07/06/2023
189
ĐTC Phanxicô: Chúng ta có trách nhiệm trước Chúa về việc bảo vệ thiên nhiên















 

ĐTC Phanxicô: Chúng ta có trách nhiệm trước Chúa về việc bảo vệ thiên nhiên

Sáng ngày 5/6/2023, phát biểu trước các nhà tổ chức và những người tham gia Green&Blue Festival, trùng với Ngày Môi trường Thế giới, Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta có trách nhiệm trước Thiên Chúa về việc bảo vệ trái đất, đang bị tấn công liên tục từ những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu, vốn đòi hỏi tất cả mọi người phải có phản ứng cụ thể.

Hồng Thủy - Vatican News

Green&Blue Festival, diễn ra tại Roma ngày 5/6 và tại Milano từ ngày 6 đến 8/6/2023, quy tụ những người Ý và từ khắp nơi trên thế giới, những người đoàn kết dấn thân khẩn trương chống lại biến đổi khí hậu.

Trách nhiệm của chúng ta trước Thiên Chúa

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha khuyến khích họ dấn thân bảo vệ môi trường. Ngài cũng thu hút sự chú ý của họ đến những thảm họa thiên nhiên ngày càng dữ dội hơn đang tàn phá toàn cầu, khi ngài kêu gọi Cộng đồng Quốc tế và tất cả những người thiện chí thực hiện phần việc của mình trong việc bảo vệ Ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài nói: “Các chuyên gia chỉ ra rõ ràng rằng những lựa chọn và hành động được đưa ra trong thập kỷ này sẽ có tác động như thế nào trong hàng ngàn năm.”

Điều này, theo Đức Thánh Cha, “cũng đã nâng cao ý thức trách nhiệm của chúng ta trước Thiên Chúa, Đấng đã giao cho chúng ta chăm sóc Công trình Sáng tạo, trước những người lân cận của chúng ta và trước các thế hệ tương lai.”

Ngài nói rằng trong khi nhân loại của thời kỳ hậu công nghiệp “có thể được nhớ đến như một trong những thế hệ vô trách nhiệm nhất trong lịch sử, hy vọng rằng nhân loại của đầu thế kỷ 21 có thể được ghi nhớ về việc quảng đại đảm nhận những trách nhiệm nghiêm trọng của nó.”

Thay đổi trong mô hình tiêu dùng và sản xuất

Đức Thánh Cha nói tiếp rằng hiện tượng biến đổi khí hậu liên tục nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và mong manh nhất, những người góp phần ít nhất vào hiện tượng này, nhưng lại phải chịu đựng nhiều nhất. Và ngài thúc giục: “Ngày nay, điều cần thiết là toàn thể cộng đồng quốc tế phải ưu tiên thực hiện các hành động tập thể, dựa trên tình liên đới và hướng tới tương lai,” nhận ra “tầm quan trọng, tính cấp bách và vẻ đẹp của thách đố trước mắt chúng ta.” Ngài nhìn nhận rằng đó là một thách đố lớn lao và đòi hỏi bởi vì nó đòi hỏi một sự thay đổi mang tính quyết định trong mô hình tiêu dùng và sản xuất hiện tại và việc thay đổi mô hình này là cấp bách và không thể trì hoãn được nữa. (CSR_2222_2023)

(Nguồn: RV)