Chiều thứ Bảy ngày 8/6/2024, tôi về giáo xứ Song Mỹ, vùng Song Pha, Giáo phận Nha Trang, dự lễ tạ ơn mừng 25 năm khấn dòng của nữ tu Agata Nguyễn Thị Phượng Linh, hiện là Tổng thư ký nhà Tổng quyền Dòng Đức Bà Truyền Giáo ở Rôma. Ngày chị có ước nguyện đi tu, tôi giúp chị tĩnh tâm phân định ơn gọi. Hồi ấy, giáo xứ Song Mỹ đã có một thể hiện mục vụ khá hữu hiệu nhưng chỉ sôi nổi được mấy năm, rồi cha quản xứ đổi đi, sáng kiến ấy trôi vào quên lãng. Tôi rất tiếc, vì nghiệm ra đó là một dấu nhân đầy hứa hẹn của việc loan báo Tin Mừng theo chiều sâu.

Bạn có thể không xa lạ với hai thập giá có hình thù khác biệt của hai anh em ở đầu danh sách các Tông đồ. Thánh Phêrô chịu đóng đinh trên thập giá hình dấu cộng. Còn thập giáo của Thánh Anrê hình dấu nhân. Trong toán học, sự gia tăng theo cấp số cộng và sự gia tăng theo cấp số nhân chênh lệch đến kinh ngạc.

Một nữ tu mỗi ngày đem lại cho Chúa được hai linh hồn (+2) thì:

25 năm có 365x25 = 9.125 ngày. Với cấp số cộng 2, sau 25 năm chị sẽ gặt hái cho Chúa được 9.125 x 2 = 18.520 linh hồn.

Nữ tu thứ hai có vẻ không vội, mỗi năm chỉ nhắm đào tạo cho Chúa một tông đồ thôi, một tông đồ khác giống hệt như chị, cũng có khả năng cứ mỗi năm đào tạo được một tông đồ khác biết làm chứng như mình. Sau một năm, khi bạn chị đã được 730 linh hồn thì chị chỉ mới được một tông đồ. Có vẻ là quá chậm. Thế nhưng, ai ngờ rằng, chỉ sau 15 năm chị đã đạt được 32.768 tông đồ, vượt xa tổng số cả 25 năm của bạn chị. Và sau năm thứ 25, chị sẽ đạt được 33.554.432 người. Bạn thử lấy điện thoại kiểm tra 25 tích số nhân đôi sau đây:

Chỉ thêm hai năm nữa, con số của chị vượt quá dân số Việt Nam hiện nay. Bạn nghĩ sao? Có phải đó chính là phương trình hạt men Chúa đã nói trong Tin mừng Matthêu 13,33?

Phần tôi, từ suy nghĩ ấy có lần tôi đã than thở với Chúa Giêsu qua một bài hài cú chỉ ba câu, 21 từ:

Xin cho con một phần tư sức lực
Để xô nghiêng dấu cộng của anh em
Thành dấu nhân vạm vỡ.

Đó là thơ. Còn thực tế thì điều khó là làm sao để có được dấu nhân. Khoảng hơn 30 năm trước đây tại Giáo xứ Song Mỹ đã hé lộ một dấu nhân, rồi tưởng như đã bị quên mất, thế nhưng giờ đây dấu nhân ấy đang được tái hiện ở một cộng đoàn thuộc Giáo phận Qui Nhơn là Giáo xứ Tuy Hòa.

Mời bạn xem bản tường trình:

TUY HÒA, CÙNG CHUNG MỪNG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

Cụ thể là hiện nay vào ngày 15 mỗi tháng, Giáo xứ Tuy Hòa đều cử hành thánh lễ tạ ơn cho các gia đình có kỷ niệm lễ thành hôn trong tháng, từ một năm cho đến trên 50 và cả trên 60, 70 năm, v.v… Ngày 15/5/2024, chỉ mới lần thứ năm thôi, đã có 26 gia đình dọn tâm hồn mừng lễ và nhiều gia đình khác nôn nao mong chóng đến tháng có lễ kỷ niệm của mình. Hầu hết các gia đình không nhớ gì đến ngày thành hôn của mình, nhưng thánh lễ tạ ơn giản dị hằng tháng của giáo xứ đã đánh thức họ nhớ đến muôn ơn lành Chúa đã tuôn đổ trên vợ chồng và con cái họ.

Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn làm cha sở Giáo xứ Chánh Tòa Đà Lạt 16 năm (1975-1991). Biết bao cặp vợ chồng đã khóc khi bất ngờ được cha sở chúc mừng kỷ niệm thành hôn của họ, bất kể là mấy năm. Cha sở đã ghi trong lịch của ngài để nhớ ngày quan trọng của họ, ngày mà chính họ đã quên mất. Cha Gioan Baotixita Phạm Đình Khơi, SDB, (1945-2023) cũng có lần noi gương cha sở Chánh Tòa Đà Lạt. Anh chị Xuyên Thảo lấy nhau đạo ai nấy giữ. Buổi chiều trước hôm giáp 5 năm lễ cưới của họ, ngài ghé thăm chúc mừng. Anh chị Xuyên Thảo hết sức vui. Thế rồi đúng một tuần sau, anh Xuyên đến xin học giáo lý gia nhập Kitô giáo.

Nghe tôi kể đến đó, chị Agata Phượng Linh buột miệng:

- Ủa, thật giống điều Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, giám mục Lạng Sơn mới chia sẻ với chúng con. Dịp kỷ niệm 100 năm Dòng Đức Bà Truyền Giáo hiện diện tại Việt Nam vừa qua, ngài ghé thăm dâng lễ tại nhà chúng con. Ngài nói: Cả khi coi nhà trẻ, các chị cũng nên xin cha mẹ các cháu cho biết ngày thành hôn của họ. Có thể bất ngờ tin nhắn chúc mừng của các chị đến đúng vào lúc họ đang lục đục, họ sẽ vượt qua và cháu bé được vui hưởng bầu khí gia đình thật sự hạnh phúc. Tới bao giờ họ tin Chúa, xin để tùy Chúa, nhưng rõ là chất men hạnh phúc của Nước Trời đã qua tin nhắn của các chị mà dậy lên trong gia đình họ.

Dấu nhân không nằm ở những con số, nhưng nằm ở phẩm chất hạnh phúc của các gia đình; cụ thể, thánh lễ tạ ơn kỷ niệm thành hôn theo tháng sẽ làm dậy lên chất men hạnh phúc của hôn nhân. Nó sẽ khiến cho các gia đình thúc giục lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau gia tăng hạnh phúc. Giữa lúc cuộc khủng hoảng hôn nhân lan khắp hành tinh, thánh lễ giản dị hàng tháng ấy sẽ gợi hứng để các gia đình con cái Chúa quả cảm lội ngược dòng và làm lan tỏa hạnh phúc.

Cha sở Tuy Hòa, Linh mục Antôn Nguyễn Huy Điệp dự báo đầu năm tới sẽ có những gia đình lương dân rủ nhau theo chân các bạn Công giáo tham dự lễ tạ ơn mừng kỷ niệm thành hôn.

Nếu thấy khó tin, chiều ngày 15 tháng này, mời bạn đến tiền đường nhà thờ Tuy Hòa khoảng nửa giờ trước thánh lễ, quan sát và lắng nghe rồi sẽ hiểu tại sao việc thường xuyên ôn lại ơn bí tích hôn phối chính là một dấu nhân của hạnh phúc.

Song Mỹ, 09/06/2024

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh

 

TUY HÒA, CÙNG CHUNG MỪNG HẠNH PHÚC HÔN NHÂN

Được biết Giáo xứ Tuy Hòa tổ chức lễ tạ ơn mừng kỷ niệm thành hôn vào ngày 15 mỗi tháng, cha Trưởng ban Loan báo Tin mừng (LBTM ) Giáo phận Qui Nhơn, Linh mục Giuse Nguyễn Đình Bút ngỏ ý vào tham dự buổi tổ chức thứ ba, nhằm 15-3-2024, nhưng cha xứ Tuy Hòa xin khất lại vài tháng, đợi có thêm kinh nghiệm. Buổi lễ 15-4 đã khá tốt, cho nên 15-5 này cha Bút và ba anh em trong Ban Loan báo Tin mừng Hạt Bồng Sơn đã vào dự, tôi cũng có dịp đi theo. Gần 3 giờ chiều, chúng tôi được cùng trao đổi với cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, chính xứ Tuy Hòa, và cha phó Matthêô Nguyễn Kim Phê hơn một giờ tại phòng khách nhà xứ.

Kinh nghiệm tổ chức

Cha Điệp cho biết hai lần đầu giáo dân chưa hiểu ý nghĩa cho nên chưa mấy ai hưởng ứng. Qua lần thứ ba và thứ tư, số gia đình tích cực tham gia đã đông hơn. Hình ảnh những lễ kỷ niệm 25 năm, 50 năm trước đây khiến nhiều người tưởng mình sẽ bị lôi kéo vào những chuyện hình thức rình rang, phức tạp, cho nên họ ngại. Bây giờ, họ hiểu rằng đây không phải chuyện phú quý sinh lễ nghĩa nhưng là dịp giúp các gia đình cùng ôn lại ân sủng bí tích hôn phối và cùng nhắc nhau vun vén hạnh phúc gia đình. Không có gì tốn kém, cả việc góp tiền xin lễ cũng không. Các gia đình trong cuộc chỉ đến để được linh mục và cộng đoàn giáo xứ cầu nguyện cho. Thế là họ tham gia tích cực, mặc đồ đẹp, xin xưng tội dọn lòng, tự động ngồi theo gia đình. Dần dần, cả những gia đình đã kết hôn trong các tháng khác cũng tỏ ra quan tâm, nhắc nhở thân nhân và bạn hữu có lễ kỷ niệm trong tháng này. Mấy hôm nay, chưa tới ngày 15, đã thấy rộn ràng. Chiều nay, lần thứ năm, chắc hẳn sẽ đông hơn hẳn các lần trước.

Mời xem bài: TUY HÒA KỶ NIỆM THÀNH HÔN THEO THÁNG

Cha Điệp cho biết dự tính về sau có thể sẽ có những buổi tĩnh tâm chuẩn bị, cha chủ tế sẽ đón ở cuối nhà thờ để rước lên… Những ngày có thể, sẽ cử hành lễ ngoại lịch cầu cho các gia đình. Nếu được, mỗi tháng sẽ mời một cha khách chủ lễ và giảng, các ngài sẽ trân trọng, dọn bài giảng chu đáo, hướng về hạnh phúc gia đình, có những điểm mới, cộng đoàn sẽ háo hức đón nghe.

Một mô hình truyền giáo

Cha Bút cho rằng mô hình lễ tạ ơn mừng kỷ niệm thành hôn theo tháng là một hoạt động mục vụ nhằm chăm sóc hạnh phúc các gia đình nhưng về lâu về dài sẽ có hiệu quả loan báo Tin mừng cao, cả về đối nội và đối ngoại.

Đối nội: Mô hình này hứa hẹn đem lại sức sống mới cho các gia đình và cho cả giáo xứ. Tháng nào cũng tổ chức, các đôi bạn trong xứ sẽ thường xuyên có dịp nhìn lại ơn bí tích hôn phối của mình, với cái nhìn của đức tin và đức trông cậy. Mô hình này giản dị, dễ tham gia, giáo dân sẽ hưởng ứng, nhắc nhau, nhiều gia đình của các tháng khác cũng sẽ dự lễ, cầu nguyện cho nhau. Nó cũng giúp kịp thời chữa lành, nếu đợi đến lúc có nguy cơ đổ vỡ, các hội viên Legio đến phân giải thì đã muộn rồi.

Đối ngoại: Người trong cuộc thấy mình hạnh phúc, sẽ chia sẻ với người khác cách hồn nhiên về kinh nghiệm xây dựng hạnh phúc. Việc chia sẻ này sẽ khởi đầu cho kinh nghiệm loan báo Tin mừng bằng chứng từ cuộc sống, từ đó, giáo dân sẽ tự tin hơn trong việc chia sẻ đức tin cho người chung quanh. Mỗi gia đình Công giáo có nhiều gia đình bạn bên lương, qua trao đổi, chia sẻ về việc mừng kỷ niệm thành hôn theo tháng, họ sẽ khám phá ra vẻ đẹp cũng như khả năng hạnh phúc lâu bền của hôn nhân Công giáo và họ sẽ được thu hút đến với Chúa, đến với Hội thánh.

Bầu khí mừng thấy nhau hạnh phúc

Hơn 5 giờ chiều, tôi bước lên sân nhà thờ. Chưa kịp chào hỏi, nhiều người đã kéo tới, nhao nhao kể tên những gia đình có kỷ niệm thành hôn trong tháng 5. Cả một bầu khí những anh chị em mừng thấy nhau hạnh phúc.

Có 26 gia đình đưa nhau lên những dãy ghế dành riêng… Gia đình kỳ cựu nhất là 51 năm hôn phối, gia đình trẻ nhất chỉ mới một năm. Có một gia đình đã cử hành hôn lễ đúng ngày này 21 năm trước. Có 3 gia đình hiện là chức việc trong giáo xứ. Có hai trường hợp “tam đại đồng bàn”: Cả ông bà và bố mẹ cùng có kỷ niệm lễ thành hôn trong tháng năm, con cháu chen nhau cùng dãy ghế với hai cặp cô dâu chú rể ngày xưa… Từ cung thánh nhìn xuống là cả một Dân Chúa rạng rỡ muôn màu muôn vẻ trong Chúa Thánh Thần, không phân biệt nam nữ, lớn bé, già trẻ, giàu nghèo…

Mở đầu thánh lễ, cha sở chào mừng và giới thiệu các gia đình mừng lễ kỷ niệm cùng các linh mục đồng tế. Ngài vui mừng thấy mọi người đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày lễ; và cám ơn các gia đình trong cuộc đã tích cực hưởng ứng.

Các lời nguyện và Lời Chúa đều là của ngày hôm nay, Thứ Tư tuần VII Phục sinh. Bài Tin mừng trích lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc ly: Chúa sai các môn đệ vào thế gian, Ngài cầu xin Chúa Cha gìn giữ họ, cho họ được hiệp nhất yêu thương và được thánh hóa. Linh mục giảng lễ nhấn mạnh: Hôm nay, tại nhà thờ này, chính Chúa Giêsu đang cầu nguyện như thế cho các gia đình là những Hội thánh nhỏ của Ngài.

Thật là ơn quan phòng. Mới sáng nay cha Giuse Trần Văn Lưu, từ Tổng giáo phận Sài Gòn về thăm giáo xứ quê nhà, tặng cha sở Tuy Hòa 30 phần quà gồm những tập sách mỏng về Lời Chúa. Cha sở quyết định tặng luôn cho các gia đình mừng lễ tháng này.

- Rồi tháng sau lấy gì tặng, cha?

- Chúa sẽ lo.

Sau lời nguyện kết lễ, cha Điệp nói ngắn gọn về sức mạnh của Lời Chúa đối với hạnh phúc gia đình, rồi mời đại diện các gia đình lên nhận quà. Sau đó một đại diện các gia đình mừng lễ tháng này, nói lời cám ơn cha sở, quý cha và cộng đoàn.

Khi chụp ảnh lưu niệm, một người nói:

- Năm nào cũng được chụp ảnh như vầy, mình sẽ có một album ghi lại được lịch sử gia đình.

Một ngày lễ gia đình

Thật tuyệt vời khi mỗi tháng có một ngày cho mọi người trong giáo xứ cùng nghĩ đến hạnh phúc gia đình mình và các gia đình thân hữu. Mỗi gia đình một hoàn cảnh. Có nhà khi được mời dự lễ đã thốt lên: “Gia đình tôi nghèo mà, lễ lạc làm gì?” – “Chị lầm rồi, không tốn kém gì cả, anh chị và các cháu cùng đi lễ để giáo xứ chúc mừng và cầu nguyện cho anh chị thôi mà!” Giờ đây họ thấy cuộc lễ là một an ủi lớn cho gia đình họ.

Một người khác, tháng 8 mới đến ngày kỷ niệm:

- Tháng trước lễ xong con đã phải coi lại ngày của gia đình mình. Giáo xứ đã nhắc nhở chúng con nhớ lại tình yêu của mình thì chúng con phải có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc của mình chớ! Mải lo làm ăn, quên lo hạnh phúc gia đình, giật mình nhìn lại mới thấy thật đáng sợ! May mà giờ đây có ngày lễ hằng tháng.

- Đúng thế. Cần có một điểm nhấn, để các gia đình sống lại kỷ niệm và làm mới lại tình yêu, ít là mỗi năm ôn lại một lần.

Cứ thế, rồi ngày 15 mỗi tháng sẽ thành ngày lễ cho các gia đình trong giáo xứ, đem lại lửa mới cho cuộc sống gia đình, không riêng những gia đình có kỷ niệm trong tháng mà cả những gia đình khác cũng được nhắc nhở. Hồn nhiên, chẳng có gì cầu kỳ. Tôi hỏi một gia đình có hai con nhỏ:

- Bây giờ về nhà hả?

- Chúng con đi ăn tiệm. Nào các con muốn ăn gì?

- Ba ơi, bò lá lốt đi!

… Vâng, chỉ thịt bò nướng lá lốt thôi nhưng tấm lòng cho nhau đủ làm nên ngày lễ gia đình.

Nguồn động viên chung

Sau bữa ăn tối với cha sở và hai cha phó, chúng tôi rời nhà xứ Tuy Hòa lúc 8g00 dể về lại Quy Nhơn và Bắc Bình Định. Trên xe, anh em ban Truyền giáo hạt Bồng Sơn còn tiếp tục trao đổi khoảng nửa giờ về đề tài hạnh phúc gia đình trong công cuộc loan báo Tin mừng.

- Đây là một việc mục vụ trong tầm tay, nhiều hứa hẹn.

- Ngày càng nhiều người quan tâm, tạo bầu khí mới.

- Cần giữ vững tinh thần nghèo khó, tuyệt đối không liên hoan, ăn uống, đóng góp tốn kém… một số gia đình sẽ vì thế mà ngần ngại không tham gia.

- Mọi người cùng quan tâm đến hạnh phúc gia đình, quan tâm đến nhau, tích cực động viên nhau, nâng đỡ nhau.

- Giáo dân cùng tham gia xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn loan Tin mừng, cách hồn nhiên.

- Gia đình hạnh phúc, giáo xứ ấm cúng, ánh sáng sẽ lan tỏa nhanh.

- Một dịp để gắn kết thân tình giữa mọi người trong giáo xứ cũng như giữa giáo dân và cha sở cách hồn nhiên.

- Hữu xạ tự nhiên hương, mô hình này rồi sẽ có tiếng vang đến anh chị em lương dân, khiến những gia đình đang gặp khó khăn có thêm một hướng suy tư, và tìm được đáp án tích cực cho hoàn cảnh của họ.

Kết thúc phần trao đổi, cha Trưởng ban Loan báo Tin mừng lên kế hoạch sẽ sớm thực hiện mô hình này tại giáo xứ của ngài, giáo xứ Gia Chiểu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Cuộc chiến không ngang sức

Tóm lại, ngày xưa Đức Mẹ xin Chúa Giêsu và Chúa đã làm dấu lạ đầu tiên để cứu vãn hạnh phúc gia đình tại tiệc cưới Cana, và nhờ đó các môn đệ đã tin vào Ngài. Ngày nay, chúng ta cũng nài xin Chúa cứu chữa và giữ bền hạnh phúc các gia đình con cái Chúa để mọi người nhận biết có Chúa đang hiện diện giữa cộng đoàn Hội thánh và tin vào Chúa.

Vâng, cuộc khủng hoảng gia đình hiện đang đe dọa toàn thế giới. Buổi đầu lịch sử, thần dữ đã tìm cách phá hỏng hạnh phúc gia đình Nguyên tổ Adong – Evà. Đến thời thịnh vượng vật chất hiện nay, nó vận dụng não trạng tôn sùng tiền bạc của cải, phương tiện truyền thông và khoa học kỹ thuật, khiến biết bao gia đình bị tan vỡ, cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng và lan nhanh khủng khiếp. Giữa hoàn cảnh ấy, cố gắng của cha sở và anh chị em tín hữu giáo xứ Tuy Hòa xuất hiện như một dấu chứng của đức tin, hoàn toàn tin cậy vào ơn Chúa Thánh Thần để lội ngược dòng. Ngược với tiền bạc vật chất là tinh thần nghèo khó, ngược với sự tâng bốc danh vọng là tinh thần khiêm nhường đơn sơ bé nhỏ, ngược với não trạng sùng bái khoa học kỹ thuật là tình thân ái hiệp thông của cộng đoàn Dân Chúa. Nỗ lực này không gì khác hơn là nỗ lực sống theo tinh thần Tám mối Phúc thật của Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã hô hào và lên kế hoạch trong tông huấn “Tiếng gọi nên thánh trong thế giới ngày nay” (còn gọi là Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ”).

So với sức mạnh vũ bão của cơn lốc tục hóa, chút hơi ấm nhẹ nhàng này chỉ như châu chấu đá xe. Thế nhưng, người xưa có nói: “tưởng chừng chấu ngã ai dè xe lăn”. Một giáo xứ rồi nhiều và thêm nhiều giáo xứ. Đang khi thần tục hóa uy hiếp Dân Chúa còn hơn Gôliát uy hiếp dân Do Thái xưa, đoàn dân nhỏ bé của Chúa chỉ cậy vào sức mạnh của Mình thánh Chúa, Lời Chúa và ơn Chúa Thánh Thần, để dõng dạc lặp lại câu trả lời của cậu bé Đavít: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Israel mà mày thách thức” (1Sm 17,45).

Và lịch sử còn ghi nhớ mãi là Đavít đã thắng Gôliát.

Lm. Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Tòa Giám mục Qui Nhơn,
Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống 2024