02/08/2012
1025
Lễ Kim-Ngân khánh và tuyên khấn của quí Sơ Dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho_†GM Phaolô

Bài giảng của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc – Giám mục Giáo phận Mỹ Tho – trong Thánh lễ mừng Kim khánh, Ngân khánh, vĩnh khấn và tiên khấn của các nữ tu thuộc Tỉnh dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, tại nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho, ngày 02 tháng 08 năm 2012.

 

 

VĨNH KHẤN, KIM  KHÁNH, NGÂN KHÁNH

(Dc 2, 8-14 ; Ep 1, 5-14 ; Mt 25, 1-13)

 

Anh chị em rất thân mến,

1. Hôm nay chúng ta tụ họp nhau lại đây, đông đúc, vui tươi, với đầy tình thương mến dành cho Tỉnh dòng Thánh Phaolô Mỹ Tho, đặc biệt dành cho các chị Vĩnh khấn, Tiên khấn, các chị mừng Kim khánh, Ngân khánh. Để có thể tham gia tích cực và sốt sắng hơn việc cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các chị, chúng ta hãy để cho ánh sáng Lời Chúa chiếu rọi trên cộng đoàn phụng vụ và trên mỗi người chúng ta.

2. Trước hết chúng ta hãy cùng nhau chúc tụng Thiên Chúa là Cha của Đức Giêsu Kitô, theo lời mời gọi của Thánh Phaolô trong thư Ephêsô. Chúng ta chúc tụng Thiên Chúa vì ngày hôm nay là “Ngày của Ân sủng” (x. Ep 1,6), ngày của Tình Yêu thương, ngày của Niềm vui và Hạnh phúc của Dòng Phaolô, nhất là của các chị tuyên khấn, các chị mừng kỷ niệm.

3. Tất cả đều là Tình Thương. Tình Thương là “lẽ sống của Thiên Chúa”, vì Thiên Chúa là Tình Thương. Tình Thương cũng là lẽ sống của chúng ta, vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tình Thương là lẽ sống của các chị nữ tu tuyên khấn và mừng lễ hôm nay. Ý nghĩa của cuộc đời dâng hiến của các chị có thể gói gọn trong hai chữ “Yêu Thương”. Yêu thương là một “quan hệ mật thiết” giữa hai bên, giữa hai tâm hồn yêu nhau. Hai bên mà hôm nay bài đọc sách Nhã Ca mô tả một cách hết sức thi vị, đó là Thiên Chúa mà bản chất là Tình Yêu, được ví như một “người tình say đắm”, bên kia là “Dân Chúa”, được ví như “bạn tình” còn e thẹn giống như “bồ câu” núp trong hốc đá, trong kẹt ghềnh (x. Dc 2, 14).

4. Hình ảnh đó có thể được áp dụng cho Chúa Kitô và cho từng chị nữ tu. Trong các sách Tin mừng, Chúa Giêsu tự ví mình như Tân lang, như chàng rể (x. Mt 25,1-3). Chúa giống như Tình Lang trong sách Nhã Ca, Ngài là một “Người Yêu si tình”, nhảy qua núi, băng qua đồi, để đến với người mình yêu, như một người tình, đứng sau vách nhà người mình yêu, ngó qua cửa sổ, nhìn vào chấn song (x. Dc 2, 8-9).

5. Yêu thương say đắm cỡ nào đi nữa, nếu thực sự là Tình yêu, vẫn là một hành vi tôn trọng tự do của người mình yêu. Chúa tôn trọng tự do của các chị, nên Chúa tha thiết ngỏ lời với các chị: “Hãy chỗi dậy, mau lên bạn tình ta”, vì tiết đông đã qua, mùa xuân đang tới, mùa xuân của Tình Yêu Vĩnh Cửu, “hãy chỗi dậy, người đẹp của ta, hãy đến” (x. Dc 210-13). Hôm nay Chúa tha thiết mời gọi các chị, và Chúa đang chờ đợi câu trả lời của các chị. Hãy đến trình diện với Chúa, hãy cho Tình Lang thấy mặt các chị, cho Chúa nghe tiếng thảnh thót của các chị.

6. Tất cả là Tình Thương, tất cả là “Ân Sủng”. Vì mọi người chúng ta chỉ là “thụ tạo” của Thiên Chúa, là xác phàm, như bông hoa sớm nở tối tàn, nên đối với chúng ta, tất cả đều là ân sủng, tất cả đều do Chúa ban cho. Không có gì  là của riêng ta, mọi sự là của Chúa, Tình Yêu là của Chúa. Ân Sủng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, chính là Đức Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài. Ngài ban cho chúng ta Đức Giêsu, để làm “bạn”, và không có tình bằng hữu nào có thể sánh ví được với tình bằng hữu của Chúa Giêsu. Ngài ban cho các chị Chúa Giêsu làm người yêu. Các chị đừng ngại ngùng, nhưng hãy lấy làm sung sướng, vì chính Thánh Phaolô đã tự coi mình như “người tình của Chúa Giêsu”. Thiên Chúa còn ban Chúa Giêsu cho chúng ta làm “Người Anh Cả”, để cùng với Chúa Giêsu, chúng ta trở nên con yêu dấu của Ngài.

7. Nơi Chúa Giêsu chờ đón chúng ta, chính là Nước Trời, là “Vương Quốc Tình Yêu của Thiên Chúa”. Tình Yêu đáp lại Tình Yêu: Tình yêu chúng ta dành cho Chúa phải thể hiện trong cuộc sống lữ thứ trần gian. Cuộc sống trần gian của chúng ta không phải lúc nào cũng vàng son, cũng vui tươi hạnh phúc, cũng là ánh sáng bình minh, nhưng có lúc là bóng đen dày đặc của đêm tối. Cuộc đời có lúc được dệt bằng những khổ đau, buồn chán và thất vọng, nên phải chuẩn bị đèn, và mang theo dầu cho đầy đủ giống như các trinh nữ khôn ngoan trong bài Tin mừng. Hãy coi chừng “thiếu dầu”, thiếu “tình yêu dự trữ”, khi chàng rễ đến. Cuộc đời yêu thương phục vụ của người nữ tu, trong viễn tượng cánh chung, là một sự dự trữ Tình yêu cho Nước Trời. Ai đồng ý, thì mới có thể bước lên để dâng hiến đời mình và để cho Thiên Chúa thánh hiến!

† Phaolô BÙI VĂN ĐỌC

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho