11/12/2023
1269
Mùa Vọng và bản chất của Hội Thánh

















 

MÙA VỌNG VÀ BẢN CHẤT CỦA HỘI THÁNH

Cha Steve Grunow

Ngày 4/12/2023

Hội Thánh đã bắt đầu các lễ nghi long trọng của mùa Vọng, đây là một thời gian dành để tăng cường việc cầu nguyện, sám hối và chuẩn bị cho những cử hành trong mùa Giáng Sinh.

Hãy coi thời gian này như là một cơ hội làm mới lại tương quan của bạn với Chúa Giêsu Kitô trong Hội Thánh. Hãy nhớ, Kitô hữu chúng ta tương quan với Chúa Giêsu Kitô không chỉ trong lòng hay bằng cảm xúc; mà chúng ta tương quan với Đức Kitô trong Hội Thánh. Hội Thánh mang sự sống và sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trong đời sống của chúng ta và vào trong thế giới này, và Hội Thánh làm việc này bởi vì bản chất thực sự của Hội Thánh là thân thể của chính Đức Kitô ở giữa thế gian.

Hạ thấp Hội Thánh thành một tổ chức, một công trình xây trên đức tin và bộ phận nền tảng cho sự hợp tác quốc tế có tính tôn giáo, là một trong những hiểu lầm lớn về Hội Thánh trong thời đại chúng ta. Hội Thánh có các thể chế, các thể chế này không có mục đích tự thân nhưng là những phương tiện để thúc đẩy sứ mạng Đức Kitô đã ban cho những người đã chịu phép rửa để biến đổi đời sống và thế giới. Nhưng không có thể chế nào là bản chất của Hội Thánh, tức sự hiện diện sống động của Đức Kitô trong thế giới.

Sự phân biệt ấy đáng suy gẫm trong mùa Vọng này.

Các bài Kinh Thánh được Hội Thánh công bố trong mùa Vọng sẽ mời gọi chúng ta suy gẫm việc Đức Kitô đến trong thế gian và sẽ đề ra ba cách hiểu việc Đức Kitô đến: Đức Kitô đến trong lịch sử, trong mầu nhiệm, và trong vinh quang.

Trước tiên, Đức Kitô đến trong lịch sử, hướng chúng ta chú ý đến mặc khải này là Thiên Chúa đã hành động và tiếp tục hành động trong thời gian và trong thực tế. Quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa không bị cô lập trên thiên đàng, và Ngài không tách biệt và thờ ơ với thụ tạo của Ngài. Các bài Kinh Thánh chứng thực rằng Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử bằng những cách thức lạ thường và Ngài tiếp tục can thiệp - sự can thiệp lớn nhất được mặc khải nơi Đức Kitô, nơi Đức Kitô Thiên Chúa chấp nhận bản tính con người và thật sự sống đời sống con người.

Đối với chúng ta là những Kitô hữu, Đức Kitô không đơn thuần là một vĩ nhân lịch sử, một anh hùng đứng cạnh các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo khác, là những người thúc đẩy nền văn minh. Đức Kitô là Thiên Chúa, là Chúa toàn thể lịch sử, Đấng cho thấy mức độ quan tâm và liên hệ của Ngài với thế gian và đời sống của chúng ta bằng cách sinh vào trong công trình tạo dựng của Ngài như một con người và sống giữa chúng ta như một người anh em và như một người bạn. Đại Lễ Giáng Sinh (Christmas), tức Lễ  Chúa Kitô (Christ-Mass), mà Hội Thánh sẽ cử hành trong vài tuần nữa, mừng lần đầu tiên chúng ta thoáng thấy Thiên Chúa nơi Đức Kitô, sự kì diệu của cả trời đất, lúc Thiên Chúa tỏ mình cho thế gian trong xác thịt của chúng ta, làm một trong chúng ta, làm một con người.

Bài Kinh Thánh đầu tiên hồi tuần trước trích từ Cựu Ước là sách ngôn sứ Giêrêmia nói về việc Đức Kitô ngự đến trong lịch sử. Sách Giêrêmia là một trong những sách Kinh Thánh buồn nhất. Vương quốc của vua Đavid một thời hùng mạnh bị hủy diệt, và năm 587 trước Công Nguyên sẽ bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn lại một số người Israel sống sót. Giêrêmia cảnh báo dân Israel rằng loạt sự kiện kinh hoàng này sắp diệt trừ mạng sống họ, nhưng lời cảnh báo của ông không được chú ý đến. Và khi dân Israel sợ hãi nhìn thấy mọi thứ họ biết và yêu mến bị lấy đi, ngôn sứ Giêrêmia cố gắng nói lời an ủi, đảm bảo với họ rằng một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ hành động để chỉnh đốn lại mọi sự và khôi phục những gì đã mất.

Sự phục hồi được thực hiện nơi Đức Kitô, vì nơi Ngài, Thiên Chúa mặc khải chính mình không chỉ là Thiên Chúa duy nhất, Thiên Chúa chân thật, mà còn là Vua duy nhất, Vua đích thực và Ngài ban tặng vương quốc của mình cho dân của Ngài và mọi dân trên thế giới, đó là sự canh tân và biến đổi thế giới nhờ sự hiện diện và quyền năng của Ngài trong đời sống của những ai bước theo Ngài.

Toàn bộ sự việc này xảy ra trong lịch sử, vì Thiên Chúa nơi Đức Kitô đi vào thế gian, tức công trình tạo dựng của Ngài, không như một ý tưởng, một cảm giác hay một thần thoại nhưng như một con người. Những ai tin vào Chúa Kitô và những ai đã bước theo Ngài đều nhìn thấy nơi Đức Kitô Thiên Chúa can thiệp vào thế giới, một sự can thiệp nhằm chỉnh đốn những gì đã quá đỗi lầm lạc vào năm 587 trước Công Nguyên. Thiên Chúa nơi Đức Kitô đã đến trong lịch sử, và Ngài đến trong lịch sử cho đến tận ngày hôm nay.

Đức Kitô đến lần thứ hai trong mầu nhiệm, và điều này có nghĩa là quyền năng và sự hiện diện của Ngài đến trong đời sống của chúng ta qua các dấu chỉ, các biểu tượng và các bí tích trong Hội Thánh. Đức Kitô đến với chúng ta trong mầu nhiệm không có nghĩa là Ngài đến với cuộc sống chúng ta như một vấn đề cho chúng ta giải quyết, nhưng như là một sự mặc khải làm đảo lộn mọi kì vọng của chúng ta về chính bản thân Thiên Chúa và những thứ chúng ta nghĩ Ngài cần phải làm. Đó là điều thánh Phaolô tông đồ muốn nói đến trong bài đọc thứ hai của Hội Thánh, một đoạn trích từ thư thứ nhất ngài gửi cho cộng đoàn Thêsalônica.

Thánh Phaolô tông đồ chứng thực rằng nếu chúng ta thật sự đáp lại quyền năng và sự hiện diện của Đức Kitô được ban cho chúng ta trong Hội Thánh, thì khi đó đời sống chúng ta sẽ thay đổi và sự biến đổi này sẽ bộc lộ rõ ràng nhất trong cách chúng ta đối xử với nhau. Điều này xảy ra như thế nào? 

Trong các bí tích, chúng ta tìm hiểu điều Thiên Chúa yêu mến, và khi biết điều Thiên Chúa yêu mến, chúng sẽ yêu điều Ngài yêu. Điều Thiên Chúa yêu là tất cả chúng ta, dù chúng ta có thể không đáng yêu mấy - nhưng Thiên Chúa vẫn yêu chúng ta, thậm chí tha thứ cho chúng ta cả khi không đáng tha thứ. Việc các bí tích mời gọi chúng ta yêu những gì Thiên Chúa yêu là mời gọi yêu thương nhau như Thiên Chúa nơi Đức Kitô đã yêu thương ta. Đức Kitô là nguyên mẫu mà Thiên Chúa mặc khải thành phương cách để chúng ta yêu mến Ngài, yêu mến nhau, và dấn thân cho thế giới mà chúng ta đang sống trong đó. Tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Kitô không ủy mị hay lãng mạn, nhưng gai góc, thô sơ và chân thật. Đó là tình yêu nhập thể trong máu thịt chúng ta, giữa những đau khổ của chúng ta. Tình yêu này không như cảm xúc, mà như một hành động của ý chí chịu thách thức trước mọi quyền lực tối tăm của tội lỗi và ma quỷ. Đó là một tình yêu hứng chịu tất cả, ngay cả sự nghèo nàn và cái chết, để được nên ân sủng, nên quà tặng cho thế gian.

Nếu ta cho phép cái nhìn tâm linh của mình mở rộng vượt ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình, thì ta sẽ nhìn thấy toàn bộ điều ấy trong các mầu nhiệm của Hội Thánh - trong các dấu chỉ, các biểu tượng, và nhất là trong các bí tích. Và khi đó, từ các bí tích chúng ta sẽ học biết yêu những gì Thiên Chúa yêu, và khi làm như thế, dần dà cảm kích cách Đức Kitô đến với chúng ta ngay lúc này trong mầu nhiệm.

Lần thứ ba Đức Kitô đến trong vinh quang, và chính Chúa Giêsu làm chứng cho mặc khải này trong Tin Mừng của Ngài.

Đức Kitô nói về mặc khải của Ngài trong tư cách “Con Người”, và điều này có nghĩa là Ngài đến trong thế gian để sửa lại công trình tạo dựng đã hư hoại bởi quyền lực tội lỗi, sự chết, và quyền lực của ma quỷ, và sự sửa chữa một thế giới lầm lạc sẽ làm lay chuyển các nền tảng của thế giới.

Mặc khải về Đức Kitô trong vinh quang được thấy trước theo số lần việc chúng ta gặp gỡ Đức Kitô lay chuyển, thật sự đảo ngược, các nền tảng trong đời chúng ta, buộc chúng ta phải có quyết định, đòi chúng ta thay đổi.

Muốn tương quan với Chúa Giêsu Kitô không phải muốn xác nhận nguyên trạng của mình. Thiên Chúa nơi Đức Kitô không xác nhận chúng ta theo như hiện trạng của ta, nhưng ban cho chúng ta một lối sống mới, một lối sống định hướng lại triệt để ý thức về chính chúng ta và những gì chúng ta cần phải làm. Tương quan với Chúa Giêsu Kitô là một thử thách gắt gao mà trong đó quyền lực tội lỗi và ma quỷ bị xua trừ khỏi chúng ta, bị tống ra ngoài; chúng ta được tự do để thực hiện sứ mạng, một sứ mạng sẽ thường xuyên đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta không hề lựa chọn.

Trong toàn bộ việc này, Đức Kitô đến với chúng ta trong vinh quang của Ngài.

Nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng việc Đức Kitô đến trong vinh quang cũng là điểm mọi công trình tạo dựng được hướng tới. Thiên Chúa nơi Đức Kitô hứa sẽ trở lại, và Thiên Chúa nơi Đức Kitô giữ lời Ngài hứa. Trong quá khứ, Thiên Chúa nơi Đức Kitô đã đến thế gian như một con người, được sinh ra trong thế gian làm một trong chúng ta. Và bây giờ, Ngài vẫn ở với chúng ta, trong Hội Thánh; trong mầu nhiệm và trong bí tích, Ngài tiếp tục tác động và tái tạo thế giới. Nhưng việc Đức Kitô đến trong lịch sử và mầu nhiệm thúc đẩy việc Ngài đến trong vinh quang - một biến cố có thật trong không gian và thời gian, tại biến cố này Ngài sẽ nâng thế giới sa ngã lên và ban cho thế giới một khởi đầu mới vào ngày tận thế.

Trong các ngày mùa Vọng, chúng ta bày tỏ và ghi nhớ kĩ việc Đức Kitô ngự đến: trong lịch sử, trong mầu nhiệm và trong vinh quang.

Chuyển ngữ: Nhóm Gioan XXIII

Nguồn: wordonfire.org