Anh chị em thân mến,
Trong cuộc gặp gỡ vào năm 2013, tôi đã muốn nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng và không thể tách rời công việc của Giáo Triều: chuyên nghiệp và phục vụ, và tôi đã chọn thánh Giuse như là mẫu gương để chúng ta bắt chước. Vào năm vừa qua, sau khi chuẩn bị cho Bí tích Hòa Giải, chúng ta đã bàn về các cám dỗ chắc chắn – hoặc “các vấn đề nghiêm trọng” – “danh sách các căn bệnh của Giáo Triều” – mà có thể ảnh hưởng đến bất kỳ người Kitô hữu, Giáo Triều, cộng đoàn, giáo xứ hoặc sự kiện nào của Hội Thánh. Các căn bệnh này cần có sự đề phòng, cảnh giác, để ý, và thật không may trong một số trường hợp, cần đến sự can thiệp đau khổ và kéo dài.
Một số căn bệnh này trở nên rõ ràng trong suốt năm vừa qua, gây nên nỗi đau không nhỏ cho toàn bộ Giáo Triều và hủy hoại nhiều linh hồn.
Dường như cần phải xác định điều gì đã đang - và luôn luôn - là đối tượng để suy tư cách chân thành và dự liệu cách kiên quyết. Sự cải cách sẽ tiến triển nhờ sự quyết định, minh bạch và giải pháp vững vàng, bởi vì Hội Thánh luôn được canh tân.
Tuy nhiên, các căn bệnh và thậm chí những tai tiếng không thể che khuất được hiệu quả các công việc phục vụ mà Giáo Triều Rôma đã giúp cho Đức giáo hoàng và toàn thể Hội Thánh, với sự cố gắng to lớn, trách nhiệm, dấn thân, và tận tình, và đây là nguồn an ủi thật sự. Thánh Inhaxiô đã dạy rằng: “Điển hình của thần dữ là gây ra bối rối, phiền muộn, và khó khăn, và là nguyên nhân lo lắng không cần thiết để ngăn cản chúng ta tiến bước; thay vào đó, điển hình của thần lành là truyền lòng dũng cảm và nghị lực, an ủi và nước mắt, cảm hứng và thanh thản, giảm bớt và xóa đi những khó khăn để giúp chúng ta tiến lên trên đường lành.”
Sẽ rất bất công nếu không hết lòng biết ơn và khích lệ tất cả những người lương thiện trong Giáo Triều đang làm việc với sự tận tâm, trung thành và chuyên nghiệp, bằng cách đảm bảo với Hội Thánh và kế vị thánh Phêrô sự liên đới và vâng phục, cũng như lời cầu nguyện thường xuyên của mình.
Hơn nữa, các trường hợp chống đối, khó khăn và thất bại của một bộ phận cá nhân và thừa tác viên là vô vàng bài học và cơ hội để phát triển, và chưa bao giờ làm nản lòng. Đó là những cơ hội để giúp trở về các điều cốt lõi, nghĩa là ý thức hơn về bản thân chúng ta, về Thiên Chúa và tha nhân, về cảm thức Giáo hội và cảm thức đức tin.
Trở về với những điều cốt lõi là điều mà tôi mong muốn nói hôm nay, chỉ vài ngày sau khi Hội Thánh cử hành cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót, một Năm mời gọi Hội Thánh và tất cả chúng ta sống lòng biết ơn, hoán cải, canh tân, thống hối và hòa giải.
Giáng Sinh thật sự là lễ về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, như thánh Augustinô thành Hippon nói: “Có lòng thương xót nào được tỏ ra cho con người bất hạnh chúng ta lớn lao hơn lòng thương xót đã khiến Đấng Sáng Tạo các tầng trời ngự xuống giữa chúng ta, và Đấng Tạo Dựng trái đất mặc lấy thân xác phải chết của chúng ta hay không? Cũng lòng thương xót đó đã khiến Chúa của trần thế mặc lấy bản tính của một tôi tớ, để Ngài phải chịu đói, trong khi chính mình là lương thực; Ngài sẽ phải chịu khát, trong khi chính mình là sự giải khát; Ngài biết đến sự yếu đuối, trong khi Ngài là quyền năng; Ngài phải mang vết thương, trong khi chính mình là sự cứu rỗi; và Ngài phải chết, trong khi chính mình là sự sống. Tất cả những điều này Ngài đã làm để dịu đi cơn đói, và khao khát của chúng ta, làm sự yếu đuối của chúng ta nên vững mạnh, đẩy xa tội lỗi của chúng ta và khơi dậy lòng bác ái của chúng ta.”
Do đó, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót và thời gian chuẩn bị lễ Giáng Sinh sắp tới, tôi muốn đưa ra một sự hỗ trợ thực tế để trải nghiệm sống hữu ích mùa ân sủng này. Đây là một danh sách các nhân đức cần thiết tuy không phải là tất cả dành cho những người đang phục vụ trong Giáo Triều, và tất cả những người muốn làm cho đời thánh hiến và phục vụ của mình cho Hội Thánh mang lại nhiều hoa trái hơn.
Tôi muốn yêu cầu những vị đứng đầu các Bộ và các vị bề trên cân nhắc điều này, để thêm vào và hoàn thiện danh sách đó. Đó là một danh mục dựa trên sự phân tích từng ký tự của từ Misericodia, với mục đích nhờ danh mục này như là người hướng dẫn và là người chỉ đường:
1. Tinh thần truyền giáo và mục vụ (Missionary and pastoral spirit): Tinh thần truyền giáo là điều làm cho Giáo Triều phong phú và sinh nhiều hoa trái một cách rõ ràng; nó là bằng chứng cho thấy hành động hiệu quả, năng lực và xác thực của chúng ta. Đức tin là một món quà, tuy nhiên, thước đo đức tin của chúng ta cũng được tính bằng phạm vi mà chúng ta thông truyền đức tin đó. Tất cả những người đã chịu Phép Rửa là những nhà truyền bá Tin Mừng, trên hết bằng cuộc sống, công việc và chứng từ về niềm vui và xác tín của họ.
Tinh thần mục vụ đúng đắn là một nhân đức không thể thiếu dành riêng cho linh mục. Nó được diễn tả trong sự nỗ lực hằng ngày của ngài để đi theo Vị Mục Tử Nhân Lành là Đấng chăm sóc đàn chiên và hiến mình để cứu lấy cuộc sống của những con chiên khác. Đây là tiêu chí dành cho công việc của Giáo Triều và linh mục. Không có hai đôi cánh này chúng ta không bao giờ bay được, hoặc thậm chí có được niềm hạnh phúc của “người tôi tớ trung thành” (Mt 25,14-30).
2. Thích nghi và khôn ngoan (Idoneity and sagacity): Thích nghi, hay thích hợp, đòi hỏi cá nhân phải cố gắng nhằm đạt được những điều kiện cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ và bổn phận của chúng ta với sự thông minh và sáng suốt hết sức có thể. Điều này không đòi được “tiến cử” và trả công. Khôn ngoan là sẵn sàng nắm bắt và đương đầu với các hoàn cảnh với sự sáng suốt và sáng tạo.
Thích nghi và khôn ngoan cũng diễn tả sự đáp trả của con người đối với ân thiêng, nếu chúng ta đi theo châm ngôn nổi tiếng này: “Hãy làm mọi thứ như thể Thiên Chúa đã không tồn tại và sau đó đặt tất cả vào bàn tay của Ngài như thể bạn đã không tồn tại”. Đó là phương pháp của người môn đệ cầu nguyện với Chúa mỗi ngày bằng lời kinh Phổ Quát tuyệt vời được gán cho Đức giáo hoàng Clêmentê XI: “Xin đoái thương hướng dẫn con theo sự khôn ngoan của Chúa, gìn giữ con theo sự công chính của Ngài, nhờ lòng thương xót của Chúa xin an ủi con, bảo vệ con bằng quyền năng của Ngài. Con mong ước dâng tất cả tư tưởng, lời nói, việc làm, và đau khổ của con; để con chỉ có thể nghĩ đến Chúa, nói về Chúa, dâng tất cả mọi việc làm của con để làm vinh danh Chúa hơn, và sẵn lòng chấp nhận bất cứ điều gì mà Chúa định”.
3. Linh đạo và nhân cách (Spirituality and humanity): Linh đạo là cột trụ của mọi việc phục vụ trong Hội Thánh và trong đời sống Kitô hữu. Nó nuôi dưỡng, gìn giữ và bảo vệ mọi hoạt động của chúng ta khỏi sự yếu đuối của con người và các cám dỗ hằng ngày.
Nhân cách là điều biểu hiện đức tin chân thật của chúng ta; những ai từ bỏ nhân cách của họ, sẽ từ bỏ tất cả. Nhân cách làm cho chúng ta khác biệt với máy móc và rô bốt không có cảm giác và không bao giờ xúc động.
Một khi chúng ta cảm thấy khó mà khóc thật sự hay nở nụ cười chân thành, chúng ta đã bắt đầu sa sút và chuyển từ “con người” sang cái gì khác. Nhân cách biết thể hiện sự dịu dàng, trung thành và nhã nhặn đối với tất cả mọi người (x. Pl 4,5). Linh đạo và nhân cách, trong phẩm tính tự nhiên, là một tiềm năng cần được kích hoạt một cách trọn vẹn, cần đạt tới và thể hiện hằng ngày.
4. Gương mẫu và trung tín (Example and fidelity): Chân phước Phaolô VI đã nhắc nhở Giáo Triều “được mời gọi trở nên gương mẫu”. Gương mẫu trong việc tránh gây vấp phạm làm hại các linh hồn và làm chứng tá của chúng ta bị giảm tín nhiệm.
Trung thành với sự thánh hiến, với ơn gọi của chúng ta, luôn luôn lưu tâm đến những lời của Chúa Kitô: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10), và: “Nếu ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã! Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Mt 18,6-7).
5. Tính hợp lý và hiền hòa (Rationality and gentleness): Sự sáng suốt giúp tránh những cảm xúc thái quá, trong khi sự hiền hòa giúp tránh được sự quan liêu, những chương trình và kế hoạch quá mức cần thiết. Những đức tính này cần thiết cho một nhân cách quân bình: “Kẻ thù cẩn thận xem xét một linh hồn là khiếm nhã hay tế nhị; nếu linh hồn ấy tế nhị, nó tìm cách làm cho linh hồn ấy tế nhị quá mức, khiến cho linh hồn đó đau khổ và bối rối hơn”. Mọi sự quá mức là một triệu chứng mất quân bình.
6. Tính vô hại và kiên định (Innocuousness and determination): Tính vô hại làm cho chúng ta cẩn trọng trong xét đoán và có khả năng kiềm chế những hành động bốc đồng và vội vàng. Đó là khả năng mang lại điều tốt nhất cho chúng ta, cho người khác và cho mọi tình huống bằng cách hành động một cách cẩn thận và chu đáo. Nó hệ tại việc làm cho người khác những gì mà ta muốn họ làm cho ta (x. Mt 7,12; Lc 6,31).
Kiên định là hành động với một ý chí kiên quyết, một tầm nhìn rõ ràng, sự vâng phục Thiên Chúa và chỉ theo luật lớn nhất là vì phần rỗi các linh hồn (x. Giáo luật, 1725).
7. Bác ái và sự thật (Charity and truth): Hai nhân đức này không thể tách rời trong đời sống người Kitô hữu, “nói sự thật trong đức ái và thực hành đức ái trong sự thật” (x. Ep 4,15). Đến độ nơi nào bác ái không có sự thật sẽ trở thành một ý thức hệ dễ dãi gây tác hại và sự thật mà không có bác ái sẽ trở thành thói vụ luật thiển cận.
8. Trung thực và trưởng thành (Honesty and maturity): Trung thực là sự ngay thẳng, kiên định và tuyệt đối thành thật đối với chính mình và Thiên Chúa. Một người thành thật không tỏ vẻ đạo đức chỉ khi trước mặt người khác; người thành thật không sợ hãi khi bị chú ý, bởi vì họ không bao giờ phản bội lòng tin của người khác. Một người thành thật không bao giờ hách dịch như là “tên đầy tớ xấu xa” (x. Mt 24,48-51), đối với những người hoặc công việc được trao phó cho mình. Trung thực là nền tảng cho các phẩm chất khác tựa vào.
Sự trưởng thành là một cuộc tìm kiếm để đạt được sự cân bằng và hài hòa trong các khả năng về thể chất, tinh thần và thiêng liêng. Đó là mục tiêu và kết quả của một quá trình tiến triển không ngừng nghỉ, và nó không liên quan đến tuổi tác.
9. Sự tôn trọng và khiêm tốn (Respectfulness and humility): Sự tôn trọng là một năng lực của những tâm hồn thanh cao và tế nhị, luôn cố gắng tỏ lòng tôn trọng chân thật đối với người khác, đối với công việc của chính họ, đối với bề trên và bề dưới, đối với những tài liệu và giấy tờ, đối với sự cẩn mật và riêng tư, là người có thể lắng nghe một cách cẩn thận và nói một cách lịch sự.
Khiêm tốn là một nhân đức của các Thánh và những người tôn kính Thiên Chúa, là những người trở nên quan trọng khôn sánh vì họ nhận biết rằng mình chẳng là gì và không thể làm được gì nếu không nhờ ân sủng của Thiên Chúa (x. Ga 15,5).
10. Chuyên cần và chú ý (Diligence and attentiveness): Chúng ta càng tin tưởng vào Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài, chúng ta càng thêm chuyên cần và sẵn sàng cho đi chính mình, biết rằng chúng ta càng cho đi thì càng nhận lãnh. Có ích gì khi mở các cửa Thánh của tất cả các Vương cung Thánh đường trên toàn thế giới, nếu cánh cửa tâm hồn của chúng ta không mở ra để yêu thương, nếu đôi tay không mở ra để cho đi, nếu gia đình chúng ta không mở ra để đón khách, và các nhà thờ không biết tiếp nhận.
Sự chú ý là quan tâm đến những điều bé nhỏ, đến việc làm hết khả năng và không bao giờ nhân nhượng trước tật xấu và thất bại của mình. Thánh Vinh Sơn Phaolô đã từng cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giúp con luôn chú ý đến những người xung quanh con, những người đang lo lắng và thất vọng, những người đang âm thầm chịu đau khổ, và những người cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi”.
11. Dũng cảm và tỉnh thức (Intrepidness and alertness): Dũng cảm là không sợ hãi khi đối diện với khó khăn, giống như Đanien trong hầm sư tử, hay Đavid trước gã khổng lồ Gôliat. Điều đó có nghĩa là hành động với sự can đảm, quyết tâm và kiên định, “như một người lính giỏi” (2Tm 2,3-4). Có nghĩa là ngay lập tức sẵn sàng bước đi đầu tiên giống như Abraham hay Mẹ Maria.
Mặc khác, tỉnh thức là khả năng hành động một cách tự do và dễ dàng, không dính bén với vật chất chóng qua. Như lời Thánh vịnh: “Tiền tài dẫu sinh sôi nảy nở, lòng chẳng nên gắn bó làm chi” (Tv 61,11). Trở nên tỉnh thức nghĩa là luôn luôn sẵn sàng lên đường, và không bao giờ để mình ra nặng nề bởi hàng đống những thứ không cần thiết, để cho những bận tâm riêng nắm giữ và tham vọng lèo lái.
12. Sự tin cậy và tiết độ (Trustwothiness ans sobriety): Người đáng tin tưởng là người thực hiện đúng cam kết của họ một cách nghiêm túc và có trách nhiệm khi có người đang theo dõi, nhưng trên hết là khi họ ở một mình; họ tỏ ra một phong thái bình thản bởi vì họ không bao giờ phản bội lòng tin.
Tiết độ - nhân đức được đề cập cuối cùng trong bài này nhưng không phải vì nó ít quan trọng - là khả năng từ bỏ những gì không cần thiết và chống lại não trạng tiêu thụ đang thống trị. Tiết độ là thận trọng, đơn sơ, chân thành, quân bình và chừng mực. Tiết độ là nhìn thế gian bằng ánh mắt của Thiên Chúa và từ phía người nghèo. Tiết độ là một phong cách sống chú ý đến vị trí quan trọng của người khác như là một nguyên tắc có tính phẩm trật và được thể hiện trong đời sống quan tâm và phục vụ người khác. Người tiết độ là người kiên định và chân thành trong mọi sự, bởi vì người ấy có thể đơn giản hóa, phục hồi, tái tạo, sửa chữa và sống một cuộc sống cân bằng.
Kính thưa anh chị em,
Lòng thương xót không phải là một cảm nghĩ thoáng qua, nhưng hơn hết là tổng hợp của Tin Mừng, là một lựa chọn và quyết định đối với tất cả những người mong muốn mặc lấy “Trái Tim Chúa Giêsu” và được là môn đệ chân chính của Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta “Hãy có lòng nhân từ như Cha các con trên trời là Đấng nhân từ” (Mt 5,58; Lc 6,36). Theo như lời của Cha Ermes Ronchi: “Thương xót là một sự ô nhục đối với công lý, là sự ngu dại đối với trí tuệ, là niềm an ủi cho chúng ta là những con nợ. Chúng ta mắc nợ vì được sống, vì được yêu thương chỉ có thể đền đáp lại bằng lòng thương xót”.
Và vì thế, chớ gì lòng thương xót hướng dẫn chúng ta, tạo động lực cho chúng ta sửa đổi và soi sáng cho những quyết định của chúng ta. Chớ gì lòng thương xót là nền tảng cho tất cả sự cố gắng của chúng ta. Chớ gì lòng thương xót hướng dẫn chúng ta khi tiến về phía trước cũng như khi bước về phía sau. Chớ gì lòng thương xót cũng làm cho chúng ta hiểu được tất cả những gì chúng ta làm nhỏ bé biết bao trong chương trình cứu độ cao cả của Thiên Chúa, trong hành động cao cả và nhiệm mầu của Ngài.
Để giúp chúng ta thấu hiểu điều này, chúng ta hãy nghiền ngẫm những lời kinh tuyệt vời, thường được gán cho Chân Phước Oscar Arnulfo Romero, nhưng đã được công bố lần đầu tiên bởi Đức Hồng Y John Dearden:
Thỉnh thoảng, chúng con cần lui lại một bước để nhìn mọi sự từ xa. Nước trời không những vượt quá sự nổ lực, mà còn vượt quá tầm nhìn của chúng con.
Trong cuộc sống, chúng con chỉ có thể đạt được một phần nhỏ trong kế hoạch vĩ đại do Thiên Chúa làm nên.
Không việc gì chúng con làm mà trọn vẹn, điều đó nói lên rằng: Nước Trời cao trọng hơn chúng con.
Không có lời nào nói lên được thứ cần nói. Không lời kinh nào diễn tả được toàn bộ Đức tin.
Không Kinh Tin kính nào là hoàn hảo. Không cuộc viếng thăm mục vụ nào giải quyết hết mọi vấn đề.
Không một chương trình nào hoàn tất đầy đủ sứ mạng của Hội Thánh.
Chưa có mục tiêu hay ý định nào được hoàn thành.
Điều muốn nói ở đây là: chúng con gieo hạt giống, một ngày nào đó chúng mới mọc lên.
Chúng con chăm tưới những hạt giống đã được trồng, nhưng biết rằng những người khác sẽ trông nom chúng.
Chúng con đặt nền móng nhưng sau này mới phát triển. Chúng con thêm men vào, để làm tăng cơ hội cho chúng con.
Chúng con không thể làm được mọi việc, nhưng được tự do để bắt đầu.
Điều đó khiến chúng con mạnh sức để làm việc và làm thật tốt. Công việc có thể vẫn không hoàn hảo, nhưng là một sự khởi đầu, là thêm một bước trên hành trình.
Đó là cơ hội để ân sủng của Thiên Chúa thấm nhập và hoàn tất phần còn lại.
Có thể chúng con sẽ không bao giờ nhìn thấy công việc được hoàn thành, nhưng nó cho thấy sự khác biệt giữa ông chủ và người thợ.
Chúng con là những người thợ, không phải là ông chủ sáng tạo; là tôi tớ, không phải Đấng Cứu Độ.
Chúng con là tiên tri loan báo một tương lai không thuộc về chúng con.
Biên dịch: Chủng viện Thánh Gioan XXIII