24/06/2024
9957
Cuộc đời: Câu chuyện của tôi trong lịch sử - Đức Cha Phêrô











 



 

                    

                      

CUỘC ĐỜI
CÂU CHUYỆN CỦA TÔI TRONG LỊCH SỬ *

 

Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện và Đức giáo hoàng Phanxicô kể chuyện đời ngài trong tác phẩm Cuộc đời: câu chuyện của tôi trong lịch sử. Đây là tựa đề thật độc đáo. Nếu chỉ nhìn vào tựa đề các chương sách, người đọc có thể nghĩ là sách viết về lịch sử thế giới đương đại: sự bùng nổ Thế chiến thứ hai; cuộc diệt chủng người Do Thái; nguyên tử và sự kết thúc chiến tranh; chiến tranh lạnh; đổ bộ mặt trăng; sự sụp đổ của bức tường Berlin; những cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9; đại khủng hoảng kinh tế; đại dịch Covid-19. Nhưng thực ra đó là cái nền, trên đó xuất hiện cuộc đời một con người là Đức giáo hoàng Phanxicô. Bằng cách đó, quyển sách cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa những biến cố lớn trong lịch sử thế giới hay quốc gia và cuộc đời riêng của mỗi người. Chúng ta không sống ngoài nhưng sống trong lịch sử, và mọi biến cố trong lịch sử cách nào đó – trực tiếp hay gián tiếp, minh nhiên hay mặc nhiên, đều tác động lên cuộc đời mình về nhiều mặt.

Tôi quan tâm cách riêng đến những trải nghiệm thời thơ ấu và niên thiếu đã âm thầm tác động trên con người của Đức giáo hoàng và cả những định hướng mục vụ lớn trong đời ngài, qua đó tác động lên toàn thể Hội Thánh vì ngài là Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Trước hết về di dân. Đức giáo hoàng kể rằng ông bà nội (Giovanni và Rosa) và ba của ngài di cư từ Italia sang Argentina. Họ may mắn thoát chết vì chuyến tàu họ dự định đi đã bị chìm ngoài khơi bờ biển Brazil trên đường tới Buenos Aires. Phải đợi nhiều tháng sau họ mới đi chuyến tàu khác và khi tới Argentina, họ ở tại trung tâm tiếp nhận người nhập cư, giống như những trại di cư hiện nay. Thế nên ngay từ thời niên thiếu, ngài đã biết đến những nguy hiểm và cảnh cơ cực của những người di cư.

Kinh nghiệm đó khiến Đức giáo hoàng quan tâm đặc biệt đến di dân. Ngày 08/7/2013, bốn tháng sau khi lên ngôi Giáo hoàng ngày 19/03/2013, chuyến thăm mục vụ đầu tiên của ngài là đi thăm đảo Lampedusa và ở đó ngài lên án “sự lãnh đạm toàn cầu” trước nỗi khốn cùng của người di dân, rất nhiều người phải bỏ xác ngoài biển khơi. Trong quyển sách này, ngài tiếp tục kêu gọi thế giới: “Tôi muốn lặp lại điều này, tôi muốn thét lên: Làm ơn chào đón các anh chị em khi họ gõ cửa nhà chúng ta. Bởi vì nếu họ được hội nhập đúng cách, nếu họ được hỗ trợ và chăm sóc, họ có thể đóng góp rất lớn cho cuộc sống của chúng ta” (trang 28).

Kế đến, về chiến tranh. Tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử đã phá hủy Hiroshima và Nagasaki. Sự kiện đó xảy ra ở Nhật Bản, rất xa Argentina, và khi đó Bergoglio còn nhỏ tuổi. Thế nhưng ít năm sau, khi là sinh viên Dòng Tên, cách nào đó ngài đã hiểu biết thảm kịch này nhờ những câu chuyện của cha Pedro Arrupe, một nhà thừa sai Dòng Tên ở Hiroshima đã thoát khỏi vụ nổ cách kỳ diệu. Vị thừa sai ấy đã kể chuyện cho các sinh viên nghe và mô tả sự tàn phá của bom nguyên tử: “một biển lửa khổng lồ và vô số thi thể bị thiêu rụi” (trang 58-60).

Ấn tượng này đã tác động mạnh mẽ lên Đức giáo hoàng và ngài có những phản ứng quyết liệt về chiến tranh, nhất là chiến tranh hạt nhân: “Làm sao chúng ta có thể tự xưng là những chiến sĩ của công lý và hòa bình, nếu đồng thời chúng ta đang chế tạo những vũ khí chiến tranh mới?.. Hãy nhớ lại những gì đã xảy ra ở Nhật Bản…Chúng ta không được để cho các thế hệ sau này cũng như thế hệ hiện nay đánh mất ký ức về những gì đã xảy ra, một ký ức sống động có thể giúp mỗi thế hệ nói lên: Không bao giờ như thế nữa” (trang 61-62).

Về người cao tuổi, Đức giáo hoàng có sự quý mến đặc biệt với bà nội Rosa: “Chính bà là người đã dạy đạo cho tôi trước hết, dạy tôi cầu nguyện và nói với tôi về Chúa Giêsu, nhân vật vĩ đại mà tôi vẫn chưa biết gì” (trang 166). Khi chàng thanh niên Bergoglio ngỏ ý định đi tu, ba của ngài chấp nhận nhưng mẹ thì không vì bà mong con mình sẽ là bác sĩ. Bà nội thì khác, bà mừng rỡ trước quyết định của cháu trai và nói với cháu rằng: “Sẽ không ai trách con nếu một ngày nào đó con quyết định quay về nhà, nhưng nếu Chúa gọi con thì hãy đi. Chúa chúc lành cho con” (82). Đến ngày Bergoglio được chịu chức linh mục, bà nội đã viết cho ngài bức thư ngắn mà đến nay ngài vẫn để trong sách nguyện: “Ngày tuyệt vời hôm nay, ngày mà cháu có thể cầm Chúa Kitô Cứu thế trong đôi bàn tay đã được thánh hóa của mình, và cuộc hành trình dài hướng tới một công cuộc tông đồ sâu sắc hơn đang mở ra cho cháu, bà tặng cháu món quà khiêm tốn này, tuy có giá trị vật chất nhỏ bé, nhưng có giá trị tinh thần lớn lao” (trang 104).

Trải nghiệm tuổi thơ ấy khiến ngài quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi. Năm 2021 ngài thiết lập Ngày thế giới các ông bà và người cao tuổi, và ấn định cử hành hằng năm vào Chúa nhật sát với lễ Thánh Gioakim và Anna. Trong quyển sách này, ngài tha thiết kêu gọi: “Ông bà là một nguồn quý giá. Chúng ta phải chăm sóc và bảo vệ các ngài, chứ không phải gửi các ngài vào viện dưỡng lão. Không được coi các ngài như cái gì đó cần vứt bỏ; không được coi các ngài là một gánh nặng. Chúng ta nợ các ngài mọi thứ: các ngài đã giúp chúng ta lớn lên, đã làm nên chúng ta như hiện nay, bằng cách không ngừng khích lệ và nâng đỡ chúng ta” (trang 104-105).

Còn nhiều điều để nói nhưng xin dừng ở đây. Đây là một quyển sách rất đáng đọc và mỗi người sẽ khám phá nhiều điều bổ ích cho cuộc đời mình.

                                                                      Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

*Nguồn trích dẫn: Cuộc đời: câu chuyện của tôi trong lịch sử.

Bản dịch Việt ngữ của Lm. Lê Công Đức, PSS.