23/09/2016
2472
Ủy Ban Văn Hóa: Thao thức về trau dồi tiếng Việt cho người trẻ












 

 

Kính thưa toàn thể Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam,

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (21.09.1912-2012), một số tác giả văn thơ Công giáo đã có dịp gặp gỡ và cùng nhau chia sẻ thao thức về nhu cầu khẩn cấp phải giúp các bạn trẻ Công giáo trau dồi tiếng Việt. Bản thao thức này cũng đã được các tác giả văn thơ góp ý thêm nhân dịp lễ trao giải cuộc thi lần thứ IV, 21-22.09.2016.

Ngày 13.01.2016, Hội thảo khoa học về Lịch sử chữ Quốc ngữ (mang tên “Bình Định với chữ Quốc ngữ”) tại Qui Nhơn đã ghi nhận công lao to lớn của các nhà truyền giáo và tiền nhân trong việc hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Đóng góp của cha ông xưa thúc giục con cháu ngày nay phải phát huy tiếng mẹ đẻ nhằm chu toàn trách vụ loan báo Tin mừng.

          Thế nhưng hoàn cảnh xã hội và văn hóa ngày nay đang đặt ra cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và các bạn trẻ Công giáo nói riêng nhiều thách đố trong việc diễn đạt ý tưởng bằng tiếng Việt, trong văn nói cũng như văn viết.

Thật ra, sự suy thoái văn hóa đọc và văn hóa viết không chỉ là điều quan ngại của chúng ta mà còn là vấn đề toàn cầu. Cả Tổ chức UNESCO cũng đã chọn ngày 21.02 hằng năm làm ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ. Do đó những thao thức, suy nghĩ và sáng kiến đóng góp này vừa hòa nhịp với cộng đồng nhân loại vừa mong tìm ra những giải đáp thực tế và hữu hiệu cho hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIẾNG VIỆT
1. TRONG VIỆC HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH VÀ ĐẠO ĐỨC

Có thể nói, đánh giá đầu tiên của người khác đối với mỗi con người là trên bình diện ngôn ngữ. “Lời ăn, tiếng nói” là điều mà cha mẹ phải dạy cho con trước tiên. Người lịch lãm có cách dùng từ và diễn ý khác dân giang hồ. Các công ty tuyển dụng nhân sự đều cần phải phỏng vấn. Nét đẹp của ngôn ngữ sẽ dẫn dắt ta đến nét đẹp của tư duy và hành động. Phong cách ứng xử của giới trẻ hiện nay bị tha hóa phần nào cũng là do thiếu trau dồi tiếng mẹ đẻ.
2. TRONG VIỆC XÂY DỰNG XÃ HỘI – QUÊ HƯƠNG

Học giả Phạm Quỳnh có nói: “Tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngôn ngữ một dân tộc đi đôi với vận mệnh dân tộc ấy. Sự thật ấy được chứng nghiệm nơi lịch sử dân Do Thái. Sau 19 thế kỷ bị ly tán, năm 1947 họ đã tái lập được quốc gia nhờ vẫn giữ vững tiếng nói và chữ viết của cha ông. Ngôn ngữ mẹ đẻ giúp họ nhớ mình là người dân cùng một nước, có một lịch sử cần tiếp nối và có một quê hương để hẹn về.

Ta không biết các Việt kiều ở nước ngoài sẽ duy trì tiếng Việt được mấy đời, thế nhưng ngay trong nước, tình trạng xem ra rất bi quan. Sinh viên ra trường mà viết tiếng Việt không xuôi, sai cả về chính tả, dùng từ, đặt câu và diễn ý. Bên cạnh đó là cách viết tiếng Việt tùy tiện trên tin nhắn điện thoại và giao tiếp trên mạng đã xâm nhập cả trên các văn bản học tập, văn bản thư tín và cả trên các biểu ngữ công cộng…

3. TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

Người Việt Nam hiện nay bị mất thói quen đọc sách. Bao nhiêu lời hay, ý đẹp, tư tưởng trong sáng hướng thượng được các tác giả ấp ủ, thai nghén… nhưng thử hỏi hậu thế có mấy ai đón nhận?

Trong buổi bình minh của nền văn học Việt Nam hiện đại dùng mẫu tự La-tinh, đã có những áng văn bất hủ, những vần thơ trác tuyệt; nhưng hiện nay còn mấy người nhớ tới, nói chi đến việc kế thừa? Tiếng Việt có cách chơi chữ tao nhã và thâm thúy đã được truyền từ nhiều đời nhưng hiện nay xem như… tuyệt chủng! Để rồi thay vào đó là những thứ phi văn hóa nhan nhản khắp nơi.    

4. TRONG VIỆC ƯƠM NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC

Thời Bắc thuộc, không ít lần các danh sĩ người Việt đã chinh phục được triều đình phương Bắc bằng văn hóa và ngôn ngữ (Mạc Đĩnh Chi, Đoàn Thị Điểm, Trạng Hiền…). Các sứ giả đi giữa rừng gươm không hề nao núng nhờ biết vận dụng bộ não thông kim bác cổ và dùng “ba tấc lưỡi”. Kiến thức đi đôi với ngôn ngữ khiến ta tự tin hơn là gươm giáo và sức mạnh.

Hãy nhìn sang một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Chữ viết của họ rất khác biệt với mẫu tự La-tinh ta đang dùng. Để hòa nhập với thế giới, họ gặp nhiều khó khăn hơn ta. Vậy mà, họ vẫn tôn vinh lối viết ấy và tìm cách cho người dân trân trọng tiếng Mẹ đẻ. Tại Thái Lan, những bảng hiệu bằng tiếng nước ngoài bị đánh thuế rất đắt. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản hay Hàn Quốc ra nước ngoài không dùng tiếng Anh, khiến người ta phải học tiếng của họ để làm việc cho họ. Còn chúng ta?

5. TRONG SỨ MẠNG LOAN TIN MỪNG

Với các con cái Chúa, nhất là những người dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin mừng, khả năng nói và viết tiếng Việt trôi chảy và đúng chuẩn mực là điều hết sức quan trọng. Đạo Chúa là Đạo mạc khải, phải được diễn tả bằng Lời, trước hết là cho những người anh em cùng văn hóa và ngôn ngữ đang sống ngay bên cạnh. Bởi thế, người thông truyền sứ điệp Tin Mừng cho người Việt phải nói và viết tiếng Việt thật chuẩn xác và trong sáng.

 

II. LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỌI THÀNH PHẦN DÂN CHÚA GÓP SỨC VÀO VIỆC TRAU DỒI TIẾNG MẸ ĐẺ?

 

Mọi người Công giáo Việt Nam đều cần ý thức tầm quan trọng của việc trau dồi tiếng mẹ đẻ và cùng chung quyết tâm khắc phục, từ nỗ lực của các gia đình và giáo xứ đến cấp giáo phận và quy mô cả nước.

1. KHỞI ĐI TỪ GIA ĐÌNH

Các gia đình có phần trách nhiệm trong việc suy thoái tiếng Việt nơi người trẻ vì chúng ta thiếu quan tâm theo dõi nhắc nhủ con em mình. Đàng khác, khi cho con em đi học, thường chúng ta chỉ bận tâm tới chuyện học gì để dễ xin việc làm về sau, đua nhau học tiếng Anh theo phong trào, không bận tâm gì tới tiếng Việt.

Làm sao để giúp các gia đình có cái nhìn rộng lớn hơn, vươn tới lợi ích chung của Dân tộc và Hội thánh chứ không chỉ nghĩ tới lợi ích riêng của nhà mình? Làm sao để cha mẹ không chỉ lo liệu cho con cái biết làm ra tiền nhưng trước hết biết hướng đời mình về Chân, Thiện, Mỹ?

2. ĐẾN SINH HOẠT GIÁO XỨ

Việc giữ gìn tiếng Việt là trách nhiệm của mọi người. Đang khi nhiều người khác không biết dựa vào đâu để cổ võ sự phục hưng cho tiếng Việt thì người Công giáo may mắn có hệ thống giáo xứ. Chúng ta cần vận động tất cả phụ huynh và bạn trẻ ở các giáo xứ tích cực hưởng ứng, mới mong đạt kết quả cao.

Các giáo xứ cần có chương trình tìm kiếm và đào tạo các tài năng văn thơ trẻ qua các cuộc thi văn thơ tại chỗ, mở lớp trau dồi viết văn, khuyến khích các đoàn thể làm nội san, có phần thưởng cho các cá nhân và tập thể xứng đáng. Cần có tầm nhìn xa rộng để đầu tư mở lớp trau dồi tiếng Việt cho nhi đồng và thiếu niên. Nếu chính người dân trong giáo xứ ý thức được vấn đề, chúng ta có thể bắt đầu, hoàn toàn tự lực hoặc với sự trợ giúp của những đồng hương xa quê.

Về văn hóa đọc, nếu mỗi giáo xứ đều có một nhóm trẻ dấn thân làm tông đồ phát hành sách báo, hằng tuần bán sách, phim và nhạc đạo cuối nhà thờ , cổ võ mọi người đọc sách thì tình trạng sẽ khả quan hơn.

Các lớp giáo lý, các đoàn thể trẻ từ hội lễ sinh, Thiếu nhi Thánh Thể đến ca đoàn cần khuyến khích thành viên của mình trau dồi Việt ngữ.

Nỗ lực tại giáo xứ kết quả nhiều hay ít tùy vào sự quan tâm của các cha xứ và cha phó. Xin quý cha tha thiết và thường xuyên nhắc nhở mọi người.

3.    GIỚI TRẺ

Cách nói và cách viết tiếng Việt của các bạn trẻ đang bị bóp méo rất nhanh vì ngôn ngữ của tin nhắn. Lòng vị tha và quả cảm của người trẻ đang bị nhạt phai và tan rã. Lương tâm người trẻ đang bị lệch lạc mà không ý thức. Làm sao để cứu vãn những điều ấy? Muốn giúp người trẻ tìm lại tâm hồn quảng đại và những lý tưởng cao cả, khuyến khích họ đọc gương danh nhân và học lịch sử nước nhà thôi chưa đủ, còn phải dạy họ yêu tiếng nói của quê hương.

Ta phải làm gì để giúp các bạn trẻ biết đánh giá mọi sự theo quan điểm Tin mừng? Làm sao cho giới trẻ sống Tin mừng, chọn phục vụ Thiên Chúa thay vì chạy theo Tiền của?

Bản thao thức này được gửi trực tiếp đến các bạn trẻ qua các phương tiện thông tin giới trẻ hiện dùng để các bạn thấy đây là vấn đề của chính mình. Tương lai Dân tộc và Hội thánh là của chính các bạn và tương lai ấy tùy thuộc vào độ chuẩn xác về cách dùng tiếng mẹ đẻ của các bạn. Càng chăm chú trau dồi tiếng Việt, bạn trẻ càng trưởng thành nhờ gia tăng khả năng hướng vào nội tâm, làm giàu đời sống tinh thần: quan sát, suy tư, nghiền ngẫm và cả cầu nguyện trong thinh lặng. Cách làm việc ấy đưa người trẻ đến với chiều sâu Tin mừng. Số ơn gọi cũng sẽ nhờ đó mà gia tăng.

Ước mong rằng chính các bạn trẻ tích cực tham gia chia sẻ những thao thức này và mạnh dạn đề xuất sáng kiến của các bạn. Mong rằng khắp nơi sẽ dậy lên những nhóm trẻ yêu tiếng nước nhà, những câu lạc bộ luyện văn, những Facebook, nhắc nhau trau dồi tiếng mẹ đẻ, nói và viết tiếng Việt thật chuẩn.

4.    CHỦNG VIỆN VÀ CÁC DÒNG TU

Hầu hết những ứng viên vào các Chủng viện và Dòng tu tại Việt Nam hiện nay đều gặp khó khăn về việc viết văn. Chương trình đào tạo hiện nay tại các chủng viện và dòng tu đã có phần chú ý tới tiếng Việt nhưng kết quả còn hạn chế.

Văn là người, lời văn vừa tiết lộ vừa định hình cách suy nghĩ và hành động của một người. Muốn điều chỉnh những lệch lạc về giáo dục nhân bản, cách dễ làm và hữu hiệu nhất là điều chỉnh lại nét chữ và lời văn.

5.    TIỀM NĂNG CÁC GIÁO PHẬN

Trong thực tế, các giáo xứ miền quê rất khó khăn về tài chánh. Trong mỗi giáo hạt, những giáo xứ có điều kiện cần hỗ trợ những giáo xứ nghèo. Các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cần có hướng đi tích cực, thay vì dồn tiền vào các cơ sở vật chất nên dùng một phần nâng đỡ các giáo xứ trong việc phát huy văn hóa. Các cấp mục tử cần có những tiếng nói vận động về việc này. Hơn nữa, muốn đẩy mạnh phong trào, các giáo xứ cần được cấp giáo phận quan tâm đầu tư cách thiết thực.

Trang truyền thông của mỗi giáo phận cần quan tâm tới việc chăm sóc tiếng Việt cho người trẻ, cổ võ và nâng đỡ các giáo xứ trong việc này.

Cần có kế hoạch đào tạo người cầm bút cho Giáo phận. Hiện nay có hai giải thưởng văn thơ Công giáo bắt đầu được chú ý: Giải “Đất Mới” của Xuân Lộc và Giải “Viết Văn Đường Trường” của Qui Nhơn. Cả hai đều cần được duy trì và nên có thêm một giải thưởng ở phía Bắc. Các giáo phận nên khuyến khích lớp trẻ của mình tham gia gửi bài dự thi. Cần quan tâm tìm ra những người thích cầm bút sáng tác hiện có trong giáo phận và tạo điều kiện cho họ phát triển khả năng bằng cách:

         + Tổ chức ngày họp mặt hằng năm cho các tác giả trong giáo phận và những  người quan tâm tới mục vụ văn hóa.

+ Tổ chức định kỳ các cuộc thi văn thơ Công giáo thuộc Giáo phận để tìm kiếm tài năng và tác phẩm mới.

+ Lập đại lý sách Công giáo cấp Giáo phận để cung ứng sách đến các nhóm tông đồ sách báo các  giáo xứ.

6.    CÂU HỎI CHO GIỚI CẦM BÚT

Giới trẻ có còn yêu thích sáng tác? Nhìn qua các trang truyền thông lớn, các tác giả Công giáo hiện nay hầu hết đều trên 50 tuổi. Số tác giả dưới số tuổi ấy, cả nơi giáo dân lẫn nơi giới nhà tu, rất hiếm hoi. Nơi các trang tin giáo phận có một số người viết được những bản tin ngắn, số người viết thành bài hẳn hoi rất ít. Văn chương học thuật vẫn còn là vùng trắng với Kitô giáo, vắng bóng các chứng nhân Kitô hữu. Việc tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ dường như chỉ mới trên lý thuyết. Phải chăng chính sự suy thoái tiếng Việt khiến ta không làm tròn được sứ mạng loan Tin mừng cho đồng bào trong và ngoài nước?

Bản thao thức này bắt đầu từ những người đang cầm bút. Đặt vấn đề này, chính các anh chị em đang cầm bút cũng cần tự vấn, cần khởi đi từ thái độ tự phê trước khi nêu sáng kiến đóng góp. Giới cầm bút Công giáo đang và sẽ quan tâm như thế nào tới người trẻ?

7. TRÊN BÌNH DIỆN CẢ NƯỚC

Cũng ước mong Tiểu ban Từ vựng sớm hoàn thành một cuốn từ điển gồm những thuật ngữ thông dụng trong Đạo.

Những điều khác đã có nhiều người đề cập, xin để tùy các vị hữu trách quyết định.

LỜI KẾT: VÌ MỘT Ý THỨC CHUNG

        Việc trau dồi tiếng Việt cho người trẻ phải là một định hướng lâu dài. Bản thao thức này chỉ nhằm khơi dậy ý thức về việc phát triển văn hóa nói chung và tiếng Việt nói riêng, đồng thời tha thiết mời gọi mọi người tích cực tham gia vào ích chung của Giáo hội. Cụ thể mỗi người nên tận dụng mọi phương tiện: email, điện thoại, photocopy văn bản để chia sẻ những thao thức này đến càng nhiều người càng tốt, đến quý cha và quý Hội đồng Giáo xứ, đến từng giáo dân, cách riêng là các bạn trẻ, sinh viên và học sinh các cấp, nhất là các chủng sinh và những người tận hiến trẻ, để hướng đến một thông điệp và một sứ mạng chung cho tất cả chúng ta. Sự suy thoái tiếng mẹ đẻ là nguy cơ đáng sợ. Nếu chúng ta không quan tâm đúng mức, thì cả Giáo hội lẫn xã hội sẽ gánh chịu hậu quả của việc suy thoái nhân cách và văn hóa ứng xử. Còn nếu chúng ta dám trực diện với thách đố và dấn thân giải quyết vấn đề, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho công cuộc phúc âm hóa xã hội sinh hoa kết quả và Giáo hội Chúa Kitô tại Việt Nam sẽ thành niềm hy vọng cho Dân tộc.

Nếu quý vị và các bạn có những sáng kiến và những nội dung khác cần bàn, xin viết thành những bài ngắn, mỗi bài dưới 2 trang A4 và gửi về FB Văn Thơ Công Giáo https://www.facebook.com/groups/vanthoconggiao, qua email  <yeuvanthoconggiao@gmail.com>, để mọi người có thể tham gia thảo luận rộng rãi.

Xin chân thành cám ơn.

 

NHỮNG NGƯỜI YÊU QUÝ TIẾNG VIỆT
CÙNG THAO THỨC

Ủy Ban Văn Hóa, trực thuộc HĐGMVN