NGÀY 12 THÁNG 01: LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Chuyển ngữ: Tâm Bùi
WHĐ (08/01/2025) - Với cuộc cải tổ phụng vụ vào năm 1969, ngày cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được ấn định vào Chúa nhật sau ngày 06 tháng 01 - lễ Chúa Hiển Linh. Nếu lễ Chúa Hiển Linh được cử hành vào Chúa nhật sau ngày 06 tháng 01, thì lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được cử hành vào thứ Hai sau lễ Chúa Hiển Linh.
NHỮNG NGÀY LỄ PHỤNG VỤ
Ngày 12 tháng 01
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
Ngay từ năm 300 sau Công nguyên, Giáo hội Đông phương đã cử hành lễ Chúa Hiển Linh và lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa vào ngày 06 tháng 01. Trong Giáo hội Tây phương, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được nhắc đến trong Phụng vụ Các Giờ kinh. Với cuộc cải tổ phụng vụ vào năm 1969, ngày cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được ấn định vào Chúa nhật sau ngày 06 tháng 01 - lễ Chúa Hiển Linh. Nếu lễ Chúa Hiển Linh được cử hành vào Chúa nhật sau ngày 06 tháng 01, thì lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa được cử hành vào thứ Hai sau lễ Chúa Hiển Linh. Mùa Giáng sinh kết thúc với việc cử hành lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, mặc dù vẫn có một "khoảng thời gian mở" kéo dài đến ngày 02 tháng 02, ngày lễ Dâng Chúa vào Đền Thánh. Lễ Dâng Chúa vào Đền Thánh còn được gọi là lễ Nến (Candlemas), vì Chúa Kitô được công bố là “ánh sáng soi đường cho muôn dân”.
Năm A
Bấy giờ, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” Nhưng Đức Giêsu trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người. Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. (Mt 3,13-17)
Chúa Giêsu bên sông Giođan
Trích đoạn Tin Mừng bắt đầu với một ghi chú địa lý: Chúa Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan để được Gioan Tẩy Giả làm phép rửa. Khi đến nơi, Chúa Giêsu không tuyên bố mình là Đấng Mêsia, cũng không rao giảng. Thay vào đó, Người đứng chung với tất cả những người khác ở đó, mong muốn được chịu phép rửa, qua đó bày tỏ sự liên đới của mình với những người tội lỗi. Chúa Giêsu không đứng tách biệt, nhưng Người đứng từ giữa dân chúng, kể cả những người đang mang thương tích của tội lỗi. Người chấp nhận nguy hiểm khi ở giữa họ, cũng như Người đã chấp nhận nguy hiểm khi trở thành Con Người trong cung lòng Đức Maria. Do đó, có một kế hoạch nhất quán trong cách Chúa Giêsu “di chuyển” dọc theo “lộ trình cứu độ” của Người.
Gioan Tẩy Giả
“Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” – Gioan Tẩy Giả thốt lên khi thấy Chúa Giêsu. Chúng ta chứng kiến sự bối rối của vị ngôn sứ, người chỉ vài câu trước đó đã tuyên bố: “Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người …” (Mt 3,11). Sự bối rối này dường như giống với tâm trạng của Phêrô tại thành Xêdarê Philípphê khi ông trách Chúa Giêsu, sau khi nghe Người mặc khải về Cuộc Thương khó, cái chết và sự phục sinh đang chờ đợi Người, rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Và ông nhận được lời đáp của Chúa: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,22-23). Một lần khác là ở Phòng Tiệc Ly, Phêrô cũng khước từ khi Chúa Giêsu muốn rửa chân cho ông (x. Ga 13,6-8). Những phản ứng như của Gioan Tẩy Giả và Phêrô cho thấy sự lúng túng của chúng ta khi nhìn thấy Chúa Giêsu quá yếu đuối và nhún nhường như thế.
“Bây giờ cứ thế đã”
Có những lúc điều quan trọng là “bây giờ cứ thế đã”. Điều mà Gioan Tẩy Giả cảm thấy bất thường đến mức ngượng ngùng thực ra lại là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa, kế hoạch để “giữ trọn” đức công chính. Bởi lẽ, Chúa Giêsu – như chính Người đã tuyên bố một ngày kia – không đến để bãi bỏ lề luật và các ngôn sứ (x. Mt 5,17), nhưng để kiện toàn công lý của Thiên Chúa. Công lý này không làm nhục, không chia rẽ, cũng không xét đoán. Trái lại, công lý ấy làm hợp nhất, phá bỏ mọi rào cản, đáp ứng nhu cầu của mọi người và tôn trọng mọi người. Công lý của Thiên Chúa cao vượt công lý của con người: Ngài không dùng thước đo “bao nhiêu” – bạn trả giá theo mức độ mà bạn đã vi phạm. Thay vào đó, Ngài sử dụng thước đo của tình yêu, lòng thương xót và sự tha thứ – thước đo duy nhất có thể bắc cầu mọi khoảng cách và chữa lành những con tim tổn thương, bởi vì chính từ bên trong, mọi ý định xấu xa được sinh ra (x. Mc 7,1-23).
Các tầng trời mở ra
Sự lựa chọn của Chúa Giêsu được xác nhận qua việc các tầng trời mở ra, với ân ban của Chúa Thánh Thần và tiếng của Chúa Cha đóng ấn sứ vụ của Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Khi các tầng trời mở ra, “công lý” phá tan sự chia cách giữa nhân loại và Thiên Chúa, đưa chúng ta trở về buổi bình minh của công trình sáng tạo, khi Thần Khí bay lượn trên mặt nước. Trong Chúa Giêsu, Chúa Cha cho chúng ta thấy Con Người Mới, Đấng Ngài yêu dấu, Đấng làm đẹp lòng Ngài. Dường như Ngài đang nói: “Con làm Ta hạnh phúc biết bao. Ta rất tự hào về con”. Niềm hạnh phúc này hiện hữu trong mỗi người chúng ta, vì mỗi người chúng ta mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta được tạo dựng theo “hình ảnh và giống như” Ngài (St 1,26). Không ai có thể xóa nhòa hình ảnh này, bởi vì “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Việc Chúa Giêsu đến cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến chúng ta. Dường như Ngài đang nói: “Với con, Ta muốn bắt đầu một câu chuyện cứu độ mới, một khởi đầu mới”. Chúng ta được đổi mới đến mức chúng ta học cách nhận ra cuộc sống là một món quà của tình yêu, và chúng ta sống trọn vẹn trong Tình Yêu đó.
Năm B
Ông Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.” Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,7-11)
Tóm tắt cuộc hành trình
Trong Mùa Giáng sinh, chúng ta đã tôn thờ Hài Nhi của Bêlem nằm trong máng cỏ. Chúng ta đã gặp gỡ Thánh Gia Nadarét vào Chúa nhật đầu tiên sau lễ Giáng sinh. Vào ngày đầu năm mới, chúng ta đã tôn kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta đã suy ngẫm về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh, qua đó tỏ mình cho muôn dân, trong Lễ Hiển Linh.
Chúa Giêsu khởi đầu đời sống công khai
“Nadarét” là một ngôi làng nhỏ, không có truyền thống gì nổi bật. Người ta xem thường dân làng Nadarét: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” – Nathanaen đã hỏi (Ga 1,46). Thế nhưng, Chúa Giêsu đã sống ở đó suốt 30 năm. Đó là những năm tháng thinh lặng, lớn lên và trưởng thành, lao động, sống với gia đình, và cuộc sống bình thường... “Galilê” là một vùng bị coi thường từ quan điểm tôn giáo, vì bị xem là ô uế bởi dân ngoại. Thánh sử nêu lên những chi tiết này để giúp chúng ta hiểu rằng Chúa Giêsu bắt đầu đời sống “công khai” không như một người có “đặc quyền”, nhưng như một người bình thường. Các sách Tin Mừng chỉ cho chúng ta biết rằng suốt 30 năm đầu đời, Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa” (Lc 2,52). Chính sự trưởng thành này đã dẫn Người đến sự “liên đới” với những người bé mọn nhất, với những kẻ tội lỗi: “Đấng chẳng hề biết tội là gì”, như Thánh Phaolô viết, “thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (x. 2 Cr 5,21; Gl 3,13).
Tiếng nói
Khi vừa lên khỏi nước, chỉ mình Chúa Giêsu nhận ra tiếng nói từ trời: “Con là Con yêu dấu của Cha”. Những lời này hôm nay cũng dành cho chúng ta: “Con là con của Cha, người Cha yêu dấu”. Dường như Thiên Chúa đang nói: “Cha hài lòng về con”. Niềm hạnh phúc của Thiên Chúa hiện hữu trong mỗi người chúng ta, vì bất kể chúng ta là ai, sự thật không thể thay đổi là chúng ta được tạo dựng theo “hình ảnh và giống như” Ngài (St 1,26). Không ai có thể xóa nhòa sự thật rằng Thiên Chúa hài lòng về chúng ta, bởi vì “Thiên Chúa thấy mọi sự Ngài đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Việc Chúa Giêsu xuống thế cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn quan tâm đến chúng ta. Dường như Ngài đang nói: “Với con, Ta muốn bắt đầu một câu chuyện cứu độ mới, một khởi đầu mới”.
Phép Rửa của Chúa Giêsu, phép rửa của chúng ta
Chúa Giêsu liên đới với những người đương thời và Người – Đấng không hề có tội – đứng chung hàng với những người tội lỗi. Người đặt mình bên cạnh chúng ta. Người là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta, Emmanuel. Người gánh lấy số phận của mỗi người chúng ta. Đó cũng chính là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện – đặc biệt hơn nữa là những người đã được rửa tội, đã được đắm chìm trong tình yêu của Người – để biết cách quan tâm đến người khác, những người cùng chia sẻ kinh nghiệm sống với chúng ta, khởi đi từ những người bé mọn (tội nhân), những người bị loại trừ (Nadarét), và những người bị gán nhãn (Galilê). Mọi sự xét đoán hay định kiến cần được phá bỏ bằng sự thật rằng mỗi người chúng ta là “con yêu dấu của Chúa”, và Ngài “hài lòng” về từng người. Điều này đúng với tôi, và cũng đúng với mọi anh chị em tôi, bất kể tình trạng tội lỗi của chúng ta. Trong bí tích Thánh Tẩy, điều đã xảy ra vào lễ Giáng sinh lại tái diễn: Thiên Chúa hạ mình xuống, bước vào trong tôi để tôi được tái sinh trong Ngài như một thụ tạo mới. Nhưng chúng ta được mời gọi làm chứng cho “đời sống mới” này (x. Is 43,19), để như Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), thì những người khác cũng có thể nói về chúng ta rằng: “Tôi thấy Chúa Giêsu nơi bạn”. Điều này, xét về mặt con người, là không thể, nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Từ Phép Rửa đến đời sống
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa khép lại Mùa Giáng sinh và mở ra Mùa Thường niên – mùa của đời sống. Nếu như qua Phép Rửa, Chúa Giêsu khai mở sứ vụ công khai của Ngài, thì đối với chúng ta, đó là khởi đầu của một sự dấn thân: rời “hang đá Bêlem,” nơi chúng ta đã thờ lạy Người, để bắt đầu sứ mạng làm chứng cho Người từng ngày. Được củng cố bởi niềm vui của Cộng đoàn/Dân Chúa quy tụ mỗi Chúa nhật, chúng ta để mình được dẫn dắt bởi “ánh sao” là Lời Chúa, được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể – Bánh Hằng Sống trên hành trình. Với đời sống bác ái, chúng ta tiếp tục hành trình hướng về trời cao rộng mở, nơi Chúa Cha đang đợi chờ để chúng ta được sống đời đời với Ngài.
Năm C
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa". Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con. (Lc 3,15-16, 21-22)
Kinh nghiệm của toàn dân
Thật thú vị khi nhận thấy Thánh sử Luca thuật lại rằng phép rửa của Chúa Giêsu là một kinh nghiệm của toàn dân: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa”. Khi ở giữa dân chúng, Chúa Giêsu biểu lộ một sự liên đới sâu sắc với những con người tội lỗi của Người, sự liên đới này ngay từ đầu đã đóng một “dấu ấn” đặc biệt trên sứ vụ của Người. Chúa Giêsu mạc khải rằng chính Người là Đấng đến để “hiến dâng mạng sống mình” để gánh lấy tội lỗi của nhân loại.
Phép Rửa
Khác với các thánh sử khác, Thánh Luca không tập trung chi tiết vào việc Chúa Giêsu chịu phép rửa, mà chỉ đề cập một cách đơn giản: “Đức Giêsu cũng chịu phép rửa”. Điều thánh sử nhấn mạnh là thái độ của Chúa Giêsu: “Đang khi Người cầu nguyện”. Đây là một chủ đề đặc biệt được Thánh Luca yêu thích và thường lặp lại trong Tin Mừng của ngài. Trong bầu khí cầu nguyện này, Chúa Giêsu lãnh nhận ân ban Chúa Thánh Thần và được Chúa Cha xác nhận, thừa nhận Người là “Con yêu dấu” và “Ta hài lòng” về Người. Điều này hàm ý rằng Chúa Cha đã đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu. Đây cũng là cách để chỉ ra rằng việc Chúa Giêsu đến gần dân chúng và sống liên đới với họ chính là lý do khiến Ngài được sai đến.
Cầu nguyện
Trong bối cảnh cầu nguyện, Chúa Giêsu lãnh nhận ân ban Chúa Thánh Thần. Chi tiết này gợi ý rằng mỗi khi chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta trò chuyện thân mật với Thiên Chúa (như Thánh Têrêsa Avila nói), chúng ta cũng có thể cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Cầu nguyện là trở về với Chúa, ở lại với Ngài. Đó chính là hơi thở của căn tính làm con cái Thiên Chúa mà chúng ta đã lãnh nhận qua Bí tích Thánh Tẩy. Chỉ trong cầu nguyện, đời sống của chúng ta như con cái Thiên Chúa mới được nuôi dưỡng. Trong những khoảnh khắc cầu nguyện, chúng ta để cho Thiên Chúa nói với chúng ta: “Con là con yêu dấu của Cha”, “Con quan trọng đối với Cha”.
Con yêu dấu của Chúa
Trong Chúa Giêsu, Người Con được Chúa Cha tuyển chọn, mỗi người chúng ta cũng là “người con yêu dấu của Chúa”, là những người mà Thiên Chúa “hài lòng”. Điều này đúng với tôi, và cũng đúng với mọi anh chị em tôi, bất kể tình trạng tội lỗi của chúng ta. Trong bí tích Thánh Tẩy, điều đã xảy ra vào lễ Giáng sinh lại tái diễn: Thiên Chúa hạ mình xuống, bước vào trong tôi để tôi được tái sinh trong Ngài như một thụ tạo mới. Nhưng chúng ta được mời gọi làm chứng cho “đời sống mới” này (x. Is 43,19), để như Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), thì những người khác cũng có thể nói về chúng ta rằng: “Tôi thấy Chúa Giêsu nơi bạn”. Điều này, xét về mặt con người, là không thể, nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Tâm Bùi chuyển ngữ
từ Vatican News
(Nguồn: WHĐ)