06/11/2023
2359
Phán xét - Đức Cha Phêrô












 







PHÁN XÉT

 

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe Đức Bênêđictô XVI nói: “Theo gốc rễ và mục đích của mình, các thuyết vô thần của thế kỷ XIX và XX là những chủ thuyết luân lý” (Spe salvi, 42). Ngạc nhiên vì cứ nghĩ “vô thần” là xấu, tại sao lại bảo vô thần là chủ thuyết luân lý, đạo đức? Bởi vì lý do người ta phủ nhận Thiên Chúa là khi đối diện với những bất công và đau khổ tràn ngập trên thế giới! Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng và nhân ái thì tại sao Ngài lại để thế giới này ngập tràn bất công và đau khổ như thế? Đi xa hơn nữa, vì Thiên Chúa không thiết lập công bằng trên trái đất này nên chính con người phải làm thay! Thế đấy, người ta chủ trương vô thần vì những lý do đạo đức, luân lý.

Lý tưởng là thế, nhưng thực tế lại không như mong đợi. Phản kháng Thiên Chúa khi đối diện những bất công là điều có thể hiểu được, nhưng nghĩ rằng mình phải làm những điều mà Thiên Chúa không làm được, thì quả là quá tự phụ, tự mãn! Chính lịch sử làm chứng rằng tham vọng thay thế Thiên Chúa trong thực tế đã dẫn đến những hình thức tàn ác và bạo lực nhất. Người ta nhân danh công bằng để phủ nhận Thiên Chúa và thiết lập xã hội mới công bằng và huynh đệ, nhưng thực tế chỉ là thay thế sự bất công này bằng thứ bất công khác, quy mô hơn và độc ác hơn. Quả thật, “bất cứ ai hứa hẹn một thế giới tốt đẹp hơn và bảo đảm thế giới ấy sẽ tồn tại mãi, đều là kẻ hứa hão, bởi lẽ người đó chẳng biết gì về tự do của con người” (Ibid., 24).

 

Ngày phán xét chung

Chính kinh nghiệm lịch sử ấy lại giúp chúng ta khám phá ra rằng chỉ có Thiên Chúa và sự sống đời sau mới có thể thỏa mãn khát vọng công bằng nơi con người: “Tôi xác tín rằng vấn đề công bằng làm nên lập luận thiết yếu, và trong mọi trường hợp, cũng là luận cứ mạnh mẽ nhất cho niềm tin vào sự sống đời đời. Mỗi cá nhân đều có nhu cầu vươn đến sự thành toàn nhưng nhu cầu này đã không đạt được trong cuộc sống trần thế. Mỗi cá nhân cũng khao khát tình yêu bất tử. Cả hai nhu cầu này là động lực quan trọng để tin rằng con người được dựng nên cho vĩnh cửu” (43).

Công bằng tuyệt đối và trọn vẹn sẽ được tái lập trong Ngày phán xét chung, khi Đức Kitô ngự đến “trong vinh quang của Ngài, có tất cả các thiên sứ theo hầu…Các dân thiên hạ sẽ được tập họp trước nhan Chúa, và Ngài sẽ tách biệt họ ra, như mục tử tách chiên khỏi dê. Ngài sẽ cho chiên đứng bên phải Ngài, còn dê ở bên trái” (Mt 25,31-46). Có người sẽ phải chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Các Kitô hữu được mời gọi đối diện với sự phán xét của Chúa chứ không phải của thế gian. Thế gian chỉ xét xử theo nhãn mác, bao bì, diện mạo bên ngoài (x. 1Sm 16,7); còn Thiên Chúa nhìn thấu tâm can và sẽ trả lại cho mỗi người đúng theo việc họ làm. Đối diện với Thiên Chúa như thế không phải để sợ hãi và mất niềm vui sống, nhưng để lắng nghe tiếng Chúa và không ngừng điều chỉnh cuộc sống hiện tại cho phù hợp với hạnh phúc của tương lai. Chính vì thế, “từ thời xa xưa, viễn ảnh về cuộc Phán xét đã tác động đến các Kitô hữu trong cuộc sống hằng ngày như tiêu chuẩn để tổ chức đời sống hiện tại, như tiếng gọi lương tâm, và đồng thời như niềm hi vọng vào sự công bằng của Thiên Chúa” (41).

Không chỉ đợi đến Ngày phán xét chung nhưng chúng ta được mời gọi đối diện hằng ngày với sự xét xử của Thiên Chúa qua việc xét mình. Lời mời gọi ấy lại càng cụ thể và cần thiết hơn trong tháng 11, Tháng Các Linh Hồn.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm