27/05/2024
1040
Đạo đức môi sinh - Đức Cha Phêrô











 


 

                    

                      

ĐẠO ĐỨC MÔI SINH

 

Tham luận tại Hội luận liên tôn “Hiệp hành chăm sóc môi sinh”, ngày 23 tháng 05 năm 2024, tại Trung tâm mục vụ Sài Gòn.


 

Tiếp nối những suy tư của hai diễn giả, tôi xin chia sẻ đôi điều về đạo đức môi sinh từ quan điểm Kitô giáo. Nói đến đạo đức môi sinh là nói đến cách thế chúng ta ứng xử với môi trường thiên nhiên, những chuẩn mực và quy tắc ứng xử sao cho góp phần vào thiện ích của con người cũng như các sinh vật khác trên trái đất. Tuy nhiên những chuẩn mực trên lại tùy thuộc vào tầm nhìn của mỗi người về thiên nhiên, thế giới và con người, vì thế tôi sẽ trình bày một chút về tầm nhìn của Kitô giáo về trái đất và con người, sau đó nói đến đạo đức môi sinh.

Một vài yếu tố trong tầm nhìn Kitô giáo về môi sinh

Trước hết, Trái đất và con người là công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh là sách Sáng Thế, và trình thuật đầu tiên trong sách Sáng Thế là về công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Vũ trụ và con người không tự mình mà có nhưng do Thiên Chúa tạo dựng, và mọi sự Ngài tạo dựng đều tốt đẹp (x. St 1,1-2,4a). Con người là cao điểm trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, được trao trách nhiệm “thống trị mặt đất” (St 1,28), “cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15); tóm lại là quản lý có trách nhiệm.

Kế đến, Tài nguyên trái đất thuộc về mọi người. Trong Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Giáo Hội Công giáo khẳng định: “Thiên Chúa đã muốn đặt để trái đất và muôn loài trong đó cho mọi người và mọi dân tộc sử dụng, làm sao để của cải tạo ra phải được phân phối cho tất cả mọi người cách hợp lý, theo sự hướng dẫn của luật công bằng đi đôi với tình bác ái” (Gaudium et Spes, 69). Giáo huấn ấy tiếp tục được các vị Giáo hoàng đề cao, chẳng hạn Thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Thiên Chúa ban cho loài người trái đất để nâng đỡ mọi thành viên trong nhân loại, không loại trừ hoặc ưu tiên cho bất cứ ai” (Centesimus annus, 31). Do đó một đàng Giáo Hội nhìn nhận quyền tư hữu, đàng khác quyền tư hữu phải phụ thuộc vào việc của cải trái đất được dành cho hết mọi người. Đức giáo hoàng Phanxicô coi đó là “luật vàng cho ứng xử xã hội và là nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ nền đạo đức và trật tự xã hội” (Laudato Si, 93).

Cuối cùng là Công ích, tức là “toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo của mình cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (Gaudium et Spes, 26). Ý niệm về công ích không chỉ được áp dụng cho thế hệ hiện nay nhưng còn cả thế hệ tương lai. Con người có bổn phận bó buộc đối với các thế hệ tương lai vì những gì họ sống và làm hiện nay sẽ tạo hậu quả tốt hay xấu cách sâu xa trên thế hệ tương lai. Do đó chúng ta phải tự hỏi: “Chúng ta muốn để lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau chúng ta, cho con cái chúng ta sau này?” (Laudato Si, 159).

Đạo đức môi sinh

Dựa trên tầm nhìn của Kitô giáo về thiên nhiên và trái đất, có thể thấy đâu là những thái độ thích hợp trong cách ứng xử với môi trường. Tôi muốn nói đến ba thái độ căn bản.

Thứ nhất là tôn trọng thay vì khai thác quá mức. Phải đổi mới mối tương quan của chúng ta với thụ tạo, “không còn coi chúng như đối tượng để khai thác nhưng như món quà thánh thiêng từ Tạo Hóa mà chúng ta cần trân quý” (Sứ điệp Ngày thế giới cầu nguyện cho thụ tạo 1/9/2023).  Lý do là vì “Mỗi thụ tạo đều có sự tốt lành và hoàn hảo riêng của nó…Chính vì vậy con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ tạo, tránh không sử dụng các sự vật cách vô trật tự, vì làm như vậy là coi thường Đấng Tạo Hóa và kéo theo những hậu quả nguy hại cho con người và cho môi trường sống của con người” (SGLHTCG 339).

Thứ hai là vun trồng thay vì hủy diệt. Con người được Đấng Tạo Hóa trao cho trách nhiệm quản lý trái đất. Nhiệm vụ này được thể hiện qua mệnh lệnh “Cày cấy và canh giữ đất đai”. Cày cấy là cày bừa, gieo trồng, làm việc;  còn canh giữ là chăm sóc, bảo vệ, giám sát, gìn giữ. Giữa con người và thiên nhiên có sự tương thuộc, quan hệ hỗ tương: con người có thể lấy từ thiên nhiên những gì cần thiết cho sự sống của mình, đồng thời có bổn phận bảo vệ thiên nhiên để đảm bảo là thiên nhiên sẽ tiếp tục cung cấp những gì cần thiết cho các thế hệ tương lai (x. Laudato Si, 67). Đây là thái độ hoàn toàn đối nghịch với khuynh hướng hủy diệt thiên nhiên không thương tiếc để phục vụ nhu cầu của con người, nhiều khi là những nhu cầu không cần thiết trong một thế giới mang nặng lối sống tiêu thụ. Chúng ta có thể chọn lựa “vun trồng” bằng những hành động cụ thể như không xả rác bừa bãi, không dùng plastic, tắt đèn khi không sử dụng, trồng cây, tái chế…Những hành động tuy nhỏ bé nhưng nếu nhiều người cùng làm, sẽ tạo hiệu quả rất lớn.

Thứ ba là chia sẻ thay vì ích kỷ. Vì tài nguyên trái đất thuộc về mọi người nên “Khi sử dụng của cải, con người phải coi tài sản mình đang sở hữu cách chính đáng không chỉ là của riêng mình, nhưng còn là của chung trong ý nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không chỉ cho riêng mình nhưng còn cho nhiều người khác” (Gaudium et Spes, 69). Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến anh chị em mình và đến môi trường tự nhiên, thì cần phải vứt bỏ lối sống ích kỷ như Đức giáo hoàng Phanxicô nói: “Nếu chúng ta có thể vượt qua chủ nghĩa cá nhân, chúng ta sẽ có thể thực sự phát huy một lối sống khác và mang lại những thay đổi đáng kể trong xã hội” (Laudato Si, 208). Ở đây cũng thế, những hành động cụ thể như bớt tiêu thụ nước, tắt đèn khi không sử dụng, giảm bớt mua sắm (những đồ không cần thiết)…tuy nhỏ bé nhưng nếu nhiều người cùng làm, sẽ tạo nên khác biệt đáng kể.

Cuối cùng, hiện diện nơi đây là các vị đại diện các tôn giáo, cho phép tôi chia sẻ ý tưởng này. Đức Bênêđictô XVI nói: “Những sa mạc bên ngoài đang gia tăng trên thế giới ngày nay là vì những sa mạc tâm hồn đã quá mênh mang”. Nếu vậy, cách thế cần thiết để làm cho hoang mạc bên ngoài nở hoa là phải chăm sóc hoang mạc bên trong lòng người sao cho bớt ích kỷ, kiêu căng, ham hố của cải tiền tài, để mở lòng ra nhiều hơn với thiên nhiên, vạn vật, con người…và đó chẳng phải là nhiệm vụ chính của các tôn giáo hay sao?

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin ban cho chúng con sức mạnh tình yêu của Chúa, để chúng con biết bảo vệ sự sống và vẻ đẹp của trái đất; biết tôn trọng trái đất thay vì hủy hoại; biết vun đắp thiên nhiên hơn là gây ô nhiễm và tận diệt. Chúng con tạ ơn Chúa luôn ở với chúng con mỗi ngày. Xin ban thêm sức mạnh cho chúng con trong cuộc đấu tranh cho công lý, yêu thương và hòa bình. Amen.

 

                                                                      Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm