18/04/2023
999
Tình thương_Tiến sĩ Peter Kreeft













 

TÌNH THƯƠNG

Tiến sĩ Peter Kreeft

Không cần dè dặt, không cần điều kiện, thêm thắt hay nhưng nhị gì, Lời Thiên Chúa nói với chúng ta, thẳng thừng như một cú đấm mạnh vào sườn trái, rằng tình yêu là điều vĩ đại nhất hiện có (1Cr 13,13). Thánh Kinh không bao giờ nói Thiên Chúa là công lí hay vẻ đẹp hay sự công chính, mặc dù Ngài công bằng, đẹp đẽ và công chính. Nhưng “Thiên Chúa là tình thương” (1Ga 4,8). Tình thương là bản chất của Thiên Chúa, là hữu thể trọn vẹn của Ngài. Mọi sự ở nơi Ngài đều là tình thương. Thậm chí công lí của Ngài cũng là tình thương. Thánh Phaolô đồng nhất “sự công chính của Thiên Chúa” trong thư Rôma 1,17 với sự kiện bất công nhất trong toàn bộ lịch sử là tội giết Chúa, việc đóng đinh Chúa, bởi vì đó là hành động yêu thương cao cả của Thiên Chúa.

Nhưng không có từ nào trong xã hội chúng ta gây hiểu lầm hơn từ tình yêu. Một trong những cuốn sách hữu ích nhất chúng ta có thể đọc là kiệt tác The Four Loves (Bốn Loại Tình Yêu) bé nhỏ khiêm tốn của C.S. Lewis. Trong sách, ông phân biệt rõ agape, loại tình thương mà Chúa Kitô đã dạy và đã tỏ bày, với storge (tình cảm hay sự ưa thích tự nhiên), với eros (khao khát tính dục), và philia (tình bạn). Agape là điều vĩ đại nhất trên thế giới.

Bốn tình yêu

Bác ái (charity trong tiếng Anh) là từ trước đây được dùng để chỉ agape. Rủi thay, với hầu hết mọi người ngày nay từ đó đơn giản chỉ có nghĩa là bố thí cho người ăn xin hay cho Quỹ từ thiện. Nhưng từ tình yêu không hợp với nghĩa nào trong hai nghĩa đó. Với hầu hết mọi người nó có nghĩa hoặc là tình yêu tính dục (eros) hoặc là một cảm giác ưa thích (storge), hoặc một tình yêu mập mờ nói chung. Có lẽ cần phải giữ từ Hy Lạp agape (phát âm là a-ga-pê) cho dù có thể gặp rủi ro vì nghe có vẻ trịch thượng hay học thuật, để chúng ta không lẫn lộn điều quan trọng nhất trên thế giới này với một cái khác để rồi đánh mất nó, bởi vì xã hội của chúng ta hiểu rất sai về từ này.

Hiểu lầm đầu tiên và thông thường nhất về agape là nhầm lẫn nó với một cảm xúc. Cảm xúc của chúng ta cao quý, nhưng agape cao quý hơn. Cảm xúc đến với chúng ta, một cách thụ động; còn agape phát xuất từ chúng ta, một cách chủ động, do chọn lựa tự do của chúng ta. Chúng ta không có trách nhiệm với cảm xúc của mình – chúng ta không thể kiểm soát việc chúng ta cảm thấy thế nào – nhưng chúng ta có trách nhiệm với tình yêu agape hay việc thiếu nó, trách nhiệm ấy có tính cách vĩnh viễn, bởi vì agape phát xuất từ chúng ta; các cảm xúc đến từ gió trời, thời tiết, và bộ tiêu hóa. “Tình ái” phát xuất từ những cơn gió nhẹ mùa xuân; còn tình thương thật phát xuất từ trung tâm của linh hồn, là điều Thánh Kinh gọi là con tim (đây là một từ nữa bị chúng ta làm cho thành ủy mị và hạ xuống thành cảm xúc). Sự ưa thích là một cảm xúc. Nhưng tình thương (agape) thì còn hơn cả sự ưa thích mạnh mẽ. Chỉ có kẻ ngu mới ra lệnh cho người ta phải cảm thấy thế này thế nọ. Thiên Chúa ra lệnh cho chúng ta yêu thương, và Thiên Chúa không phải là kẻ khờ dại.

Chúa Giêsu đã có những cảm xúc khác nhau đối với những con người khác nhau. Nhưng Ngài đã yêu thương tất cả cách đồng đều và tuyệt đối. Nhưng làm sao chúng ta có thể thương một ai đó nếu chúng ta không ưa thích họ? Dễ thôi – chúng ta vẫn luôn làm vậy cho bản thân mình đấy thôi. Chúng ta không luôn luôn có những cảm xúc dịu dàng, thoải mái về chính mình; thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy khờ dại, ngốc nghếch, ngu xuẩn, hay độc ác. Nhưng chúng ta luôn thương bản thân chúng ta: chúng ta luôn tìm điều tốt cho bản thân chúng ta. Thật vậy, chúng ta cảm thấy không ưa bản thân, chúng ta mắng nhiếc bản thân, chính là vì chúng ta thương bản thân; vì chúng ta quan tâm đến sự thiện của mình, nên chúng ta không kiên nhẫn với điều xấu của mình.

Chúng ta sa vào lưới tình chứ chúng ta không sa vào lưới agape. Chúng ta trỗi dậy trong agape.

Thiên Chúa là agape, và agape không phải cảm xúc. Vì vậy Thiên Chúa không phải là cảm xúc. Điều đó không làm cho Ngài hay agape thành lạnh lùng và trừu tượng. Mà chỉ ngược lại: Thiên Chúa là chính tình thương, cảm xúc là những mảnh vụn của tình thương được tiếp nhận một cách thụ động. Thiên Chúa không thể sa vào lưới tình tương tự như nước không thể bị ướt: nó ướt. Tình thương tự nó không thể nhận lấy tình thương như một sự thụ động, mà chỉ loan truyền nó như một sự chủ động. Thiên Chúa là tình thương đang hành động, không phải tình yêu trong mơ. Các cảm xúc giống như những giấc mơ: dễ dàng, thụ động, tự phát. Agape thì cứng rắn và quý giá như một viên kim cương.

Điều này đưa chúng ta đến hiểu lầm thứ hai và cũng quan trọng nữa. Đối tượng của agape luôn là cá nhân cụ thể, chứ không phải một thứ trừu tượng được gọi là nhân loại. Tình yêu nhân loại thì dễ dàng bởi vì nhân loại không khiến bạn ngạc nhiên với những đòi hỏi phiền phức. Bạn không bao giờ thấy nhân loại đứng trước cửa nhà bạn xin xỏ và mình bốc mùi hôi hám.

Chúa Giêsu lệnh cho chúng ta yêu thương không phải nhân loại mà là người thân cận của mình, tất cả người thân cận của chúng ta, những cá nhân thật sự mà chúng ta gặp, như Người đã yêu. Người đã chết cho tôi và cho bạn, không phải cho nhân loại. Thánh Giá có tên của chúng ta trên đó, chứ không phải cái tên “nhân loại”. Khi Chúa Giêsu tự gọi Người là Mục tử nhân lành, Người nói Người “gọi chiên của Người bằng tên” (Ga 10,3). Tin Mừng đến với bạn không phải trong một tờ báo với nhãn hiệu Được Sao Chép, “Gia chủ kính mến”, nhưng trong một phong thư viết tay gửi riêng cho bạn, như là một bức thư tình Thiên Chúa gửi cho một mình bạn mà thôi. Một trong các vị thánh nói rằng Chúa Giêsu sẽ hoàn thành mọi thứ Người đã làm và sẽ chịu mọi thứ Người phải chịu cho dù bạn là kẻ duy nhất phạm tội, chỉ cho bạn thôi. Người đã làm hơn thế nữa! Điều này không phải là chuyện “giả sử”; đây là sự thật. Đôi mắt yêu thương của Người thấy bạn từ Thập Giá. Mỗi vết thương trong năm vết thương của Người đều mở miệng gọi tên bạn.

Hiểu lầm thứ ba có liên quan đến tình thương là lẫn lộn nó với sự ân cần, ân cần chỉ là một trong những thuộc tính thông thường của tình yêu. Ân cần là khao khát làm dịu đau khổ của người khác. Tình thương là ước muốn sự tốt lành cho người khác. Một người cha có thể đánh vào mông đứa con vì tình thương. Và Thiên Chúa là một người cha.

Lạ lùng thay rõ ràng Thiên Chúa không đơn thuần là sự ân cần, bởi vì Ngài không loại bỏ hết đau khổ, mặc dù Ngài có quyền năng làm như vậy. Quả thế, Thiên Chúa, Đấng toàn năng, có thể ngay tức khắc xóa bỏ tất cả đau khổ khỏi thế giới này một cách kì diệu lại cố tình chọn không làm như vậy – và chính thực tế này là l lẽ thông thường nhất được những người không tin dùng để chống lại Ngài. L lẽ số một của chủ nghĩa vô thần bắt nguồn từ sự nhầm lẫn giữa tình thương và sự ân cần.

Chúng ta càng thương một người, tình thương của chúng ta càng vượt xa sự ân cần. Chúng ta chỉ ân cần với thú cưng, và vì vậy chúng ta bằng lòng cho thú cưng của mình chết “để chúng thoát khỏi thống khổ” khi chúng đang chịu đau khổ. Áp lực đang tăng cao ở Mỹ khi hợp pháp hóa cái chết êm dịu (cho đến nay chỉ có Đức Quốc Xã và bây giờ có Hà Lan đã hợp pháp hóa cái chết êm dịu), và sự dữ này cũng bắt nguồn từ sự nhầm lẫn giữa tình thương và sự ân cần. Chúng ta ân cần đối với người lạ nhưng đòi hỏi với những người chúng ta yêu thương. Nếu một người xa lạ cho bạn biết anh ta là một kẻ nghiện thuốc phiện, bạn chắc hẳn sẽ cố gắng tranh luận với anh ta một cách ân cần và lịch thiệp; nhưng nếu con trai hoặc con gái của bạn nói điều đó với bạn, chắc hẳn bạn sẽ quát tháo và la hét lắm luôn.

Các người làm ông thì ân cần; các người làm cha thì yêu thương. Các ông nói:Chúc cháu đi chơi vui vẻ”; còn các cha nói: “Nhưng đừng làm cái này cái nọ nha”. Các ông hay động lòng, còn các cha lại dễ cáu. Thiên Chúa không bao giờ được gọi là ông của chúng ta, dù rằng chúng ta sẽ thích người ông đó hơn là người cha yêu thương chúng ta với kiểu thân tình, đòi hỏi, và gần gũi đến độ gây phiền phức. Câu nói chúng ta nghe thường xuyên nhất trong cuộc sống chính là triết lý của người ông: “Chúc một ngày tốt lành”. Nhiều linh mục thậm chí thánh hóa triết lý này bằng cách kết thúc Thánh Lễ với câu đó, mặc dù Thánh Lễ được dành để tôn thờ Chúa Cha, chứ không phải Chúa Ông.

 

Ông ngoại

Hiểu lầm thứ tư về tình thương là sự nhầm lẫn giữa “Thiên Chúa là tình thương” và “tình yêu là Thiên Chúa”. Việc tôn thờ tình yêu thay vì tôn thờ Thiên Chúa có liên quan đến hai điểm hết sức sai lầm. Thứ nhất, nó sử dụng từ Thiên Chúa chỉ như một từ thay thế cho tình thương. Thiên Chúa được nghĩ tới như một sức mạnh hay một năng lượng hơn là như một ngôi vị. Thứ hai, nó thần thánh hóa thứ tình yêu mà chúng ta đã biết thay vì tỏ rõ cho chúng ta thứ tình thương mà chúng ta chưa biết. Để hiểu về điểm này, chúng ta xem xét điều này: “A là B” không có cùng một nghĩa với “A bằng B”. Nếu A = B thì B = A, nhưng nếu A là B, thì không có nghĩa rằng B là A. “Ngôi nhà đó bằng gỗ” không có nghĩa “gỗ bằng ngôi nhà đó”. “Một thiên thần là tinh thần” không có nghĩa “tinh thần là thiên thần”. Khi chúng ta nói “A là B”, chúng ta bắt đầu với chủ từ, A, là điều chúng ta cho rằng người nghe biết rồi, và sau đó chúng ta thêm một vị ngữ vào. “Mẹ bệnh” nghĩa là “Bạn biết rõ về mẹ, hãy để tôi nói cho bạn một điều bạn chưa biết về bà ấy: bà ấy bệnh”. Vì vậy “Thiên Chúa là tình thương” nghĩa là “Hãy để tôi nói cho bạn một điều mới mẽ về Thiên Chúa là Đấng mà bạn biết: Ngài là tình thương nền tảng, hoàn toàn là tình thương”. Nhưng “Tình yêu là Thiên Chúa” có nghĩa là “Hãy để tôi nói cho bạn một điều về tình yêu là thứ bạn biết rồi, tình yêu nhân loại của bạn: đó là Thiên Chúa. Đó là thực tại tối hậu. Đó là điểm xa nhất có thể vươn tới. Đừng tìm kiếm Thiên Chúa thêm nữa”. Nói cách khác, “Thiên Chúa là tình thương” là điều thâm sâu nhất mà chúng ta từng nghe. Nhưng “tình yêu là Thiên Chúa” là điều cực kỳ vô nghĩa.

Hiểu lầm thứ năm về tình thương là ý tưởng: bạn có thể thương với tình thương. Không, bạn không thể, bạn không thể có đức tin trong đức tin, hay có hy vọng trong hy vọng, hay thấy được tầm nhìn. Tình yêu là một hành động, một sức mạnh, hay một năng lượng, nhưng con người thì hơn thế nữa. Điều chúng ta thương với tình thương agape chỉ có thể là một người, là điều có thật nhất, bởi vì mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là thực tại tối hậu, và danh của Thiên Chúa là Ta-Là, đó là danh xưng chỉ một ngôi vị. Nếu có người nói rằng họ đang yêu với tình yêu, thì tình yêu đó không phải là tình thương agape mà chỉ là cảm xúc.

Hiểu lầm thứ sáu về tình thương là ý tưởng cho rằng “Thiên Chúa là tình thương” không liên quan gì đến thần học tín điều, cách riêng tín điều Chúa Ba Ngôi. Mọi người đều có thể đồng ý rằng “Thiên Chúa là tình thương”, dường như là vậy, nhưng Thiên Chúa Ba Ngôi có phải là một tín điều rối não dành cho nhóm người ưu tuyển? Không phải thế. Nếu Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì Thiên Chúa không phải là tình thương. Bởi vì tình thương đòi hỏi ba điều: người thương, người được thương, và một tương quan giữa họ. Nếu Thiên Chúa chỉ là một ngôi vị, thì Ngài có thể là người thương, chứ không là chính tình thương. Chúa Cha thương Chúa Con và Chúa Con thương Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần là tình thương bắt nguồn từ cả hai ngôi vị ấy, từ muôn thuở. Nếu không đúng như vậy, thì Thiên Chúa sẽ cần đến chúng ta, Ngài sẽ không đầy đủ nếu không có chúng ta, nếu không có ai đó để yêu thương. Và việc Ngài dựng nên chúng ta sẽ không hoàn toàn vô vị lợi mà do ích kỷ, xuất phát từ nhu cầu của riêng Ngài.

Tình thương là bông hoa, và hy vọng là cành hoa. Ơn cứu độ là cả cái cây. Ân sủng của Thiên Chúa, sự sống của chính Thiên Chúa, đi vào trong chúng ta bằng đức tin, giống như nước đi qua rễ của cây. Nó vươn lên trong chúng ta bằng hy vọng, giống như nhựa cây đi qua thân cây. Và nó đâm hoa từ các nhánh của chúng ta, kết trái cho người thân cận của chúng ta hưởng dùng.

Đức tin giống như mỏ neo. Đó là lý do nó phải bảo thủ, và thậm chí chậm tiến triển, như cái mỏ neo. Đức tin phải trung thành. Đức cậy giống như la bàn hay viên hoa tiêu. Nó cho chúng ta phương hướng, và nó xác định phương hướng từ những ngôi sao. Đó là lý do nó phải tiếp diễn và hướng tới trước. Đức mến như cánh buồm, căng ra trước gió. Nó là năng lượng thực sự cho hành trình của chúng ta. Đó là lý do nó phải tự do, phải mở ra trước làn gió của Thần Khí, phải quảng đại.

Tình thương agape hoàn toàn không phòng thủ trước sự đối nghịch như của Freud: “Nhưng không phải mọi người đều đáng yêu”. Đúng rồi, họ không đáng yêu. Tình thương vượt trên sự xứng đáng, vượt trên sự công bằng, vượt trên lý trí. Lý lẽ luôn được đưa ra từ trên xuống, và không có gì ở trên tình thương, bởi vì Thiên Chúa là tình thương. Lúc khoảng sáu tuổi, con trai tôi hỏi tôi: “Cha ơi, tại sao cha thương con?”. Tôi bắt đầu đưa ra những câu trả lời sai, những câu trả lời mà tôi nghĩ là nó đang tìm kiếm: “Con là đứa trẻ tuyệt vời. Con ngoan ngoãn, thông minh và khoẻ”. Sau đó, khi thấy được sự thất vọng của nó, tôi quyết định thành thật: “À, cha thương con chỉ vì con là con của cha”. Tôi nhận được một nụ cười nhẹ nhõm và một cái ôm: “Cám ơn cha”. Có lần, một học sinh đã hỏi tôi ở lớp: “Tại sao Thiên Chúa thương chúng ta nhiều vậy?” Tôi trả lời rằng đó là điều tuyệt vời nhất trong tất cả các mầu nhiệm, và bảo cô ấy nên trở lại gặp tôi sau một năm để xem tôi giải quyết được câu hỏi đó không. Một năm sau đúng ngày ấy, cô ấy đến. Cô là người nghiêm túc. Cô thật sự muốn có câu trả lời. Tôi đã phải giải thích rằng ít nhất đây là điều duy nhất không thể nào giải thích được.

Cuối cùng, có một mầu nhiệm dị thường tương tự về nghịch lý nội tại của tình thương agape: Bằng cách này hay cách khác trong tình thương agape, bạn cho đi chính bạn, chứ không chỉ thời gian, công việc, của cải hay thậm chí cơ thể của bạn. Bạn đặt chính bản thân trong tay bạn và trao nó cho người khác. Và khi bạn làm điều không tưởng này, thì điều không tưởng khác lại xảy ra: Bạn tìm thấy chính mình trong việc từ bỏ mình. Bạn bắt đầu hiện hữu khi bạn cho đi chính bạn. Bạn nhận thấy rằng một cái tôi mới và thật hơn bằng cách nào đó đã được ban cho bạn. Khi bạn là một người trao tặng, một cách nhiệm mầu bạn thấy bạn là người nhận chính món quà mà bạn cho đi.

Hơn nữa, không có điều gì khác thật sự là của bạn. Sức khoẻ, công việc, trí thông minh, của cải của bạn – những thứ này không đúng như vẻ bên ngoài của chúng. Tất cả chúng là những điều tiềm ẩn rắc rối, vay mượn, không thực. Bạn khám phá ra điều đó khi bạn biết Thiên Chúa là Đấng nào. Khi diện đối diện với Thiên Chúa trong cầu nguyện, chứ không chỉ với một tư tưởng đúng về Thiên Chúa, bạn nhận thấy bạn không là gì cả. Tất cả các thánh đều nói như vậy: Bạn không là gì cả. Càng đến gần Thiên Chúa, bạn càng nhận thấy điều này, bạn càng nhỏ đi. Nếu bạn khinh khi Thiên Chúa, bạn sẽ nghĩ bạn là người tai to mặt lớn, là đạn cối; nếu bạn biết Thiên Chúa, bạn sẽ biết bạn thậm chí không phải là một viên đạn chì. Những người khinh khi Thiên Chúa nghĩ mình là số một. Những người mang ý tưởng bình dân về Thiên Chúa sẽ nghĩ họ là “những người tốt lành”. Còn những người có tinh thần chính thống tinh ròng thì biết họ là thụ tạo thật sự nhưng có giới hạn, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa nhưng nhơ nhuốc vì tội lỗi. Còn những người bắt đầu cầu nguyện thật sự thì nhận ra rằng so với Thiên Chúa, họ chỉ là những hạt bụi trong mặt trời. Sau hết, các thánh thì nói rằng họ không là gì cả. Hoặc (lời của thánh Phaolô) “đứng đầu các tội nhân”. Những người tội lỗi nghĩ họ là thánh nhân còn các thánh thì nghĩ mình là tội nhân.

Vậy ai đúng? Chúng ta đánh giá nhận thức này như thế nào? Trừ khi Thiên Chúa là Cha những điều dối trá (lời phạm thượng tột bậc), thì các thánh đúng. Trừ khi bạn đến gần Thiên Chúa hơn và thấy mình đã hiểu sai bản thân, thì năm nhóm người trong đoạn trước (từ những kẻ khinh khi đến các thánh) tạo thành những bậc thang nhận thức. Không có điều gì là của chúng ta theo tự nhiên. Chính sự hiện hữu của chúng ta hoàn toàn là một món quà. Hãy nghĩ đến việc bạn được dựng nên, được dựng nên từ hư không. Nếu nhà điêu khắc tạo cho tảng đá cẩm thạch một hình dáng đẹp đẽ, thì hình dáng đó là một món quà, chứ không phải sự hiện hữu của tảng đá. Sự hiện hữu là sở hữu riêng của tảng đá. Nhưng không có gì là của riêng chúng ta bởi vì chúng ta được dựng nên từ hư không. Chính sự hiện hữu của chúng ta là món quà mà Thiên Chúa không dành cho người nào, vì chúng ta không hiện hữu trước khi Ngài dựng nên chúng ta. Không có sự phân biệt giữa người nhận quà với chính món quà. Chúng ta là món quà của Thiên Chúa.

Vì thế các thánh đã đúng. Nếu tôi là hư không, thì hư không của tôi là bất cứ thứ gì. Hư không là của tôi theo bản tính. Nhưng có một điều thuộc về tôi do lựa chọn tự do của tôi: đó là cái tôi mà tôi cho đi trong tình thương. Đó là thứ mà ngay cả Thiên Chúa cũng không thể làm cho tôi. Nó là lựa chọn của tôi. Mọi thứ tôi nói là của tôi đều không phải của tôi. Nhưng mọi thứ tôi nói là của bạn thì là của tôi. C. S. Lewis, khi được hỏi cuốn nào trong số nhiều cuốn sách thư viện mà ông nghĩ là ông sẽ có trên thiên đàng, đã trả lời thế này: “Chỉ những cuốn tôi đã cho đi trên trần gian mà chưa hề lấy lại”. Điều tương tự cũng đúng về bản thân của chúng ta. Nó giống như quả bóng trong trò chơi chụp bắt: ném nó đi thì nó sẽ trở lại với bạn; giữ chặt nó thì chấm dứt trò chơi.

Chuyển ngữ: Nhóm Gioan XXIII

Nguồn: peterkreeft.com