24/01/2022
3550
Quan điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô  về một số vấn đề của thế giới ngày nay





















 

QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỦA THẾ GIỚI NGÀY NAY

 

 

Sáng ngày 10.01.2022, theo thông lệ hằng năm, Đức Thánh Cha đã tiếp Ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Trong dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có bài diễn văn trình bày những mối quan tâm của Tòa Thánh về một số vấn đề của thế giới.

 

1. Đại dịch Covid-19

“Cần có sự cam kết toàn diện của cộng đồng quốc tế để toàn bộ dân số thế giới được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc y tế và vắc -xin thiết yếu. Chúng ta có thể ghi nhận một cách đau lòng rằng, tại nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ cập vẫn còn là một ảo tưởng. Tại thời điểm quan trọng này đối với toàn nhân loại, tôi lặp lại lời kêu gọi của mình dành cho các Chính phủ và các tổ chức tư nhân liên quan rằng hãy thể hiện tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh sự đáp ứng phối hợp ở mọi cấp độ (địa phương, quốc gia, khu vực, và toàn cầu), thông qua các mô hình mới của sự liên đới và các phương tiện có khả năng tăng cường năng lực của các quốc gia cần nhất.

Cụ thể, tôi kêu gọi tất cả những quốc gia đang nỗ lực thiết lập phương thế toàn cầu về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, hãy áp dụng chính sách chia sẻ rộng rãi như một nguyên tắc chính để đảm bảo mọi người đều được tiếp cận với các công cụ chẩn đoán, vắc-xin và thuốc men. Tương tự như vậy, các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cần điều chỉnh các văn kiện pháp lý để các quy tắc độc quyền không gây thêm trở ngại cho việc sản xuất và tiếp cận có tổ chức và nhất quán đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở cấp độ toàn cầu”.

 

2. Di dân

“Tôi xin cảm ơn tất cả các cá nhân và chính phủ đang làm việc để đảm bảo rằng người di cư được chào đón và bảo vệ, cũng như hỗ trợ việc thăng tiến con người và hội nhập của họ tại các quốc gia đã tiếp nhận họ. Tôi nhận thức được những khó khăn mà một số nước gặp phải khi đối mặt với đoàn người di cư khổng lồ. Chẳng ai có thể bị đòi phải làm những điều họ không thể, nhưng có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc chấp nhận, cho dù có giới hạn, với việc từ chối hoàn toàn.

Cần phải khắc phục sự thờ ơ và bác bỏ ý kiến cho rằng người di cư là vấn đề cho những người khác. Hậu quả của lối nghĩ này được chứng tỏ trong chính sự hạ thấp nhân phẩm của những di dân bị tập trung ở các điểm nóng, nơi họ trở thành con mồi dễ dàng cho tổ chức tội phạm và những kẻ buôn người, hoặc tham gia vào những nỗ lực tuyệt vọng để trốn thoát mà đôi khi kết thúc bằng cái chết. Đáng buồn thay, chúng ta cũng cần lưu ý rằng bản thân những người di cư thường bị biến thành một vũ khí cưỡng bức chính trị, theo kiểu “hàng hoá mặc cả" tước đi phẩm giá của họ”.

 

3. Văn hóa xóa bỏ (Cancel Culture)

“Dưới chiêu bài bảo vệ sự đa dạng, văn hóa xóa bỏ tiến đến chỗ xoá bỏ mọi ý thức về bản sắc, với nguy cơ triệt tiêu các lập trường bảo vệ sự hiểu biết trân trọng và quân bình đối với những cảm thức khác nhau. Một loại “tư duy một chiều” nguy hiểm [độc nhất vô nhị] đang hình thành, buộc người ta phải phủ nhận lịch sử hoặc tệ hơn là viết lại lịch sử theo các phạm trù đương thời, trong khi bất kỳ tình huống lịch sử nào cũng phải được giải thích dưới góc độ chú giải của thời điểm cụ thể đó, chứ không phải theo cách chú giải của ngày nay”.

 

4. Môi sinh

“Về vấn đề này, trong những năm gần đây, cộng đồng ngày càng nhận thức được nhu cầu cấp thiết phải chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta đang đau khổ vì nạn khai thác tài nguyên liên tục và bừa bãi. Ở đây, tôi đặc biệt nghĩ đến Philippines, nơi bị tấn công bởi một cơn bão kinh hoàng trong những tuần gần đây, cũng như những quốc gia khác ở Thái Bình Dương, dễ bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, khiến cuộc sống của người dân gặp rủi ro, hầu hết trong đó là những người sống phụ thuộc vào nông nghiệp, ngư nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Rõ ràng là nhận định này phải thúc đẩy cộng đồng quốc tế nói chung tìm ra và thực hiện các giải pháp chung. Không ai có thể miễn cho mình nỗ lực này, bởi vì tất cả chúng ta đều có liên quan và bị ảnh hưởng như nhau. Tại COP26 gần đây ở Glasgow, một số bước đã được thực hiện đúng hướng, mặc dù chúng khá hạn chế liên quan đến quy mô của vấn đề cần giải quyết. Con đường cần thực hiện để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris rất phức tạp và dường như còn dài, trong khi thời gian theo ý của chúng ta ngày càng ngắn đi. Vẫn còn nhiều việc phải làm, và năm 2022 do đó sẽ là một năm quan trọng khác để kiểm tra mức độ và cách thức những gì đã được quyết định ở Glasgow có thể và phải được tăng cường hơn nữa, theo quan điểm của COP27, dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới”.

 

5. Mạng xã hội và thế giới ảo

“Đại dịch đã ngăn cản nhiều người trẻ đến trường học, gây tổn hại đến quá trình phát triển cá nhân và xã hội của họ. Bằng cách sử dụng các phương tiện công nghệ hiện đại, nhiều người trẻ đã tìm nơi ẩn náu trong thực tế ảo, vốn tạo ra những liên kết tâm lý và tình cảm mạnh mẽ, nhưng lại cô lập họ với những người khác và thế giới xung quanh, đồng thời thay đổi hoàn toàn các mối tương quan xã hội.

Khi đề cập điểm này, tôi không có ý phủ nhận tính hữu dụng của công nghệ và các sản phẩm của nó, vốn là những phương tiện giúp chúng ta có thể kết nối với nhau dễ dàng và nhanh chóng, nhưng tôi khẩn thiết kêu gọi rằng chúng ta hãy cẩn thận đừng để những công cụ này thay thế cho các mối tương quan thực sự của con người ở cấp độ giữa các cá nhân, gia đình, xã hội và quốc tế. Nếu chúng ta học cách tự cô lập mình ngay từ khi còn nhỏ, thì việc xây dựng những nhịp cầu của tình huynh đệ và hòa bình sau này sẽ trở nên khó khăn hơn. Trong một thế giới chỉ tồn tại cái “tôi”, thật khó để có chỗ cho cái "chúng ta".

 

6. Vũ khí hạt nhân

“Sự tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng cho một cuộc đối thoại hòa bình phải thúc đẩy tất cả các bên liên quan tìm ra các giải pháp lâu dài và có thể chấp nhận được ở Ukraine và Nam Caucasus, đồng thời có thể tránh bùng phát các cuộc khủng hoảng mới ở Balkan, chủ yếu ở Bosnia và Herzegovina.

Đối thoại và tình huynh đệ lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết để giải quyết một cách khôn ngoan và hiệu quả cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng Myanmar gần một năm nay; những con phố, từng là nơi gặp gỡ, giờ đây lại là nơi diễn ra những cuộc đụng độ thậm chí không chừa cả những nhà cầu nguyện.

Tất nhiên, những xung đột này càng trở nên trầm trọng hơn do lượng vũ khí dồi dào trên tay và sự vô lương tâm của những kẻ làm mọi cách để cung cấp vũ khí. Đôi khi, chúng ta tự đánh lừa mình khi nghĩ rằng những vũ khí này chỉ dùng để xua đuổi những kẻ gây hấn tiềm năng. Lịch sử, và đáng buồn thay, ngay cả các bản tường thuật tin tức hàng ngày, minh chứng rõ ràng rằng đây không phải như thế. Bất cứ ai sở hữu vũ khí, sớm muộn gì cũng sẽ sử dụng chúng, vì như Thánh Phaolô VI đã nói, "người ta không thể yêu thương với vũ khí tấn công trong tay". [8] Ngoài ra, "khi chúng ta nhượng bộ logic của vũ khí và xa rời thực hành đối thoại, chúng ta quên mất điều nguy hiểm này là, ngay cả trước khi gây ra nạn nhân và sự hủy diệt, vũ khí vẫn có thể tạo ra những ác mộng” [9]. Ngày nay, những lo ngại này càng trở nên cụ thể hơn, nếu chúng ta xét đến sự sẵn có và việc sử dụng các hệ thống vũ khí tự động có thể gây ra những hậu quả thảm khốc và khó lường, và cộng đồng quốc tế có trách nhiệm phải xem xét vấn đề này.

Trong số các loại vũ khí mà nhân loại đã sản xuất, thì vũ khí hạt nhân được đặc biệt quan tâm. Vào cuối tháng 12 vừa qua, Hội nghị rà soát lần thứ 10 của các bên tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, dự kiến diễn ra tại New York trong những ngày này, lại một lần nữa bị hoãn do đại dịch. Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết. Do đó, tôi hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ coi Hội nghị đó như là một cơ hội để thực hiện một bước quan trọng theo hướng này. Tòa thánh tiếp tục khẳng định chắc chắn rằng trong thế kỷ XXI, vũ khí hạt nhân là công cụ phòng vệ không tương xứng và không phù hợp trước các mối đe dọa an ninh, và việc sở hữu chúng là trái đạo đức. Việc sản xuất vũ khí hạt nhân làm lệch nguồn tài nguyên khỏi triển vọng phát triển con người toàn diện và việc sử dụng chúng không chỉ gây ra những hậu quả thảm khốc về nhân đạo và môi trường, mà còn đe dọa chính sự tồn tại của nhân loại”.

 

7. Giáo dục

“Giáo hội Công giáo luôn nhìn nhận và coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự phát triển tinh thần, đạo đức và xã hội của giới trẻ. Vì vậy, tôi đau lòng khi thừa nhận rằng trong nhiều môi trường giáo dục khác nhau - giáo xứ và trường học - đã diễn ra tình trạng lạm dụng trẻ vị thành niên, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và tinh thần cho những người phải chịu đựng chúng. Đây là những tội ác, và cần phải có một quyết tâm điều tra toàn diện, xem xét từng trường hợp để xác định rõ trách nhiệm, đảm bảo thực thi công lý cho các nạn nhân và ngăn chặn những hành động tàn bạo tương tự tái diễn trong tương lai.

Dù có những hành vi vi phạm nghiêm trọng như thế, không một xã hội nào có thể thoái thác trách nhiệm giáo dục của mình. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngân sách chính phủ thường phân bổ rất ít nguồn lực cho giáo dục, mà vốn có xu hướng bị coi là một khoản chi phí, thay vì được xem là khoản đầu tư tốt nhất có thể cho tương lai”.

 

8. Lao động

“Nhận thức về giá trị của lao động ngày càng trở nên quan trọng vì không có sự phát triển kinh tế mà không có việc làm, cũng như không thể nghĩ rằng công nghệ hiện đại có thể thay thế giá trị gia tăng do sức lao động của con người mang lại. Lao động cũng là cơ hội để con người khám phá phẩm giá của chính mình, để gặp gỡ người khác và để trưởng thành như một con người. Lao động là một phương tiện đặc quyền, qua đó mỗi người tham gia tích cực vào công ích và đóng góp cụ thể vào việc xây dựng hòa bình.

Ở đây cũng vậy, cần có sự hợp tác lớn hơn giữa tất cả các bên ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong giai đoạn tiếp theo, liên quan đến những thách thức đặt ra từ quá trình chuyển đổi sinh thái đã được chờ đợi từ lâu. Những năm tới sẽ là thời điểm cơ hội để phát triển các dịch vụ và doanh nghiệp mới, thích ứng với những dịch vụ và doanh nghiệp hiện có, tăng khả năng tiếp cận với công việc tử tế và tạo ra các phương pháp mới để đảm bảo việc tôn trọng quyền con người và có mức đãi ngộ tương xứng cùng với sự bảo trợ xã hội”.  

Thiên Triệu

Lược tóm bằng những trích dẫn Diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô