16/04/2022
5000
TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT _Thiên Triệu

















 

TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT

    

“Tình yêu” là từ ngữ rất thân quen, trong ngôn ngữ đời thường cũng như trong Kinh Thánh. Thế nhưng nội hàm của hai tiếng “tình yêu” ấy có giống nhau không? Khi Kinh Thánh nói đến tình yêu, phải hiểu thế nào?

Có nhiều thứ tình yêu và trong một số ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, người ta dùng từ “tình yêu” và kèm theo một tính từ để phân biệt, chẳng hạn tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình yêu vợ chồng, tình yêu huynh đệ, tình yêu nam nữ… Nhưng có những ngôn ngữ khác lại sử dụng nhiều từ hoàn toàn khác nhau để phân biệt các thứ tình yêu. Trong tiếng Hi Lạp cổ là ngôn ngữ mà các sách Tin Mừng và hầu hết các sách Tân Ước sử dụng, có ít nhất sáu từ khác nhau để nói về tình yêu. Có từ pothos himeros, trong thực tế đồng nghĩa với nhau và nói về sự khao khát, mong ước điều gì đó hoặc ai đó mà người ta còn thiếu hoặc đã mất. Từ thứ ba là eros để nói về khao khát nhục dục, tình yêu đam mê và nhục thể. Từ thứ tư là storge, nói về tình cảm tự nhiên giữa cha mẹ và con cái. Không có từ nào trong số những từ trên có mặt trong Tân Ước. Từ thứ năm là philia chỉ xuất hiện một lần (Gc 4,4) và nói về sự say đắm.

Tất cả những từ trên được sử dụng rất nhiều trong tiếng Hi Lạp cổ cũng như Hi Lạp phổ thông. Còn một từ nữa, từ thứ sáu, để nói về tình yêu nhưng lại ít khi thấy trong tiếng Hi Lạp cổ cũng như phổ thông. Thế nhưng đây lại là từ được các tác giả Tân Ước chọn vì thích hợp nhất để nói về thứ tình yêu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta. Đó là từ agape, xuất hiện 116 lần trong Tân Ước, và động từ agapan xuất hiện 141 lần. Như thế chúng ta thấy một hiện tượng rất lạ về ngữ học ở đây: đang khi 5 từ được dùng thường xuyên trong các sách ngoài Kinh Thánh Tân Ước, thì Kinh Thánh chỉ sử dụng một lần duy nhất; ngược lại, từ agape hiếm thấy trong các sách đời thì lại được các tác giả Tân Ước dùng nhiều, đến 257 lần.

Chỉ một ghi nhận đó thôi cũng đủ cho thấy “tình yêu” mà Chúa Giêsu và các môn đệ Chúa dạy khác xa thứ tình yêu mà người ta thường nói ngoài đời. Đó là “tình yêu cho đi vì thiện ích của người khác” (Nil Guillemette, Hearts Burning, 369-371; Ethelbert Stauffer, Theological Dictionary of the Testament, vol. 1, p. 37).

Đó chính là ý nghĩa của “tình yêu” khi thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu (agape)” (1Ga 4,8). Đó chính là ý nghĩa của điều răn yêu thương: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình yêu (agape) nào cao cả hơn tình yêu của người hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình… Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương (agape) nhau” (Ga 15,12.17).

Tình yêu ấy chiến thắng cả sự chết, đó là sứ điệp của Chúa nhật Phục Sinh: “Sinh mệnh cùng tử vong ác chiến, cuộc giao tranh khai diễn diệu kỳ. Chúa sự sống đã chết đi, giờ đây hằng sống trị vì oai linh” (Ca tiếp liên).

Đó cũng là tình yêu mà thánh Phaolô hát lên trong Bài ca đức mến:

“Đức mến (agape) thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.

Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

Đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,4-7).

Không lạ gì khi Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lấy bài ca này làm nguồn cảm hứng để trình bày những suy tư và hướng dẫn cho đời sống hôn nhân và gia đình trong Tông huấn Niềm vui của tình yêu.

Thiên Triệu