27/08/2024
99
Đức Thánh Cha: Chiến tranh không phải là phương thế giải quyết xung đột và thiết lập công lý
















ĐỨC THÁNH CHA: CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI LÀ
PHƯƠNG THẾ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT VÀ THIẾT LẬP CÔNG LÝ

Ngày 24/8, tiếp các thành viên của Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công giáo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh phải từ bỏ tư tưởng cho rằng chiến tranh là một phương tiện giải quyết xung đột và thiết lập công lý.

Vatican News

Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công giáo là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2010 nhằm giáo dục, trao quyền và kết nối một thế hệ lãnh đạo Kitô mới đang phục vụ tại các cơ quan công quyền, bất kể đảng phái chính trị, bằng việc cung cấp cho họ sự đào tạo về phương diện tâm linh và giáo lý cũng như những cơ hội kết nối toàn cầu. Mạng lưới này cũng tham gia vào việc giúp xây dựng cầu nối giữa các nhà lãnh đạo chính trị, các quốc gia, các tổ chức phi lợi nhuận, và các Giáo hội trong một thế giới đang chìm trong khủng hoảng.

Trong buổi tiếp kiến, đi từ chủ đề “Thế giới đang ở trong chiến tranh: Khủng hoảng và xung đột kéo dài - Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta?” của cuộc gặp gỡ lần thứ 15 của tổ chức, Đức Thánh Cha nói rằng trước thực trạng thế giới như vậy trách nhiệm không chỉ của các nhà lập pháp nhưng còn của tất cả mọi người nam nữ thiện chí, đặc biệt những người được truyền cảm hứng từ tầm nhìn Tin Mừng về sự hiệp nhất của gia đình nhân loại và ơn gọi xây dựng một thế giới huynh đệ, công lý và hòa bình.

Đức Thánh Cha đưa ra ba điểm mời mọi người suy nghĩ. Thứ nhất, phải từ bỏ tư tưởng cho rằng chiến tranh là một phương tiện giải quyết xung đột và thiết lập công lý. Ngài nói: “Lương tâm chúng ta phải bị lay động bởi những cảnh chết chóc và hủy diệt hàng ngày trước mắt.  Chúng ta cần lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, những góa phụ và trẻ mồ côi mà Kinh Thánh nói đến, để nhìn thấy vực thẳm của sự dữ ở trung tâm chiến tranh và quyết tâm bằng mọi cách có thể để chọn hòa bình”.

Điểm thứ hai được Đức Thánh Cha nói đến là sự kiên trì và bền chí trong việc theo đuổi con đường hòa bình, qua đàm phán, hòa giải và trọng tài.  Hơn nữa, cần phải đặc biệt chú ý đến việc duy trì luật nhân đạo quốc tế và hơn bao giờ hết phải cung cấp cho nó những nền tảng pháp lý vững chắc.

Cuối cùng, theo kinh nghiệm hàng ngày của các nhà lập pháp Công giáo và các nhà lãnh đạo chính trị, Đức Thánh Cha nói các thành viên của Liên mạng quốc tế các nhà lập pháp Công giáo biết thế nào là đối phó với xung đột ở quy mô nhỏ, nhưng không kém căng thẳng, trong các cộng đồng mà họ đang phục vụ. Ngài nhấn mạnh: là Kitô hữu, chúng ta nhận ra rằng gốc rễ của xung đột. Trong một cuộc xung đột, sự phân mảnh và đổ vỡ sâu xa hơn trong xã hội hiện diện trong trái tim con người phải được tìm thấy. Xung đột đôi khi không thể tránh khỏi, nhưng chúng chỉ có thể được giải quyết một cách hiệu quả trong tinh thần đối thoại và hiểu người khác và lý do của họ, và trong sự dấn thân chung đối với công lý trong việc theo đuổi công ích.

Đức Thánh Cha kết luận: “Thế giới chúng ta đang mệt mỏi vì chiến tranh, cần phải làm sống lại tinh thần hi vọng đã dẫn đến việc thiết lập các cơ cấu hợp tác để phục vụ hòa bình sau Thế chiến thứ hai”. Ngài mời gọi các chính trị gia Kitô giáo trở thành những chứng nhân niềm hi vọng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, bởi vì đối người trẻ điều quan trọng là nhìn thấy những mẫu gương niềm hi vọng và những ý tưởng tương phản với những thông điệp bi quan và hoài nghi mà họ hay gặp phải.

(Nguồn: RV)