
Người Rôma, Công Đồng và các Giáo Phụ
1. Điều gì đã xảy ra sau lễ Hiện xuống?
Trong lễ Hiện xuống, các tông đồ đã nhận lãnh Thánh Thần, Đấng soi dẫn và dạy bảo các ông phải nói gì và làm gì. Họ đã ra đi rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu cho thế gian và thiết lập cộng đoàn Kitô hữu ở nhiều thành thị.
Thánh Phêrô đã đến Rôma và trở thành người lãnh đạo Giáo hội địa phương tại đó. Nhiều thánh tông đồ đã rao giảng Tin Mừng cho người Do Thái. Thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng cho người dân ngoại. Tin Mừng Chúa Giêsu được mở ra cho tất cả mọi người.
Sau lễ Hiện xuống, các tông đồ bắt đầu loan báo Tin Mừng cho mọi người, ở mọi nơi. Nhà thờ đã xuất hiện, đặc biệt là tại những khu đô thị.
2. Tại sao các Kitô hữu bị người Rôma bách hại?
Năm 64 sau Công nguyên, một trận đại hỏa hoạn đã gây ra thiệt hại lớn tại Rôma. Hoàng đế Nêrô đổ lỗi cho người Kitô hữu. Thánh Phaolô, Phêrô và nhiều Kitô hữu khác đã chịu tử đạo sau trận đại họa này. Các Kitô hữu cũng chịu bách hại trong nhiều thế kỉ sau đó.
Sở dĩ hoàng đế Rôma làm như thế là vì các Kitô hữu đã không chối bỏ đức tin, không tôn thờ hoàng đế và các vị thần của người Rôma. Dưới thời vua Decius (249-251), 10.000 người Kitô hữu đã thiệt mạng. Diocletian (248-305) là một trong những vị hoàng đế Rôma muốn thủ tiêu Giáo hội, nhưng ông đã thất bại.
Ban đầu, các hoàng đế Rôma xem sự gia tăng các Kitô hữu như mối họa và đã hành hạ họ, vì họ từ chối tôn thờ hoàng đế như các vị thần.
3. Điều gì đã thay đổi vào thời hoàng đế Constantine?
Năm 312, vua Constantine chiến thắng các đối thủ và đương nhiên trở thành người lãnh đạo tối cao của toàn đế quốc Rôma. Dù chỉ được rửa tội vào cuối đời, nhưng Constantine là người Kitô hữu đầu tiên trong số các hoàng đế Rôma.
Trong chiếu chỉ Milan, Constantine ban sắc lệnh tuyên bố người Kitô hữu sẽ không còn bị bách hại nữa. Những tài sản bị tịch thu được trả về cho người bị hại. Người Kitô hữu được sống đức tin cách cởi mở, thậm chí còn được tham dự vào triều chính.
Năm 313, vua Constantine cho các Kitô hữu quyền được thừa nhận và bảo vệ hợp pháp. Giáo hội đã phát triển nhanh chóng và có tầm ảnh hưởng lớn.
4. Giáo hội sơ khai được tổ chức thế nào?
Trong thế kỉ thứ I, các tông đồ và những môn đệ khác của Chúa Giêsu đã rao giảng Tin Mừng nơi nhiều thành thị tại vùng Trung Đông và phía Nam châu Âu. Lãnh đạo những cộng đoàn địa phương đầu tiên là các tông đồ. Kế vị các ngài là các giám mục.
Các tông đồ còn được sự trợ giúp của các linh mục và phó tế. Mỗi tín hữu trong cộng đoàn có nhiệm vụ riêng của họ. Trong vai trò kế vị các tông đồ, thời nay, các giám mục cũng được sự trợ giúp của các linh mục và phó tế. Ngoài ra, còn có đông đảo giáo dân góp phần quan trọng vào đời sống Giáo hội.
Ban đầu, Giáo hội gồm có các tín hữu được dẫn dắt bởi các tông đồ, và sau đó là các giám mục. Mỗi người đều có vai trò riêng trong cộng đoàn.
5. Công đồng trong Giáo hội là gì?
Công đồng là cuộc hội nghị của Đức Giáo hoàng và các giám mục, với sự trợ giúp của các chuyên viên, nhằm xác định những vấn nạn chưa thể tìm thấy câu trả lời trong Kinh Thánh. Những vấn nạn này thường được khơi lên khi trả lời cho những tư tưởng lạc giáo hoặc giáo thuyết sai lạc (từ chối hoặc thay đổi chân lí về Thiên Chúa).
Câu trả lời đến từ các công đồng là thành phần thuộc truyền thống Giáo hội. Những công đồng quan trọng được gọi là công đồng đại kết, đại diện cho toàn thể Giáo hội.
Công đồng là cuộc hội nghị của Đức Giáo hoàng và các giám mục để trả lời rõ ràng cho những vấn nạn về đức tin và luân lí của toàn thể Giáo hội.
6. Đâu là những công đồng chính yếu trong Giáo hội?
Tất cả các công đồng đều hướng đến mục tiêu chính là hiểu sâu hơn về đức tin, chứ không phải thay đổi đức tin. Thành quả của hai công đồng đầu tiên năm 325 và 381 là kinh Tin Kính, công thức đức tin chính yếu của Giáo hội.
Một công đồng quan trọng khác là Công đồng Trentô, diễn ra trong những năm có sự chia rẽ trong Giáo hội (1545-1563). Tại Công đồng Trentô, câu trả lời chủ yếu đáp trả lại những vấn nạn được khơi lên bởi trường phái Cải cách. Công đồng gần đây nhất là Công đồng Vaticanô II, diễn ra từ năm 1962 đến năm 1965. Đề tài của công đồng bao gồm cả vai trò của người giáo dân trong Giáo hội và đối thoại với các tôn giáo khác.
Tám Công đồng đầu tiên định hình những điểm then chốt trong niềm tin Kitô giáo, để đáp trả khi bị tấn công. Khi có nhiều vấn đề được đặt ra, các công đồng tìm câu trả lời cho các vấn nạn.
7. Các giáo phụ là ai?
Giáo phụ là những người sống vào những thế kỉ đầu tiên sau Chúa Giêsu, những người suy luận đức tin Kitô giáo sâu sắc về những điều Chúa Giêsu đã dạy cho các bậc tiền bối. Cha thánh Giêrônimô (347-420) đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh, một ngôn ngữ thịnh hành thời đó. Bản gốc của Kinh Thánh được viết bằng tiếng Do Thái và Hi Lạp.
Một số giáo phụ nổi tiếng khác là thánh Augustinô (354-430) và thánh Grêgôriô Cả (540-604). Các ngài có đời sống thánh thiện và liên kết mật thiết với Chúa Giêsu. Bởi mối tương quan thân thiết với Chúa Giêsu và với những tác phẩm uyên thâm, họ thể hiện những khuôn mẫu tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Nơi những tác phẩm này, bạn sẽ tìm thấy nhiều bản văn của các giáo phụ trả lời cho mỗi vấn nạn được đặt ra.
Trong thế kỉ thứ I, giáo phụ, những người suy ngẫm và viết sâu sắc về Đức Kitô và đức tin của Giáo hội, là những người nam thánh thiện.
8. Đời sống tu viện đã khởi đầu như thế nào?
Trong số các Kitô hữu đầu tiên, có những người chọn lối sống cầu nguyện, khổ hạnh, tiết chế và giúp đỡ những người xung quanh. Khi các cuộc bách hại và tử đạo chấm dứt, người ta bắt đầu tìm kiếm những phương thức khác để hiến thân cho Thiên Chúa.
Một số tu sĩ chọn lối sống ẩn tu trong sa mạc (thuộc vùng Ai Cập và Syria ngày nay). Vào những năm 325, một số vị ẩn tu sống thành cộng đoàn và vâng phục bề trên của họ. Đây là thời điểm bắt đầu đời sống tu viện. Trong những năm sau đó, một số dòng tu nam và nữ được hình thành. Bên cạnh đời sống cầu nguyện, những dòng tu này còn dành thời gian nghiên cứu về thuốc chữa bệnh, về nông nghiệp, viết và sao chép sách.
Đời sống tu viện bắt đầu khi có những người nam và người nữ muốn lánh khỏi thế gian, để tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets