18/05/2024
214
Nhiệm vụ truyền giáo của Linh mục theo Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của Công đồng Vatican II

















 













NHIỆM VỤ TRUYỀN GIÁO CỦA LINH MỤC
THEO SẮC LỆNH PRESBYTERORUM ORDINIS
CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Văn phòng Liên hiệp Giáo Hoàng Truyền giáo Việt Nam

 

Mục đích mấy trang sau đây là trình bày một cách sơ lược nhiệm vụ truyền giáo của Linh mục hàm chứa trong Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của Công đồng Vatican II về Chức vụ và đời sống Linh mục.

Để thấu hiểu mối tương quan mật thiết giữa đời sống Linh mục và nhiệm vụ truyền giáo đã được Công Đồng đặc biệt nhấn mạnh, thiết tưởng cần phải nhắc lại mấy diễn tiến lịch sử trong thời gian soạn thảo Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis.

Sắc Lệnh nầy là một trong những văn kiện được công bố trong thời kỳ sau chót gần ngày bế mạc Công Đồng. Ngay từ tháng VII năm 1960, một Uỷ ban Công đồng đã được thành lập để duyệt xét về đời sống giáo sĩ, sau đó ít lâu một dự án sắc lệnh đã được đệ trình các Nghị phụ, nhưng dự án nầy đã bị đa số các Nghị phụ bác bỏ với lý do là dự án đã quá chú trọng tới phương diện pháp lý cổ điển của Linh mục (như nghĩa vụ Cha Sở, Cha Phó, việc quản trị giáo xứ v.v…) mà chưa nói lên đầy đủ căn bản thần học về đời sống mục vụ và truyền giáo của Linh mục, một mục tiêu then chốt của Công Đồng Vatican II.

Tháng X năm 1964, một dự án Sắc lệnh khác được đệ trình Công Đồng và sau nhiều lần tu chính, bổ túc, ngày 2-XII-1965, Sắc lệnh nầy đã được đưa ra Đại Hội Công Đồng biểu quyết và các Nghị phụ đã đồng thanh chấp thuận văn kiện này với 2390 phiếu thuận và 4 phiếu chống.

Sắc Lệnh nầy đã được Đức Phaolồ VI chính thức công bố và ban hành ngày 7-XII-1965.

A. SẮC LỆNH VỚI QUAN NIỆM TRUYỀN THỐNG VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC

Trước hết phải nói ngay rằng Công đồng đã không chối bỏ bất cứ một quan điểm nào trong học thuyết truyền thống về bản thể cũng như về chức vụ Linh mục, căn cứ theo Thánh Kinh và Thánh Truyền và đã do Công đồng Trente xác định.

Thí dụ về ý niệm “Linh mục là hình ảnh của Chúa Kitô (Sacerdos Alter Christus)”. Sắc lệnh đã nói:

“Bởi thế, sau khi đã sai các Tông đồ như chính Người đã được Chúa Cha sai đến, Đức Kitô, qua các Tông đồ, đã cho những người kế vị các ngài là các Giám mục cũng được thánh hiến và tham dự vào sứ mệnh của Người, sau đó, thừa tác vụ của các Giám mục lại được trao ban cho các linh mục ở cấp độ thuộc quyền, để khi gia nhập hàng linh mục, các ngài trở thành những cộng sự viên của hàng Giám mục cùng nhau chu toàn tốt đẹp sứ mệnh tông đồ đã được Đức Kitô uỷ thác. Trách vụ linh mục trong sự liên kết với chức Giám mục, thông dự vào quyền bính của chính Đức Kitô để kiến tạo, thánh hoá và cai quản Thân Thể Người…” (Presbyterorum Ordinis, No. 2).

Câu này thể hiện đúng học thuyết của Công Đồng Trente về bản thể Linh mục. Vì được tham dự vào chính quyền năng của Chúa Kitô, Linh mục Thượng phẩm, mà vì Chúa Kitô là vị Trung gian (Mediator), là đấng Thánh hoá (Sanctificator), là của lễ Toàn thiêu (Victima), nên Linh mục cũng phải chu toàn ba phận sự đó. Và cũng theo viễn tượng trên, Linh mục thường được quan niệm như một người đã được tận hiến để dâng lời cầu nguyện, đọc kinh nhật khoá, cử hành thánh lễ, ban hành các bí tích và giảng dạy giáo dân nhằm thánh hoá bản thân, thánh hoá tha nhân theo gương Chúa Kitô.

Trên đây chỉ là mấy câu trưng dẫn tượng trưng để chứng minh rằng Công đồng Vatican II đã không phủ nhận giáo thuyết cổ truyền và bản thể chức Linh mục.

B. NHỮNG QUI ĐỊNH MỚI VỀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC THEO SẮC LỆNH PRESBYTERORUM ORDINIS

Quan niệm truyền thống về một đời Linh mục tận hiến cho Chúa (Tu autem, O homo Dei) và tách biệt khỏi trần gian (Segregatus) tuy đã không bị Công đồng phủ nhận, nhưng các Nghị phụ đã cho là không đủ để Linh mục có thể thi hành sứ mệnh Chúa Kitô đã trao phó giữa một thế giới đang trong tình trạng tục hoá và vô thần hoá.

Cũng vì lý do nầy mà cùng với giáo thuyết cổ truyền trên, Công đồng muốn xác định một chiều hướng mới cho đời sống Linh mục là việc rao giảng Phúc âm. Có thể nói toàn thể Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đã được thấm nhuần một bầu khí truyền giáo, không một nguyên lý nào lại không qui hướng về mục tiêu rao giảng Phúc âm.

Chúng ta hãy thử đọc qua mấy đề mục để làm thí dụ như:

- Khi đề cập đến bản thể Linh mục, Sắc lệnh đã qui định rằng:

“Chúa Giêsu, ‘Đấng được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trần gian’ (Ga 10,36), đã cho tất cả Nhiệm Thể của Người được thông phần vào việc xức dầu mà Người đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần: thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng nhờ Đức Kitô, và tuyên xưng quyền năng của Đấng đã gọi họ ra khỏi tối tăm bước vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền.

Khi tham dự vào phận vụ của các Tông đồ, các linh mục được Thiên Chúa trao ban ân sủng để trở nên thừa tác viên của Đức Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành thánh vụ rao giảng Tin Mừng” (Presbyterorum Ordinis, No. 2).

- Khi nói về chức vụ Linh mục, Sắc lệnh cũng đặt vấn đề theo viễn tượng truyền giáo:

“Như thế, khi cầu nguyện, tôn thờ cũng như khi giảng dạy, khi dâng Hy tế Thánh Thể và cử hành các bí tích cũng như khi phục vụ mọi người, các linh mục làm cho vinh quang Thiên Chúa thêm hiển sáng” (Presbyterorum Ordinis, No. 2).

- Nhắc đến sứ mệnh Linh mục là hiện diện giữa trần gian để rao gảng Chúa Kitô cho thế giới, Sắc lệnh viết tiếp:

“Các thánh Tông đồ đã sống như Người, và thánh Phaolô, vị Tiến sĩ dân ngoại, ‘người được dành riêng để rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa’ (Rm 1,1) chứng thực rằng, ngài đã trở nên tất cả cho mọi người để giúp mọi người được cứu rỗi. Giữa lòng Dân Chúa, các tư tế của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó cũng…” (Presbyterorum Ordinis, No. 3).

Trong chương II của Sắc lệnh, khi bàn tới những mối liên hệ của Linh mục với mọi người và mọi giới, Sắc lệnh cũng đặt vấn đề rao giảng Lời Chúa như một tiêu chuẩn đứng hàng đầu:

“Các linh mục, vì là cộng sự viên của các Giám mục, nên trước tiên có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Tin Mừng của Thiên Chúa, để khi thi hành mệnh lệnh Chúa truyền: ‘Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật’ (Mc 16,15), các ngài kiến lập và làm cho đoàn Dân Thiên Chúa ngày thêm đông số…Như thế các linh mục mắc nợ mọi người về phận vụ phải thông truyền cho họ chân lý Tin Mừng các ngài đã nhận được nơi Chúa…” (Presbyterorum Ordinis, No. 4).

Và việc rao giảng Phúc âm đây cần phải được lan rộng tới mọi người, nhất là đối với quảng đại quần chúng nghèo khổ:

“Tuy mắc nợ với tất cả mọi người, nhưng các linh mục phải biết rằng những người nghèo khổ và hèn kém lại được trao phó cho các ngài cách đặc biệt hơn, vì chính Chúa đã tự đồng hoá với họ và coi việc rao giảng Tin Mừng cho họ như là dấu chỉ của công trình cứu thế” (Presbyterorum Ordinis, No. 6).

- Việc Linh mục liên kết với Giám mục cũng được Công Đồng quan niệm theo tiêu chuẩn truyền giáo:

“Ngày nay, sự hợp nhất giữa các linh mục và Giám mục lại càng trở nên khẩn thiết, khi hoạt động tông đồ trong thời hiện đại, vì nhiều lý do khác nhau, vừa phải thực thi theo nhiều cách thức đa dạng, vừa phải vượt khỏi ranh giới giáo xứ hoặc giáo phận…” (Presbyterorum Ordinis, No. 7)

Việc ban hành các bí tích cũng như mọi hoạt đồng Tông đồ của Linh mục, đều qui kết trong bí tích Thánh Thể:

“Những bí tích khác cũng như tất cả các thừa tác vụ trong Giáo Hội và các hoạt động tông đồ đều gắn liền và quy hướng về bí tích Thánh Thể… nhờ đó, con người được mời gọi và sẵn sàng kết hiệp với Người để hiến dâng chính mình cùng với những lao công vất vả và toàn thể tạo vật, sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thân Mình Đức Kitô nhờ việc lãnh nhận Thánh Thể” (Presbyterorum Ordinis, No. 5).

Với mấy dòng trưng dẫn tượng trưng trên đây, chắc mọi người đã hiểu rằng từ nay sau Công Đồng Vatican II, truyền giáo không thể được coi như là một việc phụ thuộc bên lề đời sống Linh mục hoặc như một hoạt động chuyên môn chỉ dành cho một số giáo sĩ tình nguyện muốn làm thừa sai, trái lại truyền giáo phải là một bổn phận chính yếu cấu thành bản thể thánh chức Linh mục.

Nói cách khác, rao giảng Phúc âm không phải là một hoạt động ngoài lề (Activité périphérique) của Giáo hội, nhưng là một thực tại yếu tính (Réalité Ontologique) của toàn dân Thiên Chúa nhất là của các Linh mục, những người đã tận hiến đời mình cho công việc nầy. Từ nay việc tham gia vào sứ mệnh truyền giáo của Giáo hội không chỉ bị giới hạn vào những tặng phẩm vật chất hoặc những hình thức hoạt động bên ngoài, nhưng truyền giáo là một biểu hiệu của chính đời sống Giáo hội.

Các Linh mục chỉ có thể thi hành một cách đầy đủ và hữu hiệu thánh chức của mình một khi biết cách bao biện nơi đời sống nội tâm cũng như ngoại tại của mình lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng Chúa cho mọi người và mọi nơi.

C. MẤY HIỆU QUẢ CỦA SẮC LỆNH VỀ PHƯƠNG DIỆN THIÊNG LIÊNG VÀ MỤC VỤ

Trên đây chúng ta đã phân tách trên phương diện lý thuyết về mối tương quan giữa đời sống Linh mục và nhiệm vụ truyền giáo thể theo sắc lệnh Presbyterorum. Bây giờ chúng ta phải suy diễn ra mấy hiệu quả thực hành theo viễn tượng đó.

Nếu Công đồng đã xem hoạt đồng truyền giáo như một nghĩa vụ trọng đại nhất trong đời sống Linh mục thì cần phải duyệt xét lại toàn thể đời sống đó, cả về phương diện đạo đức lẫn hành động theo chiều hướng truyền giáo.

Bí tích Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống Linh mục, đó là một trong những điểm đã được Công đồng xác quyết nhiều lần. Đã hẳn, hằng ngày Linh mục có nghĩa vụ phải thể hiện sự tế lễ của Chúa Kitô, vì cũng như Chúa Kitô, Ngài là vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Tuy nhiên, thay vì quy hướng thánh lễ Missa vào đời sống đạo đức cá nhân, Linh mục cần phải tưởng niệm và sinh sống thánh lễ theo chiều hướng toàn Nhiệm thể Chúa Kitô.

Hiểu như thế thì mối tương giao của Linh mục giữa mọi người sẽ không còn được quan niệm như một cái gì ngoại tại, nhưng như một tham dự đích thực của mọi nhân vị vào một Nhân vị Tuyệt đối là Chúa Kitô. Bởi vì, một khi đã sống lại, Chúa Kitô không còn thuộc riêng về một thời đại, một địa phương, một chủng tộc, một ngôn ngữ nào riêng biệt. Ngài cũng không liên hệ vào bất cứ một nền văn minh, văn hóa nào nhất định, nhưng Ngài hiện diện một cách phổ quát cho toàn thể nhân loại, mà sự hiện diện này chỉ có thể nhận thấy nơi Giáo Hội, Nhiệm thể hữu hình và khả giác của Ngài. Cách riêng nơi phép Thánh thể, sự hiện diện vô hình của Chúa Kitô trở nên hữu hình, nhờ đó Ngài có thể đón nhận mọi người và mọi người có thể tham dự vào đời sống Thiên Chúa.

Do vậy, người ta không nên quan niệm Thánh lễ Missa như một hành vi nghi lễ thụ động, nhưng như một thực thể sống động có khả năng tái sanh mọi người, nuôi dưỡng mọi người, liên kết mọi người không phân biệt không gian và thời gian. Và cũng vì thế, khi cử hành Thánh lễ Missa, Linh mục phải có tâm tình cảm thông với mọi người, với những niềm vui và những đau buồn của họ, với mọi hoàn cảnh và biến cố của mọi người cũng như của toàn thể nhân loại.

Nếu được quan niệm như trên, Thánh lễ sẽ không còn là một việc đạo đức chỉ có tính cách cá nhân hoặc chỉ được giới hạn trong một giáo xứ hay địa phận, nhưng sẽ trở thành một hành vi có tầm mức thế giới và đại đồng.

Việc tập trung toàn thể đời sống Linh mục vào bí tích Thánh Thể theo viễn tượng truyền giáo như trên sẽ có tác dụng làm cho mọi chức vụ và hành vi của Ngài được có giá trị siêu nhiên và tông đồ khi Ngài đọc kinh cầu nguyện, nhất là đọc kinh Nhật khóa. Ngài sẽ cầu nguyện không những cho bản thân, cho giáo dân Ngài mà thôi, nhưng còn cầu nguyện cho mọi người, không phân biệt tín ngưỡng hay chủng tộc. Khi Ngài ban hành các bí tích, Ngài sẽ thể hiện những cử chỉ và lời đọc với ý hướng làm cho mọi người được thông công ơn cứu rỗi của Chúa Kitô.

D. MẤY VIỆC LÀM CỤ THỂ THEO SẮC LỆNH

Nếu đem so sánh sắc lệnh Presbyterorum Ordinis với hiến chế Lumen Gentium và Sắc lệnh Ad Gentes về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, người ta sẽ nhận thấy rằng cả ba văn kiện đó đều mật thiết liên quan với nhau, vì cả ba đều nhấn mạnh đến nghĩa vụ truyền giáo của mọi tín hữu thuộc Cộng đồng Kitô giáo. Mặc dầu sắc lệnh Presbyterorum Ordinis không đi sâu vào mọi chi tiết của công cuộc truyền giáo, vì phải bàn tới nhiều khía cạnh của đời sống Linh mục, nhưng sắc lệnh đã nêu lên một nguyên lý mới, một hướng đi mới cho mọi Linh mục là từ đây, mọi chức vụ, mọi hành vi của Linh mục đều phải quy hướng về ơn cứu rỗi phổ biến của Chúa Kitô, cho người Công giáo cũng như cho người không Công giáo.

Nói khác đi, từ nay, dù khi đọc kinh cầu nguyện, dù khi cử hành Thánh lễ và ban hành Bí tích, dù khi giáo huấn, giảng dạy hay hoạt động bác ái xã hội, Linh mục phải chú trọng đến ơn cứu rỗi cho mọi người, đó cũng là ơn cứu rỗi độc nhất và đại đồng của Chúa Kitô và của Giáo hội.

Để cụ thể hóa vấn đề, sau đây là mấy sự việc mà mỗi Linh mục sẽ cố gắng thực hiện nơi đời sống và trong chức vụ.

a) Về phương diện ý hướng:

1) Mỗi ngày khi cử hành Thánh lễ, tôi sẽ nhớ xin Chúa ban ơn cứu rỗi cho mọi người và mọi nơi, cũng như Chúa đã giáng trần và chịu chết để cứu rỗi mọi người, đặc biệt tôi sẽ cầu nguyện cho mọi người thuộc địa hạt tôi, cho người Công giáo cũng như người ngoài Công giáo.

Tôi sẽ lưu ý thực hiện nghĩa vụ trung gian (Mediater) trong ba phần chủ yếu của Thánh lễ:

- Với phần Hiến lễ (Offertorium) – Cùng với bánh và rượu tượng trưng cho mọi nỗi lo âu và niềm hy vọng của toàn thể nhân loại, tôi sẽ phó dâng mọi người lên Thiên Chúa như những tạo vật ý thức về nhiệm vụ với đấng Tối Cao.

- Với phần Hiến tế (Consecratio) – Tôi sẽ xin Chúa Kitô hiện diện nơi mọi người và mọi nơi nhờ lòng yêu thương bao la phổ quát của Ngài.

- Với phần Hiệp lễ (Communio) – Tôi sẽ xin Chúa tiếp Kitô liên kết mọi người, để mọi người cùng được cảm thông trong tinh thần và chân lý của Chúa.

2) Trong khi đọc kinh cầu nguyện, nhất là đọc kinh Nhật Khóa, tôi sẽ chủ ý hiệp ý với mọi Linh mục trên toàn thế giới để cho công cuộc rao giảng Lời Chúa được đem lại những thành quả tốt đẹp.

3) Trong khi ban hành các bí tích tôi sẽ xin Chúa Kitô làm cho những bí tích này thực sự trở nên những phương thế cứu rỗi cho mọi người.

4) Trong khi giảng dạy và giáo huấn giáo dân, tôi sẽ cố gắng tiêm nhiễm cho họ một tinh thần Tông đồ và truyền giáo thực thụ, để họ có thể trở nên chứng nhân cho Chúa trong mọi hoàn cảnh và lãnh vực của đời sống.

b) Về phương diện thực hành:

1) Tôi sẽ dùng mọi phương thế thích ứng để làm cho giáo dân họ đạo tôi vừa được thấm nhuần tinh thần truyền giáo, vừa được có cơ hội hoạt động tích cực cho việc rao giảng Phúc âm.

2) Tôi sẽ hướng dẫn các hội đoàn Công giáo thuộc họ đạo tôi – từ thiếu nhi đến trưởng thành – chăm lo đến công cuộc truyền giáo, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi giới, mỗi người.

3) Tôi sẽ cố gắng thực hiện một công cuộc gì, mặc dầu là nhỏ bé nhưng cụ thể và thực tế, nhằm mục đích truyền giáo, thí dụ mở một Trường học (mẫu giáo, tiểu học, trung học v.v…) lập một Trạm phát thuốc miễn phí, mở một lớp Huấn nghệ v.v… để nhờ đó tôi cũng như giáo dân trong họ được có cơ hội tiếp xúc và đối thoại với những người ngoài Công giáo và cũng nhờ đó, Tin Mừng của Chúa có thể được rao giảng một cách hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

4) Tôi sẽ liệu sao để công cuộc truyền giáo họ đạo tôi không có tính cách riêng rẽ, lẽ loi, nhưng sẽ được liên kết với chương trình chung của địa hạt, của giáo phận và của toàn thể Giáo hội.

 

J.B BÙI CHÂU THI biên soạn

 

IMPRIMATUR

Phú Cường, 10-10-1968

+ Jos. Phạm văn Thiên

Episc. Phú Cường