16/04/2022
6060
Tại sao tôi ký tên vào Thư Ngỏ Gởi Các Giám Mục Đức Quốc? _Thiên Triệu

















 

TẠI SAO TÔI KÝ TÊN VÀO

THƯ NGỎ GỬI CÁC GIÁM MỤC ĐỨC QUỐC?

 

Ngày 12/04/2022, hơn 70 Hồng y và Giám mục đã gửi Thư Ngỏ Gửi Các Giám Mục Đức Quốc, nêu những quan ngại về Con đường hiệp hành của Hội Thánh Công giáo tại Đức. Số các Giám mục ký tên vào Thư Ngỏ tiếp tục gia tăng, đến nay 16/04, đã có các Giám mục thuộc 15 quốc gia và khắp cả 5 châu lục. Một trong những vị ký tên từ đầu là Đức cha Salvatore J. Cordileone, TGM San Francisco. Ngài cũng viết bài trình bày lý do tại sao ngài ký tên vào Thư Ngỏ, được đăng trên First Things ngày 14/04/2022. Xin giới thiệu bài viết này với độc giả.

Thiên Triệu

  

“Với tư cách là thành viên của Giám mục đoàn và là người kế vị hợp pháp của các Tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thiết định và mệnh lệnh của Đức Kitô, có bổn phận ân cần chăm lo cho toàn thể Hội Thánh, một sự chăm lo, cho dù không được thực thi bằng một hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Hội Thánh phổ quát”.

Đoạn văn trên trích từ Hiến chế Lumen Gentium của Công đồng Vatiacanô II nhấn mạnh một trong những giáo thuyết chính yếu được trình bày và khai triển tại Công đồng: tính hiệp đoàn giữa các Giám mục với nhau và trong sự hợp nhất với Giám mục Rôma, và sự chăm lo mà mỗi Giám mục phải có đối với Hội Thánh hoàn vũ, vượt trên những biên giới của Hội Thánh địa phương.

Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục tử của các Giám mục trong Hội Thánh, Christus Dominus, nói về chủ đề này cách cụ thể hơn: “Là những người kế vị hợp pháp của các Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, các Giám mục phải hiểu rằng các ngài đã được liên kết chặt chẽ với nhau và phải ưu tư chăm sóc cho tất cả các Giáo đoàn. Vì do sự đặt định của Thiên Chúa và đòi hỏi của tác vụ tông đồ, mỗi vị phải cùng với các Giám mục khác đảm nhận trách nhiệm đối với toàn thể Hội Thánh. Đặc biệt, các ngài phải quan tâm đến những miền trên thế giới chưa được nghe rao giảng Lời Chúa, hay những nơi vì thiếu linh mục, các tín hữu có nguy cơ xa lìa các giới luật của đời sống Kitô giáo, thậm chí có thể đánh mất cả đức tin” (số 6).

Được gợi hứng bởi giáo huấn mà chúng ta lãnh nhận từ Công đồng Vaticanô II, tuần này tôi đã ký vào Thư ngỏ gửi anh em Giám mục tại Đức quốc, cùng với 70 Hồng y và Giám mục trên khắp thế giới (và con số này vẫn đang tăng lên). Bởi lẽ Con đường hiệp hành tại Đức đã xa rời cách triệt để khỏi những đạo lý của Hội Thánh cũng như những kỷ luật cổ kính và được thiết lập vững chắc, nó có nguy cơ tạo ra sự li khai trong Hội Thánh, kể cả vượt ra ngoài nước Đức. Mối quan tâm của chúng tôi về sự đe dọa này lại càng được thúc đẩy khi chúng tôi nghe những tiếng nói của hàng lãnh đạo Hội Thánh tại Đức phủ nhận quyền bính của Thánh Kinh và Thánh Truyền, đặc biệt là những giáo huấn vững bền của Hội Thánh về những vấn đề liên quan đến luân lý tính dục, lý thuyết về giới, các Bí tích, và việc thực thi quyền bính trong Hội Thánh.

Thư ngỏ này là sự thực thi quyền bính của Giám mục đoàn mà Chúa Kitô đã ban cho Hội Thánh, và tiếp nối những can thiệp khác gần đây của các thành viên trong Giám mục đoàn – cách riêng là Thư sửa lỗi huynh đệ của Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan gửi Chủ tịch Hội đồng giám mục Đức, và lá thư tương tự của Hội đồng giám mục Bắc Âu. Như chúng tôi đã nhắc nhở anh em Giám mục của mình trong Thư ngỏ:

“…Lịch sử Kitô giáo không thiếu những nỗ lực với ý định tốt lành nhưng lại không đặt nền trên Lời Chúa, trên sự gặp gỡ trung thành với Đức Giêsu Kitô, thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, và quy phục thánh ý Chúa Cha. Những nỗ lực thất bại này đã không biết đến sự hiệp nhất, kinh nghiệm, và sự khôn ngoan được tích lũy của Phúc Âm và Hội Thánh. Vì những nỗ lực ấy đã không lắng nghe lời của Chúa Giêsu, “Không có Thầy, các con không làm được gì” (Ga 15,5), nên chúng không sinh hoa trái và gây tác hại cả cho sự hiệp nhất cũng như cho sinh lực Phúc âm của Hội Thánh. Con đường hiệp hành của Đức có nguy cơ đưa đến một kết thúc như thế.

Tôi ký Thư Ngỏ với tư cách là Tổng giám mục San Francisco để các tín hữu trong Giáo phận của tôi biết rằng tôi rất quan tâm đến hành động của các Giám mục Đức. Tôi ký Thư Ngỏ trong tinh thần liên đới với các Giám mục khắp thế giới, chống lại hướng đi của Con đường hiệp hành của Hội Thánh tại Đức. Qua các mối liên lạc với Hội Thánh tại Đức, tôi cũng nghe được lời kêu cứu của những tín hữu Công giáo tại Đức mong được Hội Thánh khắp thế giới nâng đỡ. Nâng đỡ và khích lệ các tín hữu Công giáo Đức cũng là một hành động liên đới vì sự hiệp nhất và bình an trong Hội Thánh.

Cách riêng, tôi hi vọng lá thư này làm sáng tỏ các vấn đề sau:

1. Các Hội đồng giám mục không có thẩm quyền giảng dạy những giáo thuyết đi ngược lại giáo huấn và truyền thống của Hội Thánh phổ quát, hoặc thiết lập Hội Thánh trong đất nước mình như một Hội Thánh quốc gia, độc lập với Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công giáo và tông truyền.

2. Mười Điều Răn không phải là những điều cần xét lại. Không ai có quyền thay đổi bất cứ điều nào trong Mười Điều Răn. Thật là xúc phạm nếu có một Giám mục nào gợi ý rằng Hội Thánh Công giáo phải thay đổi luật Chúa liên quan đến đức khiết tịnh.

3. Độc thân linh mục là một giá trị cao quý trong đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh và không nên bị loại ra ngoài. Nếu ơn gọi linh mục khan hiếm, các cộng đoàn Công giáo nên xét mình xem họ đã sống Tin Mừng ra sao.

4. Hội Thánh không có quyền phong chức linh mục cho phụ nữ. Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố dứt khoát về vấn đề này. Trong khi chức Phó tế thuộc cấp bậc khác với cấp bậc của chức Linh mục, vẫn có sự duy nhất giữa các cấp bậc của Bí tích Truyền Chức Thánh, và việc gợi ý phong chức Phó tế cho phụ nữ chắc chắn sẽ dẫn đến việc hiểu như phong chức Linh mục.

Về điểm cuối cùng này, nên nói thêm mọi người nam và nữ đã chịu Phép Rửa đều thi hành chức tư tế chung, là nền tảng mạnh mẽ của tông đồ giáo dân. Lịch sử Hội Thánh tràn ngập những việc vĩ đại của các phụ nữ trong việc thúc đẩy vương quốc Chúa Kitô. Gợi ý rằng phụ nữ phải được phong chức linh mục để bình đẳng với người nam trong Hội Thánh, khôi hài thay, lại là hạ thấp người nữ, vì gợi ý đó giả thiết rằng điều mà truyền thống dành riêng cho người nam lại chính là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường phẩm giá và công trạng, và như thế bất cứ điều gì là độc đáo của người nữ cũng đều thấp kém hơn. Đây không phải là tầm nhìn Kitô giáo về sự bình đẳng và bổ túc trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa và trong sự sắp xếp của Hội Thánh.

Tôi tin rằng không phải tình cờ khi nhiều Giám mục lên tiếng đầu tiên và ký vào Thư Ngỏ này là các vị thuộc châu Phi, nơi Hội Thánh đang phát triển vì cam kết mạnh mẽ của Hội Thánh trong việc duy trì những giáo huấn của Chúa Kitô về luân lý tính dục, kể cả khi phải chống lại nhiều tập tục truyền thống của châu Phi (gồm cả chế độ đa thê). Nếu đạo lý vững chắc của Hội Thánh, đã được giảng dạy và phát triển suốt hai thiên niên kỷ, nay bị bãi bỏ vì cho là xã hội không chấp nhận được, thì rồi mọi chân lý của đức tin Kitô cũng sẽ sụp đổ. Có thể là khôi hài với một vài người nhưng thực sự là Công giáo kinh điển đã làm tốt trong việc Phúc âm hóa. Đàng khác, tìm cách thích nghi với những giáo điều của chủ nghĩa thế tục không phải là nền móng cho sự canh tân.

Tôi hi vọng và cầu nguyện để các Giám mục Đức lắng nghe Đức Thánh Cha và các anh em Giám mục, để ngưng lại con đường gây chia rẽ. Kho tàng đức tin Công giáo không thể bị thay đổi, và những ai cố gắng thay đổi đức tin chỉ đem lại thiệt hại trầm trọng cho chính họ và cho các tín hữu. 

Salvatore J. Cordileone

Tổng giám mục San Francisco