DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI QUỐC TẾ LẦN THỨ IV CỦA CÁC CA ĐOÀN
WHĐ (09.06.2024) - Tại Thính đường Phaolô VI, sáng Thứ Bảy ngày mồng 08.06, Đức Thánh Cha đã tiếp đón khoảng 4.000 tham dự viên Đại hội quốc tế lần thứ IV của các ca đoàn. Được biết, Đại hội do Ca đoàn Giáo phận Rôma quảng bá để kỷ niệm 40 năm thành lập, với sự tài trợ của tổ chức Nova Opera, Bộ Văn hóa và Giáo dục, và Viện Giáo hoàng về Thánh nhạc. Chương trình của sự kiện được tiến hành từ ngày mồng 07-09.06, quy tụ nhiều ca đoàn với sự hiện diện của nhiều chuyên gia hàng đầu về âm nhạc thánh và phụng vụ từ khắp nơi trên thế giới. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài Diễn văn của Đức Thánh Cha:
DIỄN VĂN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO THAM DỰ VIÊN ĐẠI HỘI QUỐC TẾ LẦN THỨ IV CỦA CÁC CA ĐOÀN
Thính Đường Phaolô VI
Thứ Bảy, ngày mồng 08 tháng 06 năm 2024
Chào anh chị em!
Anh chị em có thấy rằng tính tự phát của trẻ em hùng hồn hơn những bài diễn văn hay nhất không? Trẻ em là vậy, các em thể hiện bản thân như mình là. Chúng ta phải chăm sóc trẻ em vì các em là tương lai, là niềm hy vọng, và cũng là chứng nhân của sự tự phát, hồn nhiên, và hứa hẹn. Và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nói rằng Người muốn trẻ em đến gần Người. Khi các tông đồ bảo các em: “Hãy đi chỗ khác!”, thì Chúa lại nói rằng: “Không, hãy để trẻ em đến với Thày!”. Trẻ em là những người được hưởng đặc quyền. Do đó, Chúa Giêsu đã phán: “Nước Trời thuộc về những ai giống như trẻ thơ”. Chúng ta phải học hỏi từ tính tự phát mà trẻ em vừa thể hiện. Hơn nữa, các em không bị lôi kéo bởi những viên kẹo – mặc dù sau đó các em mới nhận ra rằng có kẹo – mà các em đến vì các em muốn đến. Trẻ em là như vậy. Chúng ta đừng quên bài học mà các em đã dạy chúng ta hôm nay. Cảm ơn!
Tôi chào mừng tất cả anh chị em, và một cách đặc biệt, tôi cảm ơn Đức ông Marco Frisina và tổ chức Nova Opera vì đã thúc đẩy sáng kiến này, diễn ra nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Ca đoàn của Giáo phận Rôma. Dịp kỷ niệm này khuyến khích tất cả anh chị em tiếp tục việc phục vụ cao quý mà anh chị em mang lại, ngay tại Rôma cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới.
Đại hội quốc tế lần thứ IV của anh chị em quy tụ nhiều ca đoàn giáo xứ và giáo phận, scholæ cantorum, ca đoàn nhà nguyện, các nhạc trưởng và nhạc sĩ. Anh chị em đến Vatican để cùng nhau đào sâu ý nghĩa của âm nhạc trong việc phục vụ phụng vụ. Thật tuyệt vời khi được gặp anh chị em quy tụ từ nhiều nơi khác nhau nhưng tất cả đều hiệp nhất bởi đức tin và niềm say mê âm nhạc. Anh chị em là dấu chỉ hùng hồn của sự hiệp nhất. Vì thế, tôi muốn anh chị em lưu tâm đến ba khía cạnh thiết yếu trong việc phục vụ của anh chị em: đó là sự hòa hợp, hiệp thông, và niềm vui.
Trước hết: sự hòa hợp. Âm nhạc tạo nên sự hòa hợp bằng cách chạm tới mọi người, an ủi những ai đau khổ, khơi dậy nhiệt huyết nơi những tâm hồn chán nản, mang lại những giá trị tuyệt vời như vẻ đẹp và chất thơ nơi mỗi người, phản chiếu ánh sáng hài hòa của Thiên Chúa. Thật vậy, âm nhạc là một ngôn ngữ phổ quát và trực tiếp, không cần phải chuyển ngữ hoặc giải thích phức tạp. Cả chuyên gia lẫn người bình thường đều có thể thưởng thức âm nhạc, mỗi người nắm bắt các khía cạnh khác nhau ở các mức độ khác nhau, nhưng tất cả đều rút ra từ cùng một sự phong phú như nhau. Hơn nữa, âm nhạc còn dạy chúng ta lắng nghe, chú ý, và nghiên cứu; âm nhạc nâng cao cảm xúc, tình cảm và suy tư, hướng dẫn con người vượt ra khỏi vòng xoáy của sự vội vã, ồn ào và tầm nhìn thuần túy vật chất về cuộc sống, đồng thời giúp chúng ta chiêm nghiệm rõ hơn về bản thân cũng như về thực tế xung quanh. Vì thế, âm nhạc mang lại cho những ai trau dồi nó một cái nhìn khôn ngoan và thanh thản, giúp dễ dàng vượt qua sự chia rẽ và đối kháng, nhờ đó, có được sự hòa hợp, giống như những nhạc cụ của một dàn nhạc hoặc giọng hát của một ca đoàn. Âm nhạc khuyến khích chúng ta cảnh giác với những “nốt lạc điệu” và điều chỉnh “sự nghịch tai”, những điều này rất hữu ích cho tính năng động của các tác phẩm miễn là chúng được tích hợp vào một kết cấu hài hòa khéo léo.
Thứ đến: sự hiệp thông. Hát hợp xướng được thực hiện cùng nhau chứ không phải đơn lẻ. Điều này cũng nói với chúng ta về Giáo Hội và thế giới chúng ta đang sống. Trên thực tế, việc chúng ta cùng nhau bước đi có thể được ví như buổi biểu diễn một “buổi hòa nhạc” tuyệt vời, trong đó mỗi người tham gia tùy theo khả năng, chơi hoặc hát “phần” của mình, và nhờ đó, khám phá ra sự độc đáo của riêng mình được phong phú thêm nhờ bản giao hưởng hiệp thông. Trong một dàn hợp xướng hoặc một dàn nhạc, mỗi thành viên đều cần có nhau, và sự thành công của buổi biểu diễn phụ thuộc vào sự góp phần của mỗi cá nhân. Tất cả đều cống hiến hết mình theo đúng vai trò của mình, tôn trọng và lắng nghe trong sự hòa hợp với những người xung quanh mà không tìm kiếm sự nổi trội cá nhân. Điều này phản ánh đời sống của Giáo hội và cuộc sống của chính chúng ta, nơi mọi người được mời gọi hoàn thành vai trò của mình vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn, để từ khắp nơi trên thế giới có thể vang lên bài ca ngợi khen Thiên Chúa (x. Tv 47,1).
Cuối cùng: niềm vui. Anh chị em là những người gìn giữ một kho tàng nghệ thuật, vẻ đẹp, và tâm linh có niên đại hàng thế kỷ. Đừng để não trạng thế gian làm hoen ố kho tàng này do tư lợi, tham vọng, đố kỵ, và chia rẽ, vì những điều này, như anh chị em biết, có thể xâm nhập vào đời sống của các các ca đoàn cũng như của các cộng đoàn, khiến những nơi này không còn là những không gian vui tươi mà là buồn bã, nặng nề, thậm chí dẫn đến tan rã. Trái lại, sẽ rất tốt nếu anh chị em duy trì tinh thần cao thượng trong ơn gọi của mình bằng việc cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, tham gia vào các phụng vụ mà anh chị em làm cho sống động không chỉ bằng giọng hát mà còn bằng tâm trí và con tim, cũng như bằng sự nhiệt thành trong cuộc sống hằng ngày một cách thích hợp, để âm nhạc là một sự nâng cao tâm hồn và ngày càng trở thành niềm hân hoan hiến dâng cho Thiên Chúa, Đấng thu hút, soi sáng và biến đổi mọi thứ bằng tình yêu của Ngài (x. 1 Cor 13,1-13). Được như thế, anh chị em sẽ biến lời khuyên của Thánh Augustinô thành hiện thực: “Chúng ta hãy ca ngợi Chúa bằng cuộc sống và ngôn ngữ, bằng con tim và miệng lưỡi, bằng giọng nói và hành vi của chúng ta” (Sermo 256).
Anh chị em thân mến, tôi cảm ơn anh chị em đã ghé thăm, đặc biệt vì sự phục vụ của anh chị em đối với việc cầu nguyện và loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Tôi đồng hành với anh chị em qua phép lành của tôi. Tôi xin anh chị em, trong khi hát, cũng nhớ cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn!
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (08. 06. 2024)