07/04/2024
1380
Xây dựng Hội thánh tham gia, Từ góc nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu - Đức Cha Phêrô











 




 

                    

                      

XÂY DỰNG HỘI THÁNH THAM GIA
Từ góc nhìn của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu

        

Khi nghe giới thiệu chủ đề của Thượng hội đồng giám mục thế giới 2024 là “Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ”, tôi nghĩ ngay đến hướng đi mục vụ của Hội Thánh Công giáo tại châu Á. Lý do đơn giản là vì bất cứ ai quen với các văn kiện của Liên hội đồng giám mục Á châu (FABC) thì đều thấy rõ đây là định hướng mục vụ của Công giáo Á châu từ lâu. Nếu muốn chi tiết hơn, xin đọc For All the Peoples of Asia gồm 4 tập, cách riêng tập IV, Fifty Years of Asian Pastoral Guidance tập họp các Tuyên bố của các Hội nghị toàn thể của FABC. Ở đây chỉ xin trích dẫn một đoạn trong Tông huấn Ecclesia in Asia cũng đủ để thấy hướng đi đó:

“Các nghị phụ đã chọn mô tả Giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn quây quần quanh Vị Mục tử, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân cùng tham gia vào ‘cuộc đối thoại bằng trái tim và đời sống’ được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ. Chính nơi Giáo phận mà tầm nhìn về sự hiệp thông giữa các cộng đoàn được hiện thực hóa ngay giữa những thực tại phức tạp về xã hội, chính trị, tôn giáo, văn hóa và kinh tế tại châu Á. Sự hiệp thông Hội Thánh hàm nghĩa rằng mỗi Hội Thánh địa phương phải trở thành điều mà các nghị phụ gọi là “Hội Thánh tham gia”, tức là một Hội Thánh trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng ‘sự hiệp thông vì sứ vụ’ và ‘sứ vụ hiệp thông’, các đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy và sử dụng cách hiệu quả. Đặc biệt là phải thúc đẩy sự dấn thân lớn hơn của giáo dân và những người sống đời thánh hiến trong việc lên kế hoạch và đưa ra các quyết định mục vụ, thông qua những cấu trúc tham gia như các Hội đồng giáo xứ hoặc Hội nghị giáo xứ” (số 25).

Vậy Liên hội đồng giám mục Á châu hình dung thế nào về Hội Thánh tham gia?

Trong tông huấn Christifideles laici (Kitô hữu giáo dân), Thánh Gioan Phaolô II nói đến một nét đặc thù trong thời đại hiện nay là hiện tượng tham gia. Nhu cầu của con người ngày nay là muốn được tham gia vào tiến trình xã hội mà trong đó họ là thành viên, và thánh Gioan Phaolô II coi đó là “một dấu chỉ thời đại đang phát triển trong nhiều lĩnh vực và bằng nhiều cách khác nhau”. Sau đó ngài bàn đến sự tham gia của người giáo dân trong giáo xứ, nhấn mạnh vai trò rất cần thiết của họ trong mọi sinh hoạt của cộng đoàn Hội Thánh. Ngài khai triển dụ ngôn Những người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16) và nhấn mạnh điều này là tất cả mọi người đều được gọi làm việc trong vườn nho của Chúa. Không có chuyện thất nghiệp ở đây và cũng không được phép để cho ai thất nghiệp. Nếu hiểu vườn nho ở đây là Hội Thánh thì Hội Thánh phải trở thành “Hội Thánh tham gia”, trong đó mọi người đều tham gia và đều có trách nhiệm làm cho vườn nho sinh lợi.

Dựa trên ý tưởng căn bản này, Văn phòng Giáo dân và Văn phòng Phát triển con người thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã triển khai một số chỉ dẫn trong việc xây dựng Hội Thánh tham gia tại châu Á (x. Asian Integral Pastoral Approach).

Theo đó, Hội Thánh tham gia trước hết là cộng đoàn trong đó mọi tín hữu đều tham gia vào sứ mạng của Dân Chúa trong Hội Thánh cũng như trong thế giới (a community of authentic participation). Đó không chỉ là Hội Thánh mà hàng giáo sĩ đóng vai trò độc tôn, tự mình quyết định mọi sự, còn người giáo dân chỉ đóng vai trò thụ động đón nhận hoặc dửng dưng quan sát. Thực ra, mọi tín hữu đều được chia sẻ chức năng tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô nhưng mỗi người thể hiện theo ơn gọi và bậc sống của mình, vì thế mọi người đều có quyền và bổn phận góp phần vào việc xây dựng Thân Thể Đức Kitô.

Kế đến, đó là cộng đoàn đồng trách nhiệm (co-responsibility) trong đó mọi tín hữu đều chia sẻ trách nhiệm chung trong sứ mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Kitô. Khi giáo dân tham gia công việc chung của Hội Thánh, họ không thể chỉ bị xem như cánh tay nối dài của linh mục; đúng hơn họ chia sẻ trách nhiệm chung với linh mục nhưng thể hiện theo ơn gọi và vị trí riêng của mình. Hiểu như thế, linh mục không thể lãnh đạo cách độc đoán nhưng phải là sự lãnh đạo của người tôi tớ (servant leadership) nhằm hỗ trợ, khuyến khích và đồng hành với mọi thành viên trong cộng đoàn.

Tiếp theo, đó là cộng đoàn bình đẳng thực sự (a community of true equality). “Trong Đức Kitô và trong Hội Thánh, không có sự bất bình đẳng do chủng tộc hay quốc gia, do địa vị xã hội hoặc phái tính”. “Mặc dù theo ý Đức Kitô, một số người được đặt làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác, nhưng tất cả mọi người đều thực sự bình đẳng về phẩm giá và về hoạt động chung của toàn thể các tín hữu trong việc xây dựng thân thể Đức Kitô” (Lumen Gentium 32). Trên nền tảng đó, không thể có sự kỳ thị hay tách biệt giữa giáo sĩ với giáo dân, trí thức với bình dân, giàu với nghèo, kẻ quyền thế với người cô thế… vì tất cả đều được kêu gọi đến sự thánh thiện, đều được chia sẻ cùng một ân huệ đức tin, đều có cái gì đó để trao ban và hiến tặng. Không ai chỉ hoàn toàn trao ban mà không cần nhận lãnh, và cũng không ai chỉ nhận lãnh mà không có gì để trao ban.

Ngoài ra, đó còn là cộng đoàn trong đó mọi tín hữu cảm thấy mình thực sự thuộc về Hội Thánh, được chia sẻ đời sống và sứ mạng chung của Hội Thánh (a community of belonging and sharing). Mỗi Chúa nhật, các tín hữu cùng đến nhà thờ dâng Thánh lễ, tuy nhiên họ có thể nhìn nhau như những người xa lạ, và sau Thánh lễ, vẫn nhìn nhau như người xa lạ. Một cộng đoàn phượng tự như thế không phải là hình ảnh của Hội Thánh tham gia. Chính vì thế, các giám mục Á châu kêu gọi anh chị em nối dài cử hành phượng tự bằng việc cầu nguyện chung và chia sẻ Phúc Âm cũng như có những việc làm chung với nhau, nâng đỡ nhau sống Phúc Âm giữa lòng đời. Có như thế các tín hữu mới có thể nên một trong tâm trí, và những ân huệ khác nhau mà Thánh Thần ban cho mỗi người mới được khơi dậy và hoạt động. Đây là lý do tại sao các giám mục châu Á khuyến khích thành lập những cộng đoàn Kitô nhỏ (Small Christian Communities): “Các nghị phụ đề cao giá trị của các cộng đoàn cơ bản như phương thế hữu hiệu để thúc đẩy sự hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và Giáo phận, và là sức mạnh cho công cuộc Phúc âm hóa. Các nhóm nhỏ này giúp các tín hữu sống như những cộng đoàn tin kính, cầu nguyện và yêu thương như các Kitô hữu thưở đầu (x. Cv 2,44-47). Các cộng đoàn cơ bản có mục đích giúp các thành viên sống Phúc âm trong tinh thần yêu thương, phục vụ, do đó là khởi điểm vững chắc cho việc xây dựng một xã hội mới, là sự diễn tả của nền văn minh tình thương… Sự hiện diện của những cộng đoàn nhỏ này không phủ nhận các cơ cấu và tổ chức đã có, vốn cần thiết cho Hội Thánh để chu toàn sứ mạng”.

Cuối cùng, Hội Thánh tham gia là cộng đoàn tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô, sứ mạng loan báo ơn giải thoát cho kẻ bị giam cầm, trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa, giải thoát những người bị áp bức (x. Lc 4,18). Tầm nhìn của cộng đoàn phải vượt xa hơn bốn bức tường của ngôi nhà Hội Thánh, để có thể đồng cảm và chia sẻ những ưu sầu và lo lắng, vui mừng và hi vọng của con người hôm nay (x. Gaudium et Spes, 1). Các Kitô hữu phải đồng hành và cộng tác với những anh chị em thuộc các tôn giáo khác cũng như với mọi người thành tâm thiện chí trong nỗ lực cầu nguyện, làm việc, đấu tranh và khổ đau của họ nhằm xây dựng tương lại tốt đẹp hơn.

Điều then chốt làm nên một Hội Thánh tham gia là chính Chúa Kitô. Sẽ không có Hội Thánh tham gia nếu mỗi tín hữu không sống mối tương quan yêu thương và gắn kết với Chúa Kitô. Chính mối tương quan này thúc đẩy tín hữu tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô và Hội Thánh. Chính ở đây mà việc lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể có tầm quan trọng đặc biệt vì đó là hai phương thế hữu hiệu nhất giúp người tín hữu đi sâu vào mối quan hệ thân tình với Chúa Kitô là Con đường, sự thật và sự sống.

Để xây dựng Hội Thánh tham gia theo định hướng trên, các giám mục Á châu nhấn mạnh một số điều.

    a)   Đào tạo giáo dân.

Để giáo dân tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống Hội Thánh, họ cần được đào tạo. Có thể nhìn sự đào tạo này ở ba mức độ (x. The Vocation and Mission of the Laity in the Church and in the World, Fifty Years of Asian Pastoral Guidance, 84-85).

Trước hết là đào tạo tổng quát, dành cho mọi giáo dân. Qua giảng dạy và huấn giáo, cần giúp giáo dân ý thức về tầm nhìn của Vaticano II về ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh và trong thế giới.

Kế đến là đào tạo riêng biệt, dành cho các thành viên Hội đồng giáo xứ, những người đứng đầu các nhóm tông đồ giáo dân, các hội đoàn, và các nhóm dấn thân xã hội. Nội dung đào tạo này không giống như đào tạo tại chủng viện nhưng cần thích hợp với môi trường sống của giáo dân.

Sau nữa là đào tạo tác vụ, dành cho những người phục vụ công việc của Hội Thánh thường xuyên và lâu dài như các giáo lý viên.

b) Đổi mới cấu trúc.

Hội Thánh ngày nay kêu gọi chúng ta xây dựng Hội Thánh hiệp thông, tham gia, đồng trách nhiệm. Những nguyên tắc này đòi hỏi chúng ta phải xem xét lại cấu trúc trong Hội Thánh (giáo phận, giáo xứ) để thực sự phát huy tính hiệp hành. Việc đổi mới này không có nghĩa là gia tăng các tổ chức đã có trong giáo xứ và giáo phận, nhưng là tạo ra bầu khí hiệp thông và đồng trách nhiệm thực sự, nhờ đó thúc đẩy sự tham gia của giáo dân tích cực hơn và hiệu quả hơn.

c) Đổi mới cách lãnh đạo

Các mục tử cần tạo điều kiện cho giáo dân tham gia nhiều hơn và tích cực hơn vào việc điều hành giáo xứ, nhất là khi trình độ trí thức và khả năng chuyên môn của giáo dân ngày càng nâng cao, họ không chấp nhận đóng vai trò thụ động trong xã hội cũng như trong Hội Thánh. Vì thế các mục tử cần phát huy cung cách lãnh đạo mang tính hợp tác và tham gia hơn là độc đoán và gia trưởng.

Kết:

Để tóm tắt, không gì tốt hơn là lặp lại lời của các Giám mục: “Hội Thánh tại châu Á phải là một cộng đoàn hiệp thông cắm rễ sâu trong sự sống Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành Bí tích với Thánh Thể là trung tâm. Sự tham gia chân thật và tinh thần đồng trách nhiệm phải là những yếu tố then chốt trong đời sống cộng đoàn. Đó là một cộng đoàn cố gắng duy trì sự hiệp nhất với chủ chăn và với Hội Thánh duy nhất. Cộng đoàn đó được mời gọi làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị ấy nhập thể vào đời sống của mình, được diễn tả trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Hội Thánh, một Hội Thánh có mặt trong lịch sử này giữa lòng thế giới. Cuối cùng, cộng đoàn đó không ngừng tiến về phía trước trong sứ mạng của mình, đồng hành với toàn thể nhân loại trong hành trình đi tới Vương quốc của Chúa Cha”.  

                                                            Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm