06/08/2021
1438
Làm sao hiến dâng đau khổ như thánh Gioan Viannê?_ Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo biên dịch


 

 

LÀM SAO HIẾN DÂNG ĐAU KHỔ

NHƯ THÁNH GIOAN VIANNÊ?

BRANDON VOGT

 

Hôm nay chúng ta nhớ đến một trong những mục tử lớn nhất trong lịch sử Hội Thánh, thánh Gioan Vianê, bổn mạng các linh mục. Cha sở họ Ars có một khao khát chiếm hết mọi sự: giúp giáo dân của ngài nên thánh. Mặc dù nhiều mục tử, xưa cũng như nay, đều có chung sứ vụ đó, nhưng thánh Gioan đã dấn thân trọn vẹn, sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt cho được. Ngài dành nhiều buổi canh thức cả đêm trong nhà nguyện, cầu xin rằng:

Lạy Chúa, xin cho con hoán cải được giáo xứ của con; con sẵn lòng dâng trọn đời con miễn sao Chúa muốn con chịu; vâng, dù con phải chịu những nỗi đau gay gắt nhất cho đến trăm năm, chỉ xin cho giáo dân của con được ơn hoán cải.

Lời nguyện nghe thật điên khùng đối với thế giới bên ngoài. Có ai lại rước đau khổ vào thân? Phần đông chúng ta làm mọi cách để khỏi đau đớn, khổ nhọc, hoặc thậm chí một sự khó chịu nhỏ. Nhưng là người Công giáo, chúng ta biết đau khổ của chúng ta không vô nghĩa, mà có tính cứu độ, khi được dâng hiến cho Thiên Chúa làm của lễ hi sinh vì người khác. Cho dù đau khổ vốn không phải là điều tốt, nó có thể tạo ra điều tốt nếu chúng ta biết chịu đựng nó, cho phép nó thanh tẩy chúng ta, và khiến nó thành lễ hi sinh.

Thánh Gioan Vianê có rất nhiều cơ hội để “dâng hiến” đau khổ của ngài. Khi ngài đến giáo xứ của mình vào năm 1818, chỉ có 60 hộ gia đình và khoảng 200 người. Trong đó chỉ một ít là biết đọc biết viết, và phần lớn thì thơ ơ với đức tin. hầu như không ai quan tâm đến điều ông cha mới đến nói. Cho dù ngài dùng cả bảy giờ để soạn bài giảng, và dành cả ngày thứ Bảy để tập cho họ nhớ Thánh lễ Chúa Nhật, ngài phải đối mặt với thứ mà chúng ta gọi cách tế nhị là một đám thính giả “khó chịu”. Họ vào trễ và về sớm, mỗi lần đều đóng sầm cửa thật lớn. Họ thì thầm với nhau trong suốt giờ giảng và ngáp lớn tiếng. Vài giáo dân thích nhạo giọng nói và phong cách của vị linh mục.

Nhưng việc ấy không khiến dấn thân của ngài lung lay: “Khi tôi giảng tôi nói với những người điếc hoặc ngáy ngủ, nhưng khi tôi cầu nguyện, tôi nói với Chúa, Chúa đâu có điếc”.

Ngay cả lúc đạt đến mức hi sinh anh hùng, vẫn cần một thời gian dài mới thấy sự thay đổi. Ngoài thái độ dự lễ đáng trách, giáo dân của thánh Gioan còn tố ngài trác táng, đặt bài hát chế giễu ngài, ném bùn và treo những tấm bảng tục tằn trên cửa nhà xứ. Họ gửi thư với lời lẽ thù ghét cho đức cha của ngài. Có một bà thậm chí tố ngài là bố của con bà. Cách trả lời duy nhất của ngài đối với mọi thứ tồi tệ này là gì? “Chúng ta phải cầu nguyện cho họ”.

Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Nhiều người trong chúng ta vật vã với những vấn đề tương quan dường như không thể chịu đựng nổi. Có lẽ đó là một người bạn đau khổ hay một người thân đang gặp thử thách về sức khoẻ nghiêm trọng. Có lẽ đó là một đứa trẻ khó tính, có lẽ là một người đã bỏ đức tin. Dù trường hợp nào đi nữa, chúng ta có thể dâng đau khổ của chính mình cho họ, như thánh Gioan đã làm.

Chúa Giêsu nói chúng ta không được trốn tránh thập giá trong đời mình. Cũng như Người đã chấp nhận bị đánh đập, tra tấn, và cuối cùng cái chết vì chúng ta, bằng cách dâng các hi sinh của Người vì lợi ích của thế gian, vì thế chúng ta phải chuyển nhiều đau đớn và khổ cực nhỏ của mình vì lợi ích của những người đã có thể cần thêm ơn Chúa.

Thực hành điều này như thế nào? Mỗi lần bạn gặp một hoàn cảnh khó khăn ở nhà hay chỗ làm, hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, con xin dâng việc này lên Chúa cho [kể tên]”. Mỗi lần bạn bị một vết đứt nhỏ, hoặc đau họng, hãy vui lòng chịu đựng và nói: “Lạy Chúa, con xin dâng hi sinh này lên Chúa cho [kể tên]”.

Nói rõ hơn, đây không phải là cố gắng điều khiển Thiên Chúa. Chúng ta không thể bắt Chúa ra tay bằng cách đề nghị Ngài ban ơn cho con cái chúng ta để trả lại các việc tốt chúng ta đã làm. Theo định nghĩa, ân sủng là một quà tặng không do công đức. Nhưng trong lãnh vực tâm linh, Ngài luôn luôn ban ơn cho các việc hi sinh – đó là kết quả chắc chắn.

Nguồn: wordonfire.com

Biên dịch: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo