11/03/2023
793
Ủy Ban Giáo Dân: Các bài thường huấn tháng 02-2023
























 

CÁC BÀI THƯỜNG HUẤN THÁNG 02-2023
 

BAN NGHIÊN HUẤN

UỶ BAN GIÁO DÂN TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

BIÊN SOẠN



 

BÀI I

 

Đào tạo Giáo dân: Hướng tới một sự đồng trách nhiệm hiệu quả

Trích đoạn bài thuyết trình của Tiến sĩ Hosffman Ospino Cao đẳng Boston, Hoa Kỳ, tại hội nghị quốc tế về chủ đề: Mục tử và giáo dân được mời gói cùng tiến bước (Pastors and Lay Faithful Called to Walk Together) do Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức từ ngày 16-18/2/2023 tại Vatican

Sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội là trách nhiệm của tất cả những người đã được rửa tội. Tất cả người nữ và người nam, đã sống lại với Chúa Giêsu Kitô trong nước Phép Rửa và được đóng ấn bằng Dấu ấn Thánh Thần, phải biết mình được trao quyền để loan báo Tin Mừng, để làm chứng về những gì Thiên Chúa có được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, và trở thành công cụ của Triều Đại Thiên Chúa ở đây và bây giờ trong lịch sử của chúng ta. Đây là một khoảnh khắc của ân sủng; một khoảnh khắc cho chúng ta cơ hội với tư cách là những mục tử, các giáo sư và các nhà thần học để cùng nhau biện phân, trong tinh thần đối thoại hiệp hành, ơn gọi trở thành đồng trách nhiệm của Giáo hội. Tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi truyền giáo như một cộng đồng mà sứ vụ chính là loan truyền trên tinh thần hiệp thông.

Dù là giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, tất cả đã lãnh nhận cùng một phép rửa, đều có trách nhiệm truyền giáo, bởi tất cả chúng ta cùng chia sẻ trong ba nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô: Linh mục, Tiên tri và Vương đế.  Mọi suy tư về việc đào tạo giáo dân phải bắt đầu từ đây. Chúng ta vinh dự được sống trong một thời khắc lịch sử, thời khắc chúng ta cùng chia sẻ  nhiệm vụ của Giáo Hội cách năng động: Giáo Hội ý thức về căn tính và vai trò của giáo dân.

Ba sự phát triển quan trọng cần được lưu ý:

1. Thứ nhất, Giáo Hội đã có những bước đột phá lớn lao, chẳng hạn Giáo Hội  cho phép nói về vai trò phụ nữ nam giới trong các điều khoản riêng liên quan đến các sinh hoạt mục vụ và truyền gáo của Giáo Hội. Địa vị giáo dân không nên được định nghĩa đơn thuần là những người đã được rửa tội nhưng không phải là giáo sĩ hoặc là tu sĩ . Tất cả Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân là những tín hữu có chung một phẩm giá qua bí tích Rửa tội

2. Thứ hai, Các hoạt động tông đồ giáo dân đều thiết yếu trong đời sống và cơ cấu của Giáo hội. Người ta không thể nói về Giáo Hội mà không nói đủ các thành phần giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ.

3. Thứ ba, người giáo dân không chỉ đơn thuần là “cộng tác viên” hay “trợ lý” cho hàng giáo sĩ, cho tu sĩ. Người giáo dân đều đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội và sứ mệnh của Giáo Hội

Qua nhiều suy tư  thần học và những kinh nghiệm thực tiễn về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, có thể nói người nam và người nữ giáo dân như những người đồng chịu trách nhiệm trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, và các mục tử cần cổ võ các loại hình đào tạo phù hợp các  lãnh vực đặc biệt của Dân Chúa. Để làm được điều đó đòi hỏi một sự chuyển động về mô hình đào tạo bắt đầu từ giáo dân, các mục tử có thể đề nghị người  giáo dân viết thần học, về đời sống mục vụ, truyền giáo và đời sống tông đồ theo quan điểm của giáo dân. Giáo Hội sẽ mạnh hơn khi có nhiều quan điểm, được nẩy sinh từ những trải nghiệm khác nhau, qua trung gian, qua những lăng kính khác nhau, làm phong phú thêm về sự hiểu biết của các mục tử.

Sự thay đổi mô hình này dựa trên hai xác tín cơ bản về Giáo hội học.

·  {C}Một là giáo dân nam nữ cùng chịu trách nhiệm về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, cũng như về tất cả các thành viên cộng đồng Giáo hội, bởi vì chúng ta đã được rửa tội. Căn tính rửa tội của mỗi tín hữu khiến họ đồng trách nhiệm cho công việc, sứ mệnh, cơ cấu và con người của Giáo hội. Đồng thời, bởi vì chúng ta được rửa tội, chúng ta có quyền tham gia một cách đáng tin cậy vào các tiến trình giúp Giáo Hội hoạt động, nhiệm vụ, cấu trúc và con người hiệu quả.

· Hai là người nữ và người nam giáo dân, đã được rửa tội và là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, cùng với hàng giáo sĩ và những người được thánh hiến làm thành cộng đoàn Giáo hội, Dân Thiên Chúa. Người mục tử khi nói về giáo dân, phải nhìn họ như những người “giúp Giáo hội thăng tiến sứ mệnh của mình” hoặc những người mà “Giáo hội phục vụ hoặc đồng hành.”  Từ quan điểm này, người mục tử đòi hỏi người giáo dân phải có trách nhiệm hơn trong việc thực thi công việc mục vụ của mình theo trách với tinh thần đồng trách nhiệm đối với các giáo dân khác, với hàng giáo sĩ và với người thánh hiến. Sự thay đổi mô hình được đề xuất ở đây, tập trung vào kinh nghiệm của giáo dân để nói về giáo dân ẵn sàng thừa nhận và khẳng định các nguyên tắc sau đây:

1 Thứ nhất, Chúa Thánh Thần sống, hành động và hoạt động trong mỗi người đã được rửa tội. Đó là Thánh Thần đã được trao ban khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được đổi mới nhờ việc tham dự vào các bí tích và đời sống cầu nguyện. Tất cả mọi người giáo dân đều mang lấy phẩm giá làm con Thiên Chúa; cùng một Thần Khí nâng đỡ ơn gọi của các tu sĩ và giáo sĩ; cùng một Thần Khí hướng dẫn và canh tân Giáo Hội trong lịch sử. Điều này chúng ta sẽ gọi nguyên lý Thần khi học.

2. Thứ hai, giáo dân nam nữ, với tư cách là những người có đức tin, xét theo những bối cảnh, kinh nghiệm cụ thể, và hoàn cảnh trong đó cuộc sống diễn ra, bên trong và bên ngoài các cơ cấu Giáo hội, kinh nghiệm cuộc sống phù hợp với ơn gọi trong tình trạng giáo dân. Kinh nghiệm như vậy, cho phép chúng ta biết và giải thích thực tế theo những cách riêng biệt, chẳng hạn: kết hôn, sinh con, nuôi con, phụng dưỡng cháu, đi cùng vợ hoặc chồng hoặc con qua bệnh tật, trải nghiệm sự đau khổ đặc biệt liên quan đến việc mất vợ hoặc chồng hoặc con cái, cuộc sống độc thân phục vụ người khác, tham gia vào chính trị; lao động trong môi trường xã hội, và trong các hoạt động khác, làm mở mang kiến thức và hiểu biết cách sâu sắc, nhất là giúp nhận ra sự bí ẩn thâm sâu của con người và của Thiên Chúa , điều không thể nhận biết được bằng được bằng cách khác. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên tắc nhận thức luận.

3. Thứ ba, liên kết chặt chẽ với những kinh nghiệm vừa đề cập, người giáo dân trải qua lịch sử khám phá những cách để hiểu thực tế và cách trải nghiệm về Chúa hàng ngày trong ngôn ngữ bình thường cùa cuộc sống, không là ngôn ngữ thần học hoặc kinh thánh, nhưng vẫn dựa trên giáo huấn của  Giáo hội. Trong các lãnh vực liên quan đến nghệ thuật, văn học, thế giới kỹ thuật số, công nghệ, truyền thông và truyền thống triết học và tôn giáo đa dạng, người giáo dẫn vẫn có thể khám phá nơi đó tiếng nói của Thiên Chúa, để nỗ lực trình bày về Thiên Chúa cách thích hợp với hoàn cảnh cự thể. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên lý thần học

4. Thứ tư, nam nữ giáo dân sống và thực hành ơn gọi rửa tội của mình trong môi trường mình sống, đòi hỏi phải làm chứng Tin Mừng mà không cần nhắc đến ngôn ngữ tôn giáo một cách rõ ràng và cũng không cần phải loan báo Tin Mừng nơi bục giảng, trong nhà thờ. Họ loan báo Tin Mừng trong nhà máy, bệnh viện, văn phòng, lớp học , sân thể thao, ngân hàng, cuộc họp hội đồng quản trị, trang trại, phòng thí nghiệm, các căn phòng nơi những quyết định sinh tử được đưa ra, căn phòng nơi chính sách sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người được soạn thảo, v.v. Chứng kiến niềm tin của chúng ta trong những không gian này, đặc biệt là trong một xã hội ngày càng tục hóa, khẳng định về sự sống và sự thật, tuyên bố rằng Thiên Chúa thực sự ở cùng chúng ta, rằng Chúa Giêsu Chúa Kitô là Cứu Chúa của thế giới. Điều này chúng ta sẽ gọi là nguyên tắc tiên tri.

Bốn nguyên tắc này—khí học, nhận thức luận, thần học và tiên tri—đòi hỏi một tin tưởng đặc biệt vào những nam nữ giáo dân như những bình chứa, thông dịch viên và người quản lý đích thực của sứ mạng rao giảng Tin Mừng duy nhất của Giáo hội.

Là những người cộng tác trong vườn nho của Chúa, anh chị em giáo dân hiệp thông với các giáo sĩ và những người sống đời thánh hiến chia sẻ Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô để thánh hóa thế giới. Cộng tác với hàng giáo sĩ và tu sĩ, người giáo dân không chỉ có sự hiểu biết chung về sứ mệnh mà còn chia sẻ trong cùng một sứ mệnh. Sứ mệnh chung không xóa bỏ các vai trò và ơn gọi riêng biệt mà mỗi nguồi được mời gọi trong cùng một cộng đoàn Giáo hội. Thánh Phaolô đã trình bày điều này qua hình ảnh về một thân xác: ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Ki-tô cũng vậy.Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.
Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi. Giả như chân có nói: "Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.Giả như tai có nói: "Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể", thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một.Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày."
(1 Cô-rinh-tô, 12:12-21).

Thật lạ lùng khi cho rằng duy chỉ có người giáo dân nam nữ làm chứng đức tin ở bên ngoài các cấu trúc Giáo hội, hay nói cách khác chỉ ở ‘trong thế gian’. Nói như thế khó giải thích được theo khái niệm về vũ trụ học, và nhân học. Làm sao cắt nghĩa được về các hình thức tồn tại đồng thời “trong thế gian” và “bên ngoài thế gian”. Sự phân chia này có vẻ giả tạo. Giáo Hội với tư cách là Dân Thiên Chúa hiện hữu trong lịch sử. Chúng ta tồn tại trên thế giới; chúng ta là thế giới. Ngay cả khi chúng ta đọc phép ẩn dụ qua lăng kính của thần học Johannine: những người “ở ngoài thế gian” là những người từ chối Thiên Chúa và Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cần phải cẩn thận để không sử dụng nó một cách ngây thơ hoặc không phù hợp khi đề cập đến cuộc sống và sự tham gia của giáo dân vào sứ mạng loan báo Tin Mừng. Người giáo dân sống ơn gọi của bí tích Rủa tội không phải lúc nào cũng sống trong không gian của các công việc được gọi là thuộc về Giáo Hội, nhưng như là những người cùng cộng tác làm việc trong vườn nho của Chúa, người giáo dân cũng tham dự vào phận vụ của Giáo Hội và chia sẻ trách nhiệm với hàng giáo sĩ và giáo sĩ trong việc làm cho Tin Mừng của Chúa đến với muôn dân cho dầu họ bị hạn chế về thời gian, không gian và khả năng do nghề nghiệp cụ thể của họ.

Người giáo dân cũng là những cộng tác viên trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Giáo hội trong nội bộ Giáo hội. Nếu tại một thời điểm nào đó trong lịch sử, người ta cho rằng nhiệm vụ này là mục tiêu chủ yếu của các hàng giáo sĩvà người giáo dân chỉ đảm nhận một vai trò thụ động, chờ đợi để được mời giúp đỡ hoặc hỗ trợ cho công việc loan báo, đó không phải là tầm nhìn và thách đố mà Công đồng Vatican II đã đưa ra, đặc biệt là trong Lumen Gentium, mời gọi chúng ta hiểu Giáo hội là Dân Chúa. Là thành viên của các giáo xứ, giáo phận, các tổ chức và các cấu trúc khác của Giáo hội, chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm, cùng quan tâm đến vận mệnh của Giáo Hội. Do đó, các mục tử phải quan tâm đến việc đào tạo giáo dân, giống như việc Giáo hội quan tâm đến việc đào tào cho các ứng viên linh mục tương lai.

Một số nam nữ giáo dân được kêu gọi tham gia cách rõ ràng hơn vào thừa tác vụ của Giáo Hội. Họ là những thừa tác viên giáo dân. Như vậy, họ được gọi tham gia vào hoạt động mục vụ của giáo xứ nơi họ sống và phục vụ, và được chính Giám mục bổ nhiệm . Để làm được điều này, họ phải trải qua sự huấn luyện thần học và thừa tác thích hợp. Công việc mục vụ giáo hội là một ơn gọi cụ thể được đặt để trong ơn gọi nẩy sinh từ Bí tích Rủa tội. Những công việc mục vụ này  được trao cho người giáo dân phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của họ, nhờ đó công việc loan báo Tin Mừng được phong phú theo cách riêng biệt. Thừa tác vụ giáo dân là ơn gọi mục vụ đích thực trong đời sống Giáo hội, bắt nguồn từ sự phong phú và  năng quyềncủa Bí tích Rửa tội, và như thế nó không nên được coi là một giải pháp tạm thời khi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm linh mục. Sự hưng thịnh của thừa tác vụ giáo dân là một hồng ân của Chúa Thánh Thần Thần cho Giáo hội trong thời đại chúng ta. Sự hưng thịnh đó sẽ được thúc đẩy cùng với sự hưng thịnh của thừa tác vụ của hàng giáo sĩ .

Việc đào tạo giáo dân bắt đầu với cam kết cung cấp các nguồn lực cho tất cả những người đã được rửa tội, để  họ có một cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô ở đây và ngay bây giờ. Chỉ có những người cảm nghiệm được tình yêu thương xót và biến đổi của Chúa trong cuộc đời họ, những người xác tín chắc chắn về  mầu nhiệm Vượt qua vàsự phục sinh của Người mới có thẻ giúp họ trở thành người môn đẹ đích thật của Chúa. Điểm khởi đầu của sự đào tạo với tư cách là những môn đệ chính là cuộc sống của chính chúng ta được định hình bởi thực tế và hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải hàng ngày. Mọi quá trình hình thành đều bắt đầu từ cuộc sống của chính chúng ta. Chúng ta hãy trở lại với bốn nguyên tắc đã được xác định trước đó: khí học, nhận thức luận, thần học, và tiên tri.

Việc đào tạo giáo dân cần phải:

Cung cấp cho người giáo dân các ngôn ngữ thích hợp để giúp họ xác định và gọi tên cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống cụ thể của họ;

Khẳng định sự khôn ngoan và sự hiểu biết sâu sắc của giáo dân như là điểm gặp gỡ với các nguyên tắc cốt lõi của truyền thống Kitô giáo;

Hình thành trí tưởng tượng của giáo dân để nuôi dưỡng đời sống tinh thần, và từ đó nẩy sinh nhiều sáng kiến trong việc loan báo Tin Mừng cách có hiệu quả;

trao cho giáo dân quyền làm chứng với niềm vui và can đảm cho sự thật và các giá trị của Tin Mừng, bắt đầu từ chính gia đình và cộng đồng đức tin , và từ đó hướng đến nhiều lĩnh vực khác trong đó cuộc sống của chúng ta.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong một thời điểm rất quan trọng của lịch sử Giáo hội chúng ta. Chúng ta có thể nói cách tin tưởng tuyệt đối rằng Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta. Đây là một Kairos; một thời gian ân sủng cho phép chúng ta học hỏi nhiều hơn và đánh giá cao hơn vai trò của nam nữ giáo dân với tư cách là những người thợ trong vườn nho của Chúa. Trong tinh thần hiệp hành lắng nghe và phân định, hy vọng rằng những ý tưởng được đưa ra nơi đay sẽ truyền cảm hứng cho các cuộc đối thoại và cách tiếp cận sáng tạo hơn nữa đến việc đào tạo các nam nữ giáo dân để trở thành những người cộng tác cách sống động tích cực vào sư vụ của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều là Giáo hội, do đó chịu trách nhiệm xây dựng những cộng đoàn đức tin vững mạnh bằng những hồng ân Chúa Thánh Thần đã ban cho mỗi chúng ta, cá nhân và cộng đồng. Chúng ta cần có nhau.

 

Lm Anton Hà Văn Minh lược dịch

 

 

BÀI II

Sự Dấn Thân Của Kitô Hữu Theo GHXHCG

(Tóm lược GHXHCG số 541 – 574)

Nhiệm vụ của tín hữu giáo dân là tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc gắn bó với những công việc trần gian và sắp đặt chúng theo Thánh ý Chúa.

I. Khởi Đi Từ ơn Gọi Của Các Bí Tích Khai Tâm

Bản sắc của tín hữu giáo dân được phát sinh và nuôi dưỡng bởi bí tích Thánh Tẩy,Thêm Sức và Thánh Thể. Bí tích Thánh Tẩy làm cho con người được đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Con Thiên Chúa, trưởng tử của mọi loài thụ tạo, được sai đến với tất cả như là vị Thầy và là Đấng Cứu Thế. Bí tích Thêm Sức làm cho mỗi cá nhân nên giống khuôn mẫu của Đức Kitô, Đấng được sai đến để ban sự sống mới cho công cuộc sáng tạo và cho từng hữu thể qua việc tuôn trào Thần Khí của Người. Bí tích Thánh Thể làm cho người tín hữu được tham dự vào hy tế duy nhất và hoàn hảo mà Đức Kitô dâng hiến cho Chúa Cha, bằng chính xác thân Người để cứu độ thế giới.

Người tín hữu Công giáo là những môn đệ của Đức Kitô bắt đầu với các bí tích, có nghĩa là qua những gì Thiên Chúa đã tác tạo nơi họ, ghi dấu nơi họ bằng chính hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài. Chính từ quà tặng ân huệ thần linh này, chứ không phải từ sự nhượng quyền của con người, mà phát sinh ra “munus” (ân huệ và trọng trách) ba mặt, tiêu biểu cho người tín hữu giáo dân, là tiên tri, tư tế và vương giả, phù hợp với bản tính trần thế của họ.

II. Ngang Qua Sự Dấn Thân Loan Báo Tin Mừng, Một Sứ Mạng Phải Chu Toàn

Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin Mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình; sự dấn thân vào chuyên môn trong thế giới lao động, văn hoá, khoa học và nghiên cứu; việc thực hành các trách nhiệm xã hội, kinh tế và chính trị. Tất cả những thực tại con người trần thế – cả cá nhân lẫn xã hội, bao gồm những môi trường và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, cũng như các cấu trúc và các định chế – là bối cảnh mà trong đó người tín hữu giáo dân sống và làm việc. Những thực tại này là những nơi mà người ta đón nhận được tình yêu Thiên Chúa. Sự dấn thân của họ phải phù hợp với tầm nhìn này và được nhìn nhận như một cách diễn tả lòng bác ái theo Tin Mừng. “Đối với tín hữu giáo dân, sự hiện diện và hoạt động của họ trong thế giới không chỉ là một thực tại mang tính nhân học và xã hội học, nhưng theo một cách thức đặc biệt, đó còn là một thực tại mang tính thần học và giáo hội học nữa”.

Việc làm chứng của tín hữu giáo dân được phát sinh từ ân huệ Chúa ban, được công nhận, nuôi dưỡng và dẫn tới sự trưởng thành. Động lực này làm cho sự dấn thân của họ trên thế giới có ý nghĩa và khác với những đặc tính hoạt động đặc thù của chủ nghĩa nhân bản vô thần, những đặc tính ấy không có một nền tảng tối hậu và bị đóng khung trong những giới hạn hoàn toàn thế tục. Lấy viễn cảnh cánh chung là then chốt mới có thể đem đến một sự hiểu biết đúng đắn về những thực tại con người. Từ điểm tựa là những ích lợi xác định này, tín hữu giáo dân có thể dấn thân vào hoạt động trần thế thetheo những tiêu chuẩn đích thực. Những mức sinh hoạt cao và năng suất kinh tế lớn hơn không phải là các chỉ báo có giá trị duy nhất để đo lường thành tựu đầy đủ của con người trong cuộc sống này, và thậm chí chúng còn kém giá trị đối với cuộc sống mai hậu, “bởi vì tầm nhìn của con người không chỉ giới hạn trong trật tự trần thế; tuy sống trong tầm mức của lịch sử nhân loại, con người vẫn bảo tồn toàn vẹn vận mệnh vĩnh cửu của mình”.

III. Đi Đến Những Lãnh Vực Cần Sự Dấn Thân Của Tín hữu Giáo Dân

Sự hiện diện của giáo dân trong đời sống xã hội được tiêu biểu bởi việc phục vụ, đó là dấu hiệu và sự biểu lộ của tình yêu, được thể hiện trong lĩnh vực gia đình, văn hoá, lao động, kinh tế và chính trị theo những khía cạnh đặc trưng. Tuân theo những đòi hỏi khác trong lĩnh vực lao động đặc biệt của mình, giáo dân nam nữ diễn tả sự thật của lòng tin và đồng thời cũng diễn tả sự thật của học thuyết xã hội của Giáo Hội, làm cho học thuyết này hoàn toàn trở thành một thực tại khi học thuyết ấy được sống một cách cụ thể với mục đích để giải quyết các vấn đề xã hội. Quả thật, sự tin cậy đối với học thuyết này phát xuất một cách trực tiếp từ bằng chứng của hành động hơn là tính nhất quán nội tại hoặc tính logic của nó.

Tiến vào Thiên Niên Kỷ Thứ Ba của kỷ nguyên Kitô giáo, qua đời sống chứng nhân, người giáo dân sẽ cởi mở chính mình cho tất cả những ai mà cùng với họ đón nhận gánh nặng trách nhiệm về lời mời gọi khẩn thiết nhất của thời đại chúng ta. “Rút ra từ những kho tàng giáo huấn của Giáo Hội, những đề nghị của Công Đồng này nhắm tới tất cả mọi người, dù họ tin vào Thiên Chúa hoặc không nhìn nhận Ngài cách công khai; những đề nghị ấy có ý giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vận mệnh của mình, giúp cho lao động phù hợp hơn với phẩm giá cao quý của con người, giúp phấn đấu để có một cảm thức sâu đậm hơn về tình huynh đệ phổ quát và giúp đáp ứng những yêu cầu khẩn thiết của thời đại chúng ta với một nỗ lực quảng đại và phổ biến của tình yêu”

1- Phục vụ con người :  Trong những lĩnh vực dấn thân xã hội của giáo dân, việc phục vụ con người chiếm ưu thế hàng đầu. Cổ vũ cho phẩm giá của mọi người, tài sản quý nhất của những con người, nam cũng như nữ, là “nhiệm vụ thiết yếu, hiểu theo một nghĩa nào đó, là nhiệm vụ trọng tâm và thống nhất của việc phục vụ mà Giáo Hội, và giáo dân trong Giáo Hội, được mời gọi để thể hiện cho gia đình nhân loại”

- Hình thức thứ nhất, trong đó nhiệm vụ được thực hiện, bao gồm sự dấn thân và những nỗ lực đổi mới chính mình từ bên trong. Chính từ sự chuyển biến của các tâm hồn mà nảy sinh ra mối quan tâm đến những người khác để yêu thương họ như anh chị em mình.

- Cổ vũ phẩm giá con người trên hết ngụ ý việc xác định tính bất khả xâm phạm của quyền được sống, từ khi được thụ thai cho đến lúc chết một cách tự nhiên, là quyền thứ nhất trong các quyền lợi và là điều kiện cho tất cả các quyền khác của con người. Hơn nữa, tôn trọng nhân phẩm đòi buộc phải nhìn nhận chiều hướng tôn giáo của con người. “Đây không chỉ đơn giản là một đòi buộc ‘liên quan đến những vấn đề của niềm tin’, mà còn là một đòi buộc không thể tách biệt ra khỏi thực tại cá nhân của con người”. Sự nhìn nhận hữu hiệu về quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo là một trong những di sản cao quý nhất và là một trong những bổn phận quan trọng nhất của mỗi dân tộc muốn bảo đảm thiện ích của cá nhân và xã hội. Trong bối cảnh văn hoá hiện nay, nhu cầu đặc biệt khẩn thiết là nhu cầu bảo vệ hôn nhân và gia đình, muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu này, người ta phải xác tín về giá trị duy nhất và riêng biệt của hai thực tại đó đối với sự phát triển đích thực của xã hội loài người.

2. Phục vụ trong lĩnh vực văn hoá : Văn hoá phải là lĩnh vực ưu tiên cho sự hiện diện và dấn thân của Giáo Hội và các cá nhân Kitô hữu. Công đồng Vatican II nhận thấy sự tách rời của niềm tin Kitô giáo với đời sống hằng ngày như là một trong những sai lạc trầm trọng nhất của thời đại chúng ta. Cần phải ghi nhớ rằng “nhờ văn hoá, con người, với tư cách là người, sẽ trở thành người hơn, và một khi “là” người hơn như thế, thì cũng làm cho sự hiện hữu có giá trị hơn. Cổ vũ một nền văn hoá xã hội và chính trị được gợi hứng từ Tin Mừng phải là một phạm vi hoạt động có tầm quan trọng đặc biệt đối với tín hữu giáo dân.

- Sự hoàn hảo trọn vẹn của con người và thiện ích của toàn thể xã hội là những cứu cánh thiết yếu của nền văn hoá; vì vậy chiều hướng đạo đức của văn hoá là một ưu tiên trong sinh hoạt xã hội của người tín hữu giáo dân. Không chú ý đến chiều hướng này sẽ dễ dàng biến văn hoá thành một công cụ làm nghèo nhân loại. Nền văn hoá có thể trở nên cằn cỗi và đi đến suy đồi khi nó “chỉ hướng về bên trong và cố gắng duy trì những lối sống lỗi thời qua việc từ chối bất cứ trao đổi hay thảo luận nào có liên quan đến sự thật về con người.

- Sự tham gia về mặt xã hội và chính trị của giáo dân trong lĩnh vực văn hoá ngày nay đang chuyển biến theo những hướng chuyên biệt. Trước tiên là cố gắng bảo đảm quyền có một nền văn hoá nhân bản và dân sự cho mỗi con người, “phù hợp với phẩm giá của con người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, quốc gia, tôn giáo hoặc những hoàn cảnh xã hội

- Thách đố lớn cho sự dấn thân Kitô giáo liên quan đến nội dung của văn hoá, đó là sự thật. Vấn đề sự thật là cốt lõi của văn hoá vì vấn đề này nằm trong bổn phận của mỗi con người là phải duy trì một sự hiểu biết về con người toàn vẹn, trong đó các giá trị về trí tuệ, ý chí, lương tâm và tình huynh đệ là những nét nổi bật

(còn tiếp)

LM Giuse Maria Lê Quốc Thăng