08/01/2016
1278
Facebook và sức khỏe tâm thần

 TTCT - Năm 2015 khép lại. Một thứ quá nổi bật trong năm qua và chắc vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trong năm tới chính là... Facebook.

 

 










 

 

Chơi Facebook phải chủ động để không chuốc bệnh vào thân -Pininterest

 

Xã hội trên mạng và đời thực thật ra giống nhau ở chỗ đều có cái gây hấp dẫn và cái cần lưu tâm. Không quá khó để tìm ra trên Internet những ghi nhận về các tác dụng cần dè chừng trên sức khỏe tâm thần của việc sử dụng Facebook.

Dù sao đi nữa Facebook chắc chắn vẫn tiếp tục được sử dụng nhiều trong thời gian dài sắp tới. Vậy nên dùng thế nào để ta cảm thấy hạnh phúc hơn?

Ganh tị làm ta... đau

Viện Nghiên cứu về hạnh phúc (Happiness Research Institute) ở Đan Mạch tiến hành một nghiên cứu trên 1.095 người, phân thành hai nhóm. Một nhóm “chứng” sử dụng Facebook thoải mái theo nhu cầu, còn nhóm “điều trị” được yêu cầu ngưng dùng một tuần.

Lúc bắt đầu nghiên cứu, hai nhóm đánh giá mức độ hài lòng về cuộc sống của họ theo một thang điểm từ 1-10. Nhóm dùng Facebook có điểm số là 7,67 lúc khởi đầu và tăng nhẹ lên 7,75 sau một tuần. Thú vị là nhóm ngưng dùng lại có điểm số tăng đáng kể từ 7,56 lên đến 8,12!

Chưa hết, nhóm điều trị còn cho thấy tăng mức độ hoạt động ngoài đời thực, giảm đáng kể cảm giác hờn giận và cô đơn trong tuần mà họ ngưng sử dụng Facebook, trong khi nhóm chứng thì không thấy có những thay đổi này. Tại sao lại có kết quả này nhỉ?

Khi được hỏi thêm về thói quen dùng Facebook, có đến 61% người tham gia nghiên cứu “thú nhận” họ khoái đăng những mặt tốt của bản thân và 69% cho biết là có khuynh hướng chỉ trình làng những điều tốt đẹp mà họ làm. Thế nên, có đến nửa số người tham gia nghiên cứu thừa nhận có ghen tị với những trải nghiệm mà người khác khoe trên Facebook, 33% ghen tị với hạnh phúc của người khác và 40% đố kỵ với thành công của những người khác.

Như vậy, có hai vấn đề được “bắt gặp” ở đây. Một là, đa số cư dân mạng xã hội có khuynh hướng tốt khoe xấu che. Hai là, khuynh hướng này lại gây ức chế cho những người khác. Cái vòng luẩn quẩn này dường như giải thích cho kết quả của nghiên cứu là sau khi bỏ dùng Facebook một tuần thì... con tim đã vui trở lại, và hoạt động đời thực có lẽ do đó được dành nhiều thời gian hơn! Vậy nhân năm mới đến, bạn có dám thử ngưng Facebook một tuần để xem có được trải nghiệm như trên không?

Tránh dùng khi đang buồn, cô đơn

Một nghiên cứu khác của các nhà nghiên cứu Mỹ và Bỉ trên 84 sinh viên chia thành hai nhóm lại tìm cách trả lời câu hỏi là dùng Facebook như thế nào để có được trạng thái cảm xúc tích cực. Nghe có vẻ lý thú, vì đối với rất nhiều người thì việc chia tay Facebook coi bộ không thể!

Thì đây là cách mà nghiên cứu được tiến hành: một nhóm được yêu cầu dùng Facebook tích cực trong vòng 10 phút, nghĩa là đăng bài và giao tiếp với những người khác như đăng trạng thái, chia sẻ đường dẫn, đăng bình luận và gửi tin nhắn riêng.

Nhóm thứ hai lại được yêu cầu dùng Facebook cũng trong 10 phút một cách thụ động, nghĩa là chỉ đơn thuần xem tin, xem các trang và hình ảnh của bạn bè hoặc các nhóm mà không có hành động gì khác. Người tham gia nghiên cứu được đánh giá trạng thái cảm xúc ngay trước và sau khi dùng Facebook và vào lúc cuối ngày (21g).

Kết quả thật thú vị: trạng thái cảm xúc ngay trước và sau khi dùng Facebook không thay đổi gì, nhưng vào lúc cuối ngày nhóm dùng Facebook thụ động lại có cảm xúc tệ hại đáng kể hơn so với lúc ban đầu, trong khi nhóm dùng Facebook tích cực lại không có hiện tượng này! Bằng một khảo sát phụ thêm, các nhà nghiên cứu ghi nhận tình trạng cảm xúc có liên quan đến cảm giác ghen tị.

Như vậy, nếu chỉ dùng Facebook đi “soi” người khác (mà thiên hạ thường “tốt khoe xấu che”), có lẽ bạn không thấy được ảnh hưởng tức thì của những gì bạn đọc lên trên cảm xúc của bản thân, nhưng sau một thời gian “tiêu hóa” những điều đó, cảm giác ghen tị len lỏi vào tâm hồn và làm cho cảm xúc của bạn trở nên cảm thấy tệ hơn.

Vì thế nghiên cứu này đưa đến ba lời khuyên sau đây: 1/Khi dùng Facebook, nên phối hợp hài hòa giữa xem thụ động và tích cực tương tác; 2/Tránh dùng Facebook khi bạn thấy buồn, cô đơn, trầm cảm. Những lúc này bạn thường dùng Facebook thụ động mà hậu quả là làm tệ hơn cảm xúc của bạn; 3/Có nhiều bằng chứng cho thấy Facebook có thể gây nghiện, mặc dù nó đang ảnh hưởng tiêu cực lên bạn. Nếu vậy thử ngưng một tuần để xem tâm trạng có khá hơn không, vẫn duy trì liên lạc với xung quanh bằng điện thoại, email hoặc gặp mặt.

Mong rằng thông tin trên đây sẽ giúp các facebooker có thêm lạc quan trong năm mới 2016.■

BS NGUYỄN THÀNH TÂM

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần, số 1-2016