
Dạy giáo lý và Phúc âm hoá trong thời đại trí tuệ nhân tạo (ai)
Phaolô Phạm Xuân Khôi
AI cung cấp các công cụ có giá trị để hỗ trợ công tác Phúc âm hoá và dạy giáo lý – nhưng chỉ khi nó được sử dụng với sự chính trực về đạo đức, trung thành về thần học và phân định tâm linh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua các giáo huấn của Huấn quyền.
WTGPHN (16/5/2025) - Tân chỉ nam huấn giáo (2020) khẳng định rằng thế giới kỹ thuật số là một không gian quan trọng cho công cuộc Phúc âm hoá và dạy giáo lý, định hình cách con người tìm kiếm, gặp gỡ và đáp lại đức tin. Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng thay đổi bối cảnh này. Từ các công cụ tìm kiếm và chatbot do AI điều khiển trả lời các câu hỏi thần học, đến các thuật toán biên tập nội dung tâm linh, kỹ thuật càng ngày càng đóng vai trò trung gian trong việc con người tiếp xúc với các ý tưởng tôn giáo lần đầu tiên.
Sự thay đổi này mang lại tiềm năng lớn nhưng cũng gây ra nhiều lo ngại nghiêm trọng. Đức Giáo hoàng Lêô XIV cảnh báo rằng mặc dù AI có thể hỗ trợ công cuộc truyền giáo, nhưng nó không bao giờ được thay thế lương tâm con người, khả năng phân định tâm linh hoặc cuộc gặp gỡ cá nhân, là những điều cốt yếu trong sứ vụ của chúng ta. Công nghệ kỹ thuật phải phục vụ nhân loại chứ không thay thế con người. Hội thánh phải tiếp cận AI bằng cả sự sáng tạo lẫn thận trọng, đảm bảo rằng AI luôn phù hợp với Tin mừng và phẩm giá con người.
1. Phúc âm hóa và dạy Giáo lý trong nền văn hóa kỹ thuật số
Thế giới kỹ thuật số không còn chỉ là một công cụ truyền thông nữa mà còn là một môi trường văn hóa ảnh hưởng sâu xa đến căn tính, các mối quan hệ và thế giới quan của người sử dụng. Đặc biệt đối với thế hệ trẻ, các phương tiện kỹ thuật số có thể hình thành những nhận thức về chân lý, cộng đồng và mục đích của cá nhân.
Để truyền đạt Tin mừng và dạy giáo lý một cách hiệu quả, Hội thánh phải cần bước vào môi trường này – không chỉ bằng nội dung, mà còn với sự hiện diện đích thực của Kitô giáo.
Tạo nội dung nhờ AI
Trí tuệ nhân tạo có thể tăng cường công tác truyền giáo và dạy giáo lý bằng cách hợp lý hóa việc tạo nội dung và tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Một số cách AI có thể đóng góp bao gồm:
- Chuẩn bị bài giảng và bài suy niệm: AI có thể phân tích Thánh kinh, gợi ý bối cảnh lịch sử và giúp xây dựng cấu trúc bài giảng, giúp các giáo sĩ tập trung vào việc suy niệm cá nhân và chăm sóc mục vụ.
- Giúp soạn bài giáo lý: AI có thể hỗ trợ giáo lý viên chuẩn bị bài học hiệu quả hơn bằng cách cung cấp tài liệu tham khảo nhanh, hình ảnh minh họa, trò chơi và các công cụ khác để làm cho lớp học trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.
- Tạo video và đồ họa truyền giáo: Các công cụ AI có thể tạo ra hình ảnh và video hấp dẫn giúp đơn giản hóa các khái niệm thần học cho nhiều đối tượng hơn.
- Tiếp cận mạng xã hội tự động: Các công cụ do AI điều khiển có thể lên lịch và tối ưu hóa các nội dung Công giáo, đảm bảo sự tương tác và tiếp cận tốt hơn.
Nếu được sử dụng một cách có trách nhiệm, AI có thể làm cho tiếng nói của Hội thánh được lan rộng hơn, giúp cho sứ điệp của Đức Kitô dễ tiếp cận hơn trong thế giới kỹ thuật số ồn ào ngày nay.
2. Những thách đố của truyền thông kỹ thuật số
Mặc dù các nền tảng kỹ thuật số cung cấp khả năng truy cập thông tin và kết nối rộng rãi, chúng cũng gây ra những rủi ro như sự tương tác hời hợt, thông tin sai lệch và mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên yếu kém. Hội thánh phải vượt qua những thách đố này bằng sự khôn ngoan và sáng suốt, đảm bảo việc sử dụng kỹ thuật số trong việc dạy giáo lý bổ túc chứ không thay thế các cuộc gặp gỡ cá nhân.
Các rủi ro tiềm ẩn của việc quá phụ thuộc vào AI
- Mất tính xác thực: AI có thể tạo ra nội dung, nhưng lại thiếu đức tin sống động và chứng tá cá nhân cần thiết cho công cuộc Phúc âm hóa và dạy giáo lý thực sự.
- Thông tin sai lệch và thiên vị: Thuật toán (algorithms) có thể làm lan rộng những sai lầm về thần học vì nó không phân biệt được điều gì là đúng hay sai trong giáo lý. Nó cũng có thể được sử dụng để tuyên truyền các lập luận chống Công giáo hoặc các tư tưởng thế tục.
- Thay thế sự hiện diện của con người: Chỉ được dùng AI để hỗ trợ chứ không phải thay thế giáo lý viên, linh mục và các môn đệ truyền giáo.
Tân chỉ nam huấn giáo nhắc nhở chúng ta rằng việc Phúc âm hóa về cơ bản là có tính quan hệ và đòi hỏi sự đồng hành cá nhân (x. CNHG 113). AI có thể trợ giúp nhưng không bao giờ có thể thay thế vai trò của con người.
3. Vai trò của các nhà truyền giáo kỹ thuật số
Trong môi trường mới này, các giáo lý viên và các người rao giảng Tin mừng phải trở thành những nhà truyền giáo kỹ thuật số. Họ không chỉ là người sáng tạo nội dung mà còn là những chứng nhân đích thực hướng dẫn người khác đến với đức tin. Mục tiêu cuối cùng là đồng hành cùng học viên trên cuộc hành trình thiêng liêng, đưa họ từ tương tác trực tuyến đến một sự gắn bó chặt chẽ hơn với Hội Thánh.
AI trong công cuộc truyền giáo
- Các ứng dụng học Thánh kinh và Giáo lý bằng AI: Các ứng dụng này cung cấp các bài suy niệm theo đúng thời biểu và các chương trình học tập được cá nhân hóa, giúp người sử dụng phát triển đức tin.
- Phụ tá trong việc Phúc âm hóa ảo: Các chatbot hỗ trợ AI thu hút người tìm kiếm vào các cuộc thảo luận dựa trên đức tin và sau đó kết nối họ với những cố vấn thực sự.
- AI trong công tác truyền giáo đa ngôn ngữ: Các công cụ dịch thuật AI có thể phá vỡ rào cản ngôn ngữ, giúp nỗ lực truyền giáo trở nên toàn diện hơn.
Việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số ngày nay cũng giống như Thánh Phaolô đã sử dụng các con đường ở Rôma để rao giảng Tin mừng cách hiệu quả hơn, Hội thánh ngày nay có thể sử dụng AI để tiếp cận các đối tượng mới và phá vỡ các rào cản truyền thông.
4. Sử dụng công cụ kỹ thuật số trong việc hình thành đức tin
Tân chỉ nam huấn giáo khuyến khích việc sử dụng có trách nhiệm các nền tảng kỹ thuật số và nội dung đa phương tiện trong việc dạy giáo lý. Tuy nhiên, công nghệ phải phục vụ cho việc đào tạo cá nhân chứ không thay thế nó. Việc dạy giáo lý bằng AI phải kết hợp với các phương pháp truyền thống, đảm bảo tính vững chắc về giáo lý và chiều sâu thần học.
Tài liệu dạy Giáo lý được hỗ trợ bởi AI
- Trò chuyện với chatbot để trả lời các câu hỏi về giáo lý: Trợ lý AI có thể cung cấp câu trả lời tức thì cho các câu hỏi thần học phổ thông đồng thời đảm bảo phù hợp với giáo lý của Hội Thánh nếu biết đặt đúng câu hỏi.
- Lộ trình học tập được cá nhân hóa bằng AI: Các ứng dụng giáo dục có thể thích ứng với phản hồi của người dùng, củng cố những lĩnh vực mà kiến thức về đức tin còn yếu.
- Soạn giáo án và tài liệu bằng AI: Các giáo lý viên có thể sử dụng AI để tạo ra các giáo án giáo lý hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi được soạn riêng cho từng mục đích nhu cầu cụ thể.
Tân chỉ nam huấn giáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các công cụ hiện đại trong việc hình thành đức tin nhưng cảnh báo rằng việc dạy giáo lý thực sự đòi hỏi sự tham gia của con người (x. CNHG, 371).
5. Đào tạo những người truyền giáo và giáo lý viên cho sứ mệnh số
Để Phúc âm hóa cách hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số, các nhà truyền giáo và giáo lý viên cần được đào tạo để có đủ khả năng kỹ thuật và nhạy bén mục vụ. Sứ vụ của họ là bảo đảm rằng việc truyền giáo trên môi trường kỹ thuật số dẫn đưa con người đến một cuộc gặp gỡ đích thực với Đức Kitô và thúc đẩy sự tham gia tích cực vào đời sống Hội thánh.
Các lĩnh vực chính của việc đào tạo giáo lý viên:
- Hiểu được ưu điểm và giới hạn của AI trong công tác truyền giáo và giáo lý.
- Phát triển khả năng phân biệt kỹ thuật số để nhận ra những thông tin sai lạc và việc bóp méo sự thật của những người theo thế tục.
- Nuôi dưỡng những tương tác trực tuyến chân thực dẫn đến những cuộc gặp gỡ thực tế với Đức Ki-tô.
6. Những cân nhắc về đạo đức và tâm linh khi sử dụng AI
Mặc dù AI mang lại nhiều lợi thế, việc sử dụng nó trong việc truyền giáo và dạy giáo lý phải được hướng dẫn bởi những cân nhắc về đạo đức và sự phân định tâm linh.
Chứng tá của con người là điều không thể thay thế được
Việc Phúc âm hoá và dạy giáo lý có mối quan hệ mật thiết với nhau. Mặc dù AI có thể hỗ trợ việc hình thành đức tin, nhưng nó không thể thay thế vai trò của các linh mục, giáo lý viên và nhà truyền giáo, những người đồng hành cùng học viên trên cuộc hành trình đến với Đức Kitô. Bởi vì “Chân lý không chỉ là một ý tưởng mà là một con người: Chúa Giêsu Kitô” (GLCG 2466), nên việc hình thành đức tin phải lấy Đức Kitô làm trung tâm, với AI là một công cụ chứ không phải là người thầy. Đức tin không chỉ được truyền tải qua thông tin mà còn qua mối quan hệ.
Được hướng dẫn bởi tầm nhìn đạo đức của Hội Thánh
Như Đức Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta trong Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới năm 2024, Hội thánh phải đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về vai trò và mục đích của trí tuệ nhân tạo:
- AI vẫn phải là công cụ trong tay con người: AI không thể hoạt động tự chủ hoặc đưa ra quyết định có tính đạo đức hoặc mục vụ. Nó thiếu sự phân định và không thể thay thế sự phán đoán về luân lý cần thiết trong công cuộc truyền giáo hay dạy giáo lý được.
- AI phải nâng cao nhân phẩm và phục vụ những người cô thế: Hội Thánh phải cảnh giác trước nguy cơ các hệ thống AI quyết định quyền được hưởng các dịch vụ hoặc định hình các hoạt động mục vụ mà không có sự giám sát của con người – đặc biệt là khi các hệ thống như vậy có thể bỏ qua người nghèo, người thiệt thòi hoặc người bị kỹ thuật số lại ra.
- Xét lại việc dùng từ “trí tuệ”: Đức Phanxicô đặt câu hỏi quan trọng: “Chúng ta có thật sự muốn tiếp tục gọi là ‘trí tuệ’ những gì thực chất không phải là trí tuệ không?” Việc gán cho trí tuệ nhân tạo (AI) danh xưng này có thể vô tình dẫn chúng ta đến một lối suy nghĩ thiên về kỹ thuật, làm lu mờ sự khôn ngoan đích thực và khả năng phân định tâm linh.
Dựa trên nền tảng này, Đức Lêô XIV đã nhấn mạnh thêm trong các bài huấn từ dành cho Hồng y đoàn và Báo chí rằng trí tuệ nhân tạo không được đảm nhận những vai trò thuộc về lương tâm con người, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến công lý, phẩm giá và lợi ích chung. Công nghệ phải phục vụ Tin mừng – chứ không phải vì hiệu suất hay kiểm soát.
Bảo vệ tính toàn vẹn của Giáo lý
Nội dung do AI tạo ra được lấy từ các nguồn dữ liệu hiện có trên mạng. Nếu không có sự giám sát, nó có thể lan truyền những hiểu lầm về giáo lý Công giáo. Mọi nội dung do AI tạo ra phải được xem xét cẩn thận để đảm bảo tính trung thực với giáo lý của Hội Thánh.
- Nội dung tôn giáo do AI tạo ra phải được xem xét về mặt thần học và giáo lý để đảm bảo rằng chúng phù hợp với Dàn bài học trình Giáo lý (Curriculum or Catechetical Framework) của Hội thánh địa phương.
- Các công cụ AI phải kết hợp các nguồn được Hội thánh chấp thuận, chẳng hạn như sách Giáo lý Công giáo và các văn kiện của Huấn quyền.
“Công nghệ, nếu được sử dụng đúng cách, có thể là một công cụ truyền giáo, nhưng nó không bao giờ được thay thế sự thật.” (Thánh Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 37)
Những rủi ro về đạo đức: sự thiên vị và thông tin sai lệch
Thuật toán AI phản ánh các giả định và quan điểm của những người phát triển chúng. Nếu không có sự giám sát cẩn thận, họ có thể vô tình thúc đẩy các hệ tư tưởng thế tục, thành kiến chống Công giáo hoặc xuyên tạc giáo lý của Hội thánh.
Các bước sử dụng AI có đạo đức:
- Các nhà lãnh đạo có năng lực thần học phải tham gia vào việc phát triển và đánh giá các tài liệu do các công cụ AI tạo ra.
- Các giáo lý viên chỉ nên sử dụng AI để nâng cao sự hiểu biết hoặc giao tiếp, chứ không phải để thay thế sự tương tác của con người hoặc phán đoán thần học.
- Sự hợp tác giữa các nhà thần học, nhà giáo dục và nhà công nghệ Công giáo là điều cần thiết để duy trì sự trung thành về giáo lý và trách nhiệm đạo đức
Như Đức Phanxicô nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo phải luôn phục vụ con người, bảo vệ chân lý, công lý và phẩm giá. (xem Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ 57 năm 2024)
Kết luận
Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách con người tìm kiếm chân lý, xây dựng cộng đồng và khám phá đức tin. Đối với Hội thánh, đây là một món quà của Thiên Chúa quan phòng. AI cung cấp các công cụ có giá trị để hỗ trợ công tác Phúc âm hoá và dạy giáo lý – nhưng chỉ khi nó được sử dụng với sự chính trực về đạo đức, trung thành về thần học và phân định tâm linh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần qua các giáo huấn của Huấn quyền.
Sứ vụ cốt lõi của Hội thánh vẫn là đồng hành với con người – bằng những chứng nhân sống động – những môn đệ cùng bước đi với người khác hướng về Đức Kitô. Khi được tích hợp một cách thận trọng và khôn ngoan, trí tuệ nhân tạo có thể trở thành một phương tiện hỗ trợ: mở rộng khả năng tiếp cận, phá vỡ những ngăn cách và đem Tin mừng đến với lục địa kỹ thuật số, là một lục địa đang không ngừng mở rộng.
Hình: AI
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org