29/01/2022
3297
DỰ ĐỊNH ĐẦU NĂM _Thiên Triệu





















 

DỰ ĐỊNH ĐẦU NĂM

 

Bước sang năm mới, ai cũng có những dự tính cho tương lai. Không chỉ các công ty xí nghiệp lớn mới lên kế hoạch nhưng ngay cả người nông dân cũng nghĩ tới vụ mùa sắp tới, người buôn bán nhỏ lẻ sắp xếp lại việc làm ăn sao cho hiệu quả hơn, các sinh viên học sinh nghĩ đến ngày ra trường. Những dự định đầu năm rất quan trọng vì nó định hướng cho cả năm sống và làm việc. Là Kitô hữu, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là Lời Chúa soi sáng điều gì cho ta về những dự định này?

Một trong các bài Kinh Thánh được Hội Thánh chọn đọc trong các Thánh lễ ngày Tết là dụ ngôn Những yến bạc (Mt 25,14-30). Dụ ngôn kể chuyện một ông chủ có việc phải đi xa nên gọi các đầy tớ đến và giao cho mỗi người một số bạc, kẻ ít người nhiều. Rồi sau thời gian lâu dài, ông trở về và gọi các đầy tớ đến, yêu cầu họ thanh toán sổ sách. Những chi tiết này trong dụ ngôn có vẻ bình thường nhưng lại rất quan trọng vì hàm chứa trong đó hai chân lý nền tảng về đời sống con người.

Dụ ngôn kể rằng: “Người kia sắp đi xa, gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ” (25,14). Như vậy, của cải thuộc về ông chủ, và ông chủ trao của cải đó cho các đầy tớ quản lý. Cũng thế, Thiên Chúa mới là Chủ, còn mỗi chúng ta chỉ là quản lý. Chúng ta bước vào cuộc đời này với hai bàn tay trắng. Hiện hữu là một quà tặng, và trên nền tảng hiện hữu này, theo thời gian chúng ta có thêm những “của cải”: sức khỏe, nhan sắc, tiền bạc, tài năng, địa vị, danh tiếng…nhưng chúng ta chỉ là người quản lý. Đây là chân lý nền tảng đối với người Kitô hữu nhưng con người thời nay không dễ chấp nhận, vì người ta cho rằng mọi sự là do tôi, từ tôi, của tôi! Nếu bạn lập luận như vậy thì xin hỏi: bạn tự sinh ra mình trong cuộc đời này chăng? Bạn tự làm cho mình hiện hữu trên trái đất này chăng? Nếu bạn không hiện hữu, liệu bạn có những điều bạn đang có không? Đúng là chúng ta có góp phần bằng những nỗ lực học hỏi, suy nghĩ, làm việc…để có kết quả tốt đẹp, thế nhưng chúng ta làm những việc trên là để cộng tác với Thiên Chúa chứ bản thân chúng ta không phải là chủ sở hữu.

Dụ ngôn kể tiếp: “Sau thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy đến và yêu cầu họ thanh toán sổ sách” (25,16). Đã được Chúa trao cho những yến bạc, mỗi người sẽ phải trả lời về việc sử dụng của cải được giao phó chứ không phải muốn làm gì thì làm. Sớm hay muộn, một ngày nào đó, chúng ta phải trả lời trước nhan Chúa về cách mình sử dụng của cải Chúa ban. Vấn đề không chỉ là có nhiều hay ít của cải nhưng là sử dụng ra sao?

Hai chân lý nền tảng trên giúp các Kitô hữu sống khiêm tốn và có trách nhiệm. Khiêm tốn vì những gì mình có là những điều được trao ban; có trách nhiệm vì phải sử dụng cho đúng và phải trả lẽ về việc sử dụng.

Nhưng thế nào là sử dụng đúng? Khi trao cho chúng ta những yến bạc, Chúa mong muốn mỗi người làm sinh lợi những yến bạc đã lãnh nhận như ông chủ trong dụ ngôn khen những người đã làm sinh lợi: “Khá lắm! Anh đúng là tôi tớ tài giỏi và trung thành. Được giao ít mà đã trung thành, tôi sẽ giao nhiều cho anh” (25,21.23); và ông chủ lên án người đem chôn giấu số bạc: “Anh thật là tôi tớ xấu xa và biếng nhác” (25,26). Như thế, Chúa mong muốn mỗi người phát huy những ơn Chúa ban chứ không đem chôn vùi, hoặc nói theo ngôn ngữ của dụ ngôn là làm sinh lợi cho Chúa, bằng cách chăm sóc công trình tạo dựng của Chúa và làm lan tỏa tình yêu thương trong cuộc sống chung.

Trong trình thuật Tạo Dựng, Sách Sáng Thế kể rằng “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eđen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15). Hiện hữu mà Thiên Chúa ban cho ta là hiện hữu trên trái đất này, và trái đất là ngôi nhà chung mà ta có bổn phận canh giữ, chăm sóc chứ không phải là khai thác đến mức tàn phá trái đất vì lợi riêng cho mình và thế hệ mình, rồi để lại hậu quả tai hại lâu dài cho các thế hệ sau.

Kế đến, hiện hữu mà Thiên Chúa ban cho ta không phải là hiện hữu cô độc nhưng là hiện hữu với mọi người khác, vì thế sinh lợi cho Chúa là làm cho tình yêu thương được lan tỏa rộng rãi. Thánh Phaolô nói với cộng đoàn của ngài và cũng là nói với chúng ta: “Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lời Chúa Giêsu đã dạy: Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).

Trong năm mới, dù dự tính gì đi nữa, hãy để cho tình yêu thiên nhiên và tình thương tha nhân có mặt. Khi đó, văng vẳng bên tai chúng ta là những lời khích lệ đầy an ủi của Chúa: “Con là đầy tớ giỏi và trung thành” 

Thiên Triệu