó cũng là niềm tin hiện vẫn đang giúp các Kitô hữu đứng vững khi bị bách hại. Một niềm tin tác động đến toàn thể con người.
Tin vào ai trước tiên là biết rõ người đó và có liên hệ gắn bó với họ. Cho nên yếu tố đầu tiên làm nên Đức Tin nơi Kitô hữu Công giáo là việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô, sống gắn bó với Người và tuyên xưng niềm tin vào Người.
b. Hai mẫu gương trong Kinh Thánh về sự vâng phục đức tin:
i) Tổ phụ Ab-ra-ham (trong Cựu Ước):
Chuyện kể: Sáng thế 11- 13; 18- 19; 21- 22
Tại thành Ua, xứ Can-đê, có một người tên là Áp-ra-ham. Vợ ông tên là Xa-ra. Một hôm, Thiên Chúa phán với ông Áp-ra-ham: “Ta muốn ngươi rời khỏi thành Ua để tới một nơi xa là đất Ca-na-an. Nếu ngươi làm theo lời Ta dạy, thì Ta sẽ cho ngươi trở thành tổ phụ của một nước lớn. Con cháu của ngươi sẽ đông đảo như sao trên trời, nhiều không đếm nổi.”
Lúc đó, ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra không có con. Nhưng hai ông bà tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và làm theo lời Người dạy. Họ đem theo người cháu của ông Áp-ra-ham là ông Lót, cùng với đám gia nhân, đàn chiên đàn bò của họ, và rời khỏi Ua. Họ rời xa họ hàng, nhà cửa và bạn bè và lên đường đi tới một miền đất xa lạ.
Một ngày kia, có ba người lạ mặt đến thăm ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra, sau khi dùng bữa ăn xong họ báo một tin vui: Đứa con trai mà ông bà cầu mong bấy lâu sắp sửa chào đời. Hai ông bà ngạc nhiên và vui sướng lắm! Cuối cùng, đến khi ông và bà Xa-ra, cả hai đều đã già thì I-xa-ác chào đời.
Năm tháng trôi qua, khi I-xa-ác đã lớn khôn thì Thiên Chúa quyết định thử lòng ông Áp-ra-ham. Thiên Chúa phán: “Áp-ra-ham, Ta muốn ngươi đem I-xa-ác, đứa con trai, đứa con một yêu dấu của ngươi, đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó cho Ta làm lễ tế.”
Làm sao ông Áp-ra-ham dễ dàng tin nổi những lời tàn nhẫn đó! Thiên Chúa có thật sự đòi ông phải giết con không, sau khi đã hứa cho ông đủ thứ? Nhưng ông Áp-ra-ham đã tập có thói quen lúc nào cũng tin tưởng Thiên Chúa và vâng lời Người, nên sáng sớm hôm sau, hai cha con lên đường. I-xa-ác vác củi trên vai, còn bố thì mang theo con dao cùng với than hồng để nhóm lửa. Hai cha con đi suốt ba ngày đường. Khi họ sắp tới nơi thì I-xa-ác lên tiếng: “Cha ơi, chúng ta đã có củi, có lửa để tế lễ cho Thiên Chúa rồi, mà chiên thì ở đâu?”
Ông Áp-ra-ham nghẹn ngào, sau đó mới nói: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con à”. Khi họ tới nơi, dựng xong bàn thờ, và xếp củi lên, thì ông Áp-ra-ham trói I-xa-ác lại mà đặt lên đó. Ông giơ dao lên để giết con mình... Nhưng đúng ngay lúc ấy, Thiên Chúa lên tiếng gọi ông: “Áp-ra-ham! Dừng lại! Đừng đụng tới đứa bé! Bây giờ Ta đã biết ngươi hết lòng tin tưởng vào Ta. Ta biết Ta bảo gì ngươi cũng sẽ vâng lời. Hãy nhìn vào bụi cây. Ngươi sẽ thấy có con cừu đực bị mắc sừng trong đó. Hãy bắt giết nó mà dâng cho Ta.”
Thế là ông Áp-ra-ham cởi trói cho đứa con trai yêu dấu của mình. Lòng tràn ngập niềm vui, hai cha con hì hục giết con cừu và đem nướng trên bàn thờ để cảm tạ Thiên Chúa. Và Thiên Chúa lặp lại với ông Áp-ra-ham lời hứa sẽ ban cho ông những phúc lộc tuyệt vời, bởi vì khi bị thử thách, ông đã vâng lời Thiên Chúa.
Ø Thảo luận: Tại sao ông Ab-ra-ham dám lìa bỏ quê hương, nhà cửa, đất đai mà đi đến Ca-na-an là một miền đất xa lạ, dù chưa biết cuộc sống ở đó sẽ ra sao? Chúa hứa ban cho ông điều gì nếu ông làm theo ý Chúa?
Có gì nghịch lý khi Chúa bảo ông phải giết đứa con duy nhất để tế lễ cho Chúa? Ông Ab-ra-ham làm gì với ý muốn của Chúa? Theo em nhận xét, ông Ab-ra-ham là người thế nào? (Can đảm? Tín thác? Liều lĩnh hay mù quáng?…)
Ø Đúc kết: Bởi vì ông Áp-ra-ham, dù bị thử thách, “vẫn vững tin vào Thiên Chúa” (Rm 4,3) và luôn vâng theo thánh ý Chúa; vì thế ông trở thành “tổ phụ của tất cả những người tin” (Rm 4,11.18).
ii) Đức Trinh Nữ Maria (trong Tân Ước):
Ø Thảo luận: Mẹ Maria thể hiện niềm tin vào Chúa như thế nào? Qua các sự việc nào? Làm sao Mẹ lại tin vào lời Thiên Thần truyền?
Ở tiệc cưới Cana, Mẹ kêu các môn đệ “Người bảo gì các anh cứ làm theo”, lúc đó Mẹ tin Chúa sẽ làm gì? Khi đứng gần thập giá Chúa Giêsu, Mẹ nghĩ về điều gì?
Ø Đúc kết: Đức Trinh Nữ Maria, trong suốt cuộc đời đã thể hiện một cách tuyệt vời sự vâng phục đức tin: Fiat - xin Chúa làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đức Mẹ biểu hiện cách hoàn hảo lòng vâng phục thánh ý Chúa. Đức tin của Mẹ không hề lay chuyển suốt đời Mẹ, từ biến cố Truyền Tin đến chứng kiến cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, Con của Mẹ. Vì thế Hội thánh tôn vinh Mẹ là “người có đức tin tinh tuyền nhất”.
Ø Tóm lại: Vậy, Tin là đáp trả Lời Thiên Chúa. «Tin vào Thiên Chúa có nghĩa là gắn bó với chính Thiên Chúa, tin tưởng phó thác bản thân cho Ngài và chấp nhận tất cả những chân lý do Ngài mặc khải vì Ngài chính là Chân Lý. Tin có nghĩa là tin kính Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần».
c. Bảy đặc điểm của Đức tin: theo gương của Abraham và Đức Maria chúng ta thấy:
1) Đức tin là một ân sủng của Thiên Chúa trao ban. Như Ông Áp-ra-ham và Mẹ Maria có thể tin vào lời hứa của Chúa chính là nhờ ơn Chúa ban cho các ngài.
2) Đức tin rất cần thiết để được cứu độ (được về Trời sống với Chúa). Mẹ Maria đã tin vào Chúa Giêsu Con của Mẹ và Mẹ đã được về Trời cả hồn lẫn xác sống hạnh phúc với Chúa đời đời.
3) Đức tin còn là một hành vi của con người bằng lý trí và ý chí hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa. “Tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin” (Thánh Au-gút-ti-nô). Mặc dầu đức tin cần thiết cho ơn cứu độ, nhưng Thiên Chúa không ép buộc chúng ta tin. Như Mẹ Maria với tất cả hiểu biết và tự do đã nói lời “xin vâng”. Mẹ tin vào Chúa qua lời Thiên Thần truyền, nghĩa là Mẹ tự nguyện đồng ý vâng theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
4) Đức tin có tính chắc chắn vì nền tảng của Đức Tin là Lời Thiên Chúa, tức được chất chứa nơi Thánh Kinh, Thánh Truyền và Huấn Quyền là những Nguồn Mạch Thần Linh tuyệt đối chân thật không sai lầm. Dù chúng ta không hiểu tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải, nhưng có thể tin vì Chúa Giêsu đã chứng minh những điều ấy bằng các phép lạ và suốt cuộc đời của Ngài. Chúng ta có thể tin vì nhận thấy sức sống bất diệt của Giáo hội Tông Truyền mà Chúa đã thiết lập. Quả thật, chính Mẹ Maria cũng không hiểu hết những gì Thiên Chúa muốn thực hiện nơi Mẹ, nên Mẹ “ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng”, nhưng Mẹ tin tưởng và phó thác đời mình theo thánh ý Chúa.
5) Đức Tin phải được thể hiện trong Đức Ái. Thánh Giacôbê nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). “Việc làm” ở đây chính là việc thi hành bác ái. Ở đây chúng ta nhớ lại mẫu gương tuyệt vời của Mẹ Maria trong việc sống bác ái: Mẹ quan tâm giúp đỡ bà Ê-li-sa-bet và đôi tân hôn ở tiệc cưới Ca-na.
6) Đức tin có tính tăng trưởng. Chúng ta có thể làm mất đức tin vì coi thường hay phạm tội. Chúng ta cần làm gì để nuôi dưỡng đức tin của chúng ta được triển nở và vững mạnh? Làm gì để đức tin mỗi ngày thêm lớn mạnh?
Cầu nguyện, xin Thiên Chúa gia tăng Đức Tin cho chúng ta. Siêng năng đọc, học hỏi và lắng nghe Lời Chúa; hiểu biết thánh ý Chúa. Thực hành bác ái.
7) Đức tin cho ta nếm trước niềm vui được hưởng nhan Thiên Chúa trên Thiên đàng, là mục đích đời ta. “Ðức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
d. Đức tin và khoa học:
ØChứng tá:
- Blaise Pascal là một tư tưởng gia, nhà phát minh, nhà khoa học và toán học của thế kỷ thứ 17. Khoa học ngày nay còn nhìn nhận Pascal vì các công trình và thiên tài của ông bằng cách dùng tên ông để đặt cho một ngôn trình điện toán và một đơn vị áp suất. Ông khẳng định rằng những người có lý trí tin vào Thiên Chúa.
- Khoa học gia nổi tiếng Ampère tin Chúa
Ampère là nhà vật lý điện học danh tiếng người Pháp đã phát minh ra bình điện. Chiều nào ông cũng đến Nhà Thờ Đức Bà ở Pari để quỳ lần hột trước Mình Thánh Chúa.
Một sinh viên kia chống đối đức tin của người Công giáo. Anh ta luôn huênh hoang tuyên bố những điều nghịch đạo. Ngày kia, khi nhìn thấy nhà khoa học danh tiếng Ampère này đang quỳ cầu nguyện và lần hột trong Nhà Thờ Đức Bà ở Pari, anh ta cứng họng, khiếp đảm và không còn dám tuyên bố điều gì nghịch đạo Công giáo nữa.
Khi nằm trên giường bệnh gần chết, Ampère được một nữ tu đọc cho nghe một đoạn sách Gương Phước. Ông thú thật với chị nữ tu: "Thưa chị, tôi đã thuộc lòng cả cuốn sách này rồi”.
Ø Thảo luận: Có phải khoa học luôn luôn đối nghịch với đức tin? Tại sao? Đức tin có “làm thí nghiệm” được không?
Ø Đúc kết:Chúng ta nhận thấy là các nhà khoa học nổi tiếng như Pascal và Ampère, đã phát minh ra những kĩ thuật khoa học vĩ đại nhưng không hề chối bỏ Chúa. Trái lại, họ tin vào Chúa và sống đạo – giữ đạo hết sức sốt sắng. Chính nhờ dựa trên nền tảng của Đức Tin mà các ông mới có những khám phá khoa học kỳ diệu đó.
Đức tin không bao giờ mâu thuẫn với khoa học, vì cả hai đều là chân lý và có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Ðức tin vào Thiên Chúa không dựa vào lý trí, nhưng có thể chứng minh cách hợp lý. Lý trí có thể giúp chúng ta giải thích đức tin của chúng ta dễ dàng hơn (1 Pr 3,15) và tránh cho đức tin trở thành mê tín.
e. Kinh Tin Kính:
Hội Thánh diễn tả đức tin của mình và chuyển đạt đức tin cho mọi tín hữu qua Kinh Tin Kính. Đó là bản tóm tắt những điều mà người Công giáo phải tin.
Có 2 bản Kinh Tin Kính: bản ngắn của các Tông Đồ và bản dài của Công Đồng Nicea-Constantinopoli.
ØCầu nguyện giữa giờ:
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được làm người Công giáo, được biết Chúa và tin vào Chúa.
Trước những bất tín hằng ngày trong đời sống của chúng con, đã làm cho nhiều người hiểu sai về Chúa, và có nhiều người không tin Chúa và giữ đạo nữa, họ như chối bỏ Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con vì nhiều lần chúng con cũng bị lung lạc đức tin, hèn nhát không dám chứng tỏ mình là người có Đạo, là người Công giáo.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria và các Thánh, biết tin tưởng vững vàng vào tình thương và quyền năng Chúa mà can đảm tuyên xưng Đức Tin và làm chứng cho Chúa bằng đời sống thực hành niềm tin của chúng con.
Cầu nguyện tắt tự phát: Lạy Chúa, con tin Chúa./ Cám ơn Chúa ban ơn Đức Tin cho con./ Lạy Chúa, xin Chúa thêm Đức Tin cho con để con tin Chúa nhiều hơn./ Xin Chúa ban cho gia đình con sống Đức Tin cách vững vàng.
3. MỘT ĐIỂM THỰC HÀNH:
Ø Sinh hoạt giáo lý: Tập hát bài ca Năm Đức Tin 2012-2013: “Lạy Chúa con tin” (Nguyễn Duy)
ĐK: Lạy Chúa, con tin! Lạy Chúa, con tin! Xin đỡ nâng, xin đỡ nâng đức tin còn non yếu của chúng con .
1) Tin trong lòng nên công chính, khi miệng con thốt ra thì con sẽ lãnh nhận Ơn Cứu Rỗi. Con xin nguyện yêu mến nghe Lời Chúa bảo ban để đào sâu đức kính tin trong đời.
2) Như con thuyền chèo chống, trên làn sóng thế gian, Hội Thánh Chúa đêm ngày gặp nguy nan. Xin cho lời Tin Kính sẽ là kim chỉ nam dẫn đoàn con đến đức tin vẹn toàn.
ØBài học ghi nhớ:
24. H. Con người đáp lại Lời Thiên Chúa như thế nào?
T. Con người đáp lại lời Thiên Chúa bằng việc vâng phục đức tin nghĩa là tin vào Ngài.
25. H. Vâng phục đức tin là gì?
T. Vâng phục đức tin là tin tưởng trọn vẹn vào Thiên Chúa và đón nhận chân lý của Ngài đồng thời để Ngài làm chủ và hướng dẫn đời ta.
26. H. Trong Thánh Kinh có những mẫu gương sáng chói nào về sự vâng phục của đức tin?
T. Có hai mẫu gương sáng chói cho ta noi theo là Tổ phụ Abraham và Đức Trinh Nữ Maria.
27. H. Đức tin có những đặc điểm gì?
Đức tin mang 7 đặc điểm:
- Một là ơn Thiên Chúa ban, ta nhận được khi sốt sắng cầu xin.
- Hai là nhân đức siêu nhiên cần thiết để ta được cứu độ.
- Ba là đức tin đòi hỏi ý muốn tự do và sự hiểu biết rõ ràng của con người khi chấp nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.
- Bốn là đức tin tuyệt đối chắc chắn vì có Chúa Giêsu bảo đảm.
- Năm là đức tin chưa là trọn vẹn khi chưa dẫn đến đức ái sống động.
- Sáu là đức tin lớn dần nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện.
- Bảy là qua đức tin, ta nếm trước niềm vui của Thiên đàng.
28. H. Đức tin có mâu thuẫn với khoa học không?
T. Không, vì cả hai đều có cùng một cội nguồn là Thiên Chúa. Chính Ngài ban ánh sáng lý trí và đức tin cho con người.
29. H. Tại sao đức tin vừa có tính cá nhân vừa có tính cộng đoàn?
T. Đức tin có tính cá nhân vì đó là lời đáp trả tự do của mỗi người đối với Thiên Chúa là Đấng tự mặc khải. Hơn nữa, ta đón nhận và sống đức tin nhờ cộng đoàn, đồng thời ta có nhiệm vụ thông truyền đức tin cho mọi người nên đức tin có tính cộng đoàn.
30. H. Những điều phải tin được Hội thánh tóm tắt ở đâu?
T. Trong Kinh Tin Kính, qua đó Hội thánh diễn tả đức tin của mình và chuyển đạt đức tin cho mọi tín hữu.
4. Cầu nguyện kết:
ØLời nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Chúa hôm nay đã giúp chúng con hiểu biết về Chúa và hồng ân Đức Tin cao cả mà Chúa đã thương ban cho chúng con. Xin nâng đỡ đức tin non yếu của chúng con, để khi gặp gian truân thử thách trong đời sống đạo, chúng con dám mạnh dạn làm chứng nhân đức tin.
Và lạy Chúa Giêsu Kitô, trong cách sống Đức Tin, với quyết tâm và cố gắng, xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết sống thân tình hơn với Chúa qua cầu nguyện và học hỏi Lời Chúa, học hỏi Giáo Lý. Xin ban cho chúng con biết thật sự tin cậy và yêu mến Ngài để trong mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của chúng con đều là một lời tuyên xưng Đức Tin và thông truyền Đức Tin Công giáo cho những anh chi em xung quanh chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
ØĐọc Kinh Tin Kínhchung và đọc riêng với tâm tình cảm tạ và xin ơn đức tin.
ØQuyết tâm sống:
- Quỳ gối cầu nguyện càng nhiều; càng giúp ta đứng vững.
- Đừng bao giờ ném bùn vào người khác, bạn có thể ném trật và tay bạn chắc chắn sẽ bị dơ.
- Đừng bao giờ ngậm máu phun vào người khác, bạn có thể phun trật và miệng bạn chắc chắn sẽ dính máu.
Ban Giáo Lý Giáo phận