Ủy ban Giáo dân

Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 10/2024:

NUÔI DƯỠNG TINH THẦN CHIÊM NIỆM

BÀI I: LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Chiêm ngắm Đức Kitô và sống theo hướng dẫn của Thánh Thần

Chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa qua việc phục vụ và bác ái

Linh đạo của sự hiệp thông và dấn thân

Hồi tâm

BÀI II: ĐỘNG LỰC CỦA ĐỜI TÔNG ĐỒ

Đời sống cầu nguyện hơi thở của người tông đồ

Đời sống chiêm niệm: Lương thực bổ dưỡng đời tông đồ

BÀI III: NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NIỆM

BÀI IV: SỰ KHÔN NGOAN VÀ BÌNH AN NỘI TÂM

Bình an nội tâm qua đời sống cầu nguyện

Sự khôn ngoan Kitô giáo trong đời sống hàng ngày

Làm thế nào để tiếp tục sống ơn bình an ngay trong những hoàn cảnh đầy thử thách?

Hồi tâm

BÀI I: LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Loan báo Tin Mừng là một trong những chiều kích cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI và Redemptoris Missio của Đức Gioan Phaolô II đều nhấn mạnh rằng việc loan báo Tin Mừng không chỉ là bổn phận của một số ít người, mà là sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Đức Phaolô VI, trong Evangelii Nuntiandi đã khẳng định rằng, loan báo Tin Mừng là ơn gọi riêng của Giáo Hội; Giáo Hội được sinh ra từ sứ mạng của Đức Kitô và tiếp tục sứ mạng này qua mọi thời đại: “Rao giảng Tin Mừng là ơn huệ và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là chân tính sâu xa nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng nghĩa là để rao giảng và dạy dỗ, là máng thông ơn thánh, giải hòa tội nhân với Thiên Chúa, tiếp tục hy lễ của Chúa Kitô trong Thánh lễ, để tưởng niệm cái chết và phục sinh vinh hiển của Ngài” (EN, số 14). Đức Gioan Phaolô II, trong Redemptoris Missio, nhấn mạnh rằng, truyền giáo không chỉ đơn thuần là việc rao giảng, mà còn là hành động làm chứng qua đời sống thường nhật. Sứ mạng truyền giáo đòi hỏi một linh đạo đặc biệt, một sự dấn thân sâu sắc để sống và chia sẻ tình yêu Thiên Chúa với thế giới.

Chiêm ngắm Đức Kitô và sống theo hướng dẫn của Thánh Thần

Để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa một cách chân thực, người Kitô hữu cần chiêm ngắm Đức Kitô và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Linh đạo truyền giáo, trước hết, là một linh đạo chiêm niệm. Chúa Giêsu, trong suốt sứ mạng công khai của mình, không ngừng cầu nguyện, tìm kiếm và thi hành ý Chúa Cha. Người cũng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã ngự trên Người cách đặc biệt khi lãnh nhận phép rửa tại sông Giođan và đồng hành với Người trong mọi hành động (x. Lc 4,1-18). Chiêm ngắm Đức Kitô là điều kiện tiên quyết để làm chứng cho Người, bởi không thể rao giảng về một Thiên Chúa mà ta chưa thật sự biết và yêu mến.

Đặc biệt, Thần Khí là sức mạnh làm thay đổi tâm hồn các tín hữu, giúp họ không chỉ biết về Chúa, mà còn sống kết hiệp với Ngài. Đức Gioan Phaolô II trong Novo Millennio Ineunte nhấn mạnh rằng “chiêm ngắm khuôn mặt Đức Kitô” là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội trong thiên niên kỷ mới. Linh đạo truyền giáo không thể tách rời khỏi sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì chính Ngài làm cho các tín hữu hiểu biết sâu xa về mầu nhiệm của Đức Kitô và truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách của thế giới.

Chứng nhân của tình yêu Thiên Chúa qua việc phục vụ và bác ái

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa không chỉ qua lời nói, mà còn qua những hành động cụ thể của phục vụ và bác ái. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng cụ thể qua đời sống, được thể hiện qua sự hy sinh và dấn thân vì tha nhân. Đối với người Kitô hữu, mỗi hành động nhỏ bé của phục vụ đều có thể trở thành một lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa.

Trong đời sống hàng ngày, người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần bác ái qua việc chăm sóc người nghèo, giúp đỡ những người bị bỏ rơi, và đối xử với mọi người bằng lòng nhân hậu. Tình yêu Thiên Chúa chỉ có thể được cảm nghiệm một cách sâu sắc khi chúng ta sẵn sàng cho đi chính mình vì lợi ích của người khác. Linh đạo truyền giáo đòi hỏi mỗi tín hữu phải bước ra khỏi sự an toàn của bản thân, dấn thân vào những nơi đau khổ, nghèo đói, và bất công, để trở thành những chứng nhân của niềm hy vọng và tình yêu.

Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes cũng khuyến khích người Kitô hữu sống tình yêu qua việc tham gia vào đời sống xã hội, qua đó thể hiện mối quan tâm đến công bằng, hòa bình, và phẩm giá con người. Mọi tín hữu đều có thể trở thành một nhà truyền giáo bằng chính cuộc sống thường nhật của mình, nơi tình yêu Thiên Chúa được lan tỏa qua những hành động bác ái, những mối quan hệ đầy nhân ái, và lòng bao dung.

Linh đạo của sự hiệp thông và dấn thân

Một khía cạnh quan trọng khác của linh đạo truyền giáo là sự hiệp thông. Sự hiệp thông không chỉ là sự gắn kết giữa các tín hữu, mà còn là dấu chỉ của sự hiệp nhất trong tình yêu Thiên Chúa. Linh đạo của sự hiệp thông mời gọi các tín hữu sống tinh thần liên đới với mọi người, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội. Sự hiệp thông không dừng lại ở biên giới của Giáo hội, mà còn mở rộng đến toàn thể nhân loại, vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa và xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Novo Millennio Ineunte nhấn mạnh rằng, sống linh đạo hiệp thông là cách thức để các tín hữu làm cho tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình và cụ thể trong đời sống hàng ngày. Khi sống tinh thần hiệp thông, người Kitô hữu không còn chỉ sống cho mình, mà luôn biết nghĩ đến lợi ích của người khác, luôn sẵn sàng dấn thân để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và hòa bình.

Sự dấn thân không chỉ là một hành động cá nhân, mà cần phải được thực hiện trong tinh thần cộng đoàn. Các tín hữu được mời gọi cộng tác với nhau trong sứ mạng truyền giáo, hỗ trợ nhau và cùng nhau thực hiện tình yêu của Thiên Chúa. Điều này có thể được thể hiện qua các hoạt động bác ái cộng đoàn, qua việc tham gia các nhóm thiện nguyện, và qua những sáng kiến nhằm đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thốn trong xã hội.

Làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa là một sứ mạng cao cả mà mọi tín hữu đều được mời gọi thực hiện. Để sống sứ mạng này, người Kitô hữu cần chiêm ngắm Đức Kitô, lắng nghe sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, và sống đời phục vụ trong tinh thần hiệp thông. Tình yêu Thiên Chúa, khi được thể hiện qua những hành động cụ thể, sẽ trở thành nguồn sức mạnh thiêng liêng cho mọi người và là lời chứng hùng hồn nhất cho niềm tin Kitô giáo. Qua đời sống linh đạo và dấn thân, mỗi người Kitô hữu có thể góp phần lan tỏa tình yêu và sự cứu độ của Thiên Chúa đến mọi ngõ ngách của thế giới, thực hiện sứ mạng truyền giáo mà Đức Kitô đã trao phó.

Hồi tâm

1) Bạn kinh nghiệm sống linh đạo truyền giáo như thế nào trong đời sống thường ngày, đặc biệt qua các tương quan trong gia đình và cộng đoàn?

2) Bằng cách nào bạn thực hiện bổn phận của mình như thành viên của cộng đoàn Dân Chúa? Bằng cách nào bạn có thể đóng góp tích cực hơn trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo Hội?

3) Bạn có sẵn lòng để Thần Khí Chúa hướng dẫn cuộc sống và những quyết định của mình không? Điều gì có thể cản trở bạn trong việc đáp lại tiếng gọi này?

BÀI II: ĐỘNG LỰC CỦA ĐỜI TÔNG ĐỒ

LM Antôn Hà Văn Minh

Để thi hành sứ vụ của mình, mỗi người tín hữu chúng ta được mời gọi trước tiên phải nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Chúng ta không thể là men Tin Mừng nếu đời sống Kitô hữu của chúng ta không được nuôi dưỡng từ những cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện và chiêm niệm. Đức Phanxicô đã nhấn mạnh: “Giáo huấn của Phúc Âm rất rõ ràng: chúng ta phải luôn cầu nguyện, ngay cả khi mọi sự dường như vô ích, khi Thiên Chúa dường như im lặng, không nghe, và chúng ta dường như lãng phí thời gian. Ngay cả khi bầu trời tối sầm, Kitô hữu vẫn không ngừng cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Kitô hữu đi đôi với đức tin. Và niềm tin, trong rất nhiều ngày của cuộc đời chúng ta, có thể giống như là một ảo tưởng, một nỗ lực không kết quả: có những khoảnh khắc tăm tối trong cuộc đời chúng ta. Và ở đó, đức tin như là một ảo tưởng. Nhưng thực hành cầu nguyện cũng có nghĩa là chấp nhận nỗ lực này”[1].

Mỗi người Kitô hữu phải minh định rằng: cầu nguyện phải chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống của mình, bởi nếu không cầu nguyện mọi hành động trong đời sống của mình trở nên trống rỗng và không mang lại lợi ích đích thật. Có thể nói rằng khi thi hành mọi nhiệm vụ trong Giáo Hội mà không dành thời gian cho việc đối thoại với Đức Kitô qua cầu nguyện, chúng ta sẽ rơi vào nguy cơ phục vụ bản thân mình chứ không phục vụ cho Nước Chúa.

Đời sống cầu nguyện hơi thở của người tông đồ

Đời sống cầu nguyện cần được nuôi dưỡng như khi chúng ta trồng một cây xanh. Cây sẽ không sống được nếu chúng ta không chăm bón, không tưới nước mỗi ngày, cây chỉ có thể xanh tốt khi mỗi ngày chúng ta săn sóc nó, không để nó thiếu nước. Đời sống cầu nguyện cũng vậy, đời sống cầu nguyện “không thể chỉ sống dựa vào những khoảnh khắc mạnh mẽ hoặc những cuộc gặp gỡ thỉnh thoảng mật thiết và sau đó ‘đi vào giấc ngủ đông’. Niềm tin của chúng ta sẽ khô héo. Chúng ta cần nước hàng ngày của việc cầu nguyện, của thời gian được dành riêng cho Thiên Chúa, để Người có thể bước vào thời gian của chúng ta; của những khoảnh khắc kiên trì trong đó chúng ta mở rộng trái tim mình với Người, để Người có thể mỗi ngày đổ tràn tâm hồn chúng ta tình yêu, bình an, niềm vui, sức mạnh, hy vọng và như thế Người nuôi dưỡng đức tin của chúng ta”[2]. Có nghĩa là chúng ta phải nuôi dưỡng bằng cách cầu nguyện liên lỉ qua những lời nguyện tắt, chẳng hạn ngay khi thức dậy, chúng ta có thể nói: "Lạy Chúa, con cảm ơn và con xin dâng ngày này cho Chúa". Đây là một lời nguyện ngắn. Sau đó, trước khi bắt đầu làm việc, chúng ta có thể lặp lại: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến". Giữa việc này và việc khác, chúng ta có thể cầu nguyện thế này: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa và con yêu mến Chúa". Những lời nguyện tuy ngắn nhưng nó giúp chúng ta tương tác với Chúa.

Quả thật, lời nguyện ngắn được thực hiện cách dễ dàng trong suốt cả ngày, trong mọi nơi mọi lúc, đó là dòng nước nuôi dưỡng đời cầu nguyện. Chính lời nguyện ngắn, giúp tâm hồn chúng ta luôn hướng về Chúa, cũng có nghĩa hướng về sự thiện hảo, giúp chúng ta luôn gắn kết với Chúa, nhờ thế chúng ta sẽ không bị cám dỗ quỷ ma lôi kéo, để có thể nói như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui”[3] . Một lời nguyện ngắn là một lời tuyên xưng đức tin, lời tuyên xưng được tỏ bày qua việc tín thác vào Chúa được gói gọn trong lời nguyện ngắn. Sự thánh thiện của thánh nữ Têrêsa Hài đồng gói gọn trong lời nguyện ngắn: “Lạy Chúa, Chúa đổ tràn niềm vui xuống trên con trong tất cả mọi việc Chúa làm cho con”[4]. Và đó cũng là cách thế thánh nữ thực hiện công việc cộng tác vào truyền giáo của Giáo hội. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã minh định: “Cầu nguyện trong các biến cố mỗi ngày và mỗi lúc, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời, được mặc khải cho “những người bé mọn”, những tôi tớ Đức Kitô, những người nghèo theo các mối phúc. Thật là chính đáng và tốt lành khi cầu nguyện để công lý và hoà bình của “Nước Chúa trị đến” có ảnh hưởng trên tiến trình lịch sử; nhưng cũng quan trọng là phải dùng cầu nguyện mà nhào nặn khối bột là những hoàn cảnh tầm thường hằng ngày. Mọi hình thức cầu nguyện đều có thể là thứ men mà Chúa đã sánh ví với Nước Chúa”[5].

Một trong những lời kinh giúp chúng ta nuôi dưỡng đời cầu nguyện đó là “kinh Lạy Cha”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo đã minh định: “Trong bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nghi thức trao Kinh Lạy Cha nói lên ý nghĩa việc sinh hạ mới vào sự sống thần linh. Vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là ngỏ lời với Thiên Chúa bằng chính lời của Thiên Chúa, nên những người “đã được tái sinh… nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống” (1 Pr 1,23) học kêu cầu Cha của mình, bằng Lời duy nhất mà Cha luôn đoái nhận. Và từ nay trở đi, họ có thể làm như thế, bởi vì ấn tín của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần đã ghi dấu không thể xóa nhoà trong lòng họ, trên tai họ, trên môi họ, trên trọn vẹn thực tại làm con của họ”[6].

Đời sống cầu nguyện còn được nuôi dưỡng bởi lòng đạo đức bình dân. Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhấn mạnh: lòng đạo bình dân “biểu lộ một lòng khao khát Thiên Chúa mà chỉ những kẻ đơn sơ và nghèo khó mới cảm nhận được”[7], và ngài nói thêm: Lòng đạo Đức bình dân “khiến người ta có thể quảng đại và hy sinh đến mức anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin”[8]. Lòng đạo đức bình dân nuôi sống đời cầu nguyện và nguồn lực giúp chúng ta ý thức về sứ vụ truyền giáo của mìn. Các Giám mục Châu Mỹ La tinh và vùng Caribê cũng đa nhấn mạnh, lòng đạo đức bình dân giúp người tín hữu “một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”[9].

Vì thế để đời sống cầu nguyện luôn triển nở và tăng thêm sự gắn kết với Thiên Chúa chúng ta luôn nại đến lời cầu nguyện qua những hình thức lòng đạo đức bình dân. Giáo sư Guzman Carriquiry, phó giám đốc Ủy ban Châu Mỹ La Tinh và là người gần gũi với Đức Phanxicô cho biết: “Khi còn nhỏ, cùng với cha mẹ mình, Đức Phanxicô thường hay cầu nguyện với Đức Mẹ Phù trợ. Ngoài ra, ngài cầu nguyện với Đức Mẹ Lujan thân thiết của người dân Buenos Aires, với Đức Mẹ Guadalupe, bổn mạng châu Mỹ, với Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt mà ngài tìm thấy trong một lần ngài đến Đức”[10]. Đức Phanxicô nói với Linh mục Alexander Awi, tác giả quyển sách nói về lòng kính mến Đức Mẹ: “Từ nhỏ, bà nội đã dạy tôi đọc Kinh Kính Mừng”. Lớn lên khi đi học, lòng tôn kính có được từ thời thơ ấu được vững mạnh về mặt trí tuệ, đặc biệt là với “thần học quần chúng”[11].

Đời sống chiêm niệm: Lương thực bổ dưỡng đời tông đồ

Tuy không là một đan sĩ, nhưng người tín hữu được mời gọi sống đời cầu nguyện qua việc chiêm niệm. Cầu nguyện chiêm niệm là cầu nguyện trong thinh lặng, trong sự quan chiêm về tinh yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm Ba Ngôi, sự thương khó của Chúa Giêsu và nhất là đối với Thánh Thể Chúa. Qua việc quan chiêm Thánh Thể, chúng ta đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta củng cố đời sống đức tin hầu trở nên chứng nhân đích thực của tình yêu Chúa. Càng gắn kết với Chúa qua việc tôn thờ Thánh thể trong chiêm niệm, chúng ta càng làm cho đời chúng ta nên giống Chúa, và thúc đẩy chúng ta sẵn sàng tham gia vào hiến tế của Đức Kitô, từ đó chúng ta sẽ tuôn trào tình yêu của Người đến cho tha nhân.

Vì thế, cầu nguyện không chỉ là “khẩu nguyện” mà còn là cầu nguyện chiêm niệm. Cầu nguyện chiêm niệm chính là tìm kiếm một sự gặp gỡ thân mật với Chúa. Theo Thánh nữ Têrêsa: “Cầu nguyện chiêm niệm không gì khác hơn là cuộc trao đổi thân tình giữa bạn hữu, trong đó chúng ta năng dành thời gian để một mình ở bên Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta biết là Ngài yêu thương chúng ta”[12].Việc cầu nguyện chiêm niệm tìm kiếm “Đấng lòng ta yêu mến” (Dc 1,7). “Chúng ta tìm kiếm Đức Giêsu, và Chúa Cha hiện diện trong Người, bởi vì khao khát Người luôn là khởi đầu cho sự yêu mến Người. Và chúng ta tìm kiếm Người trong đức tin tinh tuyền, một đức tin khiến chúng ta được sinh ra bởi Người và được sống trong Người. Chúng ta cũng có thể suy niệm khi cầu nguyện chiêm niệm, nhưng cái nhìn luôn hướng về Chúa”[13].

Có thể nói, cầu nguyện chiêm niệm là thinh lặng, “biểu tượng của thế giới đang tới”[14], hay “lời thầm lặng của tình yêu”[15]. Các lời nói trong việc cầu nguyện chiêm niệm không phải là những diễn từ, nhưng là những cọng rơm nuôi ngọn lửa tình yêu. “Trong sự thinh lặng này, là điều con người ‘bên ngoài’ không thể chịu đựng nổi, Chúa Cha nói cho chúng ta biết Ngôi Lời của Ngài nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; Thần Khí nghĩa tử giúp cho chúng ta tham dự vào lời cầu nguyện của Đức Giêsu”[16] .

Thinh lặng quan chiêm Thánh Thể rất quan trọng, đặc biệt sau khi rước lễ. Cha Guy Oury nói rằng: khoảng thời gian im lặng này rất quan trọng: “Toàn thể Hội Thánh, toàn thể cộng đồng, nên dành thời gian để âm thầm tạ ơn. Làm như vậy là điều quan trọng, ngay cả khi việc này được làm sau khi kết thúc Thánh Lễ. Thánh Lễ tự nó là một lời tạ ơn, nhưng việc tạ ơn không chỉ dừng lại ở việc Rước lễ, nhưng vào lúc này, nên để sự yên lặng ”[17]. Giây phút im lặng sau rước lễ là đặt mình đối diện với Chúa Giêsu, và chính trong bầu khí này chúng ta dễ dàng nghe tiếng Chúa, nói như mẹ Têrêsa Calcutta: “Chúa chỉ có thể ngỏ lời với ta khi trái tim của chúng ta thinh lặng. Nếu bạn tự đặt mình trước mặt Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện, Chúa sẽ nói với bạn. Và khi đó, bạn sẽ biết rằng bạn chẳng là gì cả. Chỉ khi bạn biết mình chỉ là hư vô, là trống rỗng, thì Chúa mới có thể lấp đầy bạn bằng chính Ngài. Những linh hồn cầu nguyện vĩ đại là những linh hồn biết thường xuyên thinh lặng thẳm sâu”[18].

Cha Joseph McGloin nhắc nhở chúng ta rằng thời gian im lặng này không thể là thời gian vô tâm và thụ động: “Giây phút kết hợp với Thiên Chúa sau khi Rước Lễ phải là phần tích cực và tuyệt vời nhất của Thánh Lễ đối với chúng ta. Chúng ta nói chuyện với Người và chúng ta lắng nghe. Cuộc nói chuyện của Người sẽ là cuộc nói chuyện lặng lẽ – cách mà Người hầu như luôn giao tiếp với con người… Người muốn dạy chúng ta, đặc biệt là vào thời điểm thân mật này, hãy đáp lại tình yêu của Người. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ đáp trả cách tích cực. Cầu nguyện thầm lặng không có nghĩa là chỉ ngồi thụ động như vua chúa, chờ đợi những món quà được đặt dưới chân mình”[19].

Cầu nguyện thường xuyên là cách thế kiến tạo tình bằng hữu với Chúa Kitô cách mật thiết, và nhất là khi đặt mình trong bầu khí thinh lặng trước Thánh Thể. Chính nơi đây, chúng ta gặp gỡ Chúa cách mật thiết, chúng ta nghe được tiếng Chúa, và khi chúng ta đặt mình lắng nghe được giọng nói của Chúa trong con tim bình an, “con tim của bạn sẽ tràn ngập Thiên Chúa. Điều này đòi hỏi nhiều hi sinh. Nếu bạn đã nghĩ đến và muốn cầu nguyện, bạn phải sẵn sàng, không trì hoãn. Ngay từ đầu, nếu bạn không quyết tâm, bạn sẽ không đạt đến tột đỉnh của sự cầu nguyện là chính sự hiện diện của Chúa”[20]. Tập trung vào việc đào sâu mối quan hệ cá nhân với Chúa Giêsu Thánh Thể qua cầu nguyện, quan chiêm Thánh Thể sẽ làm chúng ta trở thành những chứng nhân đích thực và đáng tin cậy hơn cho tình yêu của Chúa.

Đức Bênêđictô XVI đã nói: “Sự tác động lẫn nhau giữa lời nói và sự thinh lặng, là điều đánh dấu lời cầu nguyện của Đức Giêsu trong suốt cuộc đời dương thế của Người, cũng ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện của chúng ta bằng hai cách. Cách thứ nhất liên quan đến việc đón nhận Lời Chúa. Sự thinh lặng bên trong và bên ngoài là điều cần thiết để chúng ta có thể nghe được Lời này. Và điều này đặc biệt khó khăn đối với chúng ta trong thời đại này. Thật vậy, chúng ta sống trong một thời đại không mấy thuận lợi cho việc chiêm niệm; ngược lại, đôi khi người ta có ấn tượng rằng mình sợ tách rời, ngay cả chỉ một giây lát, khỏi sự ào ào của những lời nói và hình ảnh, là điều đánh dấu và tràn ngập thời đại chúng ta”[21]. Và ngài mời gọi: “Tái khám phá tính cách trung tâm của Lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo hội có nghĩa là tái khám phá ý nghĩa của sự tĩnh lặng và sự bình an nội tâm. Truyền thống cổ kính của các Giáo phụ dạy chúng ta rằng các Mầu nhiệm của Chúa Kitô đều có liên hệ với sự thinh lặng; chỉ nhờ thinh lặng, Lời mới đến cư ngụ trong chúng ta, như nơi Đức Maria, vừa là người phụ nữ của Lời vừa là người phụ nữ của thinh lặng”[22].

BÀI III: NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NIỆM

Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, cầu nguyện được ví như là hơi thở của tâm hồn Kitô hữu. Qua cầu nguyện, Kitô hữu được sống kết hiệp mật thiết với Chúa và được nuôi dưỡng bằng sự sống của Chúa. Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chia sẻ trong cuốn Đường Hy Vọng: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin”. Kiên nhẫn cầu nguyện với Chúa hằng ngày, cầu nguyện với tấm lòng yêu thương và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Chúa, cảm tạ và ngợi khen tôn vinh Chúa, cầu xin cho mình, cho gia đình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, cầu cho cả những người làm tổn thương và thù oán ta.

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, ta cần thiết lập thói quen cầu nguyện hàng ngày. Dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và chiêm niệm Chúa. Đây là cách giúp ta tìm được sự hướng dẫn và sức mạnh từ Thiên Chúa. Đồng thời tham gia vào các hoạt động tâm linh: có thể là tham dự thánh lễ, tham gia nhóm cầu nguyện, nhóm Kinh Thánh, hoặc các khóa linh thao. Những hoạt động này giúp ta phát triển đời sống tâm linh và hiểu rõ hơn về thánh ý của Thiên Chúa. Ngoài ra, cũng cần trau dồi Kinh Thánh và đọc sách thiêng liêng, việc đọc Kinh Thánh và các sách thiêng liêng giúp ta thay đổi tâm thức thành người Kitô hữu đích thực hơn và áp dụng tinh thần Kitô giáo vào cuộc sống. Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của Kitô hữu giáo dân giữa đời thường cũng có thể được phối hợp một cách thuận tiện giữa cầu nguyện chiêm niệm và những hoạt động trong ngày. Tùy theo hoàn cảnh, ta có thể cầu nguyện nhiều lần trong khi làm việc, cho dù không thực thi một cách chuyên nghiệp, nhưng có được lòng khao khát và yêu mến cầu nguyện hết lòng trong khi làm bổn phận.

Nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm cũng chính là thực hành lời Chúa: Thực hành lòng bác ái, khoan dung và tha thứ. Trong đời sống thường ngày, ta sẽ gặp nhiều thách thức và xung đột, đời sống cầu nguyện bên trong, đi kèm với tinh thần hoán cải và việc thực hành lòng bác ái, khoan dung, tha thứ bên ngoài không chỉ giúp ta giữ được bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình mà còn cho ta nhìn lại chính mình và tìm gặp lại Chúa. Những chia sẻ kinh nghiệm và sự hướng dẫn từ Kitô hữu trong cộng đoàn nhỏ hay cộng đoàn lớn cũng góp phần trong việc nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.

Cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, là thanh luyện và nuôi dưỡng lòng đạo đức. Ta có thể cầu nguyện riêng một mình, cầu nguyện cùng cộng đoàn, cầu nguyện với Lời Chúa, cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu nguyện với Thánh Thể trong tâm hồn, v.v... Vì nếu không có đời sống cầu nguyện và kết nối với tình yêu của Chúa như cành nho nối liền với cây nho ( x Ga 15, 5) thì chúng ta sẽ không có sức sống của Chúa và chẳng làm được việc gì. Kết hiệp với Chúa chúng ta có sự sống của Chúa. Từ đó, chúng ta mới sống theo lời Chúa, theo lối sống của Chúa: lối sống yêu thương, tha thứ, dịu dàng và khiêm nhường.

Không phải lúc nào chúng ta cũng hứng khởi và tràn đầy năng lượng trong việc cầu nguyện. Thực tế, chúng ta là con người yếu đuối, cũng có những giai đoạn bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài làm cho ta suy thoái tâm lý, cảm thấy thất vọng, buồn chán và không biết cầu nguyện thế nào. Đấy là những lúc chúng ta phải kiên nhẫn để khôi phục đức tin và niềm hy vọng, và Thần Khí Chúa sẽ cầu thay nguyện giúp ( x Rm 8, 26).

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể chiêm niệm những mầu nhiệm Mân Côi: mầu nhiệm năm sự vui, năm sự sáng, năm sự mừng, và một cách đặc biệt về năm sự thương.

Chúng ta cầu nguyện chiêm niệm theo gương Chúa Giêsu. Ngài thường tìm những nơi thanh vắng, Ngài lên núi và cầu nguyện một mình suốt đêm. Họa lại một phần đời sống cầu nguyện và hoạt động của Chúa Giêsu có thể là gia đình Mácta, Maria và Lazarô. Mácta là người hoạt động, Maria là người chiêm niệm, và Lazarô là người sám hối. Người giáo dân cần tìm ra cách để có thể hoàn thiện trong việc kết hợp giữa các việc cầu nguyện chiêm niệm, hoạt động và sám hối.

Hành trình tâm linh trong thế giới hôm nay cần có sự cầu nguyện chiêm niệm không chỉ nhằm đưa lại sự bình an cho chính bản thân mình, nhưng còn dẫn chúng ta đến con đường hoán cải tâm hồn thực sự và được Chúa Thánh Thần tác động mạnh cho chúng ta ra đi góp phần làm thay đổi môi trường xã hội theo tinh thần Kitô giáo và có thể đưa nhiều người về với Chúa. “Nếu không có chiêm niệm và cầu nguyện nội tâm, Hội thánh không thể hoàn thành sứ vụ của mình, đó là sứ vụ hoán cải và cứu vớt nhân loại” (cha Thomas Merton).

Hồi tâm

1) Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, ta có nhận ra khuôn mặt của thiên Chúa đích thực không. Bằng phương thức nào tôi có thể siêng năng nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm?

2) Trong đời sống thường ngày, làm cách nào tôi có thể cầu nguyện trong buổi làm việc mà vẫn chu toàn bổn phận.

3) Ngoài việc xin ơn, làm thế nào tôi có thể hăng say cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu?

Tài liệu tham khảo: sách “Cầu Nguyện Chiêm Niệm” của linh mục Thomas Merton.

BÀI IV: SỰ KHÔN NGOAN VÀ BÌNH AN NỘI TÂM

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Sự khôn ngoan và bình an nội tâm là hai yếu tố cốt lõi của đời sống hạnh phúc: “Hạnh phúc thay người tìm được khôn ngoan, người đạt tới sự hiểu biết” (Cn 3:13). Sự khôn ngoan trong Thánh Kinh không phải là sự thông thái thế gian hay tuỳ thuộc vào lượng kiến thức, nhưng là sự thấu hiểu thâm sâu về thánh ý Thiên Chúa và cách sống theo sự dẫn dắt của Ngài. Khôn ngoan là món quà của Thần Khí, giúp con người nhận ra con đường sống đúng đắn, vượt qua những cám dỗ và thử thách, để sống theo ý Chúa.

Tương tự, bình an nội tâm là một hồng ân vượt trên mọi hiểu biết: “Bình an của Thiên Chúa, vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:7). Bình an nội tâm không đến từ hoàn cảnh bên ngoài, mà xuất phát từ một tâm hồn hoàn toàn tin tưởng và cậy dựa vào Thiên Chúa. Khi con người sống trong bình an của Thiên Chúa, họ không còn bị chi phối bởi lo âu hay sợ hãi, nhưng luôn cảm nhận được sự an ủi và vững tin dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bình an nội tâm qua đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện là con đường chính yếu để phát triển và gìn giữ bình an nội tâm. Qua cầu nguyện, con người không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa mà còn tìm gặp ơn an ủi và sự bình an từ Ngài. Chúa Giêsu thường xuyên tìm kiếm nơi tĩnh lặng để cầu nguyện và chiêm niệm, ngay cả trong những lúc bận rộn vì sứ vụ. Cầu nguyện giúp tâm hồn lắng đọng, thoát khỏi những ồn ào và căng thẳng của đời sống thường nhật, và bước vào không gian linh thánh để gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên nhủ rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem những ước nguyện của mình trình bày trước mặt Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện, khẩn xin và tạ ơn” (Pl 4:6). Cầu nguyện như một cách để giao phó mọi lo lắng, căng thẳng vào tay Chúa. Khi biết đặt tất cả vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy sự bình an nội tâm, một sự bình an không đến từ những giải pháp tức thời, mà từ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Dừng lại, ngẫm suy và nguyện cầu, đó là những nhịp sống thiêng liêng giúp mỗi người thoát khỏi sự hấp tấp, vội vã và lo lắng, để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc. Đó là cách mà tâm hồn được an định và tĩnh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa và học cách đáp lời Ngài.

Sự khôn ngoan Kitô giáo trong đời sống hàng ngày

Khôn ngoan Kitô giáo là cách sống theo ánh sáng của Tin Mừng. Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khôn ngoan trong bối cảnh xã hội hiện đại: “Con người cần phát triển không chỉ về mặt kỹ thuật, mà cả về trí tuệ và luân lý, để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình” (GS 1). Khôn ngoan Kitô giáo mời gọi người tín hữu sống với một tinh thần phán đoán đúng đắn, biết phân định điều gì là thiện hảo, điều gì là theo ý Chúa.

Trong đời sống hàng ngày, sự khôn ngoan được thể hiện qua những quyết định đúng đắn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc, gia đình đến mối quan hệ xã hội. Một người khôn ngoan không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ tức thời hay những lợi ích cá nhân ngắn hạn, nhưng luôn đặt mình dưới ánh sáng của sự thật và tình yêu Thiên Chúa. Khôn ngoan giúp người tín hữu biết làm chủ cảm xúc, tránh những quyết định vội vàng, và biết lắng nghe hướng dẫn của Thiên Chúa.

Khôn ngoan không chỉ là một hành vi lý trí mà còn là một thái độ sống, được thể hiện qua sự kiên nhẫn, khiêm nhường và lòng bác ái. Người khôn ngoan biết tôn trọng người khác, không tìm kiếm sự công nhận hay quyền lợi cho bản thân, mà luôn sẵn sàng lắng nghe và phục vụ với tình yêu.

Làm thế nào để tiếp tục sống ơn bình an ngay trong những hoàn cảnh đầy thử thách?

Gìn giữ ơn bình an nội tâm, đặc biệt trong những thời điểm thử thách, đòi hỏi sự một sự thao luyện nhất định. Một vài thực hành thiêng liêng sau đây có thể giúp người tín hữu sống ơn khôn ngoan và gìn giữ ơn bình an.

- Cầu nguyện mỗi ngày: Cầu nguyện là cách hiệu quả nhất để gìn giữ ơn bình an. Một thời gian cụ thể mỗi ngày để cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa sẽ giúp tâm hồn trở nên tĩnh lặng và vun đắp đời sống thiêng liêng, gắn bó với Thiên Chúa.

- Sống trong hiện tại và đối diện với thách đố trong đời sống: Sự lo lắng và căng thẳng thường đến từ những suy nghĩ thái quá về tương lai hoặc quá khứ. Sống trong hiện tại và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa giúp tâm trí không bị chi phối bởi những điều chưa xảy ra: “Đừng lo lắng về ngày mai; ngày mai sẽ lo cho ngày mai” (Mt 6:34). Thực tế, thách đố hay khó khăn là một phần của cuộc sống. Đối diện với khó khăn bằng niềm tin vào Thiên Chúa, biết rằng Ngài luôn đồng hành.

- Hồi tâm và sống lòng biết ơn: Hồi tâm để nhận biết ơn lành Chúa ban và để cảm nghiệm cách Chúa hiện diện và hoạt động trong đời sống thường ngày, nhờ đó, sống lòng biết ơn và tình thân với Thiên Chúa.

Sự khôn ngoan và bình an nội tâm không chỉ là những nhân đức mà còn là hồng ân Chúa ban cho những ai cậy dựa vào Ngài. Qua cầu nguyện, người Kitô hữu tìm thấy ý nghĩa của các thực tại trần thế, và ơn bình an để sống thực tại ấy. Sự bình an Thiên Chúa trao ban, như Thánh Phaolô nói, “vượt quá mọi sự hiểu biết”, sẽ là nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp mỗi Kitô hữu sống trong niềm vui và tin cậy vào Chúa.

Hồi tâm

1) Bạn thường cầu nguyện như thế nào trong đời sống thường ngày? Điều gì thường cản trở bạn cầu nguyện?

2) Bạn cảm nghiệm thế nào về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong những quyết định quan trọng? Làm thế nào để bạn có thể lắng nghe và vâng theo Thánh Thần hơn nữa?

3) Trong cuộc sống thường ngày, bạn cảm nghiệm thế nào về sự hướng dắt của Chúa Thánh Thần? Làm thế nào bạn có thể mở lòng để tương tác với Ngài và để sống theo hướng dẫn của Ngài hơn?

______

[1] Đức Phanxicô, Bài Giáo lý ngày 11-11-2020: Phải luôn cầu nguyện, nguồn: www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-11/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen.html

[2] Sđd.

[3] Trích trong hạnh Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng, nguồn: https://hddmvn.net/nhung-cau-noi-noi-tieng-cua-thanh-nu-teresa-hai-dong-giesu/

[4] Nt.

[5] Sách GLHTCG, số 2660

[6] Sách GLHTCG, số 2769

[7] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 48

[8] Nt

[9] Các Giám mục Châu Mỹ La tinh và vùng Caribê trong văn kiện Aparecida ban hành ngày 29-6-2007, số 264

[10] Giáo sư Guzman Carriquiry, Đức Phanxicô như tôi đã biết, nguồn: Zenit,org 21-4-2014

[11] x. la-croix.com, Nicolas Senèze, 11-08- 2019.

[12] Thánh Têrêsa Giêsu, Libro de la vida, 8: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 1 (Burgos 1915) 57.

[13] Sách GLHTCG số 2709.

[14] Thánh Isaac Ninivê, Tractatus mystici, 66: ed. A.J. Wensinck (Amsterdam 1923) 315; ed. P. Bedjan (Parisiis-Lipsiae 1909) 470.

[15] Thánh Gioan Thánh Giá, Carta, 6: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 13 (Burgos 1931) 262.

[16] Sách GLHTCG số 2717

[17] Cha Guy Oury , Trong How to Get More Out of the Mass The Mass, trang 123

[18] Mẹ Têrêsa Calcutta, Trong Il n'y a pas de plus grand amour, Trang . 22-25

[19] Joseph McGloin, trong How to Get More Out of the Mass, tr. 137

[20] Mẹ Têrêsa Calcutta, trong Il n'y a pas de plus grand amour tr. 22-25

[21] Bài Giáo lý về cầu nguyện của Đức Bênêđictô XVI vào buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 07.03.2012, tại https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-ly-ve-cau-nguyen-cua-duc-benedicto-xvi---bai-28-thinh-lang

[22] Sđd.