
Hát lên mừng chúa một bài ca mới - Chút tâm tình về Đức Giáo hoàng Lêô XIV
Đình Chẩn
WGPPD (18/5/2025) - Sáng thứ Sáu, ngày 09 tháng 5 năm 2025, chỉ một ngày sau khi được bầu chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô, Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn tại Nhà nguyện Sistina cùng với các Hồng y, chính thức bế mạc Mật nghị. Ngay mở đầu bài giảng, ngài ứng khẩu đầy xúc động: “Tôi muốn lặp lại lời trong Thánh vịnh Đáp ca: ‘Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện bao kỳ công’”
Trong lịch sử Giáo hội, có những sự kiện tưởng chừng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng khi được nhìn bằng lăng kính đức tin, ta nhận ra ở đó một điều gì đó rất thiêng liêng, một sự an bài nhiệm mầu. Nhân dịp Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV khai mạc sứ vụ Phêrô, 18/5/2025, người viết xin được chia sẻ một suy tư nhỏ, nối kết hai thời đại, hai tình bạn và hai sứ vụ, như một dấu chỉ tuyệt vời của ân sủng nối tiếp trong lịch sử Hội thánh: Thánh Phanxicô Assisi và thầy Lêô xưa – Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo hoàng Lêô XIV hôm nay.
1. Thánh Phanxicô và sư huynh Lêô – tình bạn trong Thánh Thần
Thánh Phanxicô Assisi có một người bạn đồng hành thân thiết, gần gũi cách đặc biệt trong những năm cuối đời, đó là sư huynh Lêô (tiếng Ý là Leone). Dù không thuộc nhóm mười một người đầu tiên cùng Phanxicô đến Rôma yết kiến Đức Giáo hoàng Innôcentê III năm 1210, nhưng thầy Lêô đã gia nhập Dòng sau khi Phanxicô trở về Assisi. Từ đó, thầy trở thành người bạn trung thành, người chứng nhân thầm lặng và người em không thể tách rời của Thánh nhân, đặc biệt trong những tháng năm Phanxicô mang các dấu thánh trên thân thể.

Thánh Phanxicô và thầy Lêô
Có lần, chứng kiến cảnh thánh nhân phải trải qua những đau khổ khôn lường, thầy Lêô rơi vào khủng hoảng thiêng liêng. Cảm nhận được thử thách đức tin nơi người bạn nhỏ bé của mình, năm 1224, Phanxicô đã viết tay một lời chúc lành để lại cho thầy Lêô – một cử chỉ đơn sơ nhưng chất chứa linh đạo sâu xa:
“Xin Chúa chúc lành và gìn giữ anh.
Xin Ngài tỏ Thánh Nhan và dủ lòng thương anh.
Xin Chúa ghé mắt nhìn và ban cho anh bình an.
Xin Chúa chúc lành cho anh, người anh em Lêô.”

Bản chép tay lời chúc lành của thánh Phanxicô
Lời chúc ấy được ghi lại trên một mảnh da thuộc nhỏ, hiện còn được lưu giữ tại Assisi. Bản sao của tài liệu quý giá này còn được trưng bày tại Hành lang Dấu Thánh ở La Verna. Không dài dòng, không trau chuốt, nhưng chính sự giản dị của từng nét chữ lại là sức mạnh, là dấu ấn của một tình bạn thiêng liêng – nơi mà sự hiện diện âm thầm còn vang vọng hơn ngàn lời giảng dạy.
Thánh Phanxicô gọi sư huynh Lêô là “Chiên con của Thiên Chúa” – người anh em nhỏ bé, đơn sơ và trung tín. Dù không giảng thuyết, không lập đại công, nhưng chính sự đồng hành, sự ở lại đến cùng bên người bạn chịu thương tích đã làm nên dấu ấn không thể phai mờ trong linh đạo Phanxicô. Sau khi Phanxicô qua đời, chính thầy Lêô là người gìn giữ những bản văn gốc, những lời của Thánh nhân, và trở thành nhân chứng sống động của tinh thần nguyên thủy của Dòng.
2. Đức Giáo hoàng Phanxicô và Đức Giáo hoàng Lêô XIV – hai thời đại, một tinh thần
Ngày 13 tháng 3 năm 2013, thế giới kinh ngạc chứng kiến một vị Giáo hoàng đến từ Nam bán cầu, chọn cho mình tông hiệu “Phanxicô” – điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo hội. Từ đó, Đức Phanxicô trở thành dấu chỉ của một Giáo hội bước ra khỏi toà nhà an toàn, để đến với người nghèo, người bị loại trừ, với một tinh thần nghèo khó của Tin mừng.
Và rồi sau khi Đức Phanxicô về Nhà Cha, thế giới lại một lần nữa ngỡ ngàng khi thấy một Hồng y người Mỹ, vốn không nằm trong danh sách “ứng viên hàng đầu”, được bầu làm Giáo hoàng. Ngài chọn tông hiệu là Lêô XIV, lấy cảm hứng từ Đức Giáo hoàng Lêô XIII – vị Giáo hoàng tiên phong về học thuyết xã hội Công giáo. Trong lời chào đầu tiên với thế giới, Đức Lêô XIV mở đầu bằng một cụm từ đơn sơ mà đầy sức nặng thiêng liêng: “Bình an cho tất cả anh chị em” – Sự bình an của chính Đấng Phục Sinh, đồng thời như một sự vang vọng từ lời chúc lành của Thánh Phanxicô xưa.
Tưởng chừng tông hiệu "Lêô" chẳng liên quan đến Phanxicô, nhưng khi nhìn kỹ lại hành trình của Đức tân Giáo hoàng, người ta nhận ra một sợi chỉ nối ẩn hiện: Mối tương giao sâu đậm giữa ngài với Đức Phanxicô – không chỉ như một người kế nhiệm, mà như một người môn đệ. Chính Đức Lêô XIV đã chia sẻ:
“Tôi luôn ấn tượng về một người luôn sống Tin mừng một cách chân thực và hội nhất. Khi còn là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, trong vài lần đến các cộng đoàn tại Argentina, tôi đã có cơ hội gặp và trao đổi với Đức cố Giáo hoàng – khi ấy còn là Hồng y – về nhiều vấn đề mục vụ và thể chế.”
Sau này, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đức Lêô XIV đã có những buổi làm việc định kỳ với Đức Phanxicô mỗi sáng thứ Bảy. Chính qua những cuộc gặp gỡ đều đặn ấy, một mối liên kết sâu sắc được hình thành. Trong bài giảng đầu tiên sau khi được bầu, Đức Lêô XIV đã nhấn mạnh:
“Đây là thế giới được trao phó cho chúng ta, nơi mà, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở, chúng ta được mời gọi làm chứng cho niềm tin vui mừng vào Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Vì thế, cũng chính chúng ta cần lập lại với lòng xác tín: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).

Ngài còn chia sẻ, trong bài ký ức của Đức tân Giáo hoàng về vị tiền nhiệm:
“Tôi nghĩ sứ điệp Tin mừng được hiểu rõ hơn từ kinh nghiệm sống đức tin của người nghèo – những người chẳng có gì nhưng vẫn tìm thấy mọi sự nơi Chúa Giêsu Kitô. Đức Phanxicô đã để lại một mẫu gương tuyệt vời cho thế giới.”
Có thể nói, Thánh Phanxicô đã từng có sư huynh Lêô trung tín đồng hành, thì Đức Phanxicô cũng để lại một người kế nhiệm – Đức Lêô XIV – với một trái tim đồng điệu và một khát vọng phục vụ trong tinh thần nghèo khó. Không phải sự lặp lại, nhưng là sự tiếp nối thiêng liêng.
3. Lịch sử không lặp lại, nhưng ân sủng vẫn tiếp diễn
Việc Đức Hồng y Robert Francis Prevost được bầu làm Giáo hoàng sau Mật nghị Hồng y vừa qua đã làm cho rất nhiều người bất ngờ. Đôi khi chính nơi những điều bất ngờ, Thiên Chúa bày tỏ quyền năng yêu thương của Ngài. Không phải ngẫu nhiên, nhưng là dấu chỉ. Khi Đức Lêô XIV thốt lên: “Bình an cho tất cả anh chị em”, đó không chỉ là lời chúc mang tính xã giao, nhưng là sự lặp lại – trong Chúa Thánh Thần – lời chúc xưa kia: “Chúc anh bình an, người anh em Lêô.”
Một lời chúc từ Phanxicô đến Lêô – xưa và nay – được nối kết bằng ân sủng của Đấng Phục Sinh. Đó không chỉ là một sợi dây tên gọi, nhưng là tinh thần Đức Phanxicô đang âm thầm lan tỏa trong triều đại Đức Lêô.
Và như để khép lại trong lời ca ngợi Thiên Chúa, xin được trích lại bài nguyện “Laudes Dei Altissimi” – bài ca mà Thánh Phanxicô đã dâng lên Thiên Chúa và chia sẻ cho sư huynh Lêô – như một tiếng vọng của đức tin và lòng chiêm niệm:
Bài ca ngợi Thiên Chúa (Laudes Dei Altissimi):
Lạy Chúa là Đấng Thánh, chỉ mình Ngài là Thiên Chúa,
Đấng thực hiện những kỳ công.
Ngài là Đấng mạnh mẽ, Ngài là Đấng cao cả,
Ngài là Đấng tối cao, Ngài là Đấng toàn năng,
Ngài là Cha chí thánh, là Vua trời đất.
Ngài là Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất,
Lạy Chúa là Thiên Chúa của muôn thần.
Ngài là sự thiện, là nguồn thiện hảo, là điều thiện tối thượng,
Là Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Ngài là Tình Yêu, là Bác Ái;
Ngài là Khôn Ngoan, là Khiêm Hạ,
Ngài là Nhẫn Nhục, là Vẻ Đẹp, là Hiền Lành,
Ngài là An Toàn, là Bình An, là Niềm Vui.
Ngài là Niềm Hy Vọng và Hân Hoan của chúng con,
Ngài là Công Chính, là Tiết Độ,
Ngài là tất cả sự giàu có dồi dào của chúng con.
Ngài là Đấng Bảo Vệ, là Người Canh Giữ và Bênh Vực chúng con,
Ngài là Sức Mạnh, là Nguồn Ủi An.
Ngài là Niềm Hy Vọng của chúng con, là Đức Tin của chúng con,
Ngài là Đức Ái của chúng con,
Ngài là tất cả sự dịu dàng của chúng con,
Ngài là sự sống vĩnh cửu của chúng con,
Lạy Chúa cao cả và diệu kỳ,
Thiên Chúa toàn năng, Đấng Cứu Độ đầy lòng thương xót.
Đình Chẩn, Phát Diệm, ngày 18 tháng 5 năm 2025 – kỷ niệm Đức Lêô XIV khai mạc sứ vụ Phêrô.
Nguồn: phatdiem.org