
Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri được bổ nhiệm làm thành viên Bộ Đối thoại liên tôn
Ngày 3/7, Đức Thánh Cha Lêô XIV đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng, cùng với 4 Hồng y và 17 Tổng Giám mục và Giám mục khác, làm thành viên của Bộ Đối thoại Liên tôn (Dicastero per il Dialogo Interreligioso). Đây là cơ quan của Tòa Thánh phụ trách thúc đẩy sự hiểu biết, hợp tác và tôn trọng giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo ngoài Kitô giáo.
Vatican News
Bộ Đối thoại Liên tôn là cơ quan của Tòa Thánh có nhiệm vụ thúc đẩy sự tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và cộng tác giữa người Công giáo và các tín hữu thuộc các truyền thống tôn giáo không phải Kitô giáo, ngoại trừ Do Thái giáo, vốn thuộc thẩm quyền của Bộ Cổ vũ Hiệp nhất các Kitô hữu.
Hành trình đối thoại này khởi đi từ Công đồng Vaticanô II, với Tuyên ngôn Nostra aetate như một cuốn sách được mở ra cách đây 60 năm. Từ đó đến nay, Giáo hội kiên trì theo đuổi con đường đối thoại như một phương thức loan báo Tin Mừng phù hợp với thời đại.
Trong Tông hiến Praedicate Evangelium, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: Bộ này hoạt động để việc đối thoại với các tín hữu tôn giáo khác được thực hiện một cách thích hợp, với thái độ lắng nghe, tôn trọng và trân trọng lẫn nhau. Đồng thời, Bộ cũng cổ võ hòa bình, tự do, công lý xã hội, bảo vệ và gìn giữ thụ tạo, cũng như các giá trị luân lý và tâm linh.
Một sứ mạng mang chiều sâu thiêng liêng và hành động cụ thể
Đối thoại liên tôn được hiểu không chỉ qua lý thuyết mà còn được thực hiện qua hành động cụ thể, trao đổi thần học và kinh nghiệm tâm linh. Bộ cổ vũ một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đích thực giữa mọi người, hỗ trợ các giáo hội địa phương qua Ủy ban Giám mục phụ trách đối thoại liên tôn, đồng thời duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức đối thoại thuộc Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô.
Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích việc nghiên cứu các tôn giáo trong giới Công giáo, và mời gọi các tín hữu tôn giáo khác tìm hiểu sâu hơn về Kitô giáo, từ đó mở rộng nền tảng hiểu biết và hợp tác. Bộ đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo những người dấn thân trong sứ vụ đối thoại, không chỉ về mặt học thuật mà còn trong đời sống thiêng liêng cụ thể.
Những cột mốc đối thoại đáng nhớ
Sứ mạng này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Giáo hội trong triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô, như được minh chứng qua:
- Chuyến tông du lịch sử đến Abu Dhabi (2019) với việc ký kết Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại giữa Đức Thánh Cha và Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb.
- Chuyến thăm Iraq (2021), nơi Giáo hoàng kêu gọi đối thoại trong một vùng đất từng chịu nhiều xung đột tôn giáo.
- Và gần đây, chuyến đi dài ngày đến châu Á và châu Đại Dương (2024), nơi Đức Thánh Cha đã làm phép "đường hầm hữu nghị" nối Nhà thờ chính tòa Jakarta với đền thờ Hồi giáo đối diện, biểu tượng mạnh mẽ của tình huynh đệ liên tôn.
Bên cạnh đó, Bộ còn có truyền thống gửi thông điệp chúc mừng đến các tôn giáo nhân các dịp lễ quan trọng: tháng Ramadan (Hồi giáo), Vesakh hay Hanamatsuri (Phật giáo), Deepavali (Ấn giáo), Mahavir Jayanti (Jain giáo), và Prakash Diwas (Sikh giáo).
Một truyền thống được hun đúc từ các vị giáo hoàng
Truyền thống đối thoại liên tôn của Giáo hội được củng cố qua các sáng kiến lớn như:
- Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình thế giới tại Assisi năm 1986 do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II triệu tập, quy tụ hơn 110 đại diện các tôn giáo.
- Cuộc gặp gỡ lần thứ hai tại Assisi năm 2011, được Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm.
Hai văn kiện lớn trong thời Đức Phanxicô là:
- Tài liệu về Tình Huynh đệ Nhân loại (Abu Dhabi, 2019)
- Thông điệp Fratelli tutti (2020) – tất cả đều thể hiện chiều sâu và sức sống của “văn hóa gặp gỡ” mà Giáo hội đang cổ võ.
Kể từ ngày 21 tháng 1 năm 2025, Bộ Đối thoại liên tôn do Đức Hồng y George Jacob Koovakad, người Ấn Độ, làm Bộ trưởng, kế nhiệm Đức Hồng y Miguel Ángel Ayuso Guixot. Tổng Thư ký của Bộ là Đức ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage, người Sri Lanka.
(Nguồn: RV)