03/03/2020
924
Cùng Tweet Với Chúa 6_Giáo Hội Ngày Nay


 












 

 

Giáo Hội Ngày Nay

 

1. Giáo hội là gì? Giáo hội có những thành phần nào?

Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội. Đây là cộng đoàn của những người muốn theo Chúa Giêsu để nên thánh và sống đời đời với Người nơi thiên đàng. Thánh Phaolô tông đồ gọi Giáo hội là “Thân Thể Chúa Kitô”: Chúa Giêsu là Đầu và mỗi tín hữu đều có một chỗ được dành riêng trong Thân Thể này. Cũng như chúng ta cần đến các bộ phận trên cơ thể, các thành viên trong Giáo hội đều quan trọng trong toàn thể Hội Thánh.

Có thể nói, các tín hữu được phân chia thành ba nhóm lớn. Mỗi nhóm có ơn gọi đặc biệt trong Giáo hội:

a) Giáo dân

b) Tu sĩ

c) Phó tế, linh mục và giám mục.

Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội như cộng đoàn những người tin và đi theo Người. Chúng ta đến với Thiên Chúa qua Giáo hội.

 

2. Giáo hội được cai quản như thế nào?

Giáo hội được cai quản bởi Đức Giáo hoàng (còn gọi là giám mục thành Rôma) cùng với những giám mục khác. Đức Giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô tông đồ, người được Chúa Giêsu chọn gọi để dẫn dắt Giáo hội.

Các giám mục là những người kế vị các tông đồ. Mỗi giám mục coi sóc một giáo phận. Mỗi giáo phận được chia thành nhiều giáo xứ, được các linh mục coi sóc.

Giáo hội được cai quản bởi Đức Giáo hoàng và các giám mục. Mỗi giám mục có một giáo phận, giáo phận được chia thành nhiều giáo xứ, do các linh mục coi sóc.

 

3. Ai ngồi trên ngai tòa thánh Phêrô tại Tòa Thánh?

Thánh Phêrô tông đồ là vị Giáo hoàng đầu tiên. Giáo hoàng đương nhiệm là người kế nhiệm thánh Phêrô, và do đó ngài ngồi trên ngai tòa của thánh Phêrô (theo nghĩa bóng). Tuy nhiên, trong thực tế, Tòa Thánh không phải là một chỗ để ngồi mà là trung tâm cai quản Giáo hội.

Tòa Thánh duy trì mối tương quan với các Giáo hội địa phương trên toàn thế giới. Thành phố Vatican là một quốc gia rất nhỏ, có đại diện ngoại giao của Tòa Thánh ở nhiều quốc gia. Nhờ vào vị thế ngoại giao độc đáo của mình, Hội Thánh thường có vai trò tích cực, chẳng hạn như trong các cuộc đàm phán vì hòa bình.

Tòa Thánh là trung tâm quản trị của Giáo hội. Qua Tòa Thánh, Đức Giáo hoàng liên lạc với các giám mục và những người đứng đầu các quốc gia.

 

4. Làm thế nào để một người trở thành giáo hoàng?

Khi một giáo hoàng qua đời hoặc từ chức, các vị hồng y dưới tám mươi tuổi được triệu tập để mật nghị tại Vatican. Các ngài chọn ra một vị giáo hoàng mới từ các vị hồng y này. Việc bỏ phiếu được tiếp tục thực hiện cho đến khi nào có một người đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu bầu. Ngài được hỏi có muốn lãnh nhận chức vụ giáo hoàng hay không. Nếu đồng ý, ngài được hỏi sẽ chọn tước hiệu giáo hoàng nào.

Khói trắng bốc lên từ ống khói của nhà nguyện Sistine cho biết một giáo hoàng mới đã được chọn. Sau đó, vị giáo hoàng mới được ra mắt tại ban công của Vương cung thánh đường thánh Phêrô bằng câu tung hô “Habemus Papam!” (Chúng ta có giáo hoàng!).

Đức Giáo hoàng được chọn bởi các vị hồng y trong một mật nghị tại nhà nguyện Sistine. Ngài được giới thiệu với mọi người “Habemus Papam!”.

 

5. Giáo triều Rôma là gì?

Về lí thuyết, Đức Giáo hoàng là người có quyền tuyệt đối trong việc cai quản Giáo hội, nhưng trong thực tế, ngài được hỗ trợ bởi các cơ quan khác nhau, tạo thành Giáo triều Rôma. Phủ Quốc vụ khanh xử lí công việc nội bộ (thuộc về Giáo hội) và đối ngoại. Các Bộ và Hội đồng Giáo hoàng chịu trách nhiệm về những vấn đề như: phong thánh và phong chân phước, giáo dục Công giáo, giám mục và giáo dân.

Một trong ba tòa án quan trọng là Tòa án Tối cao ở Rôma, tòa án luật trung ương của Giáo hội. Phủ Quốc vụ khanh về lĩnh vực kinh tế quản lí các hoạt động kinh tế của Tòa Thánh và thành phố Vatican. Mục đích cuối cùng của tất cả các tổ chức này là giúp Giáo hội giải thích và loan báo Tin Mừng, trợ giúp các tín hữu.

Giáo triều Rôma là hệ thống các Bộ và các Hội đồng, giúp Đức Giáo hoàng lãnh đạo Giáo hội.

 

6. Vatican có phải là một quốc gia đúng nghĩa không?

Mặc dù thành phố Vatican chỉ bao gồm một diện tích bề mặt tương đương hai mươi sân bóng đá và chỉ có khoảng một nghìn dân cư, nhưng đây thực sự là một quốc gia! Đức Giáo hoàng, người đứng đầu đất nước, được trợ giúp trong việc cai quản bởi nhiều thành phần khác nhau.

Cơ cấu tổ chức của thành phố Vatican bao gồm một ngân hàng, một cơ sở cứu thương, một bãi đậu xe, một siêu thị, một tiệm thuốc, một quân đội và một nhà tù. Một vị hồng y làm “thị trưởng” của thành phố.

Thành phố Vatican thực sự là một quốc gia có khoảng 1000 cư dân, một đài phát thanh và đài truyền hình, một quân đội, một ti cảnh sát, một sân bay trực thăng, một ngân hàng…

 

7. Phải chăng Giáo hội quá giàu có thì không còn căn tính Kitô hữu nữa?

Hầu hết tài sản của Giáo hội đều không thể bán: tài sản quý giá nhất là sứ điệp Tin Mừng! Các tác phẩm nghệ thuật và các bản văn cổ cũng không thể bán, nhưng cần được quản lí đúng cách. Các vùng đất mà Giáo hội sở hữu trên toàn thế giới được dành cho các trường học, bệnh viện, các cơ sở bác ái, nhà thờ Công giáo… Đất đai không tạo ra nguồn thu nhập, trái lại, các công trình kiến trúc còn phải được bảo trì rất tốn kém.

Ngân sách hàng năm của thành phố Vatican được dùng để trả lương cho nhân viên, cho việc bảo trì và phục hồi các tác phẩm nghệ thuật ở Vatican. Tiền cũng được dùng để tài trợ cho các hoạt động của Tòa Thánh, cung cấp viện trợ khẩn cấp và hỗ trợ cho sự phát triển khắp nơi trên thế giới.

Ngân sách của Tòa Thánh và đất nước Vatican nhỏ hơn so với các quốc gia khác. Giáo hội chi tiền cho việc bác ái trên toàn thế giới.

 

8. Sứ thần Tòa Thánh là gì?

Giáo hội, hay đúng hơn là Tòa Thánh, được đại diện bởi một sứ thần. Sứ thần là người giữ liên lạc giữa Giáo hội địa phương với Đức Giáo hoàng và với các cơ quan trung ương của Giáo hội tại Rôma. Sứ thần giữ vai trò cố vấn quan trọng trong việc bổ nhiệm các giám mục mới.

Sứ thần cũng đóng vai trò như một đại sứ của Tòa Thánh. Ngài duy trì quan hệ ngoại giao với nguyên thủ quốc gia của những nước mà ngài đã được bổ nhiệm làm sứ thần. Tòa Thánh có liên hệ ngoại giao với khoảng 180 quốc gia.

Sứ thần Tòa Thánh là người giữ liên lạc giữa Đức Giáo hoàng với các giáo hội được ủy thác. Ngài cũng là đại sứ của Tòa Thánh tại quốc gia đó.

 

9. Tu sĩ nam, đan sĩ và nữ tu là ai?

Linh mục dòng (tu sĩ nam), đan sĩ và các sơ (nữ tu) là những người chọn cách hiến dâng chính mình, dâng hiến toàn bộ cuộc sống và tài sản của mình cho Thiên Chúa, để chỉ sống cho Ngài mà thôi. Họ sống theo luật tu viện và làm việc bên trong hoặc bên ngoài bức tường của tu viện hoặc nhà kín.

Chẳng hạn: Hội Thừa Sai Bác Ái (được Mẹ Têrêsa thành lập), dòng Phanxicô, dòng Tên, dòng Clara khó nghèo. Mỗi hội dòng (hay tu hội) có đường hướng khác nhau. Một số hội dòng tập trung chủ yếu vào đời sống cầu nguyện. Những hội dòng khác làm việc ở các trường học, bệnh viện, hoặc có những trách vụ khác.

Có nhiều dòng tu khác nhau, gồm những người tận hiến cho Chúa và sống theo luật dòng. Họ cầu nguyện, sống và làm việc cùng nhau để loan báo Tin Mừng.

 

10. Các màu của tu phục có nghĩa gì? Ý nghĩa của mỗi màu?

Việc có nhiều sắc màu trong Giáo hội cho thấy có rất nhiều cách khác nhau để phụng sự Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng mặc áo dòng màu trắng. Các hồng y, cộng tác viên thân cận nhất của Đức Giáo hoàng, mặc áo dòng đỏ.

Các giám mục mặc áo dòng đen với đường viền màu đỏ tía và đai thắt lưng màu đỏ tía. Các linh mục mặc áo dòng đen đơn giản. Thường ngày, giám mục và tu sĩ thường mặc áo màu đen với cổ áo kiểu Rôma. Linh mục dòng, đan sĩ và các nữ tu có thể được nhận diện bởi tu phục riêng của họ: mỗi dòng tu có màu áo khác nhau hoặc kết hợp từ nhiều màu áo.

Đức Giáo hoàng mặc tu phục màu trắng, hồng y mặc màu đỏ, giám mục mặc màu đỏ tía, linh mục và phó tế mặc màu đen. Các tu sĩ thường mặc tu phục với màu đặc trưng của dòng tu.

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets