10/11/2021
592
Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo














 

Mục lục

I. TỬ ĐẠO, CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC ÁI

1. Tử đạo là hành động của Đức Tin

2. Tử đạo là hành động của Đức Cậy

3. Tử đạo là hành động của Đức Ái

4. Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo

II. GIÁO HỘI VIỆT NAM MỪNG NĂM THÁNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

1. Ký ức lịch sử: nhớ

2. Ký ức tâm linh: cử hành

3. Ký ức luân lý: sống

III. TÌM MỘT LINH ĐẠO TỬ ĐẠO

1. Nhớ và quên

2. Tôn vinh các thánh tử đạo

3. Sống vẻ đẹp của sự tử đạo

TẠM KẾT

 

WHĐ (09.11.2021) – Từ vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11.09.2001 nhắm vào nước Mỹ, thế giới phải không ngừng đối diện với những cuộc tấn công khủng bố ở khắp nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều đặc biệt là những cuộc tấn công cảm tử giết người như thế được chính những kẻ thực hiện gọi là hành động “tử vì đạo”, nhân danh đức tin Hồi giáo. Dĩ nhiên, ít nhiều đó là sự lạm dụng tôn giáo của những thành phần cực đoan. Dẫu sao, việc lan truyền thuật ngữ “tử vì đạo” trên các phương tiện truyền thông hiện đại, thường gắn liền với các cuộc tấn công khủng bố cảm tử như thế, dễ gây ngộ nhận về ý nghĩa của thuật ngữ này cho nhiều người, kể cả những người công giáo. Mặt khác, thuật ngữ “tử vì đạo” cũng rất phổ thông trong Kitô giáo. Nhưng ý nghĩa của khái niệm “tử vì đạo” không luôn luôn giống nhau giữa Hồi giáo và Kitô giáo.

Năm 2018, Hội thánh Công giáo Việt Nam mở Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày tuyên phong hiển thánh của 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (1998-2018), chúng ta cùng tìm hiểu lại và sống ý nghĩa cũng như vẻ đẹp của tử đạo trong Kitô giáo, “để Năm Thánh mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn và giáo xứ, cũng như cho toàn thể Hội Thánh Việt Nam”[1].

I. TỬ ĐẠO, CHỨNG NHÂN ĐỨC TIN, ĐỨC CẬY VÀ ĐỨC ÁI

Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI thường được gọi là Giáo hoàng của “những điều cốt yếu”. Và trong “nhiệm kỳ” giáo hoàng của mình, ngài đã muốn hướng dẫn toàn thể Giáo hội trở về với những điều cốt yếu của đời sống Kitô giáo. Điều cốt yếu nhất trong những điều cốt yếu là ba nhân đức đối thần: Đức Tin - Đức Cậy - Đức Ái. Dấu ấn rõ ràng nhất là các thông điệp của ngài: Deus caritas est - Thiên Chúa là Tình Yêu (2005), Spe salvi - Được cứu độ trong hy vọng (2007), và hiểu cách nào đó Lumen fidei - Ánh sáng đức tin (2013)[2]. Điều chúng ta quan tâm là cách giải thích của ngài về ý nghĩa và vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo như hành động của Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái.

1. Tử đạo là hành động của Đức Tin

Tử đạo theo nguyên ngữ Hy Lạp là martus, marturos, có nghĩa là người làm chứng cho niềm tin tôn giáo. Trong Kitô giáo, người tử đạo hiểu là người chịu bách hại đến hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô chết và phục sinh.

Nền tảng sức mạnh của hành động tử đạo chính là Đức Kitô. Đọc tiểu sử các vị tử đạo, chúng ta ngạc nhiên vì lòng can đảm, tính kiên trì và sự thanh thản của các ngài khi phải đối diện với đau khổ và sự chết. Sức mạnh ấy không phải là kết quả của những cố gắng phàm nhân. Sức mạnh ấy đến từ chính Đức Kitô, nơi Người họ đặt niềm tin tuyệt đối.

Theo nghĩa này, chúng ta gọi tử đạo là hồng ân đức tin, nghĩa là ơn cao trọng Thiên Chúa ban để làm cho vị tử đạo có khả năng dâng hiến mạng sống mình vì niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Theo thánh Phaolô, đó là sức mạnh của chính Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của những con người biết tín thác vào Ngài (x. 2 Cr 12,9).

Thông điệp Lumen Fidei diễn tả cùng một ý nghĩa: “Trong giờ thử thách, đức tin soi sáng chúng ta; trong đau khổ và yếu đuối, chúng ta nhận thấy rõ rằng “chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (2 Cr 4,5). [...] Người Kitô hữu biết rằng đau khổ thì không thể loại bỏ, nhưng có thể mặc lấy một ý nghĩa, trở nên hành động yêu thương, tín thác vào tay Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta, và bằng cách này, trở nên một giai đoạn tăng trưởng trong đức tin và tình yêu”[3].

Rõ ràng, tử đạo là hành động của đức tin, nghĩa là chấp nhận cái chết để tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô. Vì thế, thử thách cuối cùng mà các vị tử đạo thường phải chịu là chối bỏ đức tin. Cụ thể là chối bỏ Đức Kitô, chối bỏ thập giá của Đức Kitô, biểu tượng của đức tin Kitô giáo.

Vì tử đạo là hành động của đức tin, nên theo truyền thống Giáo Hội, chúng ta gọi các thánh tử đạo là những chứng nhân của Đức Tin.

2. Tử đạo là hành động của Đức Cậy

Đức Cậy không phải là điều mới lạ trong truyền thống Giáo hội. Tuy nhiên, nét nổi bật trong thông điệp Spe salvi là việc Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã liên kết cách sống động đức tin với niềm hy vọng Kitô giáo, giúp chúng ta hiểu việc tử đạo như là một hành động của Đức Cậy. Thông điệp diễn tả: “Sự cứu chuộc được tặng ban cho chúng ta theo nghĩa là chúng ta đã được ban cho niềm hy vọng, một niềm hy vọng khả tín, nhờ đó chúng ta có thể đương đầu với hiện tại. Dù là một hiện tại khổ nhọc, chúng ta có thể sống và chấp nhận hiện tại, nếu nó dẫn đến một cùng đích, nếu chúng ta có thể chắc chắn về cùng đích này, và nếu cùng đích này cao cả đến mức có thể biện minh cho những cố gắng trên đường đi”[4].

Bí quyết của niềm hy vọng khả tín ấy không gì khác hơn là chính Đức Kitô, Đấng đã nhập thể và mặc lấy mọi nỗi khốn cùng của con người, đã chịu khổ nạn và phục sinh để ban tặng cho con người niềm hy vọng khả tín, có khả năng lướt thắng mọi khổ đau, dù là sự chết. Ngài khẳng định các thánh tử đạo là chứng nhân cho niềm hy vọng khả tín ấy, và trở nên mẫu gương nuôi dưỡng niềm hy vọng của người tín hữu: “Chúng ta cũng cần đến các chứng nhân, những vị tử đạo, những người đã hoàn toàn hiến thân, để có thể chỉ cho chúng ta niềm hy vọng ấy, từ ngày này qua ngày khác”[5].

Ngài minh chứng điều đó bằng nhiều mẫu gương, nhưng chúng ta dừng lại với hai nhân chứng đức tin người Việt Nam, qua hai cách thể hiện Đức Cậy là “cầu nguyện” và “chịu đau khổ”. Trước tiên là mẫu gương cầu nguyện của Đức Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận. Đối với Đức Thánh Cha, trong những hoàn cảnh tuyệt vọng của phàm nhân, người tín hữu vẫn luôn còn niềm hy vọng, thể hiện qua đời sống cầu nguyện: “Khi không còn ai lắng nghe tôi nữa, Chúa vẫn nghe tôi. Khi tôi không còn khả năng tâm sự hay kêu cầu được với ai, tôi luôn luôn có thể thưa với Chúa. Khi không còn ai giúp tôi biết xử sự thế nào trước nhu cầu hay mong đợi vượt quá khả năng hy vọng của con người, Chúa có thể giúp tôi. Dù tôi bị đắm chìm ngập lụt trong cô liêu hoàn toàn... nếu tôi cầu nguyện thì tôi không bao giờ hoàn toàn đơn côi”[6].

Và ngài nhìn Đức Hồng y như một mẫu gương sống Đức Cậy cách phi thường: “Suốt 13 năm bị giam cầm, trong một tình trạng hầu như tuyệt vọng hoàn toàn, việc lắng nghe Thiên Chúa và có thể thưa chuyện với Ngài đã trở nên sức mạnh hy vọng ngày càng gia tăng, niềm hy vọng đã khiến ngài, sau khi được tự do, trở nên một chứng nhân hy vọng cho mọi người trên toàn thế giới, chứng nhân của niềm hy vọng cao cả không tàn lụi, ngay cả trong đêm tối của cô đơn”[7].

Kế đến là mẫu gương chịu đau khổ của thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Theo Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI, những nhục hình và đau khổ thật khủng khiếp, và dĩ nhiên sức phàm nhân thì không thể chịu nổi. Nhưng qua lá thư “viết từ hỏa ngục” gởi cho các chủng sinh, thánh Lê Bảo Tịnh đã cho thấy rằng ngài có thể chuyển hóa đau khổ thành niềm vui nhờ sức mạnh của Đức Cậy phát xuất từ Đức Tin, rằng với người sống Đức Cậy thì dù có ở trong bóng tối của hỏa ngục, họ vẫn nhìn thấy ánh sáng cứu độ nơi mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô.

“Tôi là Phao-lô, đang bị xiềng xích vì Đức Kitô, muốn nói cho anh em biết những gian truân tôi đang chịu hằng ngày, để anh em được cháy lửa yêu mến Chúa mà hợp với tôi dâng lời ca ngợi Chúa, bởi vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136 [135], 3). Ngục thất này quả là hình ảnh sống động của hỏa ngục đời đời: ngoài gông cùm, xiềng xích, dây thừng, lại còn thêm sự nóng giận, oán thù, nguyền rủa, những lời tục tĩu, những sự gây gổ, những hành vi xấu xa, những lời thề gian, nói hành và cả nỗi chán nản, buồn phiền, cả ruồi muỗi rận rệp. [...] Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. [...] Lạy Chúa, làm sao con sống nổi khi hằng ngày con thấy quan quyền và thuộc hạ của họ nói phạm đến Thánh Danh Chúa, Đấng ngự trên các thần Kê-ru-bim và Xê-ra-phim? (x. Tv 80,1 [79,2]). Kìa thập giá của Chúa bị kẻ ngoại đạo chà đạp dưới chân! Còn đâu là vinh quang Chúa? [...] Lạy Chúa, xin tỏ cho con thấy quyền năng của Chúa, xin cứu giúp con, để trong sự yếu đuối của con, sức mạnh của Chúa được biểu lộ và tôn vinh trước mặt thế gian. [...] Tôi viết cho anh em những điều này, để chúng ta được hiệp thông với nhau trong đức tin: giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo tận ngai Thiên Chúa; đó là niềm hy vọng luôn sống động trong lòng tôi”[8].

Rõ ràng, như Đức Tin là sức mạnh giúp các vị tử đạo vượt qua những cơn thử thách gian nan, thì Đức Cậy phát xuất từ Đức Tin chính là sức mạnh giúp các ngài lướt thắng những khổ đau phải chịu. Với ý nghĩa này, chúng ta có thể hiểu các thánh tử đạo là những chứng nhân của Đức Cậy.

3. Tử đạo là hành động của Đức Ái

Như chúng ta biết, thông điệp đầu tiên của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI mang tựa đề “Deus caritas est - Thiên Chúa là Tình Yêu”. Chúng ta dễ dàng nhận ra nét đặc thù của đời sống Kitô giáo mà ngài muốn làm nổi bật là Đức Ái. Có thể tóm lược lý luận của ngài như sau: chúng ta tin Thiên Chúa là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8), và con người là hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27); hình ảnh chỉ rõ đẹp khi phản chiếu đúng nguyên ảnh; vì Thiên Chúa là Tình Yêu nên ơn gọi của con người là sống yêu thương; như thế, vẻ đẹp của đời Kitô hữu chỉ có thể là sống yêu thương.

Vì ơn gọi đời Kitô hữu là sống yêu thương, nên tử đạo là một hành động yêu thương tuyệt đỉnh của đời Kitô hữu. Điều này đã được Đức Thánh Cha khẳng định trong buổi đọc kinh truyền tin ngày 26 tháng 12 năm 2007: “Tử đạo Kitô giáo là một hành động yêu thương tuyệt hảo dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân, kể cả những người bách hại”[9].

Rõ ràng, đặc tính làm nên sự khác biệt của tử đạo Ki-tô giáo chính là Đức Ái, tình yêu thần linh được thể hiện trong tình yêu nhân linh. Tình yêu này “làm cho con người đi vào một chiều kích mới, nơi lòng khoan dung và tình yêu thương đối với cả kẻ thù địch có thể làm chứng tá cho sự thắng thế của Thập giá trên mọi yếu đuối và bất hạnh của con người”. Trong trái tim của những vị tử đạo Kitô giáo không hề có chút bóng dáng của lòng thù hận.

Đức Thánh Cha nêu lên hai chứng nhân trong trại tập trung Auschwitz, thánh Maximilian Kolbe và thánh Thérèse Bernadette de la Croix (Edith Stein), để minh họa cho hành động tử đạo vì tình yêu[10]. Nhờ đức tin, các ngài đã biến những đau khổ chết chóc thành tình yêu cứu sống. Ngài diễn tả hành động yêu thương đó như sau: “Vị tử đạo Kitô giáo, như Đức Kitô và nhờ sự kết hợp với Người, tự thẳm sâu tâm hồn mình chấp nhận thập giá, nghĩa là cái chết, và biến đổi sự chết thành hành vi yêu thương. Điều nhìn bên ngoài toàn là bạo lực tàn nhẫn lại trở thành từ nội tâm họ một hành động yêu thương tự hiến trọn vẹn. Như thế, bạo lực được chuyển hóa thành tình yêu và cái chết được chuyển hóa thành sự sống. Vị tử đạo Kitô giáo làm nên cuộc chiến thắng của tình yêu trên lòng thù hận và sự chết”[11].

Với cách giải thích như trên, ngài đã làm mới lại một cách nhìn về việc tử đạo như là hành động của Đức Ái. Và như vậy, chúng ta có thể nói, các thánh tử đạo là những chứng nhân của Đức Ái.

4. Vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo

Ý nghĩa quan trọng nhất của sự tử đạo Kitô giáo là vẻ đẹp tuyệt hảo của tình yêu tự hiến. Vị tử đạo không phải là người tạo ra sự chết, nhưng là người đón nhận cái chết nhân danh lòng Tin-Cậy- Mến. Vị tử đạo không phải là người tự sát, vì các ngài yêu quý hồng ân sự sống của bản thân và tha nhân. Vị tử đạo không phải là siêu nhân muốn lập thành tích anh dũng, vì các ngài luôn sống khiêm hạ trong mắt Chúa. Vị tử đạo chịu đau đớn cách kiên nhẫn mà không bao giờ ước muốn sự dữ và chết chóc cho những kẻ tra tấn mình, những kẻ hành động bởi lòng thù ghét Kitô giáo hay những lý do khác. Vị tử đạo là người biết chuyển hóa nỗi khổ đau chết chóc của thập giá thành hành động yêu thương cứu sống. Đó là vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo.

Mẫu gương cho hành động tử đạo ấy chính là Đức Kitô. Chính Người đã cam chịu những lăng nhục trong thinh lặng, tha thứ cho những kẻ sát nhân (x. Lc 23,34), và hoàn toàn tự do đón nhận cái chết: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Vì Người đến trần gian là để “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Và theo mẫu gương tình yêu tự hiến cứu độ của Người, Giáo hội từ thời sơ khai cho đến ngày nay, luôn có những người nam, nữ dõi bước chân Người để làm chứng cho tình yêu cứu độ của Người.

Chính công đồng Va-ti-ca-nô II đã xác nhận vẻ đẹp trổi vượt của tình yêu tự hiến cứu độ: “Vì Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh chị em (x. 1 Ga 3,16; Ga 15,13). Một số Kitô hữu đã được gọi trong thời sơ khai và sẽ còn được gọi mãi để làm chứng cho tình yêu ấy cách cao cả nhất trước mặt mọi người, nhất là trước mặt những kẻ đang bách hại mình. Vì tử đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới, và được nên đồng hình đồng dạng với Người trong việc đổ máu, nên Giáo hội coi đó là ơn trổi vượt và là sự xác nhận cao quý nhất về đức ái (LG 42).

Vì thế, các thánh tử đạo mặc lấy vẻ đẹp tuyệt hảo. Các ngài nên xinh đẹp vì được kết hợp với tình yêu tự hiến của Đức Kitô và phản chiếu trung thực tình yêu ấy bằng chính mạng sống mình. Cũng chính Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã đưa ra một định nghĩa khác về tử đạo, mang tính tổng hợp cả ba nhân đức đối thần, trong đó Đức Ái được tô điểm như vẻ đẹp rực rỡ của tử đạo Kitô giáo, vẻ đẹp của tình yêu thần linh: “Vị tử đạo là một người hoàn toàn tự do, tự do đối với quyền lực, đối với thế giới; một người tự do dâng hiến trọn mạng sống cho Thiên Chúa qua một hành vi duy nhất và quyết định, và phó thác trong tay Đấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc đời mình trong thái độ Tin, Cậy, Mến tuyệt đỉnh; vị tử đạo hy sinh mạng sống mình để được kết hợp trọn vẹn với Hy tế của Chúa Kitô trên Thập Giá. Tắt một lời, tử đạo là một cử chỉ yêu thương tuyệt hảo đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa”[12].

II. GIÁO HỘI VIỆT NAM MỪNG NĂM THÁNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

Năm Thánh tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là thời gian thuận lợi để chúng ta “nhìn lại quá khứ để tạ ơn Chúa và lắng nghe bài học của lịch sử, nhìn vào hiện tại để nhận diện những thuận lợi và thách đố, nhìn tới tương lai để cùng nhau canh tân đời sống và xây dựng Giáo Hội theo đúng thánh ý Thiên Chúa”[13].

1. Ký ức lịch sử: nhớ

Nói đến lịch sử, chúng ta thường nghĩ ngay đến quá khứ. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có quá khứ của mình. Và chúng ta thấy rõ quá khứ là thành phần quan trọng tạo nên căn tính của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc ở hiện tại và cả tương lai. Vì có quá khứ, nên những thời điểm quan trọng thường được nhớ đến: những niềm hạnh phúc, những nỗi xót xa, những hạnh ngộ, những chia lìa, những được mất... Chúng ta gọi đó là ký ức lịch sử. Ký ức lịch sử giúp mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc hiểu rõ chính mình hơn ở hiện tại.

Cũng vậy, nói về lịch sử Giáo hội Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến Các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Người công giáo Việt Nam rất yêu mến các ngài. Các ngài được tôn kính như một di sản Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái, một căn tính công giáo Việt Nam giữa lòng dân tộc Việt Nam. Nhìn các cộng đoàn công giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại sốt sắng tôn vinh các ngài, chúng ta càng thêm xác tín điều đó.

Thật vậy, làm sao chúng ta không nghĩ tới Các Thánh Tử Đạo Việt Nam với niềm cảm mến sâu xa và sự ngưỡng vọng lớn lao về chứng tá anh dũng của các ngài: yêu Chúa và yêu người đến hiến dâng cả mạng sống. Việc Giáo hội Công giáo Việt Nam tưởng nhớ các ngài là rất cần thiết, vì nếu không, Giáo hội sẽ quên đi quá khứ của mình, và như thế sẽ quên đi cả căn tính công giáo của mình, như thể Giáo hội tự mình mà có, không phải mắc nợ đối với ai, cả với giá máu của các thánh tử đạo. Khả năng vô ơn ở đây đồng nghĩa với việc quên đi những chứng tá Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái, đặc biệt là tình yêu đến cùng của các thánh tử đạo, cũng là chứng tá về tình yêu của Thiên Chúa dành cho Giáo hội tại Việt Nam.

2. Ký ức tâm linh: cử hành

Nếu đời sống mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc gắn liền với quá khứ, đời sống ấy cũng không thể thiếu tương lai. Nói đến tương lai là nói đến những khát vọng, những kiếm tìm, những dự tính, những định hướng, những xây đắp, những điều sẽ xảy đến. Những thành tựu lớn thường khởi sự từ những lý tưởng lớn, mục đích cao cả và định hướng rõ ràng. Mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc nếu không có lý tưởng để sống, không có mục đích để đạt đến, không có động lực để phấn đấu, sẽ không có tương lai. Không có tương lai thì rất khó sống ở hiện tại, thậm chí dễ rơi vào tuyệt vọng.

Có thể nói đời người là một chuyến đi về tương lai. Cho nên người Việt Nam chúng ta gọi là đường đời. Đường đời không phải là một con đường vật lý, không gian, nhưng là nẻo đường tâm linh của một kiếp người. Đó là nẻo đường của những chọn lựa nhân bản, lý tưởng sống, niềm tin tôn giáo... và là nẻo đường để đi và đến.

Người Việt Nam gọi tôn giáo là đạo. Đạo là đường. Chúa Giêsu nói: “Chính Thầy là con đường...” (Ga 14,6). Nên Kitô giáo chúng ta cũng là một nẻo đường tâm linh, nẻo đường đi về với Thiên Chúa là Cha. Đường là để đi và để đến. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng đi và cũng đến. Vì không nhớ đường làm sao đi, không đi làm sao đến? Có khi lên đường đi rồi nhưng chưa chắc đã đến, vì có thể quên đường, lạc đường, lạc địa chỉ... Muốn đến bến bờ tâm linh giả thiết người ta phải biết đường tâm linh, biết cùng đích tâm linh và luôn ghi nhớ trong lòng. Chúng ta gọi đó là ký ức tâm linh. Ký ức tâm linh chính là việc cử hành ở hiện tại đời sống tâm linh của mình.

Đời sống của Giáo hội Việt Nam cũng thế. Mỗi người công giáo Việt Nam cần phải có ký ức tâm linh, phải biết và nhớ nẻo đường tâm linh của đời mình. Chiều kích tâm linh của việc tưởng nhớ bắt nguồn trong chính đức tin Kitô giáo. Vì đức tin được nuôi dưỡng và củng cố qua việc tưởng niệm Đức Kitô chết và phục sinh, nghĩa là việc cử hành Thánh Thể. Chẳng bao giờ có đức tin trong thực tiễn mà không có một cộng đoàn những người tin. Chẳng bao giờ có việc thực hành đức tin mà không có một truyền thống sống động của một cộng đoàn dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm đức tin. Đức tin luôn được truyền thụ qua một cộng đoàn trung gian, luôn được sinh ra từ ký ức sống động của một cộng đoàn giáo hội.

Làm sao chúng ta có thể tin Thiên Chúa mà không ý thức về sự cần thiết của ký ức tâm linh về chứng từ Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái nơi các thánh tử đạo? Làm sao chúng ta có thể sống ký ức tâm linh về các ngài mà không cử hành mầu nhiệm Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái? Tuy nhiên, ký ức tâm linh Kitô giáo không thể được coi như một truyền thống đóng kín của một quá khứ xa xôi. Việc tưởng nhớ Đức Kitô chết và phục sinh là ký ức tâm linh, luôn bao hàm một chương trình sống cho hiện tại và một định hướng cho tương lai mãi đến ngày Chúa lại đến: “Lạy Chúa, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, cho tới khi Chúa đến”.

3. Ký ức luân lý: sống

Quá khứ và tương lai là thành phần của đời sống, nhưng sống phải thực tế, đó là đời sống hiện tại. Dù quá khứ có thế nào, dù tương lai có ra sao, vấn đề của chúng ta là sống hiện tại của đời mình. Chúng ta sống những vấn đề của chúng ta hôm nay, chứ không phải những vấn đề của quá khứ xa xôi của tổ tiên, cũng chẳng phải tương lai mơ hồ của những thế hệ chưa đến. Chúng ta phải sống đời sống mình hôm nay, với những thuận lợi và thách đố.

Nhưng không phải là một hiện tại đoạn tuyệt với quá khứ và dửng dưng với tương lai. Mỗi người chúng ta đều thừa hưởng một di sản bản năng và một di sản văn hóa từ tổ tiên. Di sản bản năng hiểu là chính thân xác chúng ta đây: dòng máu đang lưu chuyển trong cơ thể chúng ta, nụ cười, ánh mắt, giọng nói, dáng đi, trí thông minh, các năng khiếu. Tất cả những thứ ấy đều ghi đậm dấu ấn của tổ tiên, điều mà ngày nay chúng ta gọi là gen di truyền.

Di sản văn hóa hiểu là tất cả những giá trị nhân bản, văn hoá, tinh thần và tâm linh mà chúng ta thừa hưởng: ngôn ngữ, nền giáo dục, lối sống đạo đức, lý tưởng trong cuộc đời, niềm tin tôn giáo... Tất cả những điều đó được truyền thụ cho chúng ta từ tổ tiên bằng con đường giáo dục, qua các thế hệ. Qua các thế hệ, nghĩa là chưa phải chấm dứt với thế hệ mà chúng ta đang sống. Chúng ta còn có trách nhiệm phải truyền thụ di sản ấy cho các thế hệ tương lai.

Việc thực hiện ở hiện tại một việc khởi sự từ quá khứ, nhắm tới thành tựu tương lai, chúng ta gọi là ký ức luân lý. Ký ức luân lý hệ tại ở việc hiểu thấu ý nghĩa của những biến cố quá khứ, một ý nghĩa có thể gợi hứng cho những hành vi hiện tại, nhằm thực hiện những định hướng tương lai của cuộc đời. Đó là một hành vi phân định luân lý.

Khi tưởng nhớ các thánh tử đạo, chúng ta nhắc nhớ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ nhằm khám phá giá trị thường hằng của những sự kiện đó, một giá trị mang lại ý nghĩa cho đời sống Kitô giáo hiện tại và tương lai của chúng ta. Điều cốt yếu đối với ký ức luân lý là làm nổi bật giá trị của những cố gắng luân lý, của các nhân đức đối thần trong khi thực hiện việc tưởng nhớ. Đó là cố gắng nhớ lại những bổn phận đã bị lãng quên hay thiếu sót, sửa chữa những lỗi lầm đối với tiền nhân của chúng ta trong đời sống Tin-Cậy-Mến nếu có, gia tăng việc sống vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo mà tiền nhân để lại.

Hơn nữa, kinh nghiệm đau đớn về sự tàn bạo của quá khứ đòi buộc chúng ta phải nhớ đến những nạn nhân của sự dữ tiềm ẩn, và phải phản kháng theo chiều tích cực, nghĩa là bằng mọi cách có thể loại bỏ đi những sự tàn bạo có thể xảy đến cho con người Việt Nam, cho người công giáo Việt Nam, cho Giáo hội Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam hôm nay. Ký ức về những khổ đau trải qua, những đàn áp phải chịu, những cố gắng trung kiên của các thánh tử đạo phải làm vang lên nơi tâm trí của mỗi chúng ta lời này: chúng ta đừng bao giờ tàn bạo như thế nữa và hãy đối xử với nhau như đồng bào và đồng loại. Chính ở điểm này mà chúng ta nhận ra sự cần thiết của chiều kích hoán cải là rất quan trọng trong Năm Thánh.

III. TÌM MỘT LINH ĐẠO TỬ ĐẠO

Việc hiểu biết ý nghĩa của ký ức với ba chiều kích quá khứ, hiện tại và tương lai của việc mừng Năm Thánh đòi hỏi chúng ta phải trả lời cho ba câu hỏi căn bản: bài học lịch sử nào phải lắng nghe? Hồng ân nào phải tôn vinh và đền đáp? Thuận lợi và thách đố nào phải đối diện để xây dựng Giáo hội Việt Nam hôm nay theo thánh ý Thiên Chúa?

1. Nhớ và quên

Trong hoạt động ký ức của con người, nhớ và quên thường đi đôi với nhau và đôi khi nhập nhằng. Có những điều đáng nhớ và có những điều đáng quên. Có những điều phải nhớ để đừng quên và có những điều phải quên để đừng nhớ. Chẳng hạn, Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái là điều đáng nhớ và nghi nan, thất vọng, thù oán là điều đáng quên; lòng thương xót của Thiên Chúa là điều đáng nhớ và sự dữ là điều đáng quên; ơn tha thứ là điều đáng nhớ và thái độ kết án là điều đáng quên; biết ơn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là điều đáng nhớ và vô ơn với các ngài là điều đáng quên; kiến tạo hòa bình là điều đáng nhớ và gieo rắc hận thù là điều đáng quên; tình tương thân tương ái giữa người Việt Nam với nhau là điều đáng nhớ và lòng ghen tuông là điều đáng quên; lòng hy sinh quảng đại cho tha nhân là điều đáng nhớ và thói ích kỷ chỉ lo cho bản thân là điều đáng quên...

Trong Kinh Thánh, chúng ta cũng đọc được chuỗi dài những “nhớ và quên” trong ký ức Dân Chúa. Chẳng hạn, khi ý thức về quá khứ tội lụy, con người khấn xin Thiên Chúa quên đi lỗi lầm đã qua: “Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm” (Tv 51,11). Nhưng khi cần đến ân sủng cho bước đường hiện tại và tương lai, con người luôn tin tưởng Thiên Chúa sẽ nhớ đến tình yêu thương, lòng thương xót: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1,54).

Thánh Phaolô, trong khi khuyên dạy Dân Chúa cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ Đức Kitô chết và phục sinh (x. 1 Cr 11,17-34), cũng thú nhận ý muốn quên đi quá khứ đời mình để hướng tới tương lai tốt đẹp: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13).

Vì thế, để nhớ và để quên, cần phải có sự phân định. Tình cảm tự nhiên con người thường thích tận hưởng những thuận lợi và tránh né những khó khăn hay thách đố. Nên hoạt động ký ức của con người cũng có chọn lọc: nhớ những gì có lợi và quên những gì không có lợi. Một trong những điều dễ quên là bổn phận hay trách nhiệm, vì chúng luôn là những thách đố. Vì thế, khi tưởng nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cần phải tu luyện “linh đạo nhớ và quên”, để biết nhớ và biết quên, để biết đừng quên những gì cần nhớ và đừng nhớ những gì cần quên.

Ký ức Kitô giáo đích thực về quá khứ sẽ dạy chúng ta nhớ đến di sản đức tin trong khi sống những thách đố hiện tại, và quên đi những gì có thể làm chúng ta xa rời nẻo đường Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô. Tưởng nhớ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam dạy chúng ta nhớ đến nguồn cội và căn tính công giáo của mình giữa lòng dân tộc Việt Nam, và quên đi những lối sống không hợp với người Kitô hữu là những chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa trước tha nhân. Khả năng phân định của việc nhớ và quên trong ký ức mỗi người Kitô hữu sẽ mở ra nhiều định hướng xây dựng đời sống Kitô giáo của chính mình và xây dựng Giáo hội theo thánh ý Thiên Chúa. Đó là trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu Việt Nam hôm nay.

2. Tôn vinh các thánh tử đạo

Người công giáo Việt Nam khắp nơi rất sùng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng ta thường cử hành việc tôn vinh các ngài rất long trọng, như là biểu tượng sức sống đức tin của Giáo hội Việt Nam. Nhưng chúng ta hãnh diện về điều gì khi tôn vinh các ngài? Đâu là hồng ân qua những cực hình tàn bạo, đớn đau và ô nhục trong mắt người đời mà các ngài đã phải cam chịu? Hơn nữa, chúng ta tôn vinh sự “tử đạo” theo nghĩa nào giữa lòng thế giới hôm nay?

Như đã nói ở trên, vẻ đẹp tuyệt hảo của tử đạo trong Kitô giáo là tình yêu, là Đức Ái: yêu Chúa và yêu người. Các thánh tử đạo yêu Chúa “hết lòng, hết sức lực, hết linh hồn và hết trí khôn” và “trên hết mọi sự”, bởi vì các ngài Tin-Cậy-Mến Chúa là chủ tể sự sống và sự chết của các ngài. Và vì tin Chúa là nguồn sự sống, các ngài cũng yêu tha nhân, muốn chia sẻ với anh chị em mình về niềm tin ấy, đến nỗi có thể làm chứng bằng chính mạng sống mình. Các ngài yêu sự sống thật của mình và của tha nhân biết bao, bởi vì các ngài yêu Chúa biết bao!

Chính trong ý nghĩa đó chúng ta phải tu luyện “linh đạo tôn vinh các thánh tử đạo”. Chính trong ý nghĩa đó chúng ta mới có thể cảm nhận được Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là hồng ân vô giá cho Giáo hội Việt Nam, mới lắng nghe cách thích đáng bài học của lịch sử tử đạo, mới cảm nhận được sức mạnh của Tình Yêu Thiên Chúa ấp ủ linh hồn và thân xác của các ngài trong cơn khốn quẫn: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13), nói như thánh Phaolô. Trên hết tất cả, chính Tình Yêu Thiên Chúa được tỏ rạng. Chúng ta tôn vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là tôn vinh tình yêu bất diệt trong trái tim của các ngài, và như thế chính là tôn vinh Tình Yêu Thiên Chúa đối với Dân của Ngài, đối với Giáo hội tại Việt Nam, qua cuộc đời của Các Thánh Tử Đạo.

3. Sống vẻ đẹp của sự tử đạo

Vì vẻ đẹp tuyệt hảo của tử đạo Kitô giáo là Đức Ái, tình yêu tự hiến cho Thiên Chúa và tha nhân, nên sống vẻ đẹp của sự tử đạo chính là sống tình yêu tự hiến ấy.

Hành động tự hiến mạng sống là sự đối lập hoàn toàn với hành động sát nhân. Tự hiến là cứu sống tha nhân, sát nhân là giết chết tha nhân. Kẻ sát nhân, vì sự sống và lợi lộc ích kỷ của bản thân, đã tước đoạt mạng sống của tha nhân. Ngược lại, người tự hiến, vì sự sống và sự thiện hảo của tha nhân, đã hiến dâng chính mạng sống mình. Về mặt luân lý, không ai có quyền bắt người khác phải chịu chết. Mọi hành động sát nhân, cưỡng bức chết chóc dưới bất cứ hình thức nào, đều không hợp đạo lý làm người. Ngược lại, việc tự hiến mạng sống cho tha nhân lại là một hành động tuyệt hảo của đạo lý làm người và làm con Chúa.

Theo quy luật cuộc sống, bạo lực kêu đòi bạo lực, giết chóc kêu đòi giết chóc, và như thế vòng bạo lực và giết chóc sẽ bất tận. Hành động trả thù, lấy bạo lực đáp bạo lực và giết chóc đền giết chóc, biến con người, cả kẻ sát nhân lẫn người báo oán, thành ác nhân. Và như thế, đời sống nhân loại sẽ bị thống trị bởi sự ác.

Theo triết gia công giáo Martin Steffens[14], người đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo đã bẻ gãy vòng bạo lực và giết chóc là chính Chúa Giê-su. Trong cuộc Thương Khó, sự dữ dồn dập tấn công thân thể Người. Tuy nhiên, mỗi roi đòn bạo lực tung ra mà Người phải hứng trọn, lại làm chứng cho tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa muốn bày tỏ cho nhân loại. Bằng việc lấy tình yêu đáp trả cho bạo lực và thù hận, Chúa Giê-su đã tước đi phán quyết chung cuộc của sự ác, và trở thành người đầu tiên đáp trả lại sự ác mà không trở thành ác nhân. Lời chung cuộc giờ đây đã thuộc về Đức Kitô: đó là lời chiến thắng của tình yêu trên lòng thù hận, của sự thiện trên sự ác, của sự thật trên giả trá, của sự sống trên sự chết.

Trong xã hội tôn thờ quyền lợi cá nhân gần như tuyệt đối cũng như lối sống hưởng thụ bất tận, phải chăng sống vẻ đẹp của tình yêu tự hiến Kitô giáo xem ra lạc nhịp? Triết gia khẳng định rằng không. Vì thế giới chỉ tồn tại nhờ vào những hy sinh tế nhị, kín đáo và sâu thẳm mà nhân loại dành cho nhau. Sự tự hiến ấy là nền móng chung trên đó chúng ta đứng vững như đứng trên mặt đất vậy. Và vì đứng trên mặt đất, nên chúng ta ít nhìn mặt đất, nhưng mặt đất luôn tồn tại. Thí dụ, sự tự hiến của một người mẹ mang thai, sinh dưỡng và giáo dục để sự sống của những đứa con được tăng trưởng; sự tự hiến của những nhà khoa học suốt một đời trong phòng thí nghiệm để phát minh những điều hữu ích cho nhân loại; sự tự hiến của ý bác sĩ vì sự sống của bệnh nhân; sự tự hiến của thầy cô giáo vì tri thức của học trò... Tình yêu tự hiến của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam theo mẫu gương Đức Kitô là nền móng chung của đời sống Giáo hội Việt Nam, là vùng trời tình yêu và an bình Kitô giáo, là di sản Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái mà tiền nhân để lại.

Nói đến di sản Kitô giáo, có lẽ Giáo hội Việt Nam còn kém xa các Giáo hội tại Âu châu. Âu châu có vô vàn các vị thánh, rất thánh, rất vĩ đại. Âu châu có vô số những thánh đường nguy nga tráng lệ. Âu châu có cả một di sản văn hóa Kitô giáo, cho dù ngày nay có nhiều người không muốn nhìn nhận. Nhưng các Giáo hội tại Âu châu ngày nay không có được sức sống tâm linh như ước nguyện. Có một sự “đứt đoạn” đời sống Kitô giáo tại Âu châu. Bởi vì đời sống đức tin là di sản tinh thần và văn hoá, chỉ có thể thông truyền qua giáo dục, không phải do di truyền.

Chúng ta hiểu tại sao một trong những bận tâm lớn nhất và được lặp lại thường xuyên của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI là tầm quan trọng và tính khẩn thiết của việc giáo dục đức tin cho các thế hệ trẻ: “Khác với những điều xảy ra trong lãnh vực kỹ thuật hoặc kinh tế, nơi mà những tiến bộ ngày nay có thể cộng thêm vào cho những tiến bộ của quá khứ, một khả năng tích lũy như thế không thể có trong lĩnh vực giáo dục và tăng trưởng đạo đức của con người, bởi vì tự do của con người thì luôn mới mẻ, và vì thế, mỗi người và mỗi thế hệ lại phải tự mình đưa ra những quyết định. Cho dù là những giá trị cao quý nhất của quá khứ cũng không thể được truyền thụ như một gia tài để lại; thực tế, chúng phải được biến thành của chính chúng ta và được đổi mới qua một chọn lựa cá nhân thường rất nhọc nhằn.”[15]

Làm sao người công giáo Việt Nam hôm nay có thể biết ơn, sống và làm chứng cho Đức Kitô theo gương yêu thương của các tiền nhân, nếu chưa hiểu biết đầy đủ ý nghĩa và vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo? Làm sao người công giáo Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, có thể hiểu được ý nghĩa và vẻ đẹp của tử đạo Kitô giáo nếu không được giáo dục? Và làm sao giáo dục nếu chúng ta chưa rõ nội dung phải truyền thụ?

“Linh đạo sống vẻ đẹp của tử đạo” trong Kitô giáo phải soi sáng cho đời sống đức tin hiện tại của chúng ta với những thuận lợi và thách đố. Những thuận lợi và thách đố thì muôn mặt, nó hiện hữu từ trong lòng Giáo hội cũng như từ bên ngoài. Vấn đề là làm thế nào để đối diện với những thuận lợi và thách đố trong đời sống đức tin hôm nay. Bởi vì những thuận lợi thì không khó tận dụng, nhưng những thách đố thì không dễ tìm ra giải pháp. Và dĩ nhiên, việc giáo dục luôn là giải pháp cần thiết. Chúng ta thử đề nghị một số nội dung:

- Giáo dục văn hóa Tin-Cậy-Mến để biết rời xa thái độ vô tín, vô vọng, vô tâm;

- Giáo dục văn hóa sự sống để biết rời xa những hành vi gây ra chết chóc;

- Giáo dục văn hóa kính trọng phẩm giá mọi người để biết rời xa thái độ kỳ thị chủng tộc;

- Giáo dục văn hóa hy sinh cho tha nhân để biết rời xa lối sống ích kỷ cho bản thân;

- Giáo dục văn hóa hành thiện để biết rời xa lối sống gian tà;

- Giáo dục văn hóa đối thoại chân thành để biết rời xa mọi hình thức đối kháng cực đoan;

- Giáo dục văn hóa hòa bình để biết rời xa mọi hành xử bạo lực;

- Giáo dục văn hóa gặp gỡ thân tình để biết rời xa thái độ vứt bỏ nhẫn tâm;

- Giáo dục văn hóa tự do tôn giáo để biết rời xa mọi hình thức cưỡng bức mang tính ý thức hệ...

TẠM KẾT

Những suy tư trên đã giúp chúng ta hiểu ba nhân đức đối thần - Đức Tin, Đức Cậy và Đức Ái - như kim chỉ nam cho cuộc đời của các thánh tử đạo trong suốt dòng lịch sử Giáo hội, và mãi là kim chỉ nam cho đời sống Kitô hữu hôm nay. Và vì Đức Ái là nét đẹp tuyệt hảo của hành động tử đạo trong Kitô giáo, chúng ta cũng hiểu Đức Ái là vẻ đẹp tuyệt hảo của đời sống Kitô hữu giữa lòng thế giới hôm nay.

Một lần nữa, chúng ta lắng nghe lời ngỏ của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI: “Tình yêu là ánh sáng, thực tế là ánh sáng duy nhất, không ngừng chiếu sáng thế giới đang trong bóng đêm, và ban tặng chúng ta lòng can đảm để sống và hành động. Tình yêu là điều có thể, và chúng ta đang cố gắng thực hành yêu thương, vì chúng ta vốn được dựng nên giống hình ảnh Chúa. Hãy sống yêu thương, và nhờ yêu thương, làm cho ánh sáng của Thiên Chúa tỏa rạng nơi trần gian”[16].

Khám phá lại vẻ đẹp của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam giữa lòng truyền thống đức tin sống động của dân Chúa, chúng ta như nghe được lời gọi: “Hãy sống xứng đáng với các bậc cha ông mà chúng ta đang thừa hưởng công đức của các ngài, và hãy nghĩ đến các thế hệ con cháu mà chúng ta đang chuẩn bị tương lai cho chúng”.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 107 (Tháng 7 & 8 năm 2018)

 

[1] HĐGMVN, Thư công bố Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày tuyên phong hiển thánh của 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam (1988 - 2018).

[2] X. ĐGH. Phan-xi-cô, Thông điệp Lumen fidei, số 7.

[3] ĐGH. Phan-xi-cô, Thông điệp Lumen fidei, số 56.

[4] ĐGH. Bê-nê-đic-tô XVI, Thông điệp Spe salvi, số 1.

[5] Ibid., số 39.

[6] Ibid., số 32.

[7] Ibid., số 32.

[8] Ibid., số 37.

[9] ĐGH. Bê-nê-đic-tô XVI, Angelus ngày 26 tháng 12 năm 2007.

[10] X. ĐGH. Bê-nê-đic-tô XVI, Audience ngày 13 tháng 8 năm 2008.

[11] ĐGH. Bê-nê-đic-tô XVI, Angelus ngày 26 tháng 12 năm 2007.

[12] ĐGH. Bê-nê-đic-tô XVI, Audience ngày 11 tháng 8 năm 2010.

[13] HĐGMVN, Thư gửi cộng đồng Dân Chúa công bố Năm Thánh 2010, số 1.

[14] X. https://fr.zenit.org/articles/sacrifice-darnaud-beltrame-reflexion-de-martin- steffens-sur-vatican-news/

[15] ĐGH Bê-nê-đic-tô XVI, Thư gởi cho giáo phận Rôma về bổn phận khẩn cấp phải giáo dục các thế hệ trẻ, ngày 21 tháng 1 năm 2008.

[16] ĐGH Biển Đức XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 39.

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

(Nguồn: WHĐ)