25/01/2025
54
Weng Yirui, một phụ nữ Trung Quốc trở thành tín hữu Công Giáo nhờ khúc Gloria của Vivaldi

















WENG YIRUI, MỘT PHỤ NỮ TRUNG QUỐC TRỞ THÀNH

TÍN HỮU CÔNG GIÁO NHỜ KHÚC GLORIA CỦA VIVALDI

Anna Ashkova

WHĐ (23/01/2025) - Weng Yirui, 31 tuổi, lớn lên trong một gia đình vô thần ở Trung quốc. Nhưng người nghệ sĩ tài năng này đã tìm thấy Chúa qua âm nhạc, đặc biệt là qua bản Gloria của Vivaldi.

Khi cô gái trẻ Weng Yurui bắt đầu học piano, cô đã không ngờ rằng chính qua trung gian của âm nhạc mà cô sẽ gặp Chúa. Lớn lên trong một gia đình vô thần ở Trung quốc, cô thường tự đặt cho mình những câu hỏi về vấn đề hiện sinh, nhưng cha mẹ cô chỉ khuyến khích cô tự tin vào chính bản thân và vào việc tích cực lao động. Mẹ cô, giáo viên vật lý trường trung học phổ thông, và cha cô, giáo sư tâm lý học, chỉ có một triết lý cuộc đời: thuyết vị lợi. “Cha mẹ chẳng tin vào gì cả”, cô gái trẻ nói với tạp chí Ý Tempi, trong số tháng Một 2025.

Không thể diễn ta bằng lời nói vì “ở Trung quốc không có nhiều sự cởi mở giữa cha mẹ và con cái”, Yirui học thể hiện bằng âm nhạc mà cụ thể hơn là nhờ những lớp piano mà cô đã bắt đầu học từ nhỏ. Thầy dạy của cô ở Trung quốc chỉ tập trung vào kỹ thuật, nhưng cô thiếu nữ Weng Yirui chắc chắn rằng có cái gì đó hơn nữa trong âm nhạc dù cô không hiểu đó là cái gì. “Giờ tôi mới hiểu không có Chúa, những nhạc tố (motifs) đó là không thể có được. Chắc là chúng phải có, nhưng ở Trung quốc, chủ đề này thậm chí còn không được nhắc đến”, người phụ nữ trẻ 30 tuổi giải thích.

Agnus Dei, Filius Patri

Tốt nghiệp trường đại học sư phạm Hangzhou, cô theo chuyên ngành dạy học, piano và thanh nhạc. Vì tình yêu âm nhạc cô chuyển đến sống ở Ý năm 2016 để tiếp tục học và trở thành người đệm đàn cho dàn hợp xướng. Chính tại đây, lần đầu tiên, cô gái trẻ lúc đó 22 tuổi, đã khám phá ra một thánh đường Công giáo. “Một trong những địa điểm đầu tiên mà ông thầy dạy tiếng Ý của chúng tôi dẫn đi tham quan là vương cung thánh đường Duomo ở Thành phố Milan. Tôi sững sờ: chưa từng bao giờ thấy cái gì đẹp như thế và tôi tự hỏi ngay lập tức sao một công trình tuyệt mỹ như vậy lại được làm ra.”

Trong thời gian rảnh rỗi, cô gái trẻ khám phá thêm nhiều nhà thờ khác ở thành phố Ý đó. “Tôi ngạc nhiên vì sự im lặng. Tôi nhìn thấy người ta ngồi ở băng ghế hay đứng, mà không nói chuyện. Tôi tự hỏi họ làm gì vậy. Rồi tôi thấy mọi người đều ngước lên thánh giá mà tôi chẳng hiểu tại sao”, cô thuật lại. Những câu hỏi đó cháy bỏng trong tâm hồn cô, như lửa vùi trong tro, và chúng trổi dậy năm 2018, khi cô vào năm thứ hai tại Nhạc Viện Milan, lúc cô bắt đầu khóa thánh nhạc (musique sacrée). Khi học bản Gloria của Vivaldi, Yirui tự đặt ra câu hỏi về ý nghĩa của lời bản nhạc “Agnus Dei, Filius Patri” (Chiên Thiên Chúa, Con của Chúa Cha). Tác phẩm này đã hoàn toàn mở ra trong lòng cô một loạt câu hỏi hiện sinh về Thiên Chúa và cái chết của Chúa Giêsu. Lúc đó, giáo sư dạy cô mới nói với cô về Chúa Giêsu. Sự cảm nhận âm nhạc thánh thiêng của cô, thứ nhạc đã làm cô mê hoặc mà không hiểu chiều kích tinh thần của nó, bắt đầu sáng tỏ dưới ánh sáng của Kitô giáo.

Gặp Chúa đã thật sự thay đổi đời tôi, vì bây giờ tôi chẳng còn sợ hãi gì nữa

Nhưng chính cuộc gặp gỡ với cha Francesco Zhao, phụ trách cộng đoàn Công giáo Trung Hoa ở Milan, mới thật sự thay đổi đời cô năm 2020. “Cha không bao giờ tìm cách làm tôi theo đạo và lúc đầu tôi cũng chẳng có ý định làm điều đó”, cô nhạc sĩ kể lại; nhờ vị linh mục này, cô đã khám phá ra vẻ đẹp của việc cầu nguyện và bắt đầu theo học giáo lý. “Thật không dễ để hiểu tại sao Chúa Giêsu lại dạy phải tha thứ, đó không phải là điều tôi được học ở Trung quốc. Nếu ai đó làm hại tôi, tôi liền tự nhủ: tại sao tôi lại phải tha thứ cho họ? Nếu tôi làm điều đó, tôi sẽ không tha thứ. Làm sao tôi có thể tha thứ cho họ được? Tôi có thể tha thứ cho chính mình không? Cha mẹ tôi dạy tôi phải tự bảo vệ mình, không được tốt quá vì người ta hay lợi dụng người tốt. Mặt khác, Giáo hội xem nhưng người biết tha thứ đều mạnh mẽ và dũng cảm”, cô gái trẻ nhớ lại, một cô gái luôn được mẹ dạy là không nên tha thứ cho người khác.

Ngày nọ, trước một buổi hòa nhạc, cô đã thử cầu nguyện bằng cách đọc một kinh Kính Mừng và cầu xin Đức Mẹ bảo vệ cô suốt buổi hòa nhạc. “Ngạc nhiên sao, tôi chơi đàn hay hơn và không mắc sai lầm nào. Từ ngày đó, tôi bắt đầu cầu nguyện thường xuyên hơn”, cô giải thích tiếp.

Hy vọng các bạn trẻ ở Trung quốc tìm lại Đức Tin

Ngày 8 tháng Tư 2023, cô lãnh phép Rửa tội tại Thành phố Milan với tên thánh Éléonore. Hiện nay, Yirui cầu nguyện đều đặn và đức tin trở thành một trụ cột trong cuộc sống của cô, cả trên phương diện cá nhân lẫn nghề nghiệp.

Khi trở về quê hương, cô đi nhà thờ ở Hàng Châu, nhà thờ vẫn bị đóng cửa ngoại trừ giờ lễ lúc 6 giờ sáng các ngày trong tuần và một số thánh lễ trong ngày Chúa nhật. Cô cũng nói với cha mẹ về đức tin của mình. “Thấy tôi hạnh phúc như vậy, cha mẹ ủng hộ tôi như các vị đã từng ủng hộ tôi học nhạc”, Yirui tâm sự, sung sướng khi nhận thấy cha mẹ cô có vẻ như cũng quan tâm đến đạo Công giáo. “Cha tôi còn bắt đầu làm dấu (thánh giá) nữa.” Nói vậy chứ chuyện đâu còn có đó. “Cha mẹ tôi vẫn còn làm việc trong trường công ở Trung quốc, do đó sẽ không hay nếu nói nhiều quá về tôn giáo, nhất là bằng điện thoại, vì họ có thể bị nghe lén”, cô gái trẻ nhìn nhận; cô mong sớm được dẫn cha mẹ đi khám phá những ngôi nhà thờ tuyệt đẹp ở Milan, khi cha mẹ cô sang thăm cô ở Ý. “Được gặp Chúa đã thật sự thay đổi đời tôi, vì bây giờ tôi thật sự không sợ hãi điều gì nữa”, cô nhạc sĩ piano kết luận.

Lê Hưng

Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (15/01/2025)

(Nguồn: WHĐ)