
Giống như những người khác trên toàn thế giới, tôi rất vui mừng khi nghe Vatican quyết định phong Thánh cho mẹ Têrêsa, một người phụ nữ được hầu hết mọi người biết đến, suốt cuộc đời của mẹ, là một “vị thánh sống”. Lần đầu tiên mẹ Têrêsa làm cho tôi chú ý qua bộ phim của Macolm Muggeridge và quyển sách Something beautiful for God (Nét đẹp dành cho Thiên Chúa) kèm theo. Tất nhiên, Muggeridge trình bày công việc của mẹ với những người hấp hối và người nghèo nhất trong số người nghèo trên đường phố Kolkata, nhưng điều tôi bị xúc động nhất là những hình ảnh về nụ cười của vị thánh giữa rất nhiều dơ bẩn và đau khổ. Mẹ là một tia sáng rực rỡ chiếu vào bóng tối dày đặc.
Cuộc đời của mẹ Têrêsa biểu lộ rất nhiều khía cạnh và hình ảnh của sự thánh thiện, nhưng tôi muốn tập trung vào ba trong số ấy. Trước nhất, mẹ thể hiện được điểm trổi vượt của tình yêu, không phải là một cảm tính nhưng hơn hết là mong muốn điều tốt cho người khác. Tôi nghĩ, hoàn toàn hợp lý khi nói rằng mẹ Têrêsa đã biểu lộ tình yêu đến mức độ tột cùng theo đúng nghĩa này. Để phục vụ những ai thiếu thốn, mẹ thật sự từ bỏ mọi thứ, mà thế gian cho là giúp cuộc sống được thoải mái – sự giàu có, tài sản vật chất, quyền lực, tiện nghi, xa hoa. Hơn nữa, hàng thập niên, cá nhân mẹ đã đi đến với những người khốn khổ nhất trong số các khu ổ chuột tệ nhất trên thế giới và gửi các chị em của mẹ đến một số nơi khó chịu nhất trên hành tinh. Tôi thiết tưởng, hầu hết chúng ta, thể hiện tình yêu ở một mức độ nào đó, nhưng ít bao giờ thể hiện nhân đức đối thần này một cách ấn tượng và triệt để hơn mẹ. Điều này không chỉ đáng ngưỡng mộ, nhưng còn được xem như một chứng từ chính yếu cho bản chất của đức mến. Không giống như những nhân đức khác, cả nhân bản lẫn đối thần, đức mến không có giới hạn. Tính công bằng, khi được thể hiện một cách không giới hạn, loại trừ tất cả sự thương xót; tiết chế quá mức trở thành lòng đạo đức cực đoan; tính dũng cảm quá mức là liều lĩnh; đức tin không giới hạn là tính cả tin; đức cậy vô tận dẫn đến tự phụ. Nhưng không bao giờ có quá nhiều đức mến; không có lúc nào đức mến không còn phù hợp, bởi đức mến là bản chất của Thiên Chúa, và đức mến tạo nên chính sự sống của thiên đàng. Xin nhớ kỹ rằng, trên thiên đàng không cần đức tin và đức cậy bị lu mờ. Nhưng ở nơi cực thánh đó, đức mến vẫn còn tồn tại với tất cả sự mãnh liệt và căn nguyên tuyệt đối của nó. Theo đó, cách sống của mẹ Têrêsa, là một biểu tượng của tình yêu sẽ đạt được trên thiên đàng, khi chúng ta được lôi cuốn hoàn toàn vào chính sự sống của Thiên Chúa.
Đặc tính thứ hai trong sự thánh thiện của mẹ là sự hiến dâng cho việc cầu nguyện. Khi tôi viếng thăm nhà mẹ của dòng Thừa sai Bác ái tại Kolkata vài năm trước, điều gây ấn tượng cho tôi nhất là một bức tượng của mẹ Têrêsa có kích cỡ như người thật ở phía sau nhà nguyện, mô phỏng tư thế thông thường khi mẹ cầu nguyện: hai chân gập lại phía dưới người, lòng bàn tay ngửa lên trên, đầu cúi xuống. Từ lúc bắt đầu cộng đoàn, mẹ yêu cầu các chị em dành một số giờ đáng kể để cầu nguyện mỗi ngày; và theo thời gian, mẹ thành lập một nhánh của Hội dòng dành riêng để chiêm niệm. Mẹ hiểu rằng điều thiết yếu cho đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu, cụ thể là, loại tình yêu mà mẹ và các chị em nỗ lực thực hành chỉ có thể đến qua ân sủng của Thiên Chúa, chỉ hoàn toàn như một món quà. Để nhận được món quà đó, cần phải cầu xin, cầu xin nữa, cầu xin suốt đời. Nếu không liên kết minh nhiên với Thiên Chúa và các mục đích của Người, mẹ biết, công việc của họ sẽ biến thành hình thức thừa thiện chí mà thiếu thực tế, và cái tôi của chị em mẹ sẽ đương nhiên khẳng định chính mình. Các thánh, hiện thân cho tình yêu Thiên Chúa, cần phải là những kẻ ăn mày.
Tôi đã đề cập ở trên rằng mẹ Têrêsa đánh động tôi như một tia sáng trong bóng tối. Vì vậy, kỳ diệu biết bao, mẹ đã từng nói: “Nếu tôi thành thánh, tôi chắc chắn sẽ trở thành vị thánh của bóng tối”. Mẹ nhắc đến những thứ chỉ một số ít người biết đến trong cuộc sống của mẹ, đó là lên đến 50 năm, mẹ Têrêsa trải nghiệm nỗi đau vì thấy Thiên Chúa vắng mặt. Vị thánh sống thường cảm thấy bị Thiên Chúa bỏ rơi hay thậm chí thấy Thiên Chúa không tồn tại. Một lần nọ, Giám mục đến thăm đang quỳ gối cầu nguyện trước Thánh Thể với mẹ Têrêsa và các nữ tu. Một tờ giấy nhỏ được chuyển đến ngài từ vị sáng lập rất thánh thiện, ngài đọc, lấy làm ngạc nhiên vô cùng: “Chúa Giêsu ở đâu?”. Việc sống qua sự thử thách khắc nghiệt này hàng thập niên, ngay khi người ta hàng ngày nhìn mẹ như là một mẫu gương thánh thiện, cho thấy khía cạnh thứ ba trong sự thánh thiện của mẹ. Trở thành thánh là cho phép Chúa Kitô sống trong đời sống của bạn. Thật thế, thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô đang sống trong tôi”; và điều này có nghĩa là toàn thể Chúa Kitô. Chúa Giêsu là một người phục vụ người nghèo và túng thiếu, chắc chắn mẹ là hiện thân cho khía cạnh này trong cuộc sống của Chúa; Chúa Giêsu cầu nguyện chuyên chăm và trong những khoảng thời gian dài, và mẹ đã tham dự vào chiều kích hiện hữu này của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu cũng là Chúa bị đóng đinh, Đấng đã nói, khi chịu đau khổ tột cùng, “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Cha bỏ rơi con?”. Vì thế, để Chúa Kitô sống trong bạn, cần phải trải nghiệm, ở một mức độ nào đó, sự vắng bóng của Thiên Chúa, là chịu sự thương khó của thập giá trong tất cả chiều kích của nó. Thánh Gioan Thánh Giá, nhà thần bí vĩ đại trong lịch sử Hội Thánh từng nói, khá đơn giản, rằng không có con đường nào đưa đến sự thánh thiện mà không dẫn qua thập giá. Mặc dù nó là một nghịch lý lớn, 50 năm bóng tối mà mẹ Têrêsa đã trải qua, vì thế, là một trong những dấu chỉ chắc chắn nhất về sự thánh thiện của mẹ.
Các thánh tồn tại cho Hội Thánh, bởi vì nơi các ngài chúng ta nhìn thấy chính lý do hiện hữu của Hội Thánh, và đó là lý do tại sao các cuộc phong thánh luôn luôn là những sự kiện đầy vui mừng. Vì thế, chúng ta hãy mừng vui trong vị thánh mới này, đức mến, sự cầu nguyện, và chính bóng tối của mẹ là ánh sáng cho chúng ta.
Giám mục Robert Barron, ngày 05.01.2016
Biên dịch: Chủng viện Thánh Gioan XXIII