GIÁO LÝ CÔNG GIÁO
LỚN LÊN TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỘNG ĐOÀN
1. Mở đầu: (Khởi từ kinh nghiệm sống đức tin)
2. Trình bày nội dung giáo lý: (Gặp gỡ giữa kinh nghiệm và Đức Tin của cộng đoàn)
3. Một điểm thực hành: (Sống một kinh nghiệm mới với Đức Tin cộng đoàn)
4. Cầu nguyện kết: (Cử hành Niềm Tin)
Bài 04: THÁNH KINH: SÁCH GHI LỜI CHÚA
GLHTCG: 101-141; BTY:18-24
“Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tm 3,16).
1. Mở Đầu
ÄPhút thánh hóa
- Làm dấu: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen
- Hát kinh: CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN (tùy nghi thay đổi)
Cầu xin Chúa Thánh Thần, Người thương thăm viếng hồn con, ban xuống cho con hồng ân chan chứa trau dồi cho đáng ngôi thánh đường.
Nguyện xin Chúa Ngôi Ba đoái nghe lời con thiết tha, tình thương mến ấp ủ con ngày đêm, nhuần thẳm xác hồn tràn lan ơn thiêng.
ÄGiới thiệu chủ đề
Có một cuốn phim diễn tả về ngày hủy diệt trái đất, nhóm người có thế giá nhất ngồi lại với nhau bàn xem trước khi rời bỏ trái đất để đến một hành tinh khác họ sẽ đem theo điều gì mà họ cho là quan trọng nhất, trong phút nguy cấp đó theo em, em sẽ chọn điều gì? (lương thực? thuốc men? các sách vở liên quan tới toán học?...)
- Theo cuốn phim thì đáp số chính là bộ Thánh Kinh.
Cuốn phim muốn nhấn mạnh bộ Thánh Kinh như là công trình được kết tinh từ những tinh hoa của văn minh nhân loại. Kinh Thánh là nơi con người có thể tra cứu về văn chương, về những nền văn hóa, về y thuật, về khảo cổ…
ÄVấn đề giải quyết
- Trong bài giáo lý này chúng ta sẽ tìm hiểu Thánh Kinh dưới khía cạnh nào? (tra cứu về văn chương? Công trình để đời của con người?...)
- Tính trỗi vượt của Thánh Kinh là gì? (Có đơn thuần là thành quả của con người không?)
- Có phải tác giả đích thực của Thánh Kinh chính là Thiên Chúa, Đấng Chủ Tể của toàn thể vũ trụ này? Hay nói cách khác Thánh Kinh có phải là Sách ghi Lời Thiên Chúa nói với con người, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần?
- Tại sao Thiên Chúa không trực tiếp nói với chúng ta mà phải dùng ngôn ngữ con người, phải phụ thuộc vào những sự hiểu biết giới hạn của con người để truyền đạt ý tưởng, sứ điệp của Ngài?
ÄCâu chuyện
Có anh chàng thanh niên kia chẳng hề tin hay nghĩ tưởng gì đến Chúa. Trong đêm vọng Giáng Sinh, khi vợ con ngỏ ý mời mình đi dự lễ đêm, chàng càu nhàu: “Vô nghĩa! Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân “sống khổ chết sở” như thế! Thật nghe như chuyện khôi hài!”
Vợ con đi rồi, chàng ở nhà một mình. Qua khung cửa sổ, chàng thấy những mảng tuyết đang đổ xuống theo từng cơn gió giật. Cùng lúc có cả một bầy ngỗng trời ở đâu kéo tới. Chúng như mất hướng, bay lòng vòng quanh quẩn, chắc đang tìm thức ăn và chỗ nào đó khuất gió để tá túc. Chàng bỗng động lòng, nghĩ đến dãy trại sau nhà, nơi được coi là ấm cúng và yên ổn cho chúng tạm trú qua đêm chờ cơn bão tan. Nghĩ thế, chàng mò ra phía sau nhà, đến đầu dãy trại, mở toang cánh cửa lớn ra như để đón chào đàn ngỗng lưu lạc. Thế nhưng, dường như mắt chúng ra mù loà, không hề nhìn thấy cánh cửa trại đã mở toang hoắc, càng không hề biết đến hảo ý của chàng. Lúc ấy chàng càng cố làm cho chúng chú ý đến mình, thì chúng lại càng tỏ ra hoảng sợ, và tản ra xa hơn. Càng cố lùa chúng hướng về phía cửa trại thì chúng lại càng đi sang hướng khác. Thì ra chúng vẫn sợ và không dám theo chàng, bởi vì chàng đâu phải đồng loại của chúng. Nghĩ thế, chàng thay đổi cách khác, chàng bước vào ôm lấy một con ngỗng đang nuôi trong trại, mang ra nhử nhử rồi thả chung với đàn ngỗng trời. Con ngỗng của chàng đã quen thuộc với lối đường đi về trại, liền lăm lăm đi trở vào cổng trại để trốn giá lạnh mùa đông. Thế là từng con ngỗng trời nối đuôi theo nó, đi vào bên trong trại, ấm áp và an toàn.
Như chợt nhận ra điều gì đó, chàng suy nghĩ về lời mình đã càu nhàu với vợ: “Việc gì Thiên Chúa lại phải hạ mình đến nỗi trở thành phàm nhân sống khổ chết sở như thế!” Rồi chàng bỗng thấy rằng việc Giáng thế của Hài nhi Giêsu không còn là chuyện khôi hài nữa. Lần đầu tiên trong đời, chàng đã bước tới ngôi Thánh Đường để cùng với vợ con mừng lễ Giáng Sinh.
Cùng một cách suy luận trên chúng ta có thể hiểu rằng:
- Làm sao Thiên Chúa nói với con người vì Ngài là Đấng vô hình vượt trên mọi xác phàm (siêu việt) và làm sao con người có khả năng tiếp nhận được những bí nhiệm, những kiến thức khôn dò, khôn thấu của Đấng dựng nên mình. Nên Thiên Chúa đã dùng chính ngôn ngữ của con người để truyền đạt Thánh ý và diễn tả kế hoạch của Người dành cho con người. Vì thế ta cần hiểu Thánh Kinh dưới hai góc độ sau: Lời Thiên Chúa và phương tiện truyền đạt
2. Trình bày nội dung giáo lý
ÄĐặt vấn đề để các em đóng góp ý kiến thảo luận
+ Theo em một người khi muốn diễn đạt tư tưởng, ý muốn, khả năng của mình họ dùng phương tiện nào là nhanh và phổ biến nhất?
+ Lời của mỗi người có khác nhau không? (Lời tên trộm, lời đứa vô lại, lời của ba mẹ, ông bà, lời của Linh mục, Giám mục, Đức Giáo hoàng, tổng thống, chủ tịch, giám đốc…) Điều gì làm nên sự khác biệt đó?
?Đúc kết phần thảo luận của các em: “Lời” là phương tiện hữu hiệu nhất để diễn tả ý muốn tư tưởng của một người. Nhưng lời cũng có cấp độ khác nhau: lời của tên trộm khác với một người lương thiện, lại càng khác xa với lời một linh mục… sự khác biệt đó hệ tại ở uy tín, vai trò, địa vị của người nói. Theo cách đó ta có thể hiểu rằng Lời Thiên Chúa còn trổi vượt hơn lời con người biết là ngần nào. Lời con người có thể sai nhưng Lời Thiên Chúa thì không bao giờ sai lầm. Lời Ngài chiến thắng hư vô, đem lại sự sống, chữa lành tâm hồn người nghe. Tính chất này có thể áp dụng cho Thánh Kinh là Lời của Ngài.
ÄĐặt vấn đề để các em đóng góp ý kiến thảo luận:
+ Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, nên đúng cho mọi thời, vậy tại sao có những điều sai lầm (vụ án Galilê) hoặc không hợp với những kiến thức ngày hôm nay (Những thuyết tiến hóa đang đặt lại vấn đề về những gì Sáng Thế Ký diễn tả?)
+ Phải chăng nội dung Lời Chúa có thay đổi, vì ngày hôm nay người ta hiểu sứ điệp Lời Chúa khác xa với thời xưa?
?Đúc kết phần thảo luận của các em: Thánh Kinh sử dụng ngôn ngữ của con người
Để hiểu được ý định của Thiên Chúa các thánh sử (là những người được Chúa Thánh Thần linh hứng để viết Lời Thiên Chúa) đã sử dụng ngôn ngữ của con người. Vì qua tay con người nên Lời Chúa cũng phải chịu sự giới hạn của văn hóa, hoàn cảnh, cách hiểu của thời đại và đồng thời cũng chịu sự ảnh hưởng của chính con người Chúa sử dụng, như về: tính tình, cách hiểu của họ.
Vì thế ta phải biết rằng nội dung Thánh Kinh không thay đổi, nhưng cách hiểu thì có thay đổi: Ngày xưa người ta hiểu về sứ điệp Thánh Kinh khác với ngày hôm nay, hay nói khác đi cách hiểu có tiến triển theo thời gian, còn nội dung của Thánh Kinh luôn là bất di bất dịch. Khi nói tới sự sai lầm thì đó là sai lầm về mặt con người. Chẳng hạn trong vụ án Galilê. Ngày xưa người viết Lời Chúa ở mức kiến thức “tiền khoa học” thì làm sao có thể biết được trái đất quay quanh mặt trời và đó chính là giới hạn của ông và Thiên Chúa chấp nhận giới hạn đó hầu đáp ứng cho con người thời hoang sơ có thể hiểu và chấp nhận sứ điệp Thánh Kinh.
Ä Đặt vấn đề để các em đóng góp ý kiến thảo luận:
+ Từng em có thể tâm sự cách chân thật về thái độ của mình mỗi lần nghe Lời Chúa như thế nào? (chiếu lệ, dửng dưng, tìm hiểu như một câu chuyện đời thường, trau dồi kiến thức, miễn cưỡng…)
+ Theo em chúng ta phải lắng nghe lời Chúa như thế nào?
+ Theo em khi nào thì Lời Chúa như là lương thực nuôi sống chúng ta?
?Đúc kết phần thảo luận của các em: Cho dẫu Thánh Kinh là một kiệt tác trong nền văn minh nhân loại, thì bộ sách này không phải dùng để nghiên cứu, đào sâu về văn chương, nghệ thuật… Nhưng nó là cuốn sách Thánh. Mục đích chính của nó không phải đọc để tăng thêm kiến thức văn chương và nghệ thuật, nhưng là cuốn sách đem lại đức tin, nuôi dưỡng đức tin và sinh động đức tin cho con người.
Người đọc phải có thái độ khiêm nhường, tôn kính lắng nghe bằng con tim, bằng khối óc và trọn cả con người yêu mến và khát khao chân lý. Có như vậy Thánh Kinh mới sinh hoa kết quả trong tâm hồn người nghe. Hoa quả của việc nghe Lời Chúa đó chính là một đời sống hoán cải, quyết tâm thay đổi cuộc đời để đáp lại kế hoạch của Thiên Chúa đang thực hiện trên mỗi cá nhân và cho toàn nhân loại ở mọi thời.
ÄCầu nguyện giữa giờ
- Chọn đọc một đoạn Lời Chúa mình thích.
- Tâm tình: Lạy Chúa, Ngài đã dùng Lời mà tạo dựng nên con, cứu độ chúng con, muốn đưa chúng con vào cung lòng tình yêu của Ngài để chúng con được thông ban sự sống, hạnh phúc của Ngài. Xin cho chúng con luôn biết mở lòng để đón nhận Lời Ngài. Amen!
3. Một điểm thực hành
ÄSinh hoạt giáo lý
BÀI HÁT: NGƯỜI KHÔN
a. Người khôn xây trên đá ngôi nhà vững chắc và xinh b. Người khôn xây trên đá ngôi nhà vững chắc và xinh. c. Khi mưa rớt rơi trên mái nhà. d. Trời mưa rơi xuống nước dưới sông dâng lên. Trời mưa rơi xuống nước dưới sông dâng lên. e. Xây trên đá đứng luôn vững vàng.
a. Người khôn xây trên đá ngôi nhà vững chắc và xinh. b. Người khôn xây trên đá ngôi nhà vững chắc và xinh. c. Khi mưa rớt rơi trên mái nhà. d. Trời mưa rơi xuống nước dưới sông dâng lên. Trời mưa rơi xuống nước dưới sông dâng lên. g. Xây trên cát sóng (gió) xô tan tành.
VŨ ĐIỆU: a. Tay phải đưa lên, tay trái đặt dưới cùi chỏ nhắc lên hạ xuống theo nhịp; b. Đổi tay; c. Đưa hai tay lên cao rồi từ từ hạ xuống; d. Đưa hai tay trên xuống rồi dưới lên (2 lần); e. Như a; g. Hai tay đẩy ra trước rồi thu về đẩy ra hai bên ngang vai.
BĂNG REO: ( sau khi hát xong hô)
Nđk: Đá Tảng (Thế tay như điệu múa câu a, nhưng nhắc tay lên xuống 3 lần)
Tc: Là Lời Chúa (vỗ tay hai lần và sau đó úp hai tay vào ngực)
Nđk: Nền cát (đặt hai tay lên vai nhún xuống 3 lần)
Tc: Phù vân cuộc đời (Cử điệu như bài múa ở câu g)
ÄMột điểm thực hành
- Ý thức hơn về thái độ cần có mỗi khi đọc và lắng nghe Lời Chúa: Trong tâm tình Tin-Yêu chứ không qua loa chiếu lệ.
ÄBài học ghi nhớ
15. H. Thánh Kinh là gì?
T.Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với ta, được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
16. H. Ai là tác giả của Thánh Kinh?
T. Chính Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh.
17. H. Thánh Kinh được viết ra thế nào?
T. Chúa Thánh Thần đã chọn và soi dẫn một số người, để họ dùng khả năng và phương tiện của mình, mà viết ra những điều Thiên Chúa muốn nói.
18. H. Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?
T. Chúng ta phải đọc và giải thích với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, và với sự hướng dẫn của huấn quyền Hội thánh.
19. H. Thánh Kinh có mấy phần?
T. Thánh Kinh có hai phần: Cựu Ước gồm 46 cuốn và Tân Ước gồm 27 cuốn.
20. H. Cựu Ước là gì?
T. Cựu Ước là lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa và việc chuẩn bị cho Chúa Cứu Thế ra đời.
21. Tân Ước là gì?
T. Tân ước là những sách nói về cuộc đời và lời dạy của Chúa Giêsu cũng như đời sống đức tin của Hội thánh thuở ban đầu.
22. H. Hội thánh tôn kính Thánh Kinh thế nào?
T. Hội thánh tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Thánh Thể Chúa. Cả hai nuôi dưỡng và hướng dẫn toàn thể đời sống Kitô hữu.
23. Thánh Kinh có cần cho đời sống Kitô hữu không?
T. Rất cần, vì "không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô" (Thánh Giêrônimô). Bởi thế, ta phải siêng năng đọc, suy gẫm và đem ra thực hành (x. Mt 7,26).
ÄCầu nguyện kết
- Muốn nghe được tiếng Chúa nói trong lòng, ta phải có tinh thần yên tĩnh và tâm hồn cầu nguyện, thích ở một mình với Chúa, đi tìm Chúa trong mình bằng đức tin linh động, và kính cẩn, trung thành với ơn Chúa.
- Hát bài: XIN CHO CON BIẾT LẮNG NGHE
- Làm dấu kết thúc
Ban Giáo lý Giáo phận