03/06/2022
3050
Các Tân Hồng Y và dung mạo Hội Thánh Á Châu ngày nay _Thiên Triệu

























 

CÁC TÂN HỒNG Y

VÀ DUNG MẠO HỘI THÁNH Á CHÂU NGÀY NAY

 

Ngày 29 tháng 5 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô công bố danh sách 21 tân hồng y, sẽ được trao mũ hồng y vào ngày 27 tháng 8 năm nay.

Nhìn vào danh sách các tân hồng y, người ta có thể nói đến tính đa dạng và toàn cầu vì các tân hồng y thuộc nhiều châu lục khác nhau chứ không chỉ tập trung ở châu Âu như từng diễn ra trong nhiều thế kỷ. Nhiều người cũng nói đến tính  phi truyền thống trong cách chọn lựa của Đức Thánh Cha Phanxicô, vì nhiều nơi được gọi là Tòa Hồng Y và các giám mục ở đó đương nhiên là hồng y như Tổng giáo phận Milano và Venice (Italia), Krakow (Ba Lan), Paris (Pháp)… nhưng nay không có hồng y. Đang khi đó, những nơi không ai ngờ thì lại có hồng y như Marseille (Pháp), San Diego (Hoa Kỳ), hoặc Singapore và Mongolia. Tại châu Á, điều đáng quan tâm là trong số 21 tân hồng y, có tới 6 vị là người Á châu.

 Giorgio Marengo - Wikipedia
Đức TGM Giorgio Marengo, I.M.C. – Giám quản Tông toà Ulaanbaatar (Mongolia)

Trước hết là Mongolia. Đức hồng y tân cử Giorgio Marengo, 46 tuổi, chăm sóc cộng đoàn Công giáo đúng nghĩa là đoàn chiên nhỏ bé vì chỉ có hơn 1.300 người đã được rửa tội. Cùng làm việc truyền giáo với ngài là 64 vị thừa sai thuộc 24 quốc tịch khác nhau.


Vatican – Mgr. Do Carmo da Silva,SDB, nominated first archbishop of Díli
Đức TGM Virgilio Do Carmo Da Silva, S.D.B. – TGM Dili (Đông Timor)

Kế đến là Timor Leste. Đức hồng y tân cử Virgilio Do Carmo Da Silva là vị hồng y đầu tiên của Timor Leste, ngài chăm sóc một Giáo phận có hơn nửa triệu tín hữu trong một đất nước đa số Công giáo.


Indian Archbishop urges officials to avoid offensive intervention in  heritage areas | RVA
Đức TGM Filipe Neri António Sebastião di Rosário Ferrão – TGM Goa và Damão (India)

Abp. Anthony Poola will be elevated as Cardinal - CCBI
Đức TGM Anthony Poola – TGM Hyderabad (India)

Trong dịp này, Ấn Độ có thêm 2 hồng y là Đức hồng y tân cử Filipe Neri Ferrao, chăm sóc một Giáo phận đông dân Công giáo thuộc miền Tây Ấn; và Đức hồng y tân cử Anthony Poola, người Telugu đầu tiên được vinh thăng hồng y, điều hành Tổng giáo phận Hyderabad ở Đông Ấn.


Installation, Inauguration, and Thanksgiving Mass for Archbishop William  Goh Seng Chye, the new Archbishop of Singapore |  petercanisiusmichaeldavidkang
Đức TGM William Goh Seng Chye – TGM Singapore (Singapore)

Singapore cũng có vị hồng y đầu tiên là Đức hồng y tân cử William Goh.


Tân tổng trưởng Bộ Giáo sĩ: Khả năng ĐTC thăm Bình Nhưỡng gần hơn bao giờ  hết - Vatican News
Đức TGM Lazzaro You Heung sik – Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ

Hàn Quốc có thêm Đức hồng y tân cử Lazarus You Heung-sik, 70 tuổi. Ngài là giám mục Daejeon, năm 2021 được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, cũng là vị giám mục Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu một Bộ tại Rôma.

Sau ngày 27 tháng 8, Hồng y đoàn sẽ chính thức có 229 Hồng y, trong đó có 132 vị dưới tuổi 80 tức là hồng y cử tri, và tất cả 6 vị tân hồng y người châu Á đều thuộc số này.

Sự gia tăng các hồng y Á châu trong Hồng y đoàn cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Công giáo tại châu Á. Đầu thế kỷ 20, khoảng 80% dân số Công giáo sống tại châu Âu và Bắc Mỹ. Đến cuối thế kỷ 20, người ta bắt đầu nói đến sự dịch chuyển của khối Công giáo xuống Nam bán cầu, vì những trung tâm của Công giáo không còn là Geneva, London, New York nhưng là Kinshaha, Buenos Aires, Addis Ababa, và Manila. Thực ra, tỉ lệ người Công giáo trên tổng dân số tại châu Á không cao, nếu không nói là quá thấp (chỉ khoảng 2%), nhưng cộng đoàn Công giáo trên châu lục này rất sinh động và không ngừng phát triển. Một dấu hiệu cụ thể là trong khi số ơn gọi linh mục, tu sĩ giảm sút nặng nề tại các nước phương Tây thì tại châu Á nói chung, số ơn gọi vẫn phong phú. Không phải là tình cờ khi hai hồng y đứng đầu hai Bộ Truyền Giáo và Bộ Giáo Sĩ hiện nay đều là người Á châu. Điều đó cũng cho thấy các hồng y Á châu ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc lãnh đạo Hội Thánh toàn cầu.

Vui mừng về sự phát triển của Công giáo Á châu, chúng ta cũng cần tự hỏi: Phải chăng đã đến lúc Công giáo Á châu cần góp phần mạnh mẽ hơn cho đời sống và sứ mệnh của Hội Thánh hoàn vũ? Không thể phủ nhận thực tế này là hầu hết các Hội Thánh địa phương tại châu Á đã mắc nợ rất nhiều với Hội Thánh phổ quát: từ những nhà thừa sai đầu tiên, những cơ sở đầu tiên, đến việc đào tạo hàng giáo sĩ bản xứ và những hỗ trợ rất lớn cho công cuộc truyền giáo tại châu Á. Giờ đây đã lớn mạnh, Công giáo Á châu cần phải trao ban và hiến tặng nhiều hơn. Trong dịp này, Đức hồng y Charles Bo, Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu, bày tỏ niềm vui vì Công giáo châu Á có thêm 6 hồng y; ngài cảm ơn Đức Thánh Cha Phanxicô và cam kết sẽ “hết lòng cộng tác và nhiệt thành dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng tại châu Á”. Thiết nghĩ không chỉ tại châu Á mà còn trên toàn thế giới.

Thiên Triệu